PHẤN HƯNG LÀ GÌ – VÀ ĐIỀU ĐANG DIỄN RA TẠI ASBURY CÓ PHẢI LÀ PHẤN HƯNG?
“Em tưởng anh đã cầu nguyện cho phấn hưng mà. Anh đang làm gì ở dưới đó vậy?”
Với những lời đó, vợ tôi gọi tôi từ tầng hầm vào tối thứ Tư tuần trước, nơi tôi đang viết một cuốn sách rất dài và không nắm bắt hết những gì đang diễn ra trong khuôn viên trường Đại học Asbury. Tôi giảng dạy tại Chủng viện Asbury ngay bên cạnh. Và nếu theo dõi tin tức, bạn sẽ biết rằng mọi người đã đổ xô đến trường đại học ấy —và bây giờ đến cả chủng viện nữa —để chứng kiến và trải nghiệm điều mà một số người gọi là sự phấn hưng.
Sau khi vợ tôi nhắc nhở, vợ chồng tôi nhanh chóng đi đến phía sau Thính phòng Hughes của đại học Asbury để cầu nguyện. Buổi thờ phượng bắt đầu vào sáng hôm đó không hề dừng lại cũng như không suy giảm. Vào thứ bảy, chúng tôi tìm được chỗ ngồi ở ban công. Khán phòng 1.489 chỗ ngồi của trường đại học đã chật cứng.
Vào Chủ nhật, tinh thần thờ phượng còn sâu sắc hơn, và tôi cảm nhận rõ ràng hơn về sự thánh khiết đáng kính sợ của Đức Chúa Trời.
Đến thứ Ba, ngày 14 tháng 2, hàng dài người chờ đợi bên ngoài khán phòng, nơi có phát loa để nghe thấy tiếng nhạc. Khi tôi dạy xong lớp học buổi tối tại chủng viện, đám đông tràn vào đã lấp đầy Nhà nguyện Estes của chủng viện, có 660 chỗ ngồi, phòng nguyện McKenna, có 375 chỗ ngồi, và lan sang tòa nhà chung của các hội thánh United Methodist và Vineyard địa phương. (Tôi được được biết là việc này đã bắt đầu từ đêm hôm trước.)
Một số tiếng nói trên mạng xã hội đang tranh luận sôi nổi về việc có nên gọi đây là sự phấn hưng hay không. Vì phấn hưng là một thuật ngữ không có trong Kinh Thánh, nên suy nghĩ của tôi là: “Chúng ta gọi nó là gì đâu có hệ trọng? Hãy vui mừng vì những gì Chúa đang làm!”
Các sự kiện được gắn nhãn phấn hưng trong vài thế kỷ qua trông khác nhau—có than khóc lẫn rất đỗi vui mừng, có cải đạo đám đông lẫn sai phái hàng loạt giáo sỹ, dẫn đến nhiều người cải đạo hơn nữa.
Những người theo thần học Calvin đã thống trị cuộc Thức Tỉnh vĩ đại lần thứ nhất, Sự phấn hưng tại Hebrides và Sự phấn hưng tại Tây Timor. Những người phái Wesleyan đã thống trị Cuộc đại thức tỉnh lần thứ hai, cuộc phấn hưng tại phố Azusa, và cuộc phấn hưng Asbury năm 1950 và 1970. Các nhân chứng từ cuộc phấn hưng Tây Timor đã thuật lại âm thanh giống như tiếng gió thổi ào ào. Các nhân chứng từ cuộc phấn hưng tại trại trẻ mồ côi ở Pandita Ramabai, Ấn Độ, đã nói về những lưỡi lửa. Có những dấu hiệu kỳ diệu đi kèm với việc truyền giáo trong cuộc phấn hưng ở Sơn Đông.
Tại sao một Đức Chúa Trời vô hạn cần phải phù hợp với những cái hộp của chúng ta chứ?
Những gì chúng ta thấy trong sách Công Vụ là sự tuôn đổ Thánh Linh (về cách diễn đạt này, xin xem Công Vụ 2:17-18; 10:45, nhưng các thuật ngữ khác, như Thánh Linh giáng trên hoặc đầy dẫy con người, cũng được sử dụng).
Trong Công Vụ 2:17-18, Phi-e-rơ mô tả kinh nghiệm mới của họ về Thánh Linh là sự ban ơn tiên tri để phát ngôn cho Đức Chúa Trời. Trong 4:31, Đức Chúa Trời đổ đầy Thánh Linh của Ngài cho những người cầu xin sự dạn dĩ để tiếp tục phát ngôn cho Ngài. Những kinh nghiệm tập thể khác xuất hiện trong 10:44, 13:52 và 19:6—không phải để thỏa mãn trí tò mò đơn thuần về lịch sử của chúng ta, mà để kích thích sự đói khát của chúng ta.
Một đặc điểm mà Lu-ca thuật lại liên quan đến hai lần ban cho đầu tiên là sự quan tâm đến người nghèo thiếu (2:44-45; 4:32-35). Quan sát này cho thấy những sự tuôn đổ này không chỉ đơn giản liên quan đến trải nghiệm cảm xúc ban đầu (mặc dù một số người đã trải qua—xem 2:13!) mà còn có tác động sâu xa, lâu dài trong cách những người theo Chúa Giê-su đối xử với nhau, liên quan đến điều mà Phao-lô gọi là “trái” của Thánh Linh.
Trong cuộc Đại Tỉnh Thức Lần Thứ Nhất, Jonathan Edwards đã ghi lại những sự hiện thấy và “những biểu hiện” như ngã xuống đất và khóc lóc. Ông cũng lưu ý rằng, trong khi một số biểu hiện là phản ứng của con người đối với công việc của Đức Thánh Linh, thì một số biểu hiện lại là sự bắt chước hoặc tệ hơn. Ông chỉ ra rằng kết quả lâu dài của phấn hưng là về cách sống của chúng ta.
Một tuần sau những gì đang xảy ra ở Asbury còn là quá sớm để nói về những bông trái lâu dài. Mặc dù vậy, nếu hiện tượng diễn ra gần đây phù hợp với mô hình của các cuộc phục hưng Asbury trước đây, thì chúng ta có thể mong đợi một thế hệ những con gặt sẽ được dấy lên cho mùa gặt. Một số cuộc phấn hưng được ghi nhận trên đây kéo dài vài năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ. Sự thờ phượng liên tục tại các cuộc phấn hưng Asbury trước đó đôi khi chỉ kéo dài một hoặc hai tuần, nhưng kéo theo những ảnh hưởng sâu sắc phù hợp với khuôn mẫu trong lịch sử các cuộc phấn hưng trong khuôn viên trường đại học ở Hoa Kỳ.
Chúng ta có lịch sử rất rộng. Đến năm 1823, hầu hết các trường đại học và hệ phái tại Hoa Kỳ dành một ngày cầu nguyện cho các trường học. Truyền thống này đã biến mất trong phần lớn thế kỷ XX. Nhưng năm nay, một ngày cầu nguyện chung cho các trường đại học đã được lên kế hoạch vào ngày 23 tháng 2, có Francis Chan hướng dẫn một chương trình phát sóng mô phỏng. Cơ sở đăng cai tổ chức Ngày Cầu Nguyện cho các trường đại học này, để vinh danh Sự phục hưng Asbury năm 1970, là Đại học Asbury.
Ca đoàn không nghĩ tới điều này vào ngày 8 tháng 2 vì họ chỉ tiếp tục thờ phượng Chúa thôi. Nhưng ít nhất có một số người trong chúng ta đoán rằng đó là sự quan phòng của Chúa.
Những gì đang xảy ra ở Asbury bắt đầu một cách tự nhiên và bất ngờ. Nhưng tự phát không có nghĩa là thiếu sự chuẩn bị. Anna Gulick, một giáo sư người Pháp tại trường đại học trong cuộc phấn hưng năm 1970, nói rằng nhiều sinh viên đã bắt đầu cầu nguyện với nhau trước khi những tiếng khóc ăn năn vang lên trong nhà nguyện. Tương tự như vậy, những người trong cộng đồng Asbury đã cầu nguyện trong nhiều thập kỷ qua xin Chúa khiến trường của họ được sẵn sàng.
Có liên hệ với sự cầu nguyện là một đặc điểm chung (mặc dù không phổ quát) của cả kinh nghiệm tập thể và cá nhân về Thánh Linh trong sách Công Vụ (xem Công Vụ 1:14; 4:31; 8:15; 9:17). Khi tôi dạy về chủ đề này trong sách Công vụ, trước tiên tôi nhấn mạnh lời hứa của Chúa Giê-su trong tập đầu mà Lu-ca đã viết rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp lời cầu nguyện cho công việc của Thánh Linh Ngài (Lu-ca 11:13).
Một số tân chủng sinh trong những năm qua đã chia sẻ rằng Chúa đã cho họ thấy sự phục hưng sắp đến. Zach Meerkreebs, người đã giảng trong buổi thờ phượng đầu tiên không ngừng nghỉ ở nhà nguyện (hôm 8/2), đã nói rằng anh ấy cảm thấy điều gì đó tương tự sẽ xảy ra cách đây một năm.
Tôi muốn ủng hộ những kỳ vọng này. Nhưng nhiều năm trôi qua, tôi tự hỏi liệu có một sự tuôn đổ Thánh Linh xảy ra ở mức độ đáng kể trong khi tôi còn ở đây không.
Tuy nhiên, những người khác, chẳng hạn như học giả khách mời Hong Leow, vẫn rất cương quyết và bền bỉ. Hong Leow đã cầu nguyện và kiêng ăn trong thời gian dài đến nỗi tôi ngày càng lo lắng cho sức khỏe của anh ấy. Tuần trước, anh ấy đã bay trở lại để chứng kiến thành quả của những lời cầu nguyện của mình.
Khán phòng Hughes lúc này giống như một thánh địa. Nhưng trong Kinh thánh, dân của Đức Chúa Trời là đền thờ của Ngài. Dù có thể có những địa danh khác có thể đặc biệt đối với chúng ta trong một số khía cạnh nào đó, chính thântheer chúng ta mới là nơi thiêng liêng nhất của Ngài và chúng ta không nhất thiết phải ở gần khuôn viên trường để chào đón và tôn vinh sự hiện diện của Chúa.
Khi lần đầu tiên đến thăm Chủng viện Asbury để phỏng vấn cho một vị trí vào cuối năm 2010, tôi đã lén nhìn vào khán phòng trống của trường đại học. Mắt tôi dừng lại ở dòng chữ được khắc nổi không thể che khuất trên bức tường cao phía sau của khán phòng, “Thánh thay là CHÚA!” Vào lúc đó, tôi cảm thấy một làn sóng Thánh Linh, giống như một vết tích đặc biệt nào đó còn sót lại từ những lần tuôn đổ trước đó. Nhưng mặc dù các khán phòng hiện đang được lấp đầy, nhưng vấn đề không phải ở địa điểm. Vấn đề là sự thánh khiết cho Chúa.
Bất kỳ độc giả nào của tờ Roys Report, Christianity Today, hoặc thậm chí các phương tiện truyền thông thế tục đều biết rằng rất nhiều điều diễn ra dưới danh nghĩa Cơ đốc giáo không phải là Cơ đốc giáo. Điều này cũng đúng trong lịch sử của các cuộc phấn hưng. Chúa là Chúa, nhưng con người vẫn là con người. Hành vi độc đáo của một thế hệ trong thời kỳ phấn hưng nào đó có thể trở thành truyền thống của thế hệ kế tiếp—và thành chủ nghĩa luật pháp của thế hệ sau đó. Một số tuyên bố về sự phấn hưng là nỗ lực khuấy động cảm xúc hoặc tạo ra sự cường điệu. Và những người muốn danh tiếng cho mình thường chiếm đoạt các phong trào mà Chúa khởi xướng giữa những người hèn mọn.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi có những mối đe dọa đối với tính toàn vẹn của những gì đang xảy ra tại Asbury. Một số người có thể đến để quảng cáo rầm rộ hoặc để tìm kiếm sự chú ý cho bản thân, mặc dù hy vọng rằng họ sẽ rời đi với điều gì đó khác thế.
Các nhà quản lý, nhân viên mục vụ trong khuôn viên trường và các lãnh đạo sinh viên đã phải làm việc ngoài giờ, đôi khi thiếu ngủ, để cố gắng bảo vệ tính toàn vẹn và trọng tâm của phong trào. Các lãnh đạo trường không muốn tập trung vào họ hoặc về Asbury. Khi hiệu trưởng Kevin Brown phát biểu trước hội nghị vào tối thứ Bảy, ông mở đầu cho những lời bình luận xác đáng của mình bằng cách cho thấy rằng ông gần như sợ phát biểu, vì sợ rằng sẽ làm gián đoạn sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đang vận hành giữa các sinh viên.
Và đó là tâm thế đúng đắn vì đây không phải là về chúng ta, mà là về Ngài và sự thánh khiết của Ngài. Chỉ một mình Ngài xứng đáng được tôn vinh. Ngài đã làm cho sự hiện diện của Ngài trở nên cảm nhận được. Và trước sự hiện diện của Ngài, không xác thịt nào có thể khoe khoang.
Tác giả: Tiến sĩ Craig S. Keener là Giáo sư Nghiên cứu Kinh thánh tại Chủng viện Thần học Asbury ở Wilmore, Kentucky. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách bao gồm Phép lạ ngày nay: Công việc siêu nhiên của Chúa trong thế giới hiện đại (2021, Học viện Baker).
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
Ghi chú: Bài viết này đượ viết vào ngày 16/2/2023, 8 ngày sau buổi nhóm đầu tiên trong đợt tuôn đổ tại đại học Asbury. Hiện tại buổi thờ phượng đó tiếp tục bước sang ngày thứ 13.
Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc