Cơ Đốc Nhân Có Buộc Phải Dâng Một Phần Mười?
Việc dâng một phần mười được dạy rõ trong Cựu Ước, nhưng trong Tân Ước có vẻ được giảm nhẹ. Những người dâng 10% thu nhập của mình có đang làm một điều không bắt buộc? – K. Dale Miller, Wilmore, Kentucky, Hoa Kỳ.
Một câu trả lời “có” hoặc “không” đơn thuần cho câu hỏi này sẽ gây hiểu lầm nghiêm trọng. Chúng ta biết rằng luật của Môi-se quy định việc dâng một phần mười (xem Lê-vi ký 27:30-33), ít nhất là để hỗ trợ những người Lê-vi (Dân số ký 18:21-24). Tuy nhiên, giống như các điều luật khác, dân sự thường vi phạm nó, dù các tiên tri nhấn mạnh rằng không dâng phần mười thì chẳng khác gì ăn trộm của Đức Chúa Trời (Ma-la-chi 3:6-12).
Cũng có những tế lễ phải dâng khác. Hơn nữa, những người Y-sơ-ra-ên trung tín cần hào phóng trong của bố thí, để những người nghèo trong xứ được nương cậy.
Trên thực tế, các tiên tri đả kích thói tham lam và bất công xã hội (chẳng hạn như A-mốt) và dạng thức tư bản thô sơ đi bóc lột người nghèo (Ê-sai 5:8-10). Nói cách khác, ngay cả trong Cựu Ước, chúng ta cũng nên cẩn thận, chớ tách việc dâng phần mười khỏi yêu cầu rộng hơn về sự hào phóng và công bằng xã hội.
Phân đoạn duy nhất trong Tân Ước chỉ rõ việc dâng một phần mười lại làm vậy một cách khá gián tiếp: “Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả! Vì các ngươi dâng một phần mười bạc hà, hồi hương và rau cần, nhưng lại lãng quên những vấn đề trọng đại hơn của luật pháp là công lý, lòng thương xót, và đức tin. Các ngươi phải làm những điều nầy, nhưng cũng không được lãng quên các điều kia” (Ma-thi-ơ 23:23).
Tất nhiên, cái chính là Chúa Giê-su muốn chỉ trích việc dâng phần mười quá tỉ mỉ đến cả vài cây rau thơm trong vườn nhà để đổi lấy những vấn đề căn bản về công lý, sự ngay thẳng và lòng thương xót. Nhưng có người sẽ mong Chúa Giê-su nói rằng: “Các ngươi phải làm những điều này, còn mấy cây rau thơm thì bỏ qua”, hoặc đại loại như vậy. Nhưng Ngài lại nói: “Các ngươi phải làm những điều nầy, nhưng cũng không được lãng quên các điều kia”.
Sau Thập tự giá và Sự phục sinh, Tân Ước không đưa ra phân đoạn nào có kết luận rõ ràng như vậy nữa. Thực tế đó dẫn đến đủ thứ tranh luận về bản chất của sự tiếp nối và không tiếp nối giữa giao ước cũ và giao ước mới.
Việc dâng một phần mười có phải là một mạng lệnh thiên thượng vì nó chưa được bãi bỏ một cách rõ ràng? Hay đó là một phần trong “mệnh lệnh cũ” đã qua?
Dù chúng ta có giải quyết câu hỏi lớn đó như thế nào thì tất cả các bên đều đồng ý rằng một số trước giả Tân Ước nhấn mạnh Cơ Đốc nhân cần là những người rộng rãi, biết ban cho (1 Ti-mô-thê 6:18). Cho nên, chí ít chúng ta cũng phải nhấn mạnh rằng những tín đồ thuộc cả hai giao ước đều cần ban cho cách rộng rãi.
Một số người có thể tự vấn: Có phải là tranh luận này chỉ nói đến số tiền không? 10% này có gì gắn với luật về đạo đức không?
Hai điểm sau sẽ giúp chúng ta tập trung vào vấn đề.
1. Hãy đề phòng sự kiêu ngạo. Luôn có mối nguy thuộc linh nghiêm trọng khi nghĩ rằng nếu trong một khía cạnh nào đó, chúng ta đáp ứng được một yêu cầu rõ ràng cụ thể thì chúng ta đã hoàn thành mọi điều mà Chúa yêu cầu. Mười phần trăm với một số người là rất nhiều; còn với những người khác thì không nhiều lắm. Những gì Chúa Giê-su nói về số tiền dâng ít ỏi của người đàn bà góa chẳng phải là một trong những bài học hay sao? Việc cho rằng Đức Chúa Trời đòi hỏi 10% và chỉ vậy thôi có thể khuyến khích thái độ độc lập và thờ thần tượng rõ rệt: “Phần này dành cho Chúa, phần còn lại thuộc quyền của tôi.” Cũng vậy, nếu chọn dâng nhiều hơn 10% thì bạn có thể say sưa tán thưởng sự hào phóng của chính mình.
2. Hãy nhớ lý do khiến bạn dâng hiến. Quan điểm luật pháp nghiêm ngặt về việc dâng hiến sớm dẫn đến rất nhiều những tranh luật phức tạp. 10% này là của tổng thu nhập hay thu nhập ròng (thu nhập sau khi hạch toán mọi khoản thuế và chi phí – N.D.)? Tại một đất nước mà hệ thống thuế thu nhập lũy tiến lên đến 90% thu nhập thì sao? Nếu chúng ta chọn dâng một phần mười từ thu nhập ròng thì đó chỉ là khoản tiền chúng ta mang về nhà hay có cả khoản bảo hiểm y tế và trợ cấp hưu trí đã trừ?
Chúng ta dễ liệt kê những câu hỏi như vậy ra một hai trang giấy mà không đặt câu hỏi rằng “Mình phải quản trị công việc thế nào để có thể dâng nhiều hơn?” Chắc chắn đó là câu hỏi hay hơn so với “Cách hiểu đúng là như thế nào để mình có thể làm cho xong những gì phải làm và yên ổn sống tiếp?”
Cơ Đốc nhân sẽ muốn thừa nhận với lòng biết ơn rằng họ chỉ là những người quản trị tất cả những điều mà mình “sở hữu”. Hơn nữa, quy tắc đạo đức trong Tân Ước không hướng nhiều đến quy định của luật pháp bằng đời sống vui mừng đầu phục Chúa.
Đây là lý do tại sao phân đoạn thấu suốt nhất trong Tân Ước về sự dâng hiến là 2 Cô-rinh-tô 8-9. Đang khi trải qua nhiều hoạn nạn, người Cô-rinh-tô lại “đầy sự vui mừng. Trong thiếu thốn ngặt nghèo thì lòng rộng rãi của họ lại càng dư dật” (8:2). Dù vậy, họ đã dâng mình cho Chúa trước (8:5).
Vì vậy, tạo sao không nhắm đến việc dâng 20%? Hay 30%? Hoặc nhiều hơn, tùy vào hoàn cảnh của bạn (8:12)? “Vì anh em biết ân điển của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ, Ngài vốn giàu nhưng đã trở nên nghèo vì anh em, để bởi sự nghèo khó của Ngài, anh em trở nên giàu có” (8:9).
D. A. Carson, tác giả bài viết là giáo sư nghiên cứu Tân Ước tại Trường Thần học Trinity Evangelical Divinity School.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Nguồn: Christianity Today, 15/11/1999.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!