“Tại Sao Tôi Ủng Hộ Quan Điểm Rằng Các Ân Tứ Thánh Linh Vẫn Tiếp Diễn”
Tại sao tôi lại ủng hộ quan điểm rằng các ân tứ vẫn tiếp diễn? Tôi đưa ra các lý do như sau: (Xin lưu ý rằng tôi đã viết một số bài với nhiều bằng chứng hơn cho những luận điểm của mình, nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ có thể nêu tên chúng ra. Bạn đọc có thể xem tất cả các bài viết đó trên trang web của tôi.)
Hãy để tôi bắt đầu với sự xuất hiện nhất quán, thực sự phổ biến và hoàn toàn chắc chắn của mọi ân tứ thuộc linh trong Tân Ước (TƯ). Những vấn đề nảy sinh trong hội thánh tại Cô-rinh-tô không phải là do các ân tứ thuộc linh, mà do người ta chưa trưởng thành. Không phải là các ân tứ của Đức Chúa Trời mà chính sự xuyên tạc các ân tứ một cách đầy con trẻ, tham vọng và kiêu ngạo của một vài người đã khiến Phao-lô phải đưa ra những lời sửa trị.
Thêm nữa, bắt đầu từ Lễ Ngũ tuần và tiếp diễn xuyên suốt sách Công vụ, mỗi khi Thánh Linh được tuôn đổ trên các tín hữu mới thì họ đều kinh nghiệm các ân tứ của Ngài. Không có chỗ nào chỉ ra rằng những hiện tượng này chỉ giới hạn với họ và thời bấy giờ. Những điều như vậy có vẻ vừa rộng khắp, vừa phổ biến trong hội thánh TƯ. Các Cơ Đốc nhân tại Rô-ma (Rô-ma 12), Cô-rinh-tô (1 Cô-rinh-tô 12-14), Sa-ma-ri (Công vụ 8), Sê-sa-rê (Công vụ 10), An-ti-ốt (Công vụ 13), Ê-phê-sô (Công vụ 19), Tê-sa-lô-ni-ca (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5) và Ga-la-ti (Ga-la-ti 3) kinh nghiệm những ân tứ kỳ diệu và mang tính mặc khải. Thật khó để tưởng tượng rằng các trước giả TƯ có thể nói rõ ràng hơn thế về Cơ Đốc giáo trong giao ước mới. Nói cách khác là trách nhiệm chứng minh thuộc về người ủng hộ quan điểm đã ngưng. Nếu những ân tứ nhất định thuộc một loại đặc biệt đã ngưng thì người đó có trách nhiệm chứng minh điều đó.
Những bằng chứng rộng khắp
Tôi cũng đã chỉ ra các bằng chứng TƯ rộng khắp về cái gọi là các ân tứ kỳ diệu giữa vòng các Cơ Đốc nhân không phải là sứ đồ. Nói cách khác là rất nhiều những người nam, người nữ không phải là sứ đồ, cả trẻ lẫn già trên khắp Đế quốc La Mã rộng lớn đã thực hành các ân tứ này của Thánh Linh (Ê-tiên và Phi-líp đã phục vụ một cách nhất quán trong quyền năng của các dấu lạ và phép màu). Ngoài các sứ đồ, những người khác đã thực hành các ân tứ kỳ diệu bao gồm (1) 70 người được sai phái trong Lu-ca 10:9, 19-20; (2) ít nhất 108 người giữa vòng 120 người nhóm lại trong phòng cao vào Lễ Ngũ tuần; (3) Ê-tiên (Công vụ 6-7); (4) Phi-líp (Công vụ 8); (5) A-na-nia (Công vụ 9); (6) các thành viên trong hội thánh An-ti-ốt (Công vụ 13); (7) những người cải đạo vô danh tại Ê-phê-sô (Công vụ 19:6); (8) những người nữ tại Sê-sa-rê (Công vụ 21:8-9); (9) các tín hữu không được kể tên trong Ga-la-ti 3:5; (10) những tín hữu tại Rô-ma (Rô-ma 12:6-8); (11) các tín hữu tại Cô-rinh-tô (1 Cô-rinh-tô 12-14); và (12) những Cơ Đốc nhân tại Tê-sa-lô-ni-ca (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:19-20).
Chúng ta cũng phải dành chỗ cho mục đích rõ ràng và lặp đi lặp lại của các ân tứ: để gây dựng thân thể của Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 12:7, 14:3, 26). Không một chỗ nào trong TƯ hay tình trạng của hội thánh trong bất kỳ thời đại nào, dù là quá khứ hay hiện tại khiến tôi tin rằng chúng ta không còn cần được gây dựng, từ đó không còn cần tới sự dự phần của các ân tứ nữa. Tôi hoàn toàn thừa nhận rằng các ân tứ thuộc linh là điều không thể thiếu với sự ra đời của hội thánh, nhưng tại sao chúng lại kém quan trọng hoặc kém cần thiết hơn với sự tăng trưởng và trưởng thành liên tục của hội thánh?
Cũng có sự tiếp diễn căn bản hoặc mối quan hệ hữu cơ về thuộc linh giữa hội thánh trong sách Công vụ và hội thánh trong các thế kỷ sau đó. Không ai phủ nhận rằng có một kỷ nguyên hay thời đại trong hội thánh thời đầu mà chúng ta có thể gọi là thời đại “sứ đồ”. Chúng ta phải thừa nhận tầm quan trọng của sự xuất hiện của các sứ đồ một cách cá nhân và bằng xương bằng thịt, cũng như vai trò vô song của họ trong việc đặt nền móng cho hội thánh thời đầu. Nhưng TƯ không có chỗ nào gợi ý rằng các ân tứ thuộc linh nhất định chỉ gắn riêng với họ hoặc các ân tứ đã qua đi sau khi họ qua đời. Hội thánh phổ thông hay thân thể của Đấng Christ từng được thiết lập và ban ân tứ qua chức vụ của các sứ đồ cũng chính là hội thánh phổ thông và han thể của Đấng Christ ngày nay. Chúng ta và Phao-lô, Phi-e-rơ, Si-la, Ly-đi, Pê-rít-sin, Lu-ca đều là những chi thể trong cùng một han thể của Đấng Christ.
Liên hệ rất mật thiết với điểm trên là điều Phi-e-rơ nói trong Công vụ 2 về cái gọi là các ân tứ kỳ diệu như đặc điểm của kỷ nguyên giao ước mới của hội thánh. Theo lời của D. A. Carson thì “Sự đến của Thánh Linh không chỉ liên hệ với sự ló dạng của kỷ nguyên mới mà còn với sự hiện diện của nó, không chỉ với Ngày Ngũ Tuần mà với cả thời kỳ Ngũ tuần đến khi Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a trở lại” (Showing the Spirit, 155). Hoặc một lần nữa, các ân tứ nói tiên tri và tiếng lạ (Công vụ 2) không chỉ được mô tả như sự mở đầu của kỷ nguyên giao ước mới mà còn định rõ đặc điểm của nó (và chúng ta đừng quên rằng kỷ nguyên hội thánh hiện tại = “những ngày cuối cùng”).
Chúng ta cũng hãy lưu ý đến 1 Cô-rinh-tô 13:8-12. Ở đây Phao-lô khẳng định rằng các ân tứ thuộc linh sẽ không “qua đi” (câu 8-10) khi sự “toàn hảo” chưa đến. Nếu sự “toàn hảo” thực sự là việc hoàn tất các mục đích cứu cuộc của Đức Chúa Trời như được thể hiện trong trời mới, đất mới sau khi Đấng Christ trở lại thì chúng ta có thể tự tin trông mong Ngài tiếp tục chúc phước và khiến hội thánh Ngài nên mạnh mẽ bằng các ân tứ cho đến khi ấy.
Ý tương tự cũng được đưa ra trong Ê-phê-sô 4:11-13. Tại đó, Phao-lô nói đến các ân tứ thuộc linh (cùng với chức vụ sứ đồ) – đặc biệt là ân tứ nói tiên tri, truyền giảng Tin lành, mục sư và giáo sư – là xây dựng hội thánh “cho đến khi tất cả chúng ta đều đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, để trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ” (c.13, tôi tự in nghiêng). Vì chắc chắn là hội thánh chưa đạt được điều thứ hai nên chúng ta có thể tự tin chờ đợi sự xuất hiện và quyền năng của những ân tứ này cho tới khi ngày đó đến.
Tôi cũng chỉ ra là không có bất kỳ khái niệm rõ han hay ngụ ý nào rằng chúng ta nên xem các ân tứ thuộc linh khác với cách chúng ta thực hiện các thực hành và chức vụ khác của TƯ được mô tả là thiết yếu cho đời sống và sự lành mạnh của hội thánh. Khi đọc TƯ, dường như chúng ta thấy rõ rằng kỷ luật hội thánh cần được thực thi trong các hội chúng của chúng ta ngày nay và chúng ta cần kỷ niệm Lễ Tiệc thánh và báp-tem nước, rằng những yêu cầu đối với chức vụ trưởng lão như trong các thư tín mục vụ vẫn định rõ về một đời sống cần theo đuổi trong hội thánh, vân vân. Có thể đưa ra những lý do giải kinh hay thần học hợp lý nào để lý giải tạo sao chúng ta nên coi sự có mặt và vận hành của các ân tứ thuộc linh khác đi đây?
Lời chứng nhất quán
Trái với niềm tin phổ biến, có lời chứng nhất quán xuyên suốt lịch sử hội thánh về sự vận hành của các ân tứ kỳ diệu của Thánh Linh. Không phải là các ân tứ ngưng lại hoặc biến mất khỏi đời sống hội thánh sau khi sứ đồ cuối cùng qua đời. Tôi không có đủ chỗ để trích dẫn rất nhiều bằng chứng về phương diện này, nên các bạn có thể đọc bốn bài viết của tôi với nhiều tài liệu dẫn chứng (xem loạt bài “Các Ân Tứ Thuộc Linh Trong Lịch Sử Hội Thánh”).
Những người ủng hộ quan điểm đã ngưng thường lập luận rằng các dấu lạ, phép màu cũng như các ân tứ thuộc linh nhất định chỉ để xác thực hoặc xác chứng nhóm sứ đồ ban đầu và khi các sứ đồ qua đi thì các ân tứ cũng vậy. Thực tế là không có câu/đoạn Kinh thánh nào (ngay cả Hê-bơ-rơ 2:4 hay 2 Cô-rinh-tô 12:12, hai phân đoạn mà tôi giải thích trong các bài viết ở đây) từng nói rằng các dấu lạ, phép màu hay các ân tứ thuộc linh thuộc một dạng cụ thể dành để xác chứng các sứ đồ. Các dấu lạ, phép màu đã xác chứng cho Chúa Giê-su và sứ điệp mang tính sứ đồ về Ngài. Nếu các dấu lạ, phép màu chỉ để xác chứng các sứ đồ thì chúng ta không thể giải thích tại sao các tín hữu không phải là sứ đồ (như Phi-líp và Ê-tiên) lại được trao quyền để thực hiện chúng (đặc biệt xem trong 1 Cô-rinh-tô 12:8-10, trong đó “ân tứ” hoặc “phép lạ”, cùng với những điều khác được ban cho những tín hữu bình thường, không phải là sứ đồ.)
Vì thế, bạn chỉ có lý do chính đáng để ủng hộ quan điểm đã ngưng nếu có thể chứng minh rằng sự xác thực hoặc kiểm chứng sứ điệp mang tính sứ đồ chỉ nhằm mục đích thể hiện quyền năng thiên thượng như vậy. Tuy nhiên, không chỗ nào trong TƯ mà những điều kỳ diệu hoặc các ân tứ chỉ có mục đích hoặc chức năng là kiểm chứng. Những điều kỳ diệu thuộc mọi dạng thức nhằm phục vụ một số mục đích rõ ràng khác như chúc tụng (để tôn vinh Chúa: Giăng 2:11; 9:3; 11:4; 11:40; và Ma-thi-ơ 15:29-31); truyền giảng (để dọn đường cho Tin lành được biết đến: xem Công vụ 9:32-43); chăn bầy (bộc lộ han thương xót và tình yêu cùng sự chăm sóc với bầy chiên: Ma-thi-ơ 14:14; Mác 1:40-41); và gây dựng (để xây dựng và khiến các tín đồ trở nên mạnh mẽ: 1 Cô-rinh-tô 12:7 và vì “lợi ích chung”; 1 Cô-rinh-tô 14:3-5, 16).
Mọi ân tứ Thánh Linh, dù là nói tiếng lạ hay dạy dỗ, nói tiên tri hay thương xót, chữa lành hay giúp đỡ (ngoài những lý do khác), đều được ban để gây dựng, xây dựng, khích lệ, hướng dẫn, an ủi và thánh hóa thân thể của Đấng Christ. Vì thế, ngay cả khi chức vụ của các ân tứ kỳ diệu để kiểm chứng và xác thực đã ngưng lại – tôi chỉ thừa nhận điểm này để lập luận mà thôi – thì những ân tứ như vậy sẽ tiếp tục vận hành trong hội thánh vì những lý do kể trên.
Kinh thánh vẫn mang tính quyết định và đầy thẩm quyền
Có lẽ lý do phản đối mà người ủng hộ quan điểm đã ngưng hay đưa ra nhất là việc thừa nhận các ân tứ mặc khải như nói tiên tri và lời tri thức tất sẽ làm phương hại đến tính quyết định và thẩm quyền của Kinh thánh. Nhưng lập luận này dựa trên giả định sai lầm rằng các ân tứ này cho chúng ta những lẽ thật vô ngộ có thẩm quyền tương đương với chính lời Kinh thánh (xem bài viết của tôi Tại Sao Lời Tiên Tri TƯ Không Dẫn Đến Những Lời Mặc Khải ‘Có Đặc Tính Như Kinh Thánh’.)
Ta cũng nghe thấy người ủng hộ quan điểm đã ngưng viện đến Ê-phê-sô 2:20 như thể câu này mô tả toàn bộ chức vụ tiên tri có thể có. Họ lập luận rằng các ân tứ mặc khải như ân tứ nói tiên tri chỉ liên hệ tới các sứ đồ, từ đó được định để vận hành trong cái gọi là thời kỳ lập nền của hội thánh thời đầu. Tôi đề cập kỹ hơn đến quan điểm về cơ bản là sai lệch này tại đây. Việc tra xét kỹ các bằng chứng kinh thánh về cả bản chất của ân tứ tiên tri cũng như việc nó được ban phát rộng rãi giữa vòng các Cơ Đốc nhân chỉ ra rằng ân tứ này không chỉ là để các sứ đồ lập nền cho hội thánh. Vì thế, sự qua đời của các sứ đồ hay hoạt động của hội thánh sau những năm lập nền đều không hề ảnh hưởng gì đến hiệu lực của lời tiên tri ngày nay. Ta cũng thường nghe đến cái gọi là lập luận tập trung, cho rằng các hiện tượng siêu nhiên và kỳ diệu tập trung hay tụ lại vào những thời kỳ có một không hai trong lịch sử cứu chuộc. Tôi đã đề cập đến lập luận này ở bài khác và chứng minh rằng nó hoàn toàn sai.
Cuối cùng, tuy đây không phải là lý lẽ hoặc lập luận để ủng hộ quan điểm tiếp diễn nhưng tôi không thể không nói đến kinh nghiệm (hay trải nghiệm). Thực tế là tôi đã thấy mọi ân tứ thuộc linh được vận hành, đã kiểm chứng và xác thực chúng, đồng thời trực tiếp kinh nghiệm chúng trong rất nhiều dịp. Như tôi đã nói, đây không hẳn là lý do để ủng hộ quan điểm tiếp diễn mà để xác thực hiệu lực của quyết định đó thì đúng hơn (dù đây không phải là một điều vô ngộ). Khi tách khỏi bản văn Kinh thánh thì kinh nghiệm chứng minh được rất ít. Nhưng kinh nghiệm phải được ghi nhận, nhất là khi nó minh họa hoặc thể hiện những gì chúng ta thấy trong Lời Chúa.
Tác giả bài viết, Sam Storms (Thạc sĩ Thần học – Chủng viện Thần học Dallas; Tiến sĩ Đại học Texas tại Dallas) là mục sư lãnh đạo công tác giảng luận và khải tượng tại Hội thánh Bridgeway, Oklahoma, Hoa Kỳ, nhà sáng lập của Mục vụ Enjoying God Ministries, và thành viên Hội đồng của trang The Gospel Coalition. Ông viết nhiều cuốn sách, trong đó có hai cuốn Packer on the Christian Life và Practicing the Power
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.thegospelcoalition.org/article/continuationist/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!