CHƯƠNG 2 – Một Định Nghĩa Về Giảng Kinh Thánh
Tôi có ý định đưa ra một định nghĩa về việc giảng giải kinh (biblical exposition) và trình bày lý do cho định nghĩa đó. Với tôi, dường như hai nhiệm vụ này đi đôi với nhau, bởi vì sự giải nghĩa Kinh Thánh được tìm thấy trong định nghĩa của nó. Sau đây là định nghĩa: Giảng giải kinh là khai mở bản văn được thần cảm cách trung thực và nhạy cảm, để dân sự nghe được tiếng nói của Đức Chúa và vâng lời Ngài.
Bây giờ tôi sẽ rút ra những hàm ý của định nghĩa này bằng cách trình bày lý do cho việc giảng giải kinh. Định nghĩa này bao gồm sáu hàm ý, hai xác tín về bản văn Kinh thánh, hai nghĩa vụ trong việc giải nghĩa Kinh Thánh, và hai kỳ vọng phát sinh ra từ đó.
Hai xác tín về bản văn Kinh Thánh
(1) Kinh Thánh là một bản văn được soi dẫn. Giảng giải kinh là mở ra bản văn được soi dẫn. Sự mặc khải và sự soi dẫn đi đôi với nhau. Sự mặc khải mô tả ý tưởng Đức Chúa Trời đã thực hiện để “vén màn” chính mình và do đó bộc lộ chính mình, vì nếu không có sự mặc khải này, thì Ngài sẽ luôn là Đức Chúa Trời không thể được biết đến. Sự soi dẫn mô tả quá trình Ngài đã làm như vậy, cụ thể là bằng cách nói chuyện với và thông qua các nhà tiên tri và sứ đồ trong Kinh Thánh, và bằng cách “hà hơi” Lời của Ngài ra khỏi miệng Ngài theo cách mà Lời ấy cũng phát ra từ miệng họ. Không có điều đó thì những suy nghĩ của Ngài sẽ không thể đạt được đến chúng ta.
Từ thứ ba là sự quan phòng, tức là sự sắp đặt đầy yêu thương mà Đức Chúa Trời đã thực hiện, để những lời Ngài đã phán được viết ra và tạo thành cuốn sách mà chúng ta gọi là Kinh thánh, và rồi được bảo tồn qua nhiều thế kỷ để mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc, có thể tiếp cận được. Kinh thánh theo cách đó là Lời của Đức Chúa Trời được viết ra. Đó là sự tự bộc lộ của Ngài qua những bài nói chuyện và bài viết. Kinh thánh là sản phẩm của sự mặc khải, soi dẫn và quan phòng của Đức Chúa Trời.
Niềm xác tín đầu tiên này là tuyệt đối không thể thiếu đối với một người giảng đạo. Nếu Chúa không nói, chúng ta sẽ không dám nói, bởi vì chúng ta sẽ không có gì để nói ngoại trừ những suy đoán vụn vặt của chính chúng ta. Nhưng vì Đức Chúa Trời đã lên tiếng, nên chúng ta cũng phải nói, để truyền đạt cho người khác những gì Ngài đã truyền đạt trong Kinh Thánh. Thật vậy, chúng ta không chịu im lặng. Như A-mốt đã nói, ” Khi sư tử gầm thét, thì ai mà chẳng sợ? Khi Chúa Giê-hô-va phán dạy, thì ai mà chẳng nói tiên tri?” – tức là truyền lại Lời Ngài đã nói. Và tương tự, Phao-lô lặp lại Thi thiên 116 khi viết, “Chúng tôi tin nên chúng tôi nói.” Tức là, chúng ta tin những gì Đức Chúa Trời đã nói, và đó là lý do tại sao chúng ta cũng nói.
Thật đáng thương cho một người giảng đạo bước lên bục giảng mà không có cuốn Kinh thánh nào trong tay, hoặc với cuốn Kinh thánh nhưng bị coi là rẻ rách chứ không phải là Lời của Đức Chúa Trời hằng sống. Anh ta không thể giải nghĩa Kinh thánh bởi vì anh ta không có Kinh thánh để giải nghĩa. Anh ta không thể nói bởi vì anh ta không có gì để nói, hoặc không có gì đáng nói. Thế nhưng, bước lên bục giảng với sự tin tưởng rằng Đức Chúa Trời đã phán và Ngài đã khiến cho những gì Ngài phán được viết ra và chúng ta có bản văn được soi dẫn này trong tay, thì tâm trí chúng ta choáng ngợp, tim chúng ta đập mạnh, mạch máu lưu thông và đôi mắt của chúng ta lấp lánh ánh hào quang nhờ có Lời Đức Chúa Trời trong tay và trên môi miệng của chúng ta!
Đó là xác tín thứ nhất, và xác tín thứ hai như sau:
(2) Văn bản được soi dẫn bị “đóng” trong một mức độ nào đó. Đó là hàm ý tiếp theo trong định nghĩa của tôi. Giảng giải kinh là khai mở bản văn được thần cảm. Bản văn cần được “khai mở” có nghĩa là nó đã bị đóng phần nào. Và tôi nghĩ ngay đến việc nghe thấy tiếng nói phản đối của người Tin lành đang trỗi dậy cách phẫn nộ. Ý ông là gì khi ông nói với tôi rằng Kinh thánh đã bị đóng phần nào? Không phải Kinh thánh là một cuốn sách mở hoàn toàn sao? Ông không tin những gì mà các Nhà cải cách ở thế kỷ 16 đã dạy về tính rõ ràng của Kinh thánh, rằng Kinh thánh có phẩm chất trong suốt, minh bạch sao? Chẳng phải cả những người đơn sơ và ít học cũng có thể đọc Kinh Thánh cho chính mình sao? Chẳng phải Đức Thánh Linh là người thầy do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sao? Và với Lời Chúa và Thánh Linh của Chúa, chẳng phải chúng ta nói rằng chúng ta không cần huấn quyền giáo hội để hướng dẫn chúng ta sao?
Tôi có thể nói vâng với tất cả những câu hỏi này, nhưng những gì bạn đang nói, dẫu đúng, vẫn cần nêu rõ điều kiện kèm theo. Sự nhấn mạnh của những người Cải cách về tính rõ ràng của Kinh thánh đề cập đến thông điệp trọng tâm của nó— tức là tin lành về sự cứu rỗi nhờ đức tin chỉ nơi Chúa Giê-su Christ mà thôi. Điều đó rõ như ban ngày trong Kinh thánh. Nhưng những người cải cách không tuyên bố rằng mọi thứ trong Kinh thánh đều rõ ràng. Làm sao họ có thể tuyên bố như vậy, khi Phi-e-rơ nói rằng ngay cả ông ấy cũng không hiểu một số điều trong các thư tín của Phao-lô? Nếu một sứ đồ không phải lúc nào cũng hiểu một sứ đồ khác, thì thật khó để chúng ta nói rằng mình hiểu hết. Không, sự thật là chúng ta cần nhau trong việc giải nghĩa Kinh thánh. Hội thánh được kêu gọi một cách đúng đắn để trở thành một cộng đồng giải kinh, tức một sự thông công của các tín đồ trong đó Lời Đức Chúa Trời được giải thích và giải nghĩa. Đặc biệt, chúng ta cần các mục sư và giáo sư giải thích bản văn Kinh Thánh, khai mở cho chúng ta để chúng ta có thể hiểu được. Đó là lý do tại sao theo Ê-phê-sô 4:11, Chúa Giê-su Christ Đấng đã thăng thiên vẫn đang ban các mục sư và giáo sư cho hội thánh của Ngài.
Bạn có nhớ hoạn quan người Ê-thi-ô-bi đã nói gì trên xe ngựa khi được Phi-líp hỏi ông có hiểu những gì đang đọc trong Ê-sai 53 không? Ông ta có nói, “Sao ông hỏi thế? Tất nhiên là tôi có thể. Ông không tin vào tính rõ ràng của Kinh thánh ư”? Không, vị hoạn quan ấy không nói thế. Ông ấy đã nói, “Làm sao tôi có thể hiểu Lời ấy nếu không có người giải thích cho tôi?”
Calvin, trong lời chú giải tuyệt vời của ông cho sách Công Vụ, đã viết về sự khiêm tốn của người Ê-thi-ô-bi, và ông nói rằng ông ước có nhiều người khiêm nhường hơn trong thời của mình. Calvin đã tương phản sự khiêm tốn ấy với những người mà ông mô tả là đầu to và quá tự tin vào khả năng hiểu biết của mình. Calvin viết:
Và đây là lý do tại sao việc đọc Kinh thánh mang lại kết quả cho ít người như vậy ngày nay. Trong cả trăm người cũng hiếm khi tìm được một người sẵn sàng tuân theo lời giảng dạy. Chỉ cần bất kỳ ai trong chúng ta chịu học hỏi thì các thiên sứ từ trời sẽ xuống để dạy chúng ta! Nhưng chúng ta không cần các thiên sứ. Chúng ta cần sử dụng tất cả những sự hỗ trợ mà Chúa đã đặt trước mặt chúng ta để giúp chúng ta hiểu Kinh thánh, đặc biệt là các nhà giảng đạo và các giáo sư.
Đức Chúa Trời đã ban Kinh thánh cho chúng ta, thì Ngài cũng ban cho chúng ta những giáo sư để giải nghĩa Kinh thánh. Và chúng ta, những người được kêu gọi rao giảng phải nhớ điều này. Giống như Ti-mô-thê, chúng ta phải hết lòng cam kết cho việc đọc Kinh thánh trước công chúng, cũng như cho việc rao giảng và dạy dỗ. Chúng ta vừa phải đọc Kinh thánh cho hội chúng nghe, vừa phải rút ra những sự hướng dẫn và khuyên nhủ về giáo lý của chúng ta từ đó.
Lý do theo Kinh Thánh cho việc giải kinh chính là điều này. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong Kinh thánh một văn bản vừa được soi dẫn, có nguồn gốc hoặc thẩm quyền thiêng liêng, lại vừa đóng hoặc khó hiểu trong một mức độ nào đó. Và do đó, ngoài việc cho chúng ta văn bản, Đức Chúa Trời đã cho chúng ta những người thầy để khai mở văn bản Kinh Thánh, giải thích và áp dụng Kinh Thánh vào cuộc sống của con người ngày nay.
Hai nghĩa vụ trong giảng giải kinh
Công nhận rằng văn bản Kinh Thánh được soi dẫn cần được giải nghĩa, vậy chúng ta nên làm điều đó như thế nào?
Trước khi tôi cố gắng trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy đề cập đến một trong những lý do chính khiến bản văn Kinh thánh bị đóng và khó hiểu trong một mức độ nhất định. Điều này liên quan đến hẻm núi văn hóa, hay khe núi, rộng và sâu giữa hai thế giới—thế giới cổ đại nơi Đức Chúa Trời phán Lời Ngài và thế giới hiện đại mà trong đó chúng ta nghe Lời ấy. Khi đọc Kinh thánh, chúng ta đang lùi lại hai thiên niên kỷ sau cuộc cách mạng vi xử lý, cuộc cách mạng điện tử, cuộc Cách mạng Công nghiệp, để quay trở lại một thế giới đã lâu không còn tồn tại. Vì vậy, cả khi chúng ta đọc một bản dịch Kinh thánh hiện đại, vẫn có cảm giác kỳ lạ, nghe có vẻ cổ xưa, có vẻ lỗi thời và có mùi mốc. Chúng ta muốn hỏi, giống như nhiều người khác, cuốn sách cổ xưa đó có ý nghĩa gì với tôi?
Đừng phẫn nộ về khoảng cách văn hóa giữa thế giới cổ xưa nơi Chúa đã phán dạy và thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống trong đó. Đừng bực bội vì chuyện đó gây rắc rối cho chúng ta. Thật ra đó lại là một trong những vinh quang của sự mặc khải, rằng khi Chúa quyết định nói chuyện với con người, Ngài đã không nói bằng ngôn ngữ của mình, bởi vì nếu Chúa có ngôn ngữ của riêng mình và nói với chúng ta bằng ngôn ngữ đó, thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được. Vì vậy, thay vào đó, Ngài đã hạ cố nói bằng ngôn ngữ của chúng ta, đặc biệt là tiếng Do Thái cổ và tiếng Hy Lạp thông dụng. Và khi nói ngôn ngữ của con người, Ngài đã phản ánh nền văn hóa của chính họ, nền văn hóa của vùng Cận Đông cổ đại, của thế giới Hy Lạp-La Mã và của Do Thái giáo xứ Palestine. Và chính thực tế về điều kiện văn hóa của Kinh thánh, về những khó khăn do khác biệt giữa thế giới cổ đại và thế giới hiện đại đã xác định nhiệm vụ giải nghĩa Kinh thánh và đặt ra cho chúng ta hai nghĩa vụ.
(1) Nghĩa vụ đầu tiên là trung thành với bản văn Kinh Thánh. Bạn và tôi phải chấp nhận kỷ luật tư duy theo hoàn cảnh của các tác giả Kinh Thánh— theo lịch sử, địa lý, văn hóa và ngôn ngữ của họ. Nếu chúng ta bỏ bê nhiệm vụ này hoặc nếu chúng ta làm điều đó một cách hời hợt hoặc cẩu thả thì không thể tha thứ được. Bởi làm thế là bày tỏ sự khinh miệt đối với cách mà Đức Chúa Trời đã chọn để nói với thế giới. Hãy nhớ rằng chúng ta đang xử lý văn bản do Đức Chúa Trời soi dẫn. Chúng ta nói rằng chúng ta tin điều đó, nhưng cách chúng ta đối xử với Kinh thánh không phải lúc nào cũng tương ứng với những gì chúng ta nói là quan điểm của chúng ta về Kinh thánh. Với sự cẩn trọng, tỉ mỉ, tận tâm, chúng ta nên học hỏi cho chính mình và mở ra cho người khác chính Lời của Đức Chúa Trời hằng sống. Vì vậy, sai lầm tồi tệ nhất mà chúng ta có thể mắc phải là áp đặt những suy nghĩ của thế kỷ 21 của chúng ta vào tâm trí của các tác giả Kinh thánh, và thao túng những gì họ đã nói để phù hợp với những gì chúng ta muốn họ nói, rồi sau đó tuyên bố sự bảo trợ của họ cho những ý kiến của chúng ta.
Calvin, một lần nữa đã đúng khi trong lời nói đầu của bản chú giải Thư Rôma đã viết một câu rất hay: “Công việc đầu tiên của một người giải kinh là để cho tác giả Kinh Thánh nói những gì muốn nói thay vì gán cho tác giả những gì chúng ta đang nghĩ. Người giải kinh cầ nói: Chúng ta phải bắt đầu từ chỗ đó. Charles Simeon đã nói: “Nỗ lực của tôi là rút ra những gì có trong Kinh thánh chứ không phải đưa vào Kinh Thánh những gì tôi nghĩ có thể có trong đó”.
Vì vậy, nghĩa vụ đầu tiên của chúng ta là trung thành với Lời Kinh Thánh cổ xưa.
(2) Nghĩa vụ thứ hai là nhạy cảm với thế giới hiện đại. Mặc dù Đức Chúa Trời phán với thế giới cổ đại bằng ngôn ngữ và văn hóa riêng của nó, nhưng Ngài dự định để Lời của Ngài là dành cho tất cả mọi người, trong mọi nền văn hóa mà Ngài kêu gọi họ sống, kể cả chúng ta vào đầu thế kỷ 21. Và do đó, người giải kinh không chỉ là một nhà chú giải. Nhà chú giải giải thích ý nghĩa nguyên thủy của bản văn. Người giải kinh đi xa hơn và áp dụng nó vào thế giới hiện đại. Chúng ta phải vật lộn để hiểu thế giới mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta sống trong đó, một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Chúng ta phải lắng nghe nhiều tiếng nói trái chiều của nó và đặc biệt là những câu hỏi mà nó đang đặt ra. Chúng ta phải cảm nhận được nỗi đau, sự mất phương hướng và tuyệt vọng của nó. Tất cả những điều đó là một phần của sự nhạy cảm Cơ đốc của chúng ta bởi lòng trắc ẩn đối với thế giới hiện đại.
Vì vậy, đây là nghĩa vụ kép của chúng ta trong tư cách là những người giảng giải kinh: mở ra bản văn được thần cảm của Kinh thánh trong cả sự trung thành với Lời cổ xưa và sự nhạy cảm đối với thế giới hiện đại. Chúng ta không làm sai lệch Lời Chúa để đảm bảo sự phù hợp giả tạo, chúng ta cũng không phớt lờ thế giới hiện đại để đảm bảo sự trung thực giả tạo. Chính sự kết hợp giữa tính trung thực và tính nhạy cảm tạo nên người giảng giải kinh đích thực. Nhưng việc khó thì hiếm người làm được! Lỗi đặc trưng của những người Tin lành thuần tuý là thích hợp với Kinh thánh nhưng không hợp thời đại. Lỗi đặc trưng của những người theo phái thần học tự do là rất đương đại nhưng không phù hợp với Kinh thánh. Rất ít người trong chúng ta thậm chí muốn bắt đầu làm cả hai việc một lúc.
Khi nghiên cứu bản văn, chúng ta cần tự đặt ra hai câu hỏi theo đúng thứ tự. Câu hỏi đầu tiên là bản văn này đã từng có nghĩa gì? Hoặc, nếu bạn thích, bản văn này đang có nghĩa là gì? Bởi vì nghĩa hiện tại cũng là nghĩa quá khứ của nó. Như ai đó đã nói, “Nghĩa của một văn bản là những gì tác giả của văn bản ấy muốn nói.”
Vậy thì văn bản ấy có nghĩa là gì khi tác giả viết nó ra? Và sau đó chúng ta đặt câu hỏi thứ hai: Văn bản ấy đang nói gì? Thông điệp của nó ngày nay trong thế giới đương đại là gì? Nếu chúng ta nắm được ý nghĩa của nó mà không đến với thông điệp của nó, tức những gì nó nói với chúng ta ngày nay, thì chúng ta đã đầu hàng chủ nghĩa cổ xưa không quan tâm đến hiện tại hoặc thế giới thực mà chúng ta được kêu gọi để phục vụ. Mặt khác, nếu chúng ta bắt đầu với thông điệp đương đại mà không tuân thủ nguyên tắc đặt ra câu hỏi, “điều đó ban đầu có nghĩa gì”, thì chúng ta đã đầu hàng chủ nghĩa hiện sinh và không muốn dính dán gì với quá khứ, không quan tâm đến mặc khải mà Đức Chúa Trời đã ban cho trong Đấng Christ và trong lời chứng Kinh Thánh về Đấng Christ. Chúng ta phải đặt ra cả hai câu hỏi, và chúng ta phải hỏi chúng theo đúng thứ tự.
Hệ Quả Là Hai Kỳ Vọng
Nếu chúng ta tin chắc rằng bản văn Kinh Thánh được thần cảm nhưng đóng trong một mức độ nào đó và cần được khai mở; và nếu chúng ta chấp nhận nghĩa vụ của mình là khai mở bản văn theo cách vừa trung thực vừa nhạy cảm, thì chúng ta có thể kỳ vọng điều gì sẽ xảy ra?
(1) Chúng ta có thể kỳ vọng tiếng nói của chính Chúa được lắng nghe. Chúng ta tin rằng Chúa đã phán qua các tác giả Kinh thánh, nhưng chúng ta cũng cần tin rằng Chúa đang phán qua những gì Ngài đã nói.
Đây là niềm xác tín của các sứ đồ về Cựu Ước. Họ giới thiệu những trích dẫn của họ từ Cựu Ước bằng một trong hai công thức sau: Hoặc là “Như có chép rằng” hoặc “Kinh Thánh nói rằng.” Phao-lô thậm chí có thể đặt câu hỏi “Kinh thánh đang nói gì?” Chúng ta có thể trả lời ông ấy: “Thôi nào, Phao-lô! Ông đang nói gì khi hỏi Kinh thánh đang nói gì? Kinh thánh là một cuốn sách cổ. Sách cổ thì không nói được. Làm sao ông có thể hỏi, ‘Kinh thánh đang nói gì?” Nhưng Kinh thánh thực sự có nói. Đức Chúa Trời nói qua những gì Ngài đã nói. Đức Thánh Linh phán: “Ngày nay, nếu các ngươi nghe theo tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng.” Lời Đức Chúa Trời là sống động và quyền năng, và Đức Chúa Trời phán qua Lời ấy bằng một tiếng nói sống động.
Vậy đây là một kỳ vọng, rằng khi chúng ta đọc và giải nghĩa Kinh thánh, Đức Chúa Trời sẽ phán bằng tiếng nói sống động. Hiện nay kỳ vọng ấy đang ở mức thấp. Như có người đã nói, “Chúng ta đã nghĩ ra một cách đọc Lời Chúa mà từ đó không còn lời nào là của Chúa.” Cứ đến lúc giảng luận Kinh Thánh là mọi người nhắm mắt, chắp tay, như một biểu hiện tốt đẹp của lòng mộ đạo, để rồi ngồi bất động theo đúng liều lượng quen thuộc của họ. Còn người giảng thì khuyến khích chuyện đó bằng giọng nói và phong thái buồn ngủ của ông ta.
Sẽ hoàn toàn khác biệt biết bao khi cả người giảng lẫn người nghe đều mong đợi Đức Chúa Trời hằng sống phán dạy. Tình hình sẽ hoàn toàn thay đổi. Người ta mang theo Kinh thánh đến hội thánh. Khi mở Kinh Thánh ra, họ ngồi trên mép ghế của mình và háo hức mong đợi Đức Chúa Trời phán. Họ đang đói khát chờ đợi một lời từ Thiên Chúa. Nhà giảng đạo cũng chuẩn bị theo cách thật sự mong đợi Đức Chúa Trời sẽ phán. Ông ấy cầu nguyện trước và trên bục giảng, xin Chúa làm điều đó. Ông ấy đọc và giải thích văn bản Kinh Thánh với mục đích hết sức nghiêm túc. Và khi giảng xong rồi, ông ấy lại cầu nguyện. Trong sự tĩnh lặng và trang trọng kỳ diệu lúc thông điệp của ông kết thúc, mọi người đều biết rằng Chúa đang hiện diện và chính Ngài đã đối diện với dân của Ngài.
Đó là kỳ vọng đầu tiên, và kỳ vọng thứ hai như sau:
(2) Dân Chúa sẽ vâng lời Ngài. Lời Chúa luôn đòi hỏi được đáp ứng trong sự thuận phục. Chúng ta không phải là những người nghe rồi quên đi mà là những người vâng lời làm theo. Đời sống thuộc linh và sức khỏe của chúng ta tùy thuộc vào điều đó. Xuyên suốt Cựu Ước, chúng ta nghe thấy lời than thở khủng khiếp của Đức Chúa Trời, “Ôi, ước gì các ngươi lắng nghe tiếng ta.” Đức Chúa Trời vẫn nói điều đó ngày nay. Ngài liên tục sai các tiên tri đến với dân Ngài, nhưng họ đã chế giễu các sứ giả của Ngài, họ khinh bỉ những lời của Ngài, họ nhạo báng các tiên tri của Ngài, cho đến khi cơn thịnh nộ của Đấng Hằng Hữu nổi lên với dân Ngài và không còn biện pháp khắc phục. Văn bia khắc trên ngôi mộ của Y-sơ-ra-ên là “Họ đã không chịu vâng lời.”
Tôi e rằng ngày nay chuyện cũng thường như vậy. Tiến sĩ Lloyd-Jones đã viết trong cuốn sách tuyệt vời của ông, Người Giảng và Sự Giảng Luận (Preacher and Preahing), rằng những thời kỳ suy đồi của lịch sử hội thánh luôn là những thời kỳ mà sự giảng luận (Kinh Thánh) đã bị sa sút. Đúng vậy! Không chỉ việc rao giảng Lời Chúa mà cả việc lắng nghe Lời Chúa đều bị sa sút. Sự nghèo nàn thuộc linh của nhiều hội thánh trên khắp thế giới ngày nay hơn bất cứ điều gì khác là do không muốn hoặc không có khả năng lắng nghe Lời Chúa. Nếu các cá nhân cần sống theo Lời Đức Chúa Trời, thì các hội thánh cũng vậy. Và một hội chúng không thể trưởng thành nếu không có một mục vụ giảng dạy Kinh thánh trung thành và nhạy cảm, kết hợp với sự vâng theo Lời Chúa.
Người ta nên đáp ứng như thế nào? Việc đáp lại Lời Chúa tùy thuộc vào nội dung của Lời đã được nói ra.
Nếu Đức Chúa Trời nói với chúng ta về chính Ngài và sự vĩ đại vinh hiển của Ngài, thì chúng ta đáp lại bằng cách hạ mình thờ phượng Ngài.
Nếu Chúa nói về chúng ta— lên án sự bướng bỉnh, tính thất thường và tội lỗi của chúng ta—thì chúng ta đáp lại bằng sự ăn năn và xưng tội.
Nếu Ngài nói với chúng ta về Chúa Giê-su Christ, về sự vinh hiển của Thân vị và công tác của Ngài, thì chúng ta đáp lại bằng đức tin đặt nơi Đấng Cứu Rỗi này.
Nếu Ngài nói với chúng ta về những lời hứa của Ngài, chúng ta cần quyết tâm tiếp nhận những lời hứa ấy.
Nếu Ngài nói về các điều răn của Ngài, chúng ta quyết tâm tuân theo chúng.
Nếu Ngài nói với chúng ta về thế giới bên ngoài và những nhu cầu to lớn về tinh thần và vật chất của nó, thì chúng ta đáp ứng khi để lòng trắc ẩn của Ngài trỗi dậy trong chúng ta, để chúng ta mang phúc âm đi khắp thế giới, nuôi những người đói và chăm sóc cho kẻ nghèo.
Nếu Ngài nói với chúng ta về tương lai, về sự tái lâm của Đấng Christ và vinh quang sẽ theo sau, thì hy vọng của chúng ta được thắp lên và chúng ta quyết tâm nên thánh và tích cực phục vụ Ngài cho đến khi Ngài đến.
Người giảng đạo nào đã đào sâu văn bản Kinh Thánh, đã cô đọng và mở ra chủ đề nổi bật của văn bản, và chính bản thân ông ta đã được văn bản mà ông đang nghiên cứu khuấy động sâu sắc đến tận gốc rễ con người mình, thì sẽ nhấn mạnh điều đó trong phần kết luận của mình. Người giảng đạo ấy sẽ cho người ta cơ hội để đáp lại văn bản Kinh Thánh, thường là trong lời cầu nguyện tĩnh lặng khi mỗi người được Chúa Thánh Linh dẫn đến một cách vâng lời thích hợp.
Thật là một đặc ân to lớn khi được trở thành một người giảng giải kinh, được đứng trên bục giảng với Lời Chúa trong tay, Thánh Linh Chúa trong lòng, với dân Chúa ở trước mắt đang chờ đợi tiếng Chúa để lắng nghe và tuân theo!
Tác giả bài viết: John R. W. Stott
Click here to add your own text