BẠN ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ LÀM MỤC SƯ CỦA HỘI THÁNH LỚN HAY HỘI THÁNH NHỎ?
Ba Lượng Giá Đơn Giản Nhằm Giúp Bạn Biết Bạn Phục Vụ Hội Thánh Có Kích Cỡ Thế Nào Là Thích Hợp Nhất.
Một số mục sư được kêu gọi phục vụ trong một hội thánh lớn. Nhưng hầu hết được kêu gọi vào phục vụ tại các hội thánh nhỏ. Tham khảo thêm bài viết về lợi thế của hội thánh nhỏ tại đây
Vậy làm thế nào để bạn biết bạn được gọi đến dạng hội thánh nào? Có cách nào để trả lời câu hỏi này mà không cần phải cứ làm thử rồi học qua thất bại hay không?
Sau hàng chục năm kinh nghiệm và nhiều năm trò chuyện với hàng trăm mục sư, tôi thấy ba phương pháp sau có thể giúp bạn ra quyết định.
Phương pháp #1: Kiểm tra lòng mình
Công tác mục vụ nào khuấy động tấm lòng của bạn nhất?
Dành thời gian để thực hiện các hoạt động sau đây khiến bạn vui mừng hay sợ hãi?
Thăm tín hữu bị ốm
Dành thời gian (thường là vài tiếng) dự buổi thông công ăn uống tại hội thánh
Giúp nấu cháo cho người có hoàn cảnh khó khăn
Tư vấn chăm sóc
Bây giờ hãy đặt câu hỏi tương tự với danh sách tiếp theo:
Họp với nhóm thiết kế đồ họa
Lên ý tưởng cùng các nhân sự
Gây quỹ xây dựng nhà thờ mới
Hoạch định chiến lược về tương lai của hội thánh
Nếu danh sách đầu khiến tấm lòng của bạn rung động, bạn có thể được kêu gọi làm mục sư cho một hội thánh nhỏ hơn. Nhưng nếu danh sách đầu tiên khiến bạn phát ớn (ngay cả khi bạn cảm thấy tội lỗi vì đã phát ớn), còn danh sách thứ hai khiến bạn phấn khích, thì bạn có thể phù hợp với môi trường hội thánh lớn hơn.
(Bạn nhận thấy rằng tôi không bao gồm việc giảng/chuẩn bị bài giảng, nhạc thờ phượng mới/cũ, nghi thức phụng vụ long trọng/đơn giản, hoặc phân loại theo hệ phái/thần học trong những danh sách trên, bởi vì những điều này không liên quan gì với quy mô hội thánh. Tỷ lệ các mục sư thích hoặc ngại làm những việc này là tương đương ở cả các hội thánh lớn lẫn hội thánh nhỏ)
Thế nhưng nếu bạn: A) thấy những việc mình thích trong cả hai danh sách, hoặc B) Bạn thích những phương pháp và ý tưởng của hội thánh lớn, nhưng bộ kỹ năng bạn có lại thích hợp hơn với mục vụ tại hội thánh nhỏ thì sao?
Hãy thử phương pháp 2…
Phương pháp #2: Đánh giá bộ kỹ năng
Hãy xem lại hai danh sách so sánh ở trên một lần nữa. Bây giờ, thay vì đánh giá theo tấm lòng, hãy đánh giá các mục này, một cách trung thực, theo bộ kỹ năng của bạn. Có gì thay đổi không?
Sự thật là, mặc dù hầu hết các mục sư muốn thấy hội thánh của họ phát triển, rất ít người trong chúng ta có đầy đủ bộ kỹ năng cần thiết để khiến hội thánh tăng trưởng vượt quá con số nhất định. Không phải vì chúng ta thiếu sót về mặt nào đó, mà vì số lượng lớn các hội thánh nhỏ trên thế giới cần một số lượng lớn các mục sư của hội thánh nhỏ.
Nếu chỉ cần có ước muốn là đủ để xây dựng một hội thánh lớn thì tỷ lệ 90% số hội thánh nhỏ (ít hơn 200 thành viên) so với 10% số các hội thánh trung bình/lớn/siêu lớn đã đảo ngược từ lâu rồi.
Muốn ở trong một hội thánh lớn nhưng ân tứ lại thích hợp với một hội thánh nhỏ là điều rất phổ biến mà tôi đã đề cập trong một bài viết trước (“Phải Làm Gì Khi Đam Mê Không Tương Ứng Với Kỹ Năng”). Trong bài đó, tôi đã viết “nếu bạn có niềm đam mê xây dựng một mục vụ lớn, nhưng kỹ năng và sự kêu gọi của bạn đã dẫn bạn đến những hội thánh nhỏ, hãy cố gắng làm hội thánh nhỏ cho tốt, nhưng hãy mang nhiệt huyết và thái độ của một hội thánh lớn cho hội thánh nhỏ ấy.”
Phương pháp #3: Đánh giá hệ thống
Cách tốt nhất để lãnh đạo một hội thánh nhỏ là chăn bày theo cách phù hợp với quy mô hiện tại của bạn, đồng thời thiết lập hệ thống, môn đồ hóa và truyền giáo để tăng gấp đôi quy mô hiện tại của bạn.
Ví dụ: nếu bạn đang quản nhiệm một hội thánh 50 người, thì hội thánh đó cần được quản nhiệm giống như một hội thánh gồm 50 người, đồng thời phát triển các hệ thống, hoạt động môn đồ hóa và tiếp cận cộng đồng phù hợp với hội thánh 100 người.
Khi bạn đã có những thứ đó, nếu hội thánh của bạn phát triển để phù hợp với các hệ thống, môn đệ hóa và tiếp cận cộng đồng lớn hơn, thì bạn sẽ phát triển đến quy mô đó. Sau đó, khi đã đạt đến quy mô mới rồi, hãy lặp lại điều tương tự. Hãy chăn bầy thích hợp với quy mô đó, đồng thời chuẩn bị cho quy mô gấp đôi.
Mặt khác, nếu bạn có các hệ thống, môn đồ hóa và phạm vi tiếp cận để tăng gấp đôi quy mô hiện tại của mình, nhưng hội thánh không phát triển đến quy mô đó, có thể bạn đã tìm thấy quy mô thích hợp nhất của mình – hoặc ít nhất là quy mô phù hợp với bạn trong hiện tại.
Như thế cũng không sao đâu. Không có quy tắc nào nói rằng hội thánh của bạn phải lớn hơn thì chức vụ mới hiệu quả.
Và đừng lo lắng, thời gian bạn bỏ ra để tạo ra những hệ thống lớn hơn không hề lãng phí. Như tôi đã viết trong bài “Đường Biên Tương Ứng Với Sứ Mệnh”, việc có sẵn những hệ thống đó sẽ cho bạn một khoảng thời gian và không gian thích hợp để bạn không phải lúc nào cũng phải chạy hết 100% công suất.
Hãy làm những gì hiệu quả. Chốt lại là thế này:
Nếu bạn ưu tiên việc thực hành, phục vụ cá nhân hơn là phối hợp và lập chiến lược với các nhân sự lãnh đạo khác, thì có lẽ bạn được gọi đến phục vụ ở hội thánh nhỏ. Nhưng nếu việc giám sát nhóm thực hiện mục vụ phù hợp với bạn hơn, thì bạn có thể sẽ hiệu quả hơn trong hội thánh lớn.
Không có lựa chọn đúng hay sai ở đây. Vấn đề chỉ là quy mô nào thích hợp hơn với bạn và sự kêu gọi của bạn.
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
Tác giả bài viết: Karl Vaters là mục sư hội thánh Cornerstone Christian Fellowship tại Fountain Valley, California. Ông đặc biệt viết về gía trị và nhu cầu của những hội thánh nhỏ, nhằm động viên những mục sư ở những hội thánh nhỏ tiếp tục trung tín làm công việc của mình.
Link bài viết gốc: https://www.christianitytoday.com/karl-vaters/2019/july/small-church-pastor-or-big-church-pastor.html
Quan điểm bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc.