Thế Giới Mạng Đang Làm Gì Với Chúng Ta?
Gen Z (thế hệ Z – sinh ra vào khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2012) dành trung bình 9 tiếng mỗi ngày trước các thể loại màn hình —TV, trò chơi điện tử, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Mức độ online đó có tác động gì đến các cá nhân và xã hội nói chung? Có ít nhất năm lĩnh vực mà chúng ta biết rằng ảnh hưởng của nó không phải là tích cực.
Một là, điều đó đang gây hại đến con cái chúng ta. Theo một nghiên cứu rộng rãi trên gần 10.000 thanh thiếu niên của Đại học University College London và Imperial College London, mạng xã hội gây hại cho sức khỏe tâm thần của trẻ em bằng cách “phá hỏng giấc ngủ, giảm mức độ tập thể dục của chúng và khiến chúng tiếp xúc với tình trạng quấy rối trên mạng ngay tại nhà”. Trên thực tế, “việc sử dụng các trang web nhiều lần trong ngày làm tăng nguy cơ đau đớn về tâm lý lên khoảng 40% so với việc đăng nhập theo tuần hoặc ít hơn”.
Tệ hơn, thời gian sử dụng thiết bị của trẻ em đã tăng gấp đôi trong thời gian đại dịch và theo các nhà nghiên cứu từ Đại học California-San Francisco, khoảng thời gian này đã không giảm đi kể từ đó. Điều đáng lo ngại là nó không bao gồm thời gian dùng máy tính để làm bài tập ở trường vì các nhà nghiên cứu tập trung hoàn toàn vào các hoạt động giải trí như mạng xã hội, nhắn tin, lướt internet, xem hoặc phát trực tuyến phim.
Hai là nó đang thay đổi cách chúng ta nhìn nhận và quan hệ tình dục. Một cuộc khảo sát từ tờ The Times của Anh cho thấy nội dung khiêu dâm dẫn đến quan hệ tình dục, trong đó phụ nữ bị tổn thương là trạng thái bình thường mới, cụ thể là nó gây ra nỗi đau và sự hổ thẹn. BDSM (trói buộc và kỷ luật, thống trị và phục tùng, bạo dâm và khổ dâm) “hiện đã trở nên bình thường.” Tát, bóp nghẹt, giao cấu qua đường hậu môn… những nội dung khiêu dâm trên internet đã khiến những ai xem nó đều mong thực hiện nó.
Đối với Gen Z, “tình dục thô bạo” (giật tóc, cắn, tát, bóp nghẹt và các hành vi hung hăng khác) hiện là danh mục khiêu dâm phổ biến thứ hai được tìm kiếm và gần một nửa cho rằng khiêu dâm trực tuyến là nguồn giáo dục giới tính của chúng. Nó cũng thay đổi trải nghiệm của chúng ta về tình dục, tạo ra khoảng cách với bạn tình — cả về tình cảm và thể chất. Những người xem phim khiêu dâm thường thấy mình không thể bị kích thích tình dục bởi người phối ngẫu thực tế (bằng xương bằng thịt) của mình.
Billie Eilish, một trong những ngôi sao âm nhạc Gen Z nổi tiếng nhất và là người trẻ nhất trong lịch sử giành cả bốn giải Grammy hàng đầu trong cùng năm 2020, đã thoải mái chia sẻ về chứng nghiện nội dung khiêu dâm của mình, bắt đầu từ năm 11 tuổi. Nó không chỉ mang đến cho cô những cơn ác mộng mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống hẹn hò sau này của cô.
Cô phát biểu trên Howard Stern Show trên đài phát thanh Sirius XM: “Tôi nghĩ nó thực sự đã phá hủy bộ não của mình và tôi cảm thấy bị hủy hoại khi tiếp xúc với quá nhiều phim khiêu dâm.” Ở tuổi đời 20 vào thời điểm phỏng vấn, cô nói thêm, “Trong vài lần đầu tiên tôi…quan hệ tình dục, tôi đã không nói không với những điều không tốt. Lý do vì tôi nghĩ đó là điều mà tôi phải bị cuốn hút. “
Ba là, cái giá phải trả của nó là cộng đồng hoặc ít nhất là tính năng động sẵn có trước đây của cộng đồng. Chuyện hẹn hò chẳng hạn. Ngày nay, những người độc thân phàn nàn về những cạm bẫy và thất vọng khi hẹn hò trực tuyến, như thể đó là kiểu hẹn hò duy nhất vậy. Trên thực tế, nó thể hiện một sự khác biệt căn bản về văn hóa so với những gì đã từng là chuẩn mực. Hẹn hò trực tuyến hoàn toàn mang tính cá nhân, trái ngược với cách hẹn hò mang tính cộng đồng không lâu trước đây. Thay vì bạn bè và gia đình đưa ra đề xuất và giới thiệu, giờ đây nó là một thuật toán và hai lần vuốt sang phải. Theo lời một bài báo trên tờ the Atlantic:
“Robot vẫn chưa thể thay thế công việc của chúng ta. Nhưng chúng đang thay thế vai trò mai mối từng là của bạn bè và gia đình…. [Trong] nhiều thế kỷ, hầu hết các cặp đôi gặp nhau theo cùng một cách: Họ dựa vào sự sắp xếp của gia đình và bạn bè. Nói theo cách nói của xã hội học thì các mối quan hệ của chúng ta “được dàn xếp’. Nói theo cách nói của con người thì người yểm trợ cho bạn khi yêu là bố của bạn”.
Nay Tinder, OKCupid và Bumble đã thay thế vị trí của cộng đồng. Không còn là những người thân thiết nhất phục vụ, hướng dẫn và tư vấn cho chúng ta nữa; “bây giờ… chúng ta phải xoay sở với sự giúp đỡ nho nhỏ từ robot.” Ngay cả những người liên quan nhất cũng than van về “sự phá sản tinh thần của tình yêu hiện đại.” Hay theo lời của một người thì sự gia tăng của hẹn hò trực tuyến phản ánh “sự cô lập ngày càng cao và cảm giác thân thuộc trong cộng đồng ngày càng giảm”.
Bốn là, nó đang khiến chúng ta tức giận hơn. Thăm dò ý kiến cho thấy dường như tất cả chúng ta đều đồng ý với nhau về hai điều: mọi người có xu hướng bày tỏ sự tức giận trên mạng xã hội hơn là trực tiếp (gần 9 trên 10 người) và ngày nay chúng ta tức giận hơn so với thế hệ trước (84%).
Theo một cuộc thăm dò của NPR-IBM Watson Health, càng lên mạng để xem tin tức hoặc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta càng trở nên tức giận hơn. Không khó để chẩn đoán lý do. Các tờ báo thường công khai thiên vị một quan điểm cụ thể (từ đó kích động cảm xúc), và có một ngành “tiểu thủ công nghiệp” là troll (dịch nôm na là kích động người khác – N.D.) trên mạng xã hội. Nói cách khác, chúng ta đã tạo ra một môi trường để kích động và thể hiện sự tức giận và nó có hiệu quả.
Cuối cùng, cuộc sống trực tuyến đang thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng của văn hóa, và không phải lúc nào cũng là điều tốt nhất. Ví dụ, không nhiều sự thay đổi có khả năng cuốn phăng bối cảnh văn hóa nhanh bằng việc phương Tây lật ngược quan điểm của mình về tất cả những điều liên quan đến đồng tính luyến ái. Gần đây nhất là năm 2004, các cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành cho thấy đa số người Mỹ (60%) phản đối hôn nhân đồng giới. Ngày nay thì 61% lại ủng hộ nó.
Sao tâm trí người ta lại thay đổi nhanh chóng đến vậy?
Trong một nghiên cứu, giáo sư tâm lý học Mahzarin Banaji của Đại học Harvard đã điều tra những thay đổi lâu dài trong thái độ. Ông phát hiện ra rằng từ năm 2007 đến năm 2016, thành kiến đối với những người đồng tính nam đã giảm đáng kể. Nhiều động lực có thể liên quan đến điều này, chẳng hạn như việc những người đồng tính thường xuyên xuất hiện trong nền văn hóa đại chúng hơn (chẳng hạn như Ellen DeGeneres trong chương trình Will and Grace), nhưng tại sao thắng lợi lớn đối với sự chấp nhận văn hóa lại bắt đầu vào năm 2007?
Đó là năm iPhone được phát hành, Facebook rời khỏi khuôn viên trường đại học, Twitter mở ra, Google mua YouTube và tung ra Android, Amazon phát hành Kindle và Internet vượt con số một tỷ người dùng trên toàn thế giới.
Tất cả để nói rằng chúng ta không mấy nghi ngờ về việc mạng xã hội đã thúc đẩy sự thay đổi văn hóa, dù kết quả của nó có như thế nào.
Vậy hội thánh có nên tránh xa nó không?
Hoàn toàn không.
Điều này chỉ cho chúng ta biết nơi nào cần “muối” và “ánh sáng” nhất.
James Emery White, tác giả bài viết là mục sư sáng lập và mục sư trưởng của Hội thánh Cộng đồng Mecklenburg ở Charlotte, Bắc Carolina, Hoa Kỳ và từng là phó giáo sư thần học và văn hóa; đồng thời là chủ tịch thứ tư của Chủng viện Thần học Gordon-Conwell.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.churchandculture.org/blog/2022/10/6/what-the-online-world-is-doing-to-us
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!