CHO ĂN QUÁ NHIỀU, THÁCH THỨC QUÁ ÍT!
Một sứ điệp cần chiến đấu để giành được ý chí của người nghe. Bài phỏng vấn với Jay Kesler, tác giả, diễn giả, tuyên uý đại học Taylor.
PreachingToday.com: Theo ông, vì sao cần thách thức người nghe?
Jay Kesler: Giảng khác dạy ở chỗ nó kêu gọi sự cam kết và cố gắng kéo người nghe đến điểm hành động.
Tôi đã đọc ở đâu đó về hai người giảng đạo. Khi người này giảng, người ta ngả người ra sau và nói, “Hay quá! ” Còn khi người kia giảng, người ta nói, “Chúng ta lên đường thôi!” Với tôi, rao giảng là một lời kêu gọi nhắm tới ý chí.
Nhiều năm trước, Billy Graham đã nói nếu chỉ giảng mà không kêu gọi, ông không cảm thấy mất năng lượng. Nhưng nếu giảng và đưa ra lời kêu gọi, thì ông ấy cảm thấy kiệt sức sau đó. Giảng hướng tới sự dấn thân đòi hỏi cao hơn nhiều. Rõ ràng là người giảng nào cũng có những lúc chỉ giảng mà không đưa ra lời kêu gọi, nhưng trận chiến thuộc linh diễn ra ở cấp độ cao hơn khi bạn kêu gọi người ta thay đổi đối tượng của lòng trung thành của họ.
Có người đã nói, “Người ta không nổi loạn chống lại ý tưởng về Chúa; người ta nổi loạn chống lại ý muốn của Chúa.”
Hãy kể về lần ông đã bị một bài giảng thách thức?
Chúng ta không phải được tạo nên chỉ để làm việc; chúng ta được tạo nên để làm người. Giúp ai đó trở thành con người đích thực mới là thách thức thực sự.
Có một bài giảng quan trọng đã dẫn đến việc tôi được kêu gọi vào thánh chức. Lúc ấy tôi đã là một Cơ đốc nhân. Tôi cảm thấy được thôi thúc đem phúc âm đến với những người khác, nhưng bố tôi, một thủ lĩnh của phong trào lao động, và có xu hướng chống hội thánh, chống Cơ đốc giáo, nhưng đặc biệt chống lại những nhà giảng đạo. Khi cảm thấy được kêu gọi trở thành người giảng đạo, trong tôi có sự tranh chiến vì phải đối mặt với cuộc tranh giành giữa bố tôi và Đức Chúa Trời.
Tôi đã đến nghe một nhà truyền giảng lều trại tên là Pete Riggs. Chủ đề của chiến dịch của anh ấy là “Hãy buông tay ra và để Chúa nắm lấy.” Tôi còn nhớ sự lôi cuốn không cưỡng lại được của Đức Thánh Linh để đi theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời.
Tôi tiến về phía trước và được vây quanh bởi những người biết tôi, là những người giúp tôi đóng đinh xác thịt. Đêm đó, một trong các mục sư đã đưa cho tôi câu nói này của sứ đồ Phao-lô: “Ví bằng tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin Lành, thì khốn khó cho tôi thay.” Tôi đã nhận thức điều này trong suốt cuộc đời mình— khốn khó cho tôi thay nếu tôi không rao giảng Tin Lành!
Khi nào thì ông cảm thấy ít được thách thức nhất?
Sống trong môi trường giáo dục đại học trong 18 năm qua, tôi thấy hầu như mọi cuộc họp tôi tham dự đều thiếu sự thách thức thực sự, bởi vì nhiều nhà giáo dục không biết lý do tại sao cần có họ. Giáo dục ngày nay mang tính thực dụng quá. Chúng ta rời cuộc họp với suy nghĩ rằng mình đang cống hiến cuộc đời mình để chuẩn bị lực lượng lao động cho thế kỷ 21. Nhưng thực ra nhiều nhà giáo dục chỉ nghĩ đến khía cạnh vật chất và thăng tiến.
Với tôi, như thế là rất thiếu thách thức. Chúng ta không phải được tạo nên chỉ để làm việc; chúng ta được tạo nên để làm người. Thách thức thật sự là giúp ai đó trở con người đích thực.
Những thử thách quý báu quay lại với thực tế là con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Toàn bộ mục đích trong cuộc sống đều gắn liền với điều ấy. Bất cứ điều gì khiến con người trở nên kém hơn thế – chẳng hạn coi con người chỉ như một phương tiện để đạt được mục đích – tôi thấy đều không xứng đáng.
Thiếu thách thức tác động thế nào trên một hội chúng?
Có nguy cơ rất lớn là hội chúng bị chủng ngừa. Giống như một chút bệnh đậu mùa sẽ giúp người ta không mắc bệnh đậu mùa về sau, thì một chút Tin Lành cũng sẽ khiến người ta không nhiễm đức tin. Hình như Tozer đã nói, “bài giảng nhỏ mọn tạo ra những Cơ đốc nhân nhỏ mọn.” (Sermonettes make Christianettes).
Trình bày lẽ thật mà không dẫn đến việc người nghe hiểu rằng họ cần hành động hoặc cam kết có thể gây tác động như tiêm chủng. Đây là lý do tại sao nhiều người theo đạo gốc lại không phải là người Tin lành, và tại sao nhiều người Tin lành lại không chịu truyền giảng Tin lành.
Rao giảng phúc âm một cách trung thành sẽ dẫn đến mong muốn truyền giảng, tiếp cận cộng đồng và truyền giáo. Nó có cả chiều dọc của ơn cứu rỗi và chiều ngang xã hội của bác ái thực tiễn.
Trong một môi trường mà người ta cứ ngồi tại cơ sở hơn là đứng trên những lời hứa thì thường có điều gì đó không ổn với mục vụ giảng đạo. Điều này bắt đầu từ người mục sư. Điều dễ dàng nhất trong công tác truyền giáo là đi xuống—đến với những người ít học, đến với giới trẻ, đến với những người cần nương tựa, đến với những người nghèo khổ—nhưng trừ khi mục sư cũng đang tiếp cận với những người ngang tầm với mình— chẳng hạn các nhà lãnh đạo cộng đồng, v.v.—ông ta sẽ không bao giờ doạ dẫm đủ để khiến người ta tự truyền giáo. Ông ấy phải dẫn đầu bằng cách làm gương.
Việc thách thức người nghe có bao giờ bị quá nhiều không?
Một cậu bé trong trại kỳ trại giới trẻ Youth for Christ có lần hỏi tôi, “Chú cầu nguyện cho mục sư của chúng cháu được không ạ?”
Tôi thận trọng với yêu cầu dạng này, tự hỏi điều gì đang thúc đẩy sự chỉ trích hay “mối bận tâm” ấy đối với một mục sư. Tôi hỏi, “Cháu muốn cầu nguyện gì cho mục sư của cháu?”
Cậu ta nói, “Mỗi Chủ nhật sau khi ông ấy giảng, chúng cháu hát ba hoặc bốn bài thánh ca kêu gọi, và có vẻ như ông ấy vẫn chưa vui nên cứ tiếp tục kêu gọi, cho đến khi chúng cháu phát ngượng chỉ biết nhìn xuống chân của mình, mọi người ở đó cảm thấy như co rúm lại thành một đống bùn. Cháu không hiểu điều đó.”
“Cháu muốn cầu nguyện điều gì?”
Cậu ta nói, “Xin cầu nguyện để mục sư của cháu cảm thấy đã được tha thứ.”
Cậu bé ấy đã thuyết phục tôi. Cậu bé ấy đã hiểu rất sâu. Vị mục sư của cậu đang cố gắng xua đuổi cảm giác tội lỗi của bản thân qua cách tẩy rửa đi ngược với sự hiểu biết về ân điển.
Gilbert Beers nói, “Đến Môi-se khi đưa con cái Y-sơ-ra-ên từ Ai Cập đến Đất Hứa cũng phải di chuyển với tốc độ của con chiên nhỏ nhất.” Các mục sư cần phải cảm nhận được khi người ta bị quá tải.
Có một số người bạn phải cản và nói: “Anh cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tôi biết cuối tuần này hội thánh có hoạt động, nhưng tôi nghĩ bạn không nên đến. Anh cần phải đưa con mình đi câu cá.” Người giảng đạo cần biết hội chúng của mình đủ để biết người nào cần được thách thức và người nào nào cần nghỉ ngơi.
Có vấn đề cốt lõi nào khác trong lòng của một giảng đạo khôn ngoan và biết thách thức không?
Nghe có vẻ ngớ ngẩn với một số người, nhưng với tư cách là chủ tịch của trường đại học Taylor, tôi đã từng lái xe vòng quanh khuôn viên trường, giống như Giô-suê quanh tường thành Giê-ri-cô, và tôi cầu nguyện, “Lạy Chúa, đây là khuôn viên của trường. Con cầu xin Ngài hãy làm điều gì đó. Con cần Ngài.” Không có mục sư nào có thể thách thức người ta một cách hiệu quả hoặc đưa người ta đến với Đức Chúa Trời nếu không nhờ quyền năng của lời cầu nguyện.
Jay Kesler
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
Sách Nghệ Thuật Và Kỹ Năng Giảng Kinh Thánh (The Art And Craft Of Biblical Preaching)
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!