Tính Cấp Thiết Của Việc Nghiên Cứu Lịch Sử Hội Thánh
Lịch sử Hội thánh có lẽ là một trong những lĩnh vực nghiên cứu bị ngó lơ nhiều nhất trong thần học Tin lành đương thời. Một trong những lý do chính khiến người ta phớt lờ lịch sử Hội thánh là vì nó có liên hệ với truyền thống. Thay vì muốn biết về những đường lối cũ mà các thánh đồ tin kính của những thời đại trước đã nhiều lần đi qua, Cơ Đốc nhân ngày nay muốn một điều gì đó “sâu sắc” hơn và ý nghĩa hơn. Theo đuổi kiến thức là đáng khen, nhưng nó không nên tách khỏi nhu cầu rằng truyền thống được đặt trong Kinh thánh và lịch sử là điều hữu ích và cần thiết đối với Cơ Đốc nhân. Cơ Đốc nhân là những người có câu chuyện liên hệ tới câu chuyện vĩ đại về lịch sử cứu chuộc. Hiểu cách Đức Chúa Trời đã vận hành trong lịch sử Kinh thánh và lịch sử của dân Ngài là yếu tố then chốt để tăng trưởng trong hiểu biết về Lời Ngài.
Hiểu vị trí thích hợp giữa Kinh thánh và truyền thống
Cơ Đốc nhân không chống lại truyền thống mà nhìn truyền thống qua lăng kính của Kinh thánh. Từ thời Cải Chánh, Cơ Đốc nhân đã khám phá ra tư tưởng Sola Scriptura, tức là duy chỉ Kinh thánh. Như vậy, Cơ Đốc nhân không chống lại truyền thống mà đặt tư duy và đời sống mình trên nền tảng Kinh thánh trước.
Từ Công đồng Nicaea, Cơ Đốc nhân học biết về sự phát triển của giáo lý Hội thánh về thần tính của Đấng Christ. Từ thời Nicaea, chúng ta nhận ra rằng những người như Athanasius đã bảo vệ thần tính của Đấng Christ với cái giá phải trả rất cao từ khi còn nhiên thiếu cho tới khi qua đời. Nếu không có những người như Athanasius, Hội thánh rất dễ bỏ qua sự dạy dỗ theo Kinh thánh về thần tính của Đấng Christ.
Nếu không hiểu được vị trí thích hợp giữa Kinh thánh và truyền thống thì Cơ Đốc nhân dễ nghĩ rằng họ chỉ cần Kinh thánh. Cơ Đốc nhân không chống lại truyền thống mà rút ra bài học từ đó, và đặt tư duy mình trên nền tảng Kinh thánh bằng cách học từ sự dạy dỗ của những người khác. Một ví dụ khác từ Công đồng Nicaea là cách Hội thánh phản ứng với những sai lầm về thần tính của Đấng Christ bằng việc nghiên cứu vấn đề từ mọi khía cạnh của Kinh thánh. Khi cùng nghiên cứu Kinh thánh tại Công đồng Nicaea, họ thấy rằng những người chống lại Kinh thánh cần được liệt vào hàng dị giáo. Tại Nicaea, chúng ta cũng nhận được Bản Tín điều Nicaea, một tuyên bố theo Kinh thánh về thần tính của Chúa Giê-su. Như vậy, Cơ Đốc nhân không được bỏ qua truyền thống mà cần tận dụng nó trên nền tảng Kinh thánh.
Rút ra bài học từ quá khứ
Trong thần học, các thần học gia dùng một thuần ngữ gọi là thần học lịch sử để chỉ hiểu biết lịch sử và sự phát triển của giáo lý Cơ Đốc xuyên suốt lịch sử Hội thánh. Phao-lô nói rằng Chúa đã ban cho Hội thánh những giáo sư (Ê-phê-sô 4:11-14) và một trong những lý do khiến chúng ta cần lịch sử là trong 2021 năm, Hội thánh đã dạy dỗ Kinh thánh một cách trung thành. Hội thánh đã được trao quyền và sai đi để môn đồ hóa thế giới. Rút ra bài học từ lịch sử về những gì Hội thánh đã dạy cũng như cách Hội thánh đối phó với tranh cãi và sai lầm là điều rất quan trọng mà Cơ Đốc nhân ngày nay cần hiểu.
Đây là lý do tại sao Cơ Đốc nhân nên nghiên cứu lịch sử hội thánh, nhưng vẫn còn nhiều điều giải thích tại sao lịch sử hội thánh lại cần thiết với Cơ Đốc nhân đến vậy. Nghiên cứu lịch sử hội thánh cũng giúp Cơ Đốc nhân học hỏi từ tấm gương của các Cơ Đốc nhân khác bằng cách nói lẽ thật trong tình yêu thương (Ê-phê-sô 4:15) và chiến đấu vì đức tin đã truyền cho các thánh đồ một lần đủ cả (Giu-đe 3).
Khuyến khích việc nghiên cứu Kinh thánh một cách trung thành
Cơ Đốc nhân có lời từ Chúa trong Kinh thánh. Lời Chúa từ trang đầu (Sáng thế ký) đến trang cuối (Khải huyền) đã chứng tỏ công việc đã hoàn tất và đủ cả của Chúa Giê-su. Cơ Đốc nhân nên nghiên cứu đời sống và tấm gương của những người trong Cựu Ước như Áp-ra-ham và Đa-vít. Trong Tân Ước, Cơ Đốc nhân có thể nghiên cứu cuộc đời và sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, Phao-lô, Gia-cơ, Giăng và Phi-e-rơ. Lịch sử Hội thánh rất phong phú với sự dạy dỗ của những người nam, người nữ đã bám lấy tính chính thống của Kinh thánh và bảo vệ đức tin khỏi sự tấn công từ bên trong lẫn bên ngoài.
Calvin và Luther không tham gia vào những điều mới lạ trong giáo lý. Thay vào đó, họ dùng sự dạy dỗ của Augustine, người đã nhận giáo lý từ những Giáo phụ Hội thánh Thời đầu. Nhiều những con người vĩ đại của Hội thánh Thời đầu được chính các Sứ đồ trực tiếp dạy dỗ. Trong quá trình đó, các Nhà Cải chánh đã đưa giáo lý Kinh thánh đến với quần chúng để mang đến sự cải cách cho Hội thánh, nhằm giúp Hội thánh được lành mạnh và tăng trưởng trong Tin lành. Hội thánh đã luôn có động lực để thúc đẩy sự cải cách xoay quanh giáo lý Kinh thánh. Lịch sử Hội thánh ghi nhận sự dạy dỗ của những người nam, người nữ đã bám lấy lẽ thật của Lời Chúa và họ cố gắng dạy Lời Chúa cho dân sự Ngài một cách trung thành.
Sự trung thành, các phong trào và những điều sai trật
Lịch sử Hội thánh giúp dân Chúa hiểu các phong trào và những tội lỗi mà Cơ Đốc nhân đã thực hiện xuyên suốt lịch sử. Lẽ thật Kinh thánh có thể được phát biểu theo những cách mới mẻ; tuy nhiên, Cơ Đốc nhân phải trung thành với đường lối cũ trong tính chính thống của Kinh thánh. Bỏ qua những đường lối cũ trong tính chính thống của Kinh thánh để tìm cái mới trong giáo lý dẫn đến sự dạy dỗ sai lạc. Hội thánh cần đối phó với dạy dỗ sai lạc bằng cách đối chiếu những giáo lý sai trật với Lời Chúa. Trong những lần đó, Hội thánh có thể làm sáng tỏ và dẫn giải tính chính thống của Kinh thánh để Thân thể Đấng Christ được ích lợi và tăng trưởng về thuộc linh.
Lịch sử Hội thánh và đời sống Cơ Đốc thường ngày
Lịch sử Hội thánh giúp dân Chúa có bối cảnh để tiếp cận đời sống và chức vụ Cơ Đốc theo Kinh thánh-thần học. Dân Chúa có một sứ điệp để công bố trong Tin lành. Cơ Đốc nhân cần học hỏi từ những người đi trước trong đức tin. Điều này giúp họ không rơi vào những sai lầm về giáo lý – chúng không mới mà chỉ là sai lầm cũ được phát biểu theo những cách mới mà thôi.
Cơ Đốc nhân muốn phát biểu những lẽ thật cũ theo cách mới trong sự trung thành với Lời Chúa. Những giáo sư giả xuyên suốt lịch sử Hội thánh nghĩ rằng sự dạy dỗ của mình là mới nhất và tuyệt vời nhất, nhưng trên thực tế, họ đang lặp lại những sai lầm cũ mà Hội thánh đã xử lý rồi. Nói tóm lại, sự dạy dỗ sai trật sẽ khuyến khích lòng kiêu ngạo còn tính chính thống sẽ tôn vinh và làm sáng danh Chúa, đồng thời dẫn người ta đến với Chúa Giê-su và Hội thánh.
Lịch sử Hội thánh là điều thiết thực bởi cớ Lời Chúa. Những người nam và người nữ trung tín của Đức Chúa Trời đã cố gắng lấy những gì mình học được trong Lời Chúa, áp dụng vào đời sống mình và hướng dẫn dân sự Chúa.
Lịch sử Hội thánh kết nối chúng ta
Tăng trưởng trong hiểu biết về công việc cứu rỗi của Đức Chúa Trời với con người xuyên suốt lịch sử Hội thánh sẽ giúp Cơ Đốc nhân hiểu những khuôn mẫu mà Ngài đã vận hành trong và qua dân Ngài. Ngoài việc thường xuyên đọc và nghiên cứu Kinh thánh thì không có chủ đề nghiên cứu nào lớn hơn chủ đề lịch sử Hội thánh. Cơ Đốc nhân chúng ta có di sản tri thức và thuộc linh dài lâu và phong phú đã được giải thích, tranh luận và bảo vệ cho tính chính thống của Kinh thánh trong hơn 2000 năm.
Khi bắt đầu nghiên cứu lịch sử Hội thánh, tôi khuyến khích bạn đọc cuốn Câu chuyện Cơ Đốc giáo (The Story of Christianity) gồm hai tập về Lịch sử Hội thánh của Tiến sĩ Justo Gonzalez. Cùng với đó, hãy khám phá những cuốn sách viết bởi Kenneth Scott Latourette – một sử gia Hội thánh có tiếng. Ngoài những gợi ý trên, hãy cân nhắc đến tác phẩm của Jonathan Hill, một sử gia hội thánh đã viết rất rộng về lịch sử và tư duy Hội thánh. Cũng hãy cân nhắc đọc cuốn Thần học Lịch sử (Historical Theology) của Tiến sĩ Gregg Allison. Dù có bắt đầu (hoặc tiếp tục nghiên cứu lịch sử Hội thánh) từ đâu, tôi khích lệ bạn hãy bắt đầu (hoặc tiếp tục) đào sâu hiểu biết của mình về lĩnh vực thần học Cơ Đốc cực kỳ quan trọng này.
Dave Jenkins, tác giả bài viết là một tác giả, diễn giả và biên tập viên hiện đang sinh sống tại Nam Oregon, Hoa Kỳ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!