Thánh Phanxicô Có Phải Một Kẻ Ẻo Lả?
Giangluankinhthanh.net – Ray Comfort, tác giả bài viết dưới đây đọc thấy câu nói: “Hãy rao giảng Tin lành trong mọi lúc. Dùng lời nói khi cần” được cho là của Thánh Phanxicô thành Assisi và “khó chịu không nói thành lời”. Theo ông, triết lý này hạ thấp tầm quan trọng của lời nói trong việc rao giảng Tin lành, khiến nhiều người cho rằng Cơ Đốc nhân chỉ cần xây dựng mối quan hệ và thể hiện lối sống qua hành động là đủ. Vậy sự thật là như thế nào?
150.000 đứa trẻ sắp chết đói, nhưng nhờ có món quà của một tỉ phú rất hào phóng, giờ đây mọi đứa trẻ đều có đủ đồ ăn để sống sót. Món quà ấy đến dưới dạng một tấm séc rất lớn. Nỗi kinh hoàng đã qua. Nó đã chấm dứt. Bây giờ vấn đề chỉ còn là phân phát đồ ăn với số nhân viên cứu hộ ít ỏi hiện có. Vài ngày sau, một nhân viên hoảng hốt lao vào trại và kêu lên: “Một số nhân viên cứu hộ đã ngừng phát đồ ăn. Rất nhiều đứa trẻ đang chết dần chết mòn!” Tại sao các nhân viên cứu hộ lại ngừng phát đồ ăn? Thật không thể hiểu nổi! Người nhân viên kia nói: “Ấy là vì có người giương cao tấm biển ghi rằng: ‘Hãy cho những đứa trẻ đói lả ăn. Dùng đồ ăn khi cần.’ Điều đó khiến một số nhân viên chỉ làm bạn với những đứa bé đói lả mà không cho chúng đồ ăn. Thật là điên rồ!” Chắc chắn bạn đã nghe đến Thánh Phanxicô (Saint Francis, người sáng lập ra Dòng Phan Sinh, hay Dòng Anh Em Hèn Mọn – N.D.) thành Assisi. Lần đầu tiên tôi nghe đến ông là vào năm 1965. Ấy là trong bộ phim lướt sóng “Mùa hè bất tận.” Bốn người lướt sóng chạy theo mặt trời đã phát hiện ra con sóng hoàn hảo tại một địa điểm ở Nam Phi mang tên “Mũi Saint Francis.” Cảnh tượng về con sóng hoàn hảo đã khiến tôi thích thú không nói thành lời. Lần sau đó, tôi nghe được là ông nói rằng “Hãy rao giảng Tin lành trong mọi lúc. Dùng lời nói khi cần.” Khẳng định đó khiến tôi khó chịu không nói thành lời, vì đó là một triết lý nghe có vẻ sâu sắc về thuộc linh…với những người nông cạn về thuộc linh. Nó có ý nghĩa rất giống câu “Hãy cho những đứa trẻ đói lả ăn. Dùng đồ ăn khi cần.”
Ngày 16/07/1228, Phanxicô thành Assisi được Giáo hoàng Gregory IX tuyên bố là một vị thánh. Chuyện đó xảy ra đã lâu rồi nên thắc mắc thì có phần hơi muộn, nhưng nếu có thể, tôi muốn tìm hiểu tại sao có người lại nói một điều kỳ lạ như vậy? Có phải vì ông sợ dùng lời nói thực tế để rao giảng lẽ thật của Tin lành không? Hay vì ông nghĩ rằng mọi người sẽ thấy mình làm việc tốt và nghe sứ điệp về sự cứu rỗi mà không cần người rao giảng, một điều trái ngược với lời Kinh thánh rằng “Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Không có người rao giảng thì nghe cách nào?” (Rô-ma 10:14). Dù thế nào đi chăng nữa, 800 năm kể từ thời Phanxicô, chúng ta có nhiều người tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su, và không chút nghi ngờ khi sử dụng triết lý phổ biến này để biện minh cho việc im lặng. Đối với họ, sự cứu rỗi thực sự là một món quà “không nói thành lời”. Gần đây có người nói với tôi về một hội nghị có 100.000 Cơ đốc nhân nhóm họp để thờ phượng Đức Chúa Trời. Khi tôi hỏi là người ta có khuyến khích họ đi ra rao giảng Tin lành cho mọi tạo vật hay không, tôi không ngạc nhiên khi biết câu trả lời là không. Thay vào đó, người ta khuyến khích họ sống một đời sống thờ phượng. Nghe lại có vẻ thuộc linh, nhưng ta không thể thờ phượng Chúa mà không vâng theo Lời Ngài, mà Lời Ngài lại ra lệnh cho chúng ta giảng Tin lành cho mọi tạo vật. Tôi thường gặp những người nghĩ mình có thể vâng theo Đại Mạng lệnh mà không dùng lời nói. Khi nghe người khác giảng Tin lành thì họ thường khó chịu và nói những điều như “Tôi đánh giá cao những gì anh đang nói, nhưng tôi không thích cách anh nói điều đó.” Với đôi chút thăm dò, họ là những con người của mối quan hệ, cho rằng giảng Tin lành nghĩa là xây dựng mối quan hệ với những người hư mất và không bao giờ nhắc đến những từ như “tội lỗi”, “Địa ngục” và “Ngày Phán xét.” Họ nghĩ rằng tình yêu thực thụ là giữ Bánh sự sống khỏi những người đang đói đến chết. Hãy nhớ Chúa Giê-su đã nói rằng “Vì nếu ai hổ thẹn về Ta và đạo Ta giữa thế hệ gian dâm tội lỗi nầy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn về người ấy khi Ngài cùng với các thiên sứ thánh ngự đến trong vinh quang của Cha Ngài” (Mác 8:38). Theo từ điển, “kẻ ẻo lả” là “một người rụt rè hoặc hèn nhát. Từ những gì tôi hiểu về Thánh Phanxicô thì ông không phải là kẻ ẻo lả. Ông là một con người đầy tình yêu và không sợ dùng từ ngữ khi rao giảng. Ông không sợ hãi khi rao giảng cho một thế gian tội lỗi. Tuy nhiên, đã có những lần mà bạn có thể gọi tôi bằng danh từ đó. Tôi thấy mình bị nỗi sợ kìm kẹp và muốn bỏ những từ như tội lỗi, Địa ngục, sự ăn năn và Ngày Phán xét khi rao giảng cho những tội nhân. Tôi không muốn bị cho là không yêu thương hoặc hay phán xét, nhưng tôi kính sợ Đức Chúa Trời hơn là sợ loài người. Nên khi Lời Chúa bảo tôi dùng lời nói thì tôi sẽ dùng đến lời nói, dù hậu quả có như thế này. Hãy nghe lời Sứ đồ Phao-lô cảnh tỉnh những người nghe mình: “Do đó, hôm nay tôi xác quyết trước mặt anh em rằng tôi vô tội về máu của tất cả anh em. Vì tôi đã công bố toàn bộ mục đích của Đức Chúa Trời cho anh em, không giữ lại điều gì” (Công vụ 20:26-27). Có lẽ ông nói đến việc không vướng bận về huyết của họ vì ông đã quen với lời cảnh báo của chính Đức Chúa Trời với Ê-xê-chi-ên về trách nhiệm phải cảnh báo thế hệ của mình: “Khi Ta nói với kẻ dữ: ‘Mầy chắc sẽ chết!’ Nếu con không cảnh cáo nó, không nói với nó, và khuyên nó từ bỏ đường lối xấu xa để cứu mạng mình, thì kẻ dữ đó sẽ chết trong tội lỗi nó, nhưng Ta sẽ đòi máu nó nơi tay con.” (Ê-xê-chi-ên 3:18).
Khi có người nghĩ rằng họ có thể cho những đứa trẻ đói lả ăn mà không dùng đến đồ ăn thì đó là chuyện của họ. Nhưng khi triết lý của họ lan ra khắp trại thì nó trở thành một bi kịch không nói thành lời. Nếu chúng ta trở nên thụ động với Đại Mạng lệnh vì quan tâm đến bản thân mình hơn là sự sống đời đời của những người khác thì chúng ta có thể giấu động cơ của mình trước con người chứ không giấu nổi Chúa. Ngài cảnh báo rằng:
“Hãy giải cứu những kẻ bị đùa đến sự chết;
Và cứu những người đi lảo đảo tới chốn hành hình.
Nếu con nói: “Kìa, chúng tôi chẳng biết điều nầy,”
Thì Đấng cân nhắc lòng người không xem xét điều ấy sao?
Và Đấng gìn giữ linh hồn con không biết đến ư?
Ngài chẳng báo cho mỗi người tùy theo công việc họ làm sao?” (Châm ngôn 24:11-12).
Câu chuyện này có một điểm rất trớ trêu. Sau khi tìm hiểu đôi chút, tôi đã gặp một trích dẫn về câu nói nổi tiếng đó. Nó đến từ một người đã là tu sĩ dòng Phanxicô trong 28 năm và có bằng Thạc sĩ về nghiên cứu Phanxicô. Ông đã liên hệ một số học giả Phanxicô nổi tiếng nhất trên thế giới để cố gắng xác thực câu nói đó. Ông nói: “Rõ ràng là điều này không có trong tài liệu nào của Phanxicô. Sau vài tuần tìm kiếm, không học giả nào có thể tìm thấy câu ấy trong câu chuyện được viết trong vòng 200 năm sau khi Phanxicô qua đời.” Vậy nếu không phải Thánh Phanxicô nói là không dùng đến lời nói thì ai nói như vậy? Ai lại muốn ngăn cản lẽ thật Tin lành được giảng ra cho mọi tạo vật? Điều đó không cần được trả lời. Thời gian không còn nhiều. Con gặt thì ít. Xin hãy bỏ nỗi sợ của mình đi và trang bị chính mình để giảng Tin lành bằng lời nói. Đó là điều cần thiết.
Ray Comfort, người viết bài này là nhà sáng lập và CEO của Living Waters, một tác giả với hơn 100 đầu sách, trong đó có cuốn The Evidence Study Bible. Ông cùng dẫn chương trình truyền hình Way of the Master được lên sóng tại 190 quốc gia trên thế giới.