Mối Quan Hệ Giữa Hội Thánh Và Nhà Nước (Phần 2)
…Ngài định cho hai bên vận hành riêng rẽ…
Bây giờ, khi đặt thể chế của hội thánh và nhà nước cạnh nhau thì chúng ta có thể nói gì về mối quan hệ giữa hai bên? Đầu tiên, hai thể chế này nên “tách nhau ra”, theo nghĩa là không bên nào được sử dụng thẩm quyền mà Đức Chúa Trời đã ban cho bên kia. Mục sư không nên cầm gươm. Tổng thống và chủ tịch nước không nên cầm chìa khoá. Nói chung, hai thẩm quyền riêng rẽ đó có phạm vi quyền hạn hay lĩnh vực hoạt động riêng rẽ. Nhìn chung thì các hội thánh không nên đi sâu vào các quyết sách thương mại, còn quốc hội thì không nên đưa ra lời khuyên về việc đâu là bản Kinh thánh hay nhất, hay nên nhận những ai làm thành viên. Không ai muốn Barack Obamas hay Donald Trumps quyết định việc báp-tem.
Vì những lẽ đó, Hoàng đế Constantine không được tham gia vào các cuộc thảo luận của Công đồng Nicaea về giáo lý Ba ngôi, ít nhất là không phải với tư cách là hoàng đế. Công việc suy xét giáo lý thuộc về bên cầm các chìa khóa chứ không phải chính quyền. Cũng vậy, chính quyền không có quyền bảo các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là các hội thánh rằng họ phải sẵn sàng thuê người đồng tính nam hoặc đồng tính nữ như lập luận của một ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ gần đây. Công việc chọn người dạy giáo lý (mục sư) thuộc về bên cầm các chìa khóa chứ không phải chính quyền.
Nhưng ngược lại, chúng ta có thể nghĩ tới những thời điểm mà các hội thánh đã lấn sang công việc của chính quyền. Chẳng hạn như John Calvin lẽ ra không nên tham gia vào việc truy tố Michael Servetus vì tội dị giáo. Những người thuộc Hội Khoa học Cơ Đốc (Christian Scientist) không được phép từ chối sự chăm sóc sức khỏe trên con cái mình bằng cái cớ “tự do tôn giáo”. Nhiệm vụ Chúa ban cho chính quyền là bảo vệ cuộc sống của công dân, không cho phép “kẻ nào làm đổ máu người” – và ngăn cản họ làm như vậy là chiếm đoạt thanh gươm. Do đó, các nhà giảng đạo Tin lành nên khoan đề cập những vấn đề về chính sách công, trừ khi những vấn đề đó được trình bày rõ trong Kinh thánh hoặc rõ ràng “đưa đến kết quả tốt lành và cần thiết,” mượn cách nói của Bản Tuyên Xưng Westminster (Westminster Confession).
Nói tóm lại, không chỗ nào trong Kinh thánh khắc họa sự kết hiệp giữa hội thánh và nhà nước – điều đã trở thành đặc điểm của thế giới phương Tây từ thế kỷ thứ IV đến Cách mạng Mỹ trong cái gọi là “thế giới Cơ Đốc” (Christendom) hoặc “định chế Constantine” (Constantinian settlement). Dưới định chế này, hoàng đế và giáo hoàng hoặc vua và tổng giám mục cùng cai trị cái gọi là đế chế hoặc vương triều “Cơ Đốc”1 . Các lập luận theo Kinh thánh cho “thế giới Cơ Đốc” phụ thuộc quá nhiều vào Giao ước với Môi-se, hoặc Đa-vít, hoặc Giao ước Mới mà Chúa chỉ ban cho dân đặc biệt của Ngài. Thay vào đó, những nhà cầm quyền Cơ Đốc này nên nhìn vào Giao ước với Nô-ê mà Chúa ban cho nhân loại nói chung. Giao ước ấy đưa ra phạm vi quyền hạn hạn chế hơn nhiều. Vì vậy, một người có thể nói rằng tất cả những người từ Constantine đến Charlemagne đến các quan tòa tại Geneva thời Calvin cho đến Quốc vương Henry VIII đã chọn sai điều lệ Kinh thánh cho công việc cầm gươm của họ.
Dù nói như vậy, nhưng phạm vi quyền hạn của hội thánh và nhà nước có chỗ chồng lấn lên nhau. Lúc Hoàng đế Theodosius tàn sát 7000 người Tê-sa-lô-ni-ca sau khi một sĩ quan quân đội bị ám sát, giám mục Ambrose hoàn toàn có thể thực thi quyền dứt phép thông công “thành viên” Theodosius khỏi hội thánh vì cách hành xử quá đáng và bất công của “Hoàng đế” Theodosius khi cầm gươm. Cũng vậy, chúng ta có thể hoan nghênh những giám mục Công giáo La Mã từ chối ban Tiệc thánh cho các thượng nghị sĩ Edward Kennedy và Joe Biden vì những người này đã tích cực ủng hộ việc phá thai.
Đồng thời, chính phủ hoàn toàn có quyền truy tố một mục sư hoặc hội thánh vi phạm pháp luật và làm phương hại đến người dân, cũng như một hội thánh từ chối nộp thuế tài sản đối với tài sản của mình hoặc không trình báo các trường hợp lạm dụng trẻ em.
Thách thức của thời đại ngày nay là hầu như ai, hầu như Cơ Đốc nhân nào cũng hiểu sai về sự phân tách giữa hội thánh và nhà nước. Họ áp dụng nó với nguồn gốc của các ý tưởng, như thể muốn nói rằng, khi một ý tưởng xuất phát từ tôn giáo của ai đó thì chúng ta không nên đưa nó ra công chúng và áp đặt nó trên những người khác. Nên khi một người chưa tin Chúa nói với người tin Chúa rằng “Tư tưởng đó xuất phát từ tôn giáo của bạn. Bạn không thể áp đặt nó trên tôi được,” người tin Chúa lại đồng ý với lập luận của người kia, vì người ấy đã lớn lên trong một nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân và không nhận ra sự khác biệt giữa một Cơ Đốc nhân riêng lẻ và hội thánh là một tổ chức cầm chìa khóa. Rốt cuộc, sự phân tách giữa hội thánh và nhà nước không áp dụng cho các Cơ đốc nhân riêng lẻ, theo kiểu như trên, mà cho các hội thánh trong khả năng thực thi thẩm quyền của họ. Hơn nữa, trong trường hợp này, cả người chưa tin Chúa và người tin Chúa đã bỏ qua thực tế rằng mọi tư tưởng và mọi quyền đòi công lý đều xuất phát từ tôn giáo của ai đó. Họ bỏ qua thực tế rằng khi người chưa tin Chúa nói về sự phân tách giữa hội thánh và nhà nước thì người ấy ý nói đến sự phân tách giữa nhà nước với hội thánh của mọi người khác chứ không phải “hội thánh” của anh ta. Người ấy không nghĩ mình có một hội thánh, và người ấy chỉ quá vui sướng khi áp đặt mọi sự thờ thần tượng của mình lên nhà nước. May cho người ấy là không thấy ai nói đến sự phân tách giữa việc thờ thần tượng và nhà nước.
Trớ trêu thay, chính người tin Chúa đọc Kinh thánh lại là người có những lý do liên quan đến đức tin để không áp đặt toàn bộ tôn giáo của mình tại nơi công cộng đa nguyên. Đúng là Cơ Đốc nhân sẽ bảo vệ những gì chúng ta tin là chính Đức Chúa Trời đã đặt trên tất cả mọi người khi Ngài thiết lập phạm vi quyền hạn của các chính quyền, như với tội giết người hoặc cướp của. Nhưng chúng ta không có thẩm quyền hay khả năng để hình sự hóa mọi điều Kinh thánh gọi là tội lỗi, cũng không thể tạo ra những người thờ phượng Chúa Giê-su thật sự nhờ gươm đao. Đức tin của chúng ta mang tính tự giới hạn và không áp đặt trên toàn công chúng. Chính tinh thần của chủ nghĩa thế tục (gods of secularism) mới không có giới hạn tự đặt ra nào cả. Tôn giáo của họ không có gì ngăn trở họ áp đặt toàn bộ niềm tin của mình trên công dân của một nước. Và họ đang làm công việc áp đặt đó, qua việc lập pháp, trong giáo dục và trên thương trường.
Nói tóm lại, sự phân tách giữa hội thánh và nhà nước không liên quan đến nguồn gốc của các quan điểm. Không có nghĩa là chúng ta không bao giờ “áp đặt” tôn giáo của mình trên những người khác, vì mọi điều luật đều thiết lập trên tôn giáo của ai đó, bao gồm cả điều luật chống lại tội giết người. (Cảm tạ Chúa là hầu hết “các thần” của con người đều tán thành luật đó). Nói đúng hơn, một giáo lý được hình thành trong Kinh thánh về sự phân tách giữa hội thánh và nhà nước là về thẩm quyền tài phán. Nó công nhận rằng Đức Chúa Trời đã ban một loại thẩm quyền cho các chính phủ (gươm) và một loại khác cho các hội thánh (các chìa khóa), không bên nào được chiếm đoạt của bên nào.
Cách diễn đạt cẩn thận trong Tu chính án 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ có một sự quân bình tuyệt vời. Cùng với việc đảm bảo việc “tự do thực hành” tôn giáo, nó nói rằng “Quốc hội không được lập một điều luật nào nhằm thiết lập một tôn giáo.” Nó không cẩu thả nói rằng “Quốc hội không được thiết lập tôn giáo,” vì mọi bộ luật đều cần làm như vậy (ngụ ý mọi bộ luật cần đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tức đảm bảo sự tồn tại của tôn giáo – ND). Nó nói đến việc “nhằm thiết lập một” tôn giáo, và như thế, dù không trực tiếp nhưng có tác dụng thừa nhận sự khác biệt nói trên giữa một Cơ Đốc nhân riêng lẻ và một sự thiết lập của các Cơ Đốc nhân, là hội thánh. Quốc hội không được cầm chìa khóa. Nó không được sắp đặt các tín đồ của bất kỳ tôn giáo cụ thể nào, bảo họ là ai hoặc họ phải tin vào điều gì.
…nhưng trong sự hợp tác…
Khi nghĩ đến sự phân tách hội thánh từ góc nhìn theo Kinh thánh, chúng ta khám phá ra một điều thú vị: điều này dựa trên nền tảng hợp tác, ít nhất là Chúa đã định như vậy. Ngài định cho hai bên làm những điều khác nhau, thậm chí là kiểm tra lẫn nhau khi cần thiết, nhưng tất cả trong tương quan cả hai đều hướng đến những mục đích của Ngài. Cả hai đều phải cố gắng thực thi sự công bình Ngài trong phần của mình. Chính quyền phải làm như vậy trong phạm vi hẹp là để bảo vệ. Hội thánh phải làm trong phạm vi rộng hơn là để hoàn thiện. Tuy nhiên, cả hai đều không được Đức Chúa Trời cho phép đưa ra các phán quyết của mình theo quan điểm về đúng/sai của một vị thần nào đó khác.
Một lần nữa, hãy nghĩ đến Thời kỳ Cuối cùng và câu hỏi mà Chúa Giê-su sẽ đặt ra cho mỗi người: “Con có hành động theo sự công chính của Ta không?” Sứ đồ Giăng đã đưa ra cái nhìn thoáng qua về ngày hôm đó cho tất cả những ai làm theo tiêu chuẩn của riêng mình về sự công chính mà không theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời:
Các vua trên đất, những người có địa vị cao, các tướng lĩnh, những người giàu có, những kẻ quyền thế, các nô lệ, những người tự do đều trốn trong các hang và giữa các tảng đá trên núi. Họ nói với núi và các tảng đá rằng: “Hãy đổ xuống trên chúng tôi và giấu chúng tôi khỏi mặt của Đấng ngồi trên ngai và khỏi cơn thịnh nộ của Chiên Con; vì ngày thịnh nộ lớn của các Đấng ấy đã đến, ai có thể đứng nổi?” (Khải huyền 6:15-17).
Đức Chúa Trời sẽ bắt mọi người lãnh đạo và nhà cầm quyền, cùng mọi người thuộc mọi nơi trong hệ thống phân cấp chính trị, từ nô lệ đến tự do phải khai trình theo tiêu chuẩn là sự công chính của Ngài.
Tuy nhiên, Cơ Đốc nhân rất hay hiểu lời Chúa Giê-su nói về việc trả lại cho Sê-sa những gì của Sê-sa và cho Đức Chúa Trời những gì của Đức Chúa Trời như thể Sê-sa nằm ngoài phạm vi xét xử của Chúa. Chúng cho chúng ta hình dung ra hai vòng tròn tách biệt, một là những điều của Sê-sa và là cho những điều của Chúa.
Nhưng ngữ cảnh của những câu này rất đáng chú ý. Chúa Giê-su đã hỏi xem hình trên đồng bạc là của ai. Họ trả lời là “của Sê-sa”. Nhưng tất cả những người Do Thái nghe Chúa Giê-su ở đó đều biết rằng chính Sê-sa cũng được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Thực chất thì Chúa Giê-su đã đưa ra một vòng tròn lớn hơn, trong đó chứa một vòng tròn nhỏ hơn.
Đây là lý do tại sao sau này, Chúa Giê-su bảo Phi-lát rằng ông ta sẽ không có thẩm quyền nếu Đức Chúa Trời không ban nó (Giăng 19:11). Chúa đã định cho Sê-sa – và mọi chính quyền trong lịch sử thế giới – làm công việc của mình trong sự vâng phục chứ không phải nổi loạn. Và không có phương cách thứ ba. Một cách lý tưởng thì hội thánh và nhà nước sẽ hợp tác, chứ không phải luôn chống lại nhau.
Để hiểu đúng về sự hợp tác mà Chúa đã định giữa hội thánh và chính quyền đòi hỏi phải định nghĩa rõ ràng hơn một chút về phạm vi quyền hạn mà Chúa đã định. Martin Luther, sau ông là John Locke đã phân tách giữa con người bên trong và bên ngoài, rồi định cho con người bên trong thuộc hội thánh và con người bên ngoài thuộc chính quyền. Vấn đề với cách phân chia này là các hội thánh phải cầm chìa khóa của vương quốc dựa trên cả niềm tin bên trong và hành động bên ngoài, khi hội thánh dứt phép thông công của một người tuyên xưng niềm tin Cơ Đốc mà lại bỏ vợ. Cũng vậy, chính quyền phải tính đến cả cái gọi là bên trong và bên ngoài của một người, như khi họ phân biệt giữa tội ngộ sát và giết người có chủ đích.
John Calvin và những người theo ông cố gắng vạch một ranh giới giữa cái gọi là địa hạt “chính trị” và địa hạt “thuộc linh”. Vấn đề với điều này là chính trị luôn phụ thuộc vào các cam kết tôn giáo, và các cam kết tôn giáo của chúng ta không bao giờ trung lập về chính trị mà ở dưới những yêu cầu về chính trị.
Vậy thì chúng ta sẽ miêu tả việc phân chia lao động trong Kinh thánh như thế nào đây? Thay vì phân chia công việc của hội thánh và chính quyền giữa hai vương quốc, theo tôi thì tốt hơn hết là phân chia giữa hai thời đại. Các thể chế của chính phủ và gia đình thuộc về thời đại của tạo vật hiện tại. Chúng phục vụ mọi người đã được sinh ra. Hội thánh và những nhân sự trong đó thuộc thời đại của tạo vật mới, bắt đầu từ Ngày Ngũ tuần và bao gồm tất cả những người đã được tái sinh.
Tân Ước có nhắc đến việc phân biệt giữa con người bên trong và bên ngoài (2 Cô-rinh-tô 4:16). Tuy nhiên, nó tập trung nhiều hơn vào sự phân biệt giữa “con người cũ” và “con người mới”, hoặc sự sống trong xác thịt so với sự sống trong Thánh Linh. Nó không tương phản giữa thánh và thế tục, nhưng giữa đời đời và tạm thời. Một thời đại và những nhà cầm quyền của nó đang qua đi; thời đại còn lại thì không. Con người cũ của thời hiện tại đều ở dưới quyền lực của thế gian, xác thịt và ma quỷ (Ê-phê-sô 2:1-3), trong khi con người mới của thời đại mới được trao quyền bởi Thánh Linh. Những thể chế của thời hiện tại phải phụ thuộc vào thẩm quyền bắt buộc – gậy hoặc gươm. Những thể chế của thời đại hầu đến phụ thuộc vào công việc bên trong của Thánh Linh, Lời Chúa và những chìa khóa công bố-tuyên bố.
Điều cần nhận biết là thời đại của công cuộc sáng tạo và của tạo vật mới hiện đang chồng lấn lên nhau. Chúng hoạt động đồng thời với nhau. Toàn bộ con người (bên trong và bên ngoài, thuộc linh và chính trị) sống trong những cơ cấu thể chế hợp pháp nhưng sa ngã của sự sáng tạo (gia đình, nhà nước). Toàn bộ con người được tái sinh (bên trong và bên ngoài, thuộc linh và chính trị) sống trong năng quyền của Đức Thánh Linh trong những cơ cấu thể chế của tạo vật mới (hội thánh, những trưởng lão được tấn phong). Trên thực tế, vì hai thời đại này hiện đang hoạt động đồng thời với nhau nên có thể Cơ Đốc nhân trong hội thánh dùng chìa khóa theo cả những cách công chính và tội lỗi, và có thể Cơ Đốc nhân trong chính quyền dùng gươm theo cả những cách công chính và tội lỗi. Chúng ta “vừa được xưng công chính, vừa tội lỗi” theo cách nói của Luther. Cơ Đốc nhân cần cả hội thánh và nhà nước.
Nói tóm lại, chính quyền nhằm bảo vệ thời đại của công cuộc sáng tạo hiện tại, còn các hội thánh phục vụ hiện tại và công bố thời đại của tạo vật mới. Đức Chúa Trời định cho những thể chế của cả hai thời đại phục vụ lẫn nhau, ít nhất là cho tới khi Ngài trở lại, khép lại thời đại hiện tại, và mở ra sự viên mãn của thời đại hầu đến. Khi đó, những thể chế của thời hiện tại sẽ qua đi hoặc ít nhất là đổi khác theo cách vượt ngoài trí tưởng tượng (xem Ma-thi-ơ 17:24-27; Ma-thi-ơ 22:30). Tuy nhiên, hiện tại, nhà nước tồn tại để tạo nền tảng cho công việc cứu rỗi của hội thánh, trong khi sự công chính và công lý của hội thánh làm nhân chứng tiên tri cho nhà nước. Khi Cơ Đốc nhân hành xử một cách công chính trong cả hai, họ làm gương cho những người chưa tin về cách họ cần hành xử trong cuộc sống và trong chính quyền.
Khi cả hội thánh và nhà nước hành xử trong công lý và sự công chính, họ có thể khẳng định và củng cố lẫn nhau trong những nơi chồng lấn lên nhau. Họ có thể hợp tác.
…để hướng tới mục đích lớn hơn của sự thờ phượng
Cuối cùng, cả chính quyền và hội thánh đều phục vụ mục đích của Chúa là kêu gọi tất cả mọi người thờ phượng Ngài – chính quyền kêu gọi gián tiếp, hội thánh kêu gọi trực tiếp. Công việc của chính quyền là tạo điều kiện tiên quyết cho sứ mệnh của hội thánh và sự cứu rỗi, giống như biết đọc là điều kiện tiên quyết để đọc Kinh thánh vậy. Những nền tảng ân điển chung nhằm phục vụ những mục đích ân điển đặc biệt.
Thực chất, đây là điều chúng ta thấy trong Kinh thánh. Đầu tiên, Chúa ban một điều lệ cho các chính quyền. Rồi Ngài gọi Áp-ra-ham ra khỏi U-rơ. Sáng thế ký 9 ở trước Sáng thế ký 12 là có lý do. Giống như Chúa hứa hạ cây cung chiến tranh xuống và không hủy diệt đất này bằng một trận lụt, Chúa cũng định cho chính quyền mang đến hòa bình và sự an toàn cần thiết để câu chuyện cứu rỗi có thể xảy ra.
Phao-lô đã xác nhận lại ý này. Trong Công vụ 17, ông cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã ấn định ranh giới cho các nước để “họ dò dẫm, tìm kiếm Đức Chúa Trời và có thể gặp được Ngài” (c. 27). Trong 1 Ti-mô-thê 2, ông bảo chúng ta cầu nguyện cho các vua và các bậc cầm quyền để chúng ta được sống đời sống bình an, đẹp lòng Chúa “là Đấng muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (c. 4).
Như vậy, suy cho cùng thì chính quyền cũng tồn tại để phục vụ mục đích dẫn người ta đến sự thờ phượng. Người ta cần đến được hội thánh mà không bị kẻ cướp hành hung. Họ không thể được cứu nếu họ bị chết mất rồi. Công việc của chính quyền là tạo lập nền tảng. Bảo vệ tự do tôn giáo không chỉ phục vụ Cơ Đốc nhân mà phục vụ tất cả mọi người.
Chắc chắn rồi, nhìn vào hồ sơ thực tế theo Kinh thánh về các chính quyền, thì Cơ Đốc nhân có lý do để vừa bị nản lòng vừa được khích lệ theo dòng thời gian. Một số chính quyền trong Kinh thánh đã là nơi che chở cho dân Chúa: A-bi-mê-léc, Pha-ra-ôn vào thời Giô-sép, Nê-bu-cát-nết-sa lúc về sau, Si-ru và Tổng đốc Phê-tu của La Mã. Nhưng nhiều chính quyền đã tìm cách ăn nuốt dân Chúa: Pha-ra-ôn vào thời Môi-se, San-chê-ríp, Phi-lát và Con thú trong Khải huyền. Rô-ma 13 gọi chính quyền là đầy tớ; Thi thiên 2 gọi họ là những kẻ câu kết. Hầu hết các chính quyền đều chứa cả hai. Nhưng một số chính quyền tốt hơn những chính quyền khác.
Vì vậy, Cơ Đốc nhân không nên đặt quá nhiều hy vọng vào chính quyền, nhưng cũng không nên hoàn toàn thất vọng. Hội thánh cần đến chính quyền. Họ giúp các hội thánh có thể làm công việc của mình trong sự bình an.
Một nền văn hóa và các thể chế chính trị của nó có thể chống lại Cơ Đốc giáo, nhưng Cơ Đốc nhân nên cố gắng tạo sự ảnh hưởng mỗi khi có cơ hội. Nó có thể trở nên tệ hơn. Chỉ cần hỏi các Cơ Đốc nhân tại Trung Quốc hay Iran là biết.
Chúng ta nên bầu cho ai?
Có lẽ chúng ta có thể tóm tắt toàn bộ bài tiểu luận này bằng cách trả lời câu hỏi: Cơ Đốc nhân nên bầu cho ai trong cuộc bầu cử tiếp theo?
Cơ Đốc nhân nên bầu cho ứng cử viên, đảng phái, lập pháp hoặc các biện pháp bỏ phiếu với một cái nhìn giới hạn nhưng rõ ràng về những gì chính phủ đã được Đức Chúa Trời trao quyền và ra lệnh: thực hiện phán quyết và thiết lập công lý; xây dựng các nền tảng hòa bình, trật tự và thịnh vượng; để đảm bảo rằng mọi người được tự do, không bị cản trở trong việc nhận biết Đức Chúa Trời và được cứu chuộc.
Chúng ta không muốn một chính quyền nghĩ mình có thể cho người ta sự cứu chuộc nhưng một chính quyền coi công việc của mình là cung cấp điều kiện tiên quyết cho sự cứu chuộc của mọi công dân mình. Nó làm những con đường để bạn có thể lái xe đến hội thánh; bảo vệ tử cung để bạn có thể sống và nghe Tin lành; nhấn mạnh vào những thực hành cung cấp nhà ở và cho vay hợp lý để bạn có thể sở hữu một ngôi nhà và tỏ lòng hiếu khách với người chưa tin; làm công tác giáo dục để bạn có thể đọc và dạy Kinh thánh cho con cái mình; đối xử bình đẳng với tất cả mọi người và mọi chủng tộc để các Cơ Đốc nhân có thể tham gia những hội thánh giống nhau và thể hiện hình ảnh về sự đa dạng của thiên đàng; bảo vệ hôn nhân, gia đình để vợ chồng có thể nêu gương về tình yêu của Đấng Christ đối với hội thánh; giữ trật tự đường phố để bạn có thể tự do nhóm lại mà không bị cản trở và kiếm sống lương thiện để bạn có thể dâng tiền bạc cho công việc của Đức Chúa Trời.
Bạn có thể không đồng ý với việc chính phủ tham gia vào bất kỳ ví dụ nào trên đây. Nhưng đó là khuôn khổ mà tôi muốn bạn nhìn thấy và áp dụng: chính phủ đưa ra phán quyết để thiết lập hòa bình, trật tự và thịnh vượng để hội thánh có thể làm những gì Đức Chúa Trời kêu gọi.
Tác giả bài viết, Jonathan Leeman là một trưởng lão tại Hội thánh Báp-tít Cheverly ở ngoại ô Washington, D.C., Hoa Kỳ. Ông là tổng biên tập cho tờ 9Marks và tác giả của cuốn How the Nations Rage: Rethinking Faith and Politics for a Divided Age (Tạm dịch: “Cách các nước náo loạn: Suy nghĩ lại về đức tin và chính trị trong một thời đại chia rẽ”).
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.thegospelcoalition.org/essay/the-relationship-of-church-and-state/
1. Cần lưu ý vai trò quyết định của phép báp-tem cho trẻ sơ sinh trong việc hình thành sự kết hiệp này giữa hội thánh và nhà nước. Phép rửa tội cho trẻ sơ sinh cho phép tư cách công dân và tư cách thành viên của hội thánh chồng lấn lên nhau khá nhiều. Mọi công dân mới chào đời có thể nhanh chóng được báp-tem vào hội thánh, những người như vậy có thể nói đến Anh Giáo hoặc người Tây Ban Nha theo Công giáo La Mã, theo cách mà những lập luận cho một “nước Mỹ Cơ Đốc” không bao giờ có thể khởi sắc vì chính phủ liên bang Hoa Kỳ không bao giờ thiết lập một hội thánh cụ thể và vì tỉ lệ các hội thánh Báp-tít khá cao. Nói cách khác, thực hành báp-tem cho trẻ sơ sinh không đòi hỏi sự kết hiệp giữa hội thánh và nhà nước, nhưng nó dẫn đến một sự kết hiệp mà phép báp-tem cho tín đồ không dẫn đến.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!