Tóm Lược Lịch Sử Hội Thánh
Giangluankinhthanh.net – Để tiếp nối và ôn lại loạt bài giảng về Lịch Sử Hội Thánh do mục sư David Pawson trình bày (bạn đọc có thể xem trên kênh Youtube của Giảng Luận Kinh Thánh), xin trân trọng giới thiệu với anh chị em một bài viết tóm lược lịch sử hội thánh của Tiến sĩ Bruce L. Shelley, Giáo sư môn Lịch sử Hội thánh tại Chủng viện Denver, Hoa Kỳ và là thành viên trong hội đồng cố vấn của tổ chức Christian History – Lịch sử Hội thánh.
Ngày nay, sau hai ngàn năm, Cơ Đốc giáo là đức tin (ít nhất là trên danh nghĩa) của một phần ba dân số thế giới. Từ một vài người đánh cá, người thâu thuế và thanh niên gây rối tại tỉnh Giu-đa không được mấy người biết đến, đức tin này đã lan ra khắp địa cầu và đòi hỏi lòng trung thành của gần hai tỷ người sống trên hành tinh trái đất của chúng ta.
Thời đại của Chúa Giê-su và Các sứ đồ
Con đường tiến về phía trước thường có nghĩa là nhìn lại, nghiên cứu lại hình ảnh Đức Chúa Trời được bày tỏ trong câu chuyện của Chúa Giê-su. Cơ Đốc nhân luôn coi thời của Chúa Giê-su và các sứ đồ là một dạng hình mẫu cho mọi thời đại khác. Nó đem đến cho hội thánh đức tin nơi Chúa Giê-su – Đấng Mê-si-a phục sinh, và hy vọng về sự tha thứ tội lỗi qua Ngài. Thời đại đó bày tỏ – trong cuộc đời của Phao-lô – rằng Tin lành của ân điển không chấp nhận giới hạn nào về dân tộc, chủng tộc, giới tính hay văn hóa.
Thời đại của Hội thánh Phổ thông (70-312)
Cơ Đốc giáo phổ thông tiếp nhận lẽ thật này đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới Địa Trung Hải, đương đầu với những tư tưởng xa lạ của Trí huệ phái, Nhị nguyên luận, thuyết Montanus; gọi sự dối trá là sự dối trá bằng cách viện đến các tài liệu mang tính sứ đồ và các giám mục chính thống đã bảo vệ chúng. Đồng thời, Cơ Đốc giáo đối mặt với quyền lực bách hại của Rô-ma và dám cảm tử vì đạo, làm nhân chứng cho các tín đồ khác theo sau mình. Hạt giống của huyết tử đạo – theo cách gọi của Tertullian – cuối cùng đã sinh nhiều bông trái trong việc cải đạo Đế quốc La Mã.
Thời đại của Đế quốc Cơ Đốc (312-590)
Thời đại Đế quốc bắt đầu vào năm 312 khi Constantine thấy một khải tượng về Đấng Christ. Trước khi thế kỷ thứ tư khép lại, Cơ Đốc giáo trở thành tôn giáo chính thức của chính quyền La Mã khắp nơi. Hội thánh nhóm lại trong các hầm mộ là một chuyện, nhưng Cơ Đốc giáo thì có liên quan gì đến các cung điện?
Dưới sự giám hộ của hoàng đế, hội thánh đã học cách phục vụ cho các vị trí quyền lực bằng cách hình thành đức tin cho quần chúng, từ đó trở thành thời đại của các hội đồng lớn. Những Cơ Đốc nhân không mặn mà gì với các cung điện đã đến những nơi hoang vắng để tìm một con đường ân điển khác. Không lâu sau, những ẩn sĩ được kính trọng trở thành những người tiên phong cho một phong trào – chủ nghĩa tu viện, làn sóng của tương lai.
Thời Trung cổ Cơ Đốc (590-1517)
Tuy nhiên, hầu hết các Cơ Đốc nhân lại thấy bàn tay của Chúa trong sự kết hiệp vui vẻ giữa Hội thánh Cơ Đốc và nhà nước La Mã. Ở phương Đông, sự kết hiệp đó đã tiếp diễn trong một thiên niên kỷ. Lòng mộ đạo thần bí đã phát triển mạnh mẽ dưới sự bảo vệ của các hoàng đế chính thống cho đến năm 1453, khi người Hồi giáo xâm lược, đưa Đế chế Byzantine đến hồi đổ nát. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Constantinople đồng nghĩa với sự trỗi dậy của Moscow, thủ đô mới của Chính thống giáo phương Đông. Ở phương Tây lại là một câu chuyện khác. Sau thế kỷ thứ năm, khi những người Đức và người Huns man rợ phá vỡ hàng phòng thủ của Đế chế và tràn vào chính thành Rô-ma vĩnh cửu, người ta đã tìm đến cuốn Thành của Đức Chúa Trời của Augustine để có lời giải thích. Họ đã tìm thấy một khải tượng cho thời đại mới. Chúng ta gọi những thế kỷ này là “thời trung cổ”. Những người sống trong đó coi mình là “Cơ đốc nhân”. Lý do của họ nằm ở vai trò của giáo hoàng, người bước vào đống đổ nát của đế quốc đã sụp đổ ở phương Tây và tiến hành xây dựng hội thánh thời trung cổ sau vinh quang đã qua của Rô-ma. Là mối liên hệ duy nhất với quá khứ La Mã, Hội thánh La Mã đã huy động các tu sĩ dòng Benedict (Biển Đức) và để họ làm đại sứ truyền giáo cho dân Đức. Phải mất nhiều thế kỷ, nhưng các giáo hoàng, với sự trợ giúp của các hoàng thân Cơ Đốc, đã từ từ bình định và báp-tem cho một lục địa và gọi nó là Christendom (Thế giới Cơ Đốc), Châu Âu Cơ Đốc.
Tuy nhiên, báp-tem đại chúng cũng có nghĩa là báp-tem cho những người ngoại giáo. Đến thế kỷ thứ 10, sự đổi mới thuộc linh trở thành nhu cầu tất yếu. Nó bắt đầu trong một tu viện tại miền trung nước Pháp gọi là Cluny và lan ra cho đến khi chạm tới chính chế độ giáo hoàng. Vị giáo hoàng vĩ đại nhất trong cuộc cải tổ này là Gregory VII. Những người kế nhiệm nhiệt thành của ông đã đưa chức giáo hoàng lên đỉnh cao nhất của quyền lực trên đất. Không còn gắn chặt với đế quốc La Mã nữa, hội thánh của thế kỷ XII chính là một dạng đế quốc, một vương quốc thuộc linh trên đất trải rộng từ Ireland đến Palestine, từ mặt đất đến thiên đàng. Các cuộc thập tự chinh và triết học kinh viện là những nhân chứng cho quyền tối cao này của giáo hoàng. Nhưng quyền lực lại dẫn đến sự tha hóa. Hội thánh giành được thế giới nhưng lại mất đi linh hồn mình. Dù sao đi nữa, đó cũng là những gì mà một loạt các nhà cải cách đã rao giảng: Người Waldensian, Franciscan,Albigensian. Giữa cuộc tranh giành quyền lực trên đất và những bằng chứng về tôn giáo không mang lại kết quả trong thế kỷ XIV và XV, nhiều Cơ Đốc nhân đã tìm đến Kinh thánh để có cái nhìn mới mẻ và sự đổi mới.
Thời Cải Chánh (1517-1648)
Sự cải chánh đến như vũ bão. Martin Luther thổi kèn loan báo, nhưng rất nhiều người khác đã tập hợp lại. Thời kỳ mà chúng ta gọi là Cải Chánh đánh dấu sự huy động của đạo Tin lành: Lutheran, Cải chánh, Anh giáo, Anabaptist. Đến giữa thế kỷ XVI, Cuộc Cải chánh đã phá vỡ sự hiệp nhất truyền thống của Tây Âu và dọn đường cho thuyết đa nguyên tôn giáo hiện đại. Giáo hội La Mã chống lại sự tấn công như vậy vào truyền thống. Giáo hội tập hợp những đội quân mới, đặc biệt là Dòng Tên. Giáo hội sai phái những làn sóng giáo sĩ mới đến châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh. Giáo hội tiến hành chiến tranh tại Pháp, Hà Lan và Đức. Nhưng cuối cùng, thế giới Cơ Đốc đã trượt lại những năm về trước. Thay vào đó là khái niệm mang tính hệ phái về hội thánh, cho phép các quốc gia hiện đại coi hội thánh là những hiệp hội tình nguyện tách biệt khỏi nhà nước.
Thời đại của Lý trí và Sự Phấn hưng (1648-1789)
Các trường phái tư tưởng mới lạ tràn ngập thế kỷ XVII. Không trường phái nào mạnh hơn chính Lý trí. Nó đặt câu hỏi rằng: “Ai cần Đức chúa Trời? Con người có thể tự mình làm mọi thứ.” Cơ Đốc nhân la hò phản đối, nhưng tư tưởng đó đã lan ra cho tới khi chủ nghĩa thế tục tràn ngập đời sống quần chúng của xã hội phương Tây. Đức Chúa Trời vẫn còn đó, nhưng chỉ còn là chuyện lựa chọn cá nhân. Cơ Đốc nhân không thể dựa vào quyền lực để đàn áp những tà giáo như vậy nữa. Thay vào đó, nhiều người quay về với cách thức của các sứ đồ – cầu nguyện và rao giảng. Kết quả là một loạt những cuộc phấn hưng mang tính Tin lành thuần túy: chủ yếu là Mộ đạo phái, Giám lý và Cơn Đại Tỉnh thức. Bằng cách rao giảng và cải đạo cá nhân, những người chủ trương Tin lành thuần túy cố gắng đưa Đức Chúa Trời trở lại với đời sống quần chúng.
Thời đại Tiến bộ (1789-1914)
Thời đại Tiến bộ chứng kiến đủ kiểu Cơ Đốc nhân tiến hành một cuộc chiến anh dũng chống lại sự tiến bộ của chủ nghĩa thế tục. Từ các cuộc Tỉnh thức mang tính Tin lành thuần túy, đã có những nỗ lực mới để mang Tin lành của Đấng Christ đến những vùng đất xa xôi, và mở ra một loạt các mục vụ công tác xã hội ở châu Âu và Bắc Mỹ công nghiệp hóa. Từ các thành trì của Rô-ma, chế độ giáo hoàng phòng thủ đã bắn một loạt tên lửa nhằm vào những kẻ thù hiện đại của đức tin Công giáo. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực hết mình của các Cơ Đốc nhân, Cơ Đốc giáo đã dần bị loại khỏi đời sống quần chúng ở Thế giới phương Tây. Người tin Chúa phải trả lời cho câu hỏi mà chúng ta đã nhìn nhận trong thời đại của chính mình: Làm sao để Cơ Đốc nhân có thể tạo ảnh hưởng về đạo đức trong các xã hội đa nguyên và toàn trị, nơi những giả định của Cơ Đốc nhân về thực tại không còn chiếm ưu thế nữa?
Thời đại của những Hệ Tư tưởng (Ý Thức hệ) (1914-1990)
Chiều sâu của vấn đề trở nên rõ ràng trong Thời đại của những Hệ Tư tưởng, khi những thần mới nổi lên để lô kéo lòng trung thành của dân chúng. Chủ nghĩa Quốc xã đề cao nhà nước; Chủ nghĩa Cộng sản tôn sùng đảng; và Chế độ Dân chủ Hoa Kỳ tôn trọng quyền cá nhân. Khi không có hệ tư tưởng duy nhất nào chiếm ưu thế, một cuộc chiến tranh lạnh để cùng tồn tại đã được thiết lập trên các quốc gia từng theo Cơ đốc giáo. Xuyên suốt thời buổi hỗn loạn này, các hệ phái đã phải vật lộn với các thần học chính thống và tự do, tìm kiếm những cách thức mới để khôi phục lại một sự hiệp nhất đã mất, và phản ánh niềm khao khát mới đối với các trải nghiệm mang tính sứ đồ.
Sau Thế chiến thứ hai, sự lãnh đạo mới mẻ và mạnh mẽ của Cơ Đốc giáo xuất hiện trong Thế giới Thứ ba, mang đến hy vọng tươi mới về một thời đại mới cho đức tin cổ xưa. Phải chăng các giáo sĩ từ các quốc gia tân ngoại giáo ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã thành công trong việc cho Cơ Đốc giáo một chỗ đứng trong tương lai bằng cách mang Tin lành đến Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh? Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi đó.
Nhưng Cơ Đốc nhân có thể hy vọng vì đức tin luôn vượt ngoài những hoàn cảnh trên đất này. Đức tin ấy đặt sự tin cậy nơi một Con Người. Và không người nào khác trong sử sách từng ảnh hưởng đến nhiều người, trong nhiều điều kiện, qua một khoảng thời gian quá dài như Chúa Giê-su Christ. Các sắc thái và tông màu trong hình ảnh của Ngài dường như thay đổi theo nhu cầu của con người: Đấng Mê-si-a người Do Thái của những người tin còn sót lại, Sự Khôn ngoan của nhà biện giáo Hy Lạp, Đức Vua Toàn Cõi của hội thánh đế quốc, Ngôi Lời Thiên Thượng của các hội đồng chính thống, Đấng cai trị thế giới của các giáo triều, Tấm gương tu sĩ cho sự nghèo khó mang tính sứ đồ, Cứu Chúa cá nhân của những nhà phấn hưng chủ trương Tin lành thuần túy.
Thật vậy, Ngài là con người dành cho mọi thời kỳ. Trong một thời đại mà nhiều người cho rằng Ngài không còn phù hợp, chỉ là một tàn tích của quá khứ chóng qua, lịch sử hội thánh đã đưa ra một lời chứng thầm lặng rằng Chúa Giê-su Christ sẽ không biến mất khỏi đất này. Danh hiệu của Ngài có thể thay đổi, nhưng lẽ thật của Ngài vẫn trường tồn cho mọi thế hệ.
Tác giả bài viết, Tiến sĩ Bruce L. Shelley là Giáo sư môn Lịch sử Hội thánh tại Chủng viện Denver, Hoa Kỳ và là thành viên trong hội đồng cố vấn của tổ chức Christian History – Lịch sử Hội thánh.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://christianhistoryinstitute.org/magazine/article/church-history-in-brief