“Tại Sao Tôi Ủng Hộ Quan Điểm Rằng Các Ân Tứ Thánh Linh Đã Ngưng Lại?”
Tiếp nối bài viết Sự Tiếp Diễn Của Các Ân Tứ Thuộc Linh, giangluankinhthanh.net xin giới thiệu tới bạn đọc lập trường trái ngược của Thomas Schreiner, Giáo sư Giải nghĩa Tân Ước của Chủng viện Thần học The Southern Baptist Theological rằng các ân tứ Thánh Linh đã ngưng lại để suy xét và cân nhắc.
Tôi không viết về chủ đề này vì mình có câu trả lời cuối cùng cho các ân tứ thuộc linh, vì đây là một vấn đề khó và nảy sinh bất đồng giữa vòng những Cơ Đốc nhân yêu mến Đức Chúa Trời và Kinh thánh. Những người đọc bài này nên biết rằng Sam Storms và tôi là bạn bè. Chúng tôi yêu mến nhau, tuy có bất đồng về một vấn đề thứ yếu nhưng đồng thời vẫn đề cao tầm quan trọng của lẽ thật. Theo năm tháng, tôi dần tin rằng một số điều gọi là các ân tứ không còn được ban ra và chúng không phải là một đặc điểm thường thấy trong đời sống hội thánh. Tôi đặc biệt suy nghĩ đến ơn sứ đồ, các ân tứ nói tiên tri, nói tiếng lạ, chữa lành và làm phép lạ (và có lẽ là phân biệt các thần linh).
Tại sao lại có người nghĩ rằng một số ân tứ đã bị rút lại? Tôi sẽ lập luận rằng ý kiến đó rất ăn khớp với Kinh thánh và kinh nghiệm (hay trải nghiệm). Kinh thánh đứng trước kinh nghiệm, vì đó là thẩm quyền cuối cùng, nhưng Kinh thánh cũng phải tương quan với cuộc sống, và kinh nghiệm cần khuyến khích chúng ta nhìn lại một lần nữa xem mình đã đọc Kinh thánh đúng cách hay chưa. Không ai trong chúng ta đọc Kinh thánh trong môi trường chân không, cho nên chúng ta luôn phải trở lại với lời Kinh thánh để đảm bảo rằng mình đã đọc những lời đó một cách chính xác.
Nền của các sứ đồ và nhà tiên tri
Phao-lô nói rằng hội thánh “được xây dựng trên nền của các sứ đồ và các nhà tiên tri” (Ê-phê-sô 2:20). Tôi kết luận rằng tất cả những gì chúng ta cần biết để được cứu rỗi và thánh hóa đã được ban cho chúng ta qua sự dạy dỗ của các sứ đồ và nhà tiên tri, và sự dạy dỗ đó hiện được tìm thấy trong Kinh thánh. Vì Đức Chúa Trời đã phán dạy chúng ta bởi con Ngài trong những ngày cuối cùng này (Hê-bơ-rơ 1:2) nên chúng ta không cần thêm lời từ Ngài để giải thích những gì Chúa Giê-su Christ đã hoàn tất trong chức vụ, sự chết và sự sống lại của Ngài. Thay vào đó, chúng ta cần “chiến đấu vì đức tin, là đức tin đã truyền cho các thánh đồ một lần đủ cả” qua các sứ đồ và nhà tiên tri (Giu-đe 3).
Nói cách khác, chúng ta không có các sứ đồ như Phao-lô, Phi-e-rơ và Giăng nữa. Họ đã cho chúng ta sự dạy dỗ có thẩm quyền, nhờ đó mà hội thánh tiếp tục sống đến ngày nay, và đó là sự dạy dỗ duy nhất chúng ta sẽ cần cho đến khi Chúa Giê-su trở lại. Chúng ta biết rằng các sứ đồ mới sẽ không xuất hiện vì Phao-lô nói rõ rằng ông là sứ đồ cuối cùng (1 Cô-rinh-tô 15:8). Và khi Gia-cơ là anh của Giăng qua đời (Công vụ 12:2), ông không được thay thế. Theo nghĩa chuyên môn thì các sứ đồ chỉ giới hạn trong những người đã thấy Chúa phục sinh và được Ngài sai phái, và kể từ thời đại sứ đồ, không có ai đáp ứng được các tiêu chí đó. Các sứ đồ được lập riêng cho những ngày đầu của hội thánh để thiết lập giáo lý chính thống. Như vậy, không có lý do xác đáng để nói rằng ngày nay vẫn còn có các sứ đồ. Thực ra, nếu thời nay có ai nhận là một sứ đồ thì chúng ta cần quan ngại, vì một tuyên bố như vậy sẽ mở cửa cho sự dạy dỗ sai lạc và việc lạm dụng thẩm quyền.
Nếu ơn sứ đồ đã kết thúc thì các ân tứ khác có thể cũng đã ngưng, vì nền tảng đã được lập bởi các sứ đồ và nhà tiên tri (Ê-phê-sô 2:20). Từ điểm này, tôi kết luận rằng ân tứ tiên tri cũng đã chấm dứt, vì các tiên tri được xác định ở đây cũng giống với các tiên tri ở chỗ khác (so sánh với 1 Cô-rinh-tô 12:28; Ê-phê-sô 3:5; 4:11). Các hội thánh thời đầu không có kinh điển trong một khoảng thời gian, vì vậy cần có một chức vụ tiên tri có thẩm quyền và vô ngộ để đặt nền tảng cho hội thánh vào những ngày đầu đó.
Lập luận Kinh thánh đáng chú ý nhất chống lại điều tôi đang nói là luận điệu rằng lời tiên tri trong Tân Ước (TƯ) khác với lời tiên tri trong Cựu Ước (CƯ), vì một số người nói rằng lời tiên tri trong CƯ là hoàn hảo còn lời tiên tri trong TƯ có sai sót lẫn vào. Nhưng ý tưởng rằng các nhà tiên tri trong TƯ có thể phạm sai lầm là không thuyết phục vì một vài lý do. 1.) Trách nhiệm chứng minh thuộc về những người nói rằng lời tiên tri trong TƯ có bản chất khác với lời tiên tri trong CƯ. Các tiên tri trong CƯ chỉ được coi là các tiên tri của Chúa nếu họ vô ngộ (Phục truyền luật lệ ký 18:15-22), và điều này gần như chắc chắn đúng trong TƯ. 2.) Người ta thường viện đến lời khuyên cân nhắc các lời tiên tri chứ không phải các tiên tri (1 Cô-rinh-tô 14:29-32; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:19-20) để chứng minh sự khác biệt của ân tứ này trong Tân Ước. Nhưng lập luận này không thuyết phục, vì cách duy nhất để đánh giá các tiên tri trong cả Cựu và Tân Ước là bởi những lời tiên tri của họ. Chúng ta chỉ biết rằng các tiên tri không đến từ Chúa nếu những lời tiên tri của họ là sai hoặc nếu lời họ đi ngược lại với sự dạy dỗ trong Kinh thánh. 3.) Chúng ta không có ví dụ về một tiên tri TƯ phạm sai lầm. A-ga-bút không sai khi nói tiên tri rằng Phao-lô sẽ bị người Do Thái trói và nộp cho người La Mã (Công vụ 21:10-11). Để nói rằng ông sai thì cần phải nói chính xác hơn những gì các lời tiên tri đảm bảo. Hơn nữa, sau khi Phao-lô bị bắt, ông đã dẫn lời A-ga-bút, nói rằng ông bị người Do Thái nộp cho người La Mã (Công vụ 28:17), nên rõ ràng là ông không nghĩ rằng A-ga-bút phạm sai lầm. A-ga-bút nói lời của Đức Thánh Linh (Công vụ 11:28; 21:11), nên chúng ta không có ví dụ trong TƯ về các tiên tri có những lời tiên tri có sai sót lẫn vào.
Một số người phản đối rằng quan điểm của tôi về lời tiên tri bị lệch lạc vì có hàng trăm, hàng ngàn lời tiên tri trong thời TƯ không bao giờ được đưa vào quy điển. Tuy nhiên, phản đối đó không thuyết phục vì trong CƯ cũng vậy. Hầu hết những lời tiên tri của Ê-li và Ê-li-sê không hề được viết hoặc ký thuật vào Kinh thánh. Hay chúng ta có thể nghĩ đến 100 tiên tri được Áp-đia cứu mạng (1 Các vu 18:4). Rõ ràng là không một lời tiên tri nào của họ được ký thuật vào Kinh thánh. Tuy nhiên, tất cả các lời tiên tri đều đúng hết và không có sai sót lẫn vào, nếu không thì họ sẽ không phải là các tiên tri (Phục truyền luật lệ ký 18:15-22). Nguyên tắc này cũng áp dụng với những lời tiên tri của các tiên tri trong TƯ. Lời của họ không được ghi lại cho chúng ta, nhưng nếu họ là những tiên tri thực thụ thì lời của họ là vô ngộ.
Điều mà một số người thời nay gọi là “lời tiên tri” thực ra là những cảm tưởng từ Chúa. Ngài có thể dùng những cảm tưởng để dẫn dắt và hướng dẫn chúng ta, nhưng chúng không vô ngộ và luôn phải được kiểm chứng bởi Kinh thánh. Chúng ta cũng nên tham khảo ý kiến của những cố vấn khôn ngoan trước khi hành động theo những cảm tưởng đó. Tôi yêu những anh chị em ân tứ của mình, nhưng điều họ gọi là “lời tiên tri” ngày nay thực ra không phải là ân tứ tiên tri trong Kinh thánh. Những cảm tưởng Chúa ban không phải là những lời tiên tri.
Còn tiếng lạ thì sao?
Ân tứ nói tiếng lạ là một vấn đề khó hơn. Trong Công vụ (2:1-4; 10:44-48; 19:1-7), ân tứ này báo hiệu rằng thời kỳ ứng nghiệm đã đến, trong đó những lời hứa giao ước của Chúa đang trở thành hiện thực. 1 Cô-rinh-tô 14:1-5 và Công vụ 2:17-18 cũng gợi ý rằng tiếng lạ được thông giải (hoặc được hiểu) tương đương với lời tiên tri. Có vẻ như lời tiên tri và tiếng lạ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu lời tiên tri đã qua đi thì các tiếng lạ có lẽ cũng chấm dứt. Hơn nữa, rõ ràng là từ Công vụ, ân tứ này bao gồm việc nói các thứ tiếng nước ngoài (Công vụ 2) và Phi-e-rơ nhấn mạnh trong trường hợp của Cọt-nây và các bạn mình rằng dân ngoại đã nhận cùng một quà tặng như người Do Thái (Công vụ 11:16-17).
Cũng không thuyết phục khi nói rằng ân tứ này trong 1 Cô-rinh-tô 12-14 thuộc một loại khác (tức những lời xuất thần). Từ tongues (glōssa) biểu thị một quy luật ngôn ngữ, một ngôn ngữ có cấu trúc, không phải là cách phát âm ngẫu nhiên và tự do. Khi Phao-lô nói rằng không ai hiểu những người nói tiếng lạ vì họ nói những điều mầu nhiệm (1 Cô 14:2), ông không gợi ý rằng ân tứ này khác với ân tứ chúng ta thấy trong Công vụ. Những người nghe thấy tiếng lạ trong Công vụ hiểu những gì được nói ra vì họ biết những thứ tiếng mà các sứ đồ đang nói. Nếu không ai biết tiếng đó thì người nói tiếng lạ nói những điều mầu nhiệm. 1 Cô-rinh-tô 13:1 (các thứ tiếng của thiên sứ) cũng không chứng minh cho khái niệm rằng ân tứ nói tiếng lạ gồm những lời xuất thần. Phao-lô dùng lối cường điệu trong 1 Cô-rinh-tô 13:1-3. Rõ ràng là ông đang phóng đại khi nhắc đến ân tứ nói tiên tri (1 Cô-rinh-tô 13:2), vì không ai nói tiên tri biết “hết các sự mầu nhiệm cùng mọi tri thức.”
Tôi tin rằng những gì đang xảy ra giữa vòng những người Ân tứ ngày nay liên quan đến tiếng lạ cũng tương tự với điều chúng ta thấy với lời tiên tri. Ân tứ này được định nghĩa lại để bao gồm cả việc phát âm tự do, từ đó người ta nhận là có ân tứ được mô tả trong Kinh thánh. Khi làm vậy, họ đã định nghĩa lại ân tứ cho phù hợp với trải nghiệm đương thời. Vậy tiếng lạ đương thời có phải đến từ ma quỷ không? Tôi không nghĩ vậy. Tôi đồng ý với J. I. Packer rằng trải nghiệm này là một dạng thả lỏng tâm lý thì đúng hơn.
Các phép lạ và sự chữa lành
Các phép lạ và sự chữa lành thì sao? Đầu tiên, tôi tin rằng ngày nay Đức Chúa Trời vẫn chữa lành và có làm những điều lạ lùng, và chúng ta nên cầu nguyện cho những điều như vậy. Kinh thánh không nói rõ lắm về vấn đề này, nên những ân tứ này có thể tồn tại vào ngày nay. Tuy nhiên, chức năng chủ yếu của những ân tứ này là để xác chứng sứ điệp tin lành, xác nhận rằng Chúa Giê-su vừa là Chúa vừa là Đấng Christ. Tôi không chắc là ân tứ làm phép lạ và chữa lành còn tồn tại vào ngày nay, vì không rõ là những người nam, người nữ trong các hội thánh của chúng ta có những ân tứ như vậy hay không? Chắc chắn là đôi khi Đức Chúa Trời có thể và có chữa lành, nhưng những người có các ân tứ này ở đâu? Những khẳng định về các phép lạ và sự chữa lành phải được xác minh, giống như người ta xác minh sự chữa lành cho người mù trong Giăng 9. Có một dạng chủ nghĩa hoài nghi được đảm bảo trong Kinh thánh.
Vậy trong những tình huống truyền giáo hiện đại, liệu Chúa có thể ban những phép lạ, dấu lạ và phép màu để xác chứng Tin lành như Ngài đã làm trong thời các sứ đồ không? Có. Nhưng điều đó không giống với việc có những ân tứ này như một đặc điểm thường thấy trong đời sống đương thời của hội thánh. Nếu các dấu lạ và phép màu của các sứ đồ đã trở lại thì chúng ta cần thấy người mù được sáng, người què đi được và người chết sống lại. Đức Chúa Trời chữa lành vào ngày nay (đôi khi theo cách ngoạn mục) nhưng việc chữa lành cảm lạnh, cảm cúm, rối loạn khớp thái dương hàm, dạ dày và các vấn đề về lưng, v.v. không cùng thể loại với những sự chữa lành được tìm thấy trong Kinh thánh. Nếu ngày nay người ta thật sự có ân tứ chữa lành và làm phép lạ thì họ cần thể hiện những điều đó bằng cách thực hiện những dạng chữa lành và làm phép lạ có trong Kinh thánh.
1 Cô-rinh-tô 13:8-12 có mâu thuẫn với quan điểm của bạn hay không?
Hãy xét đến sự phản đối với quan điểm rằng một số ân tứ đã ngưng lại. Chẳng phải 1 Cô-rinh-tô 13:8-12 dạy rằng các ân tứ vẫn còn cho đến khi Chúa Giê-su trở lại hay sao? Rõ ràng là phân đoạn này dạy rằng các ân tứ có thể còn cho đến khi Chúa Giê-su trở lại. Không có sự dạy dỗ dứt khoát trong Kinh thánh rằng chúng đã ngưng. Thậm chí chúng ta có thể chờ đợi chúng còn tồn tại cho đến sự đến thứ hai. Nhưng chúng ta thấy những gợi ý từ Ê-phê-sô 2:20 và các phân đoạn khác rằng các ân tứ đóng một vai trò nền tảng. Như vậy, tôi kết luận rằng 1 Cô-rinh-tô 13:8-12 cho phép nhưng không đòi hỏi các ân tứ phải tiếp tục cho đến sự đến thứ hai. Và các ân tứ như được thực hành vào ngày nay không khớp với mô tả về các ân tứ này trong Kinh thánh.
Vì những lý do trên, các nhà Cải Chánh và hầu hết truyền thống Tin lành cho đến thế kỷ XX đều tin rằng các ân tứ đã ngưng lại. Tôi kết luận rằng cả Kinh thánh và kinh nghiệm đều xác nhận đánh giá của họ về vấn đề này.
Tác giả bài viết, Thomas Schreiner là giáo sư giải nghĩa Tân Ước và phó trưởng khoa Kinh thánh và giải nghĩa tại Chủng viện Thần học The Southern Baptist Theological Seminary tại Louisville, Kentucky, Hoa Kỳ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.thegospelcoalition.org/article/cessationist/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!