10 Nỗi Khổ Tâm Của Người Mục Sư
Giangluankinhthanh.net – Chủ nhật thứ hai của tháng 10 trong những năm gần đây được coi là tháng tri ân các mục sư trong một số hội thánh. “Truyền thống” mới này bắt nguồn từ một số hội thánh ở Mỹ vào năm 1994. Mặc dù các mục sư quản nhiệm được khích lệ luôn phục vụ cách nhiệt thành, trông đợi sự ban thưởng từ Chúa hơn là sự ghi nhận của con người, nhưng nhưng công việc họ làm cũng cần được tôn trọng (1 Ti-mô-thê 5:17). Nhân dịp tiện này, đội ngũ Ba-rúc xin trân trọng giới thiệu bài viết của một mục sư về “nỗi khổ tâm” của họ, với hy vọng để các tín hữu hiểu rõ hơn thánh chức thiêng liêng này.
Tôi không khẳng định rằng các mục sư là những con người hoàn hảo. Chúng tôi cũng lộn xộn lắm. Đôi khi chúng tôi có thể kiêu ngạo và thiếu quan tâm. Tuy nhiên, hầu hết các mục sư mà tôi biết đều là những người theo Chúa một cách thành thật, trung tín và yêu mến hội chúng của mình. Họ cũng nhận ra rằng chức vụ chăn bầy thường có nỗi khổ tâm của nó.
Dưới đây là một số nỗi đau như vậy:
1. Chúng tôi than khóc khi những cuộc hôn nhân đổ vỡ. Chúng tôi thường nghe cả hai mặt của câu chuyện và biết rõ cả những sầu não và tội lỗi. Thường thì chúng tôi thấy được nỗi đau mà việc ly hôn có thể gây ra.
2. Chúng tôi đau đớn khi những người trẻ tuổi đưa ra những quyết định dẫn đến rắc rối. Không ai trong chúng tôi muốn người trẻ tuổi trong hội thánh mình sa xuống những con đường có thể dẫn đến trở ngại về lâu về dài. Nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng ngăn chặn được điều đó.
3. Đôi khi chúng tôi tự chỉ trích bản thân khi bài giảng của mình không được mạnh mẽ như mình nghĩ. Chúng tôi thường là những nhà phê bình khắt khe nhất của bản thân. Đồng thời, một số người trong chúng tôi sẽ nghĩ ngợi trong nhiều ngày xem lẽ ra mình đã có thể làm tốt hơn như thế nào.
4. Đôi lúc chúng tôi buồn lòng về tội lỗi của những người khác hơn cả họ. Chúng tôi biết là mình không thể đưa họ đến sự ăn năn, và thật đau đớn khi nhìn họ tiến đến chỗ hủy hoại.
5. Chúng tôi đau đớn khi hội thánh mình phải thực hiện sự kỷ luật. Trong tất cả những năm chức vụ của mình, có một số tình huống thật đau khổ khi tôi phải khai trừ một thành viên trong hội thánh đã chọn phớt lờ những nỗ lực dẫn dắt và hòa giải của chúng tôi. Cảm giác như tôi đã không chạm tới được người đó trong vai trò mục sư của anh ta.
6. Chúng tôi phải vật lộn khi hội thánh mà mình dẫn dắt không tăng trưởng. Tôi nhận ra rằng chúng ta có thể trở nên sùng bái những con số, nhưng hầu hết những mục sư mà tôi biết đều không thấy thoải mái khi hội thánh mà họ dẫn dắt không chạm đến người ta.
7. Đôi khi bản thân chúng tôi đau đớn khi gia đình mình phải vật lộn và cô đơn. Ở đây tôi không đổ lỗi cho ai cả; Tôi chỉ đưa ra quan điểm rằng một số gia đình mục sư phải vật lộn dưới sức nặng của trọng trách này — và chúng tôi giữ cuộc đấu tranh đó cho riêng mình.
8. Chúng tôi lặng lẽ khóc than trong đám tang của những người không hề có dấu hiệu cải đạo Cơ Đốc. Chúng tôi phải cử hành nghi lễ trong những tình huống đó, nhưng đôi khi thầm rơi nước mắt vì họ.
9. Chúng tôi vật lộn với sự cô đơn khi không biết cách phát triển những tình bạn khăng khít. Nói thật thì đây thường là vấn đề của chúng tôi chứ không phải của hội chúng, nhưng nó có thể dẫn đến sự cô độc.
10. Chúng tôi thường cảm thấy tội lỗi ngay cả khi bộc lộ những suy nghĩ trên. Có thể tôi là người mục sư duy nhất từng cảm thấy những điều này, nhưng biết đâu đấy! Nên tôi dùng bài viết này để nhờ các bạn cầu thay cho tất cả những người đồng nghiệp của tôi.
Cuối tuần này, hãy nói một lời cầu nguyện cho những người mục sư của mình.
Chuck Lawless, tác giả bài viết hiện đang phục vụ trong vai trò Giáo sư Truyền giáo và Sứ mệnh kiêm Trưởng khoa Nghiên cứu sau Đại học tại Chủng viện Southeastern, Wake Forest, bang North Carolina, Hoa Kỳ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://chucklawless.com/2017/11/10-heartaches-of-being-a-pastor/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!