7 LÝ DO CÁC TÍN HỮU CHỈ TRÍCH MỤC SƯ
Đã phục vụ trong hội thánh là phải chấp nhận bị chỉ trích. Tôi tin rằng chẳng có mục sư hoặc nhà lãnh đạo nào thích chuyện đó. Nhưng chúng ta phải đối phó với sự chỉ trích theo cách làm sáng danh Đức Chúa Trời. Một cách để được như vậy là hiểu tại sao người ta lại chỉ trích chúng ta. Tôi liệt kê dưới đây danh sách bảy lý do mà tôi tin tại sao người trong hội thánh chỉ trích các mục sư, cùng với cách phản hồi gợi ý cho từng trường hợp.
Tại sao tín hữu chỉ trích các mục sư?
1. Họ thiếu sự trưởng thành thuộc linh.
Một số người chỉ trích các mục sư vì họ nghĩ đó là một phần trong bản mô tả công việc của Cơ đốc nhân. Họ cho rằng: “Các mục sư cần tránh kiêu ngạo và vài lời chỉ trích lành mạnh có thể giúp họ khiêm tốn”.
• Cách đáp ứng: Đừng ngạc nhiên khi bạn bị chỉ trích. Hãy đảm bảo rằng hội thánh của bạn có một chiến lược đào tạo thuộc linh có chủ đích để giúp tín hữu suy nghĩ và hành động theo Kinh thánh hơn.
2. Họ cảm thấy đang đánh mất Hội thánh mà họ từng biết.
Càng già đi, chúng ta càng phải đối phó với những hậu quả không thể tránh khỏi của quá trình lão hóa, làm chậm chức năng nhận thức, giảm tính linh hoạt và khả năng phục hồi. Những người cao niên trong hội thánh của bạn có thể cảm thấy rằng những thay đổi mà bạn mang lại đang lấy đi hội thánh mà họ vốn quen thuộc. Bạn đoán được gì không? Trừ khi chúng ta rất tỉnh táo, nếu không khi già đi, có lẽ chúng ta cũng sẽ cảm thấy như vậy.
• Cách đáp ứng: Hãy nhã nhặn lắng nghe người cao tuổi và tìm cách đồng cảm với họ bằng cách đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Cố gắng nhìn vào những lo lắng của họ từ quan điểm của họ.
3. Họ không cảm thấy có tiếng nói.
Một số người trong hội thánh có thể cảm thấy rằng ý kiến của họ không quan trọng và vì vậy họ chỉ trích các mục sư để tiếng nói của họ được lắng nghe.
• Cách phản hồi: Tạo cơ hội để mọi người có thể đóng góp ý kiến. Tôi đã nghe Patrick Lencioni, tác giả và bậc thầy về lãnh đạo, thường nói rằng mọi người sẽ ủng hộ bạn nếu họ cảm thấy rằng họ thực sự được lắng nghe.
4. Họ không đối phó tốt với sự thay đổi.
Một số người bẩm sinh đã khó thay đổi hơn những người khác. Bộ não của họ được kết nối theo cách đó. Mạch sợ hãi của họ dễ dàng bị kích hoạt bởi sự không chắc chắn mà thay đổi thì mang lại sự không chắc chắn.
• Cách phản hồi: Nhận ra sự thật này sẽ giúp bạn có lòng khoan dung hơn và hiểu được lý do tại sao một số người có xu hướng chỉ trích nhiều hơn những người khác. Một lần nữa, sự đồng cảm sẽ giúp những người này cảm thấy thoải mái hơn với sự thay đổi và ít chỉ trích hơn.
5. Họ cần tìm một cái gì đó hoặc một ai đó để trút bỏ những tổn thương do những vấn đề khác trong cuộc sống gây ra.
Một số người trong hội thánh của bạn bộc lộ những tổn thương cá nhân thông qua những lời chỉ trích. Những lời chỉ trích giúp xoa dịu cơn tức giận của họ, ít nhất là trong thời gian ngắn.
• Cách phản hồi: Mặc dù thực tế này không dễ chịu, nhưng là sự thật. Một cố vấn khôn ngoan đã từng nói, “Quá khứ không phải là quá khứ nếu nó chưa được xử lý.” Nhiều người trong hội thánh của bạn vẫn mang nặng mặc cảm tội lỗi và sự tức giận có thể dễ dàng tràn sang bạn qua những lời chỉ trích. Tôi đề nghị nên cầu nguyện để đáp lại loại chỉ trích này.
Lời cầu nguyện có thể phù hợp với cho mọi cách phản hồi cho tất cả các trường hợp mà tôi đã liệt kê, nhưng nó đặc biệt phù hợp trong trường hợp này. Nếu bạn cảm thấy rằng những người khác đang trút nỗi đau của họ lên bạn thông qua những lời chỉ trích, hãy cầu xin Chúa chữa lành vết thương của họ và giải phóng sự không tha thứ, cay đắng và đau đớn của họ.
6. Họ thực sự là những kẻ độc ác muốn thấy bạn sụp đổ.
• Cách phản hồi: Mặc dù tôi tin rằng những người chỉ trích loại này rất ít, nhưng vẫn có. Nếu bạn phải đối mặt với loại người này trong hội thánh của mình, hãy hành động táo bạo. Thư Tít 3:10 (Bản dịch NIV) ra lệnh cho chúng ta phải cảnh cáo người gây chia rẽ một lần và rồi không liên quan gì đến họ nữa. Thỉnh thoảng, những trường hợp cực đoan buộc bạn phải áp dụng kỷ luật hội thánh.
7. Họ có lý.
Đôi khi những lời chỉ trích là hợp lệ và bạn cần nghe nó.
• Cách phản hồi: Hãy lắng nghe và lưu tâm. Khi lời chỉ trích phản ánh một vấn đề xác đáng, hãy rút kinh nghiệm và điều chỉnh cách thích hợp trong đời sống hoặc mục vụ của bạn. Châm ngôn 27:6 nói: “Bạn hữu làm cho thương tích, ấy bởi lòng thành tín.”
Phê bình không bao giờ dễ chịu, nhưng đôi khi cần thiết.
Tác giả: Tiến Sỹ Charles Stone – là mục sư trưởng hội thánh West Park ở Ca-na-đa
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba rúc
Quan điểm của tác giả bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!