Mối Quan Hệ Giữa Hội Thánh Và Nhà Nước (Phần 1)
ĐỊNH NGHĨA
Đức Chúa Trời đã ban quyền cầm gươm cho các chính quyền và quyền cầm các chìa khóa cho các hội thánh; Ngài định cho hai bên vận hành riêng rẽ nhưng trong sự cộng tác để hướng tới mục đích lớn hơn của sự thờ phượng.
TÓM TẮT
Các chính quyền cần dùng gươm để bảo vệ cuộc sống, kích hoạt các nhiệm vụ văn hóa và tạo nền tảng cho công việc của hội thánh. Họ là những người bảo vệ của thời đại hiện nay. Các hội thánh cần dùng các chìa khóa của vương quốc để làm chứng cho Vua Giê-su, sứ điệp của Ngài và dân của Ngài. Họ là những chứng nhân của thời đại sắp tới.
Để tóm tắt mối quan hệ giữa hội thánh và nhà nước trong một câu, chúng ta có thể nói rằng: Đức Chúa Trời đã ban quyền cầm gươm cho các chính quyền và quyền cầm các chìa khóa cho các hội thánh; Ngài định cho hai bên vận hành riêng rẽ nhưng trong sự cộng tác để hướng tới mục đích lớn hơn của sự thờ phượng.1 Cả hai thường xuyên thất bại và thất bại thảm hại trong công việc của mình. Nhưng trước hết, chúng ta cần hiểu bản thiết kế để xác định rõ hơn những điều ra từ đó. Vì vậy, hãy phân tích câu tóm tắt đó theo từng cụm một.
Đức Chúa Trời….
Là Đấng Sáng tạo vạn vật, Đức Chúa Trời là Đấng Cai trị vạn vật. Đấng Khởi nguyên nắm giữ mọi thẩm quyền. Quyền cai trị của Chúa mang tính toàn diện, gồm tóm vạn vật. Quyền ấy chính đáng và đúng đắn về đạo đức. Đó là quyền tuyệt đối, không bao giờ ở dưới thẩm quyền nào cao hơn.
Các nước có thể nổi lên chống lại Ngài. Các vị thẩm phán Hoa Kỳ và các vị chủ tịch nước Trung Hoa có thể chối bỏ sự tồn tại của Ngài. Nhưng sự phán xét của Chúa trong tương lai trên cả người cai trị và người được cai trị cho thấy quyền cai trị của Ngài trong hiện tại. Sự phán xét trong tương lai đồng nghĩa với quyền cai trị trong hiện tại. Ngài sẽ phán xét mọi thẩm phán và chủ tịch nước, tổng thống bằng tiêu chuẩn của Ngài chứ không phải của họ. Vì lẽ đó, trước giả Thi thiên công bố: “Hãy công bố giữa các nước rằng: “Đức Giê-hô-va cai trị!” và “Ngài sẽ phán xét các dân tộc theo lẽ công bằng” (96:10). Ở một chỗ khác, trước giả Thi thiên cảnh báo rằng: “Vì vậy hỡi các vua, hãy khôn ngoan! Hỡi các thẩm phán thế gian, hãy nghe lời cảnh báo!” (2:10). Lời cảnh báo không chỉ nhắm đến các vua và người cai trị trong thời Kinh thánh, mà cả các chủ tịch nước, tổng thống, thủ tướng, người bầu cử và người chủ trương vào thời đại ngày nay.
Nói cách khác, Đức Chúa Trời không phải là vua của hai vương quốc theo cách nói của một số tác giả. Hai vương quốc ám chỉ hai vị vua. Đức Chúa Trời là vị vua duy nhất trên tất cả các nước. Theo lời Giê-rê-mi thì:
Lạy Đức Giê-hô-va, không ai sánh được với Ngài!
Ngài thật cao cả,
Danh Ngài cao cả quyền uy.
Lạy Vua các nước! Ai mà không kính sợ Ngài?
Ngài đáng được tôn kính.
Vì giữa những người khôn ngoan trong các nước,
Trong khắp vương quốc của họ,
Không ai sánh được với Ngài. (Giê-rê-mi 10:6-7)
Câu chuyện của Kinh thánh là câu chuyện về Đức Chúa Trời lập quyền cai trị của Ngài, là điều đã được giấu kín kể từ khi trục xuất A-đam và Ê-va khỏi vườn Ê-đen, cũng là điều hiển hiện vào những thời điểm khác nhau, theo những cách khác nhau. Đôi khi Ngài khiến quyền cai trị Ngài hiển hiện qua những công việc cứu rỗi hoặc phán xét quyền năng; đôi khi là qua những dấu hiệu giao ước như việc giữ phép cắt bì và ngày Sa-bát, rồi lễ báp-tem. Quyền cai trị Ngài trở nên rõ ràng nhất trong thân vị và công việc của con Ngài, Đấng nắm giữ mọi thẩm quyền trên trời, dưới đất. Sự đến của vương quốc Chúa Giê-su không có nghĩa là giờ đây Đức Chúa Trời cai trị tại những nơi mà Ngài không cai trị trước đó. Nó có nghĩa rằng quyền cai trị của Chúa hiển hiện và được công nhận tại những nơi mà trước đó, quyền này không được như vậy.
Nói cách khác là cả trái đất phân thành những nơi mà quyền tể trị của Đấng Christ được công nhận và những nơi quyền đó bị kháng cự (xem Thi thiên 2:1-3). Không có những vùng “trung lập”, không phải ở nơi quảng trường, không phải ở đâu đó như tư tưởng phổ biến về “trung lập” tôn giáo ở phương Tây dân chủ. Thực ra thì quảng trường không hơn gì một chiến trường của các thần, trong đó mọi người đều bước vào thay cho Đức Chúa Trời hoặc các thần của mình, dù danh của thần đó là Giê-su hay Allah, là tình dục hay thị trường chứng khoán.
Vì vậy, trước giả Thi thiên lại một lần nữa nói đến các nước và vua của họ, cảnh báo rằng: “Hãy hôn Con, kẻo Người nổi giận và các ngươi sẽ bị hủy diệt trong đường lối mình, vì cơn thịnh nộ của Người sẽ nhanh chóng bùng lên” (Thi thiên 2:12).
…đã ban quyền cầm gươm cho chính quyền…
Nếu Chúa Giê-su là vua trên cả cõi đất – trên từng tấc đất theo cách phát biểu nổi tiếng của Abraham Kuyper – điều đó có nghĩa rằng Cơ Đốc nhân nên dùng quyền lực của chính quyền để khiến mọi thứ phục dưới quyền Ngài không? Họ có nên hình sự hóa mọi tội lỗi và buộc dân chúng phải thờ phượng Ngài bằng quyền lực của chính quyền, như Charlemagne đã làm trong thế kỷ thứ chín với Cơ Đốc giáo và một số người Hồi giáo ngày nay đang làm với Đạo Hồi không?
Hoàn toàn không phải như vậy. Chúa Giê-su cai trị trên từng tấc đất, nhưng Ngài không cai trị trên mọi tấc đất theo cách giống nhau. Ngài trao những thẩm quyền khác nhau cho các bên khác nhau. Với cha mẹ, Ngài ban quyền của cây roi. Với chính quyền, Ngài ban quyền cầm gươm. Với các hội thánh, Ngài ban quyền cầm các chìa khóa. Nhưng Đức Chúa Trời không ban cho bên nào thẩm quyền để áp đặt sự thờ phượng thật hoặc hình sự hóa sự thờ phượng giả dối. Ngài cũng không ban cho các chính quyền quyền để hình sự hóa mọi tội lỗi.
Hãy đưa ra các dẫn chứng. Phao-lô là người đã gọi quyền của chính quyền là quyền cầm gươm (Rô-ma 13:4). Nhưng sự ủy quyền ban đầu đã xuất hiện ngay sau Trận lụt. Đức Chúa Trời nhắc lại nhiệm vụ mà Ngài đã giao cho A-đam: ““Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội, và làm cho đầy dẫy đất” (Sáng thế ký 9:1,7). Nhưng giờ đây, trong một thế giới hậu Sa ngã, để ngăn những Ca-in giết những A-bên, Đức Chúa Trời đã đưa điều khoản này vào:
Chắc chắn Ta sẽ đòi lại máu của sinh mạng các con. Ta sẽ đòi lại máu đó từ mọi loài thú vật và Ta sẽ đòi lại sinh mạng con người từ tay đồng loại nó, tức là từ tay anh em nó.
Kẻ nào làm đổ máu người,
Sẽ bị người khác làm đổ máu lại;
Vì Đức Chúa Trời tạo nên loài người
Theo hình ảnh của Ngài.
Đức Chúa Trời không thiết lập một dạng chính quyền cụ thể trong những câu này, dù là chế độ quân chủ, chế độ quý tộc hay chế độ dân chủ. Thay vào đó, Ngài đã trao cho con người thành phần căn bản cần có để tập hợp và hình thành nên các chính quyền trong thế giới sa ngã này: khả năng sử dụng quyền cưỡng chế hợp pháp về mặt đạo đức để phục vụ các mục đích của Ngài trong công lý.
Có một số điều đáng chú ý nữa trong phân đoạn này. Đầu tiên là thẩm quyền của chính quyền đến từ Đức Chúa Trời. Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ có thể nói rằng các chính quyền “có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân”, như thể nói rằng mọi quyền lực không xuất phát từ sự nhất trí của nhân dân là không chính đáng vậy. Nhưng đó không phải điều Đức Chúa Trời đã nói với Nô-ê. Ba lần, Ngài nói rằng Ngài sẽ “đòi lại” những điều này. Những quyền lực chính đáng của họ xuất phát từ Ngài. Một người có thể rút lại sự nhất trí của mình, nhưng điều đó không khiến thẩm quyền của chính quyền trở nên bất công hoặc trái đạo đức. Sau này, Phao-lô nói rằng “Vì chẳng có thẩm quyền nào mà không đến từ Đức Chúa Trời; các nhà cầm quyền hiện có đều do Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống đối nhà cầm quyền là chống lại mệnh lệnh Đức Chúa Trời đã lập” (Rô-ma 13:2). Phao-lô không ý nói rằng Đức Chúa Trời chấp thuận mọi điều mà mọi chính quyền thực hiện, hoặc rằng chúng ta nên phục tùng chính quyền trong mọi sự. Ý ông nói rằng thẩm quyền của họ đến từ Ngài, rằng chúng ta nên phục tùng họ, ít nhất là khi họ hành động trong phạm vi quyền hạn mà Ngài đã ban.
Hai là Đức Chúa Trời không ủy quyền cho các chính quyền làm bất cứ điều gì họ muốn. Ngài không ủy quyền cho họ định nghĩa lại về hôn nhân hay gia đình. Ngài không ủy quyền cho chính quyền bảo các hội thánh rằng họ phải tin vào điều gì và nhận các thành viên nào. Ngài không ủy quyền cho họ dùng vũ lực một cách bừa bãi hoặc bất công, e rằng sức mạnh của những câu này bật ngược lại và buộc tội chính họ chăng. Không chính quyền nào “cao hơn” những gì các câu này đòi hỏi. Cuối cùng, Ngài không ủy quyền cho các chính quyền truy tố những tội chống lại Ngài (như nhạo báng hoặc thờ lạy giả dối) hoặc hình sự hóa mọi tội có thể tưởng tượng được (như ngoại tính hay đồng tính). Thật vậy, có vẻ như các chính phủ phải dung thứ cho các tôn giáo sai trật, miễn là chúng không gây hại trực tiếp cho con người: “Kẻ nào làm đổ máu người” chứ không phải “đổ máu Đức Chúa Trời”. Vả lại, làm sao có thể bồi thường cho Chúa đây?
Hơn nữa, điều thứ ba: Đức Chúa Trời ủy quyền cho các chính quyền bảo vệ cuộc sống của những người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Nói cách khác là Ngài ban cho họ khả năng để thiết lập một dạng công lý cơ bản mà chúng ta có thể gọi là “công lý theo Nô-ê”. Công lý theo Nô-ê không phải một dạng công lý theo chủ nghĩa tối đa, chủ nghĩa hoàn hảo, theo kiểu mà Đức Chúa Trời đòi hỏi ở Y-sơ-ra-ên theo giao ước cũ hoặc hội thánh theo giao ước mới: “Các con phải nên toàn thiện như Cha các con ở trên trời là toàn thiện” (Ma-thi-ơ 5:48). Thay vào đó, nó là một dạng công lý để gìn giữ và bảo vệ theo nghĩa hẹp. Đức Chúa Trời định cho mọi chính quyền tại mọi quốc gia thiết lập dạng công lý này trên các công dân của mình, dù họ có nhìn nhận Đức Chúa Trời hay không. “Nhờ công lý, vua làm cho đất nước bền vững” (Châm ngôn 29:4). Công lý đó đảm bảo sự bình an và trật tự (1 Ti-mô-thê 2:2).
Mọi điều mà một chính quyền thực hiện – mọi điều luật nó đưa ra, mọi lời phán quyết trong phòng xử án, mọi điều lệ của cơ quan điều hành mà nó thực thi – đều cần thực hiện nhằm mục đích bảo vệ và khẳng định công dân của nó là những người mang hình ảnh Đức Chúa Trời. Công việc thiết lập hoặc giữ gìn công lý của nó phải luôn được đánh giá bởi tiêu chuẩn của imago Dei. Bất cứ điều gì gây tổn hại, gây tổn thương, đàn áp, bóc lột, cản trở, chà đạp, hạ thấp hoặc đe dọa con người – những người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời – đều trở thành mục tiêu để chính quyền chống lại. Đồng thời, bất cứ điều gì hỗ trợ, thúc đẩy hoặc khuyến khích các điều kiện góp phần giúp những người mang hình ảnh Đức Chúa Trời thực hiện thiên chức của mình là phản ánh hình ảnh của Đức Chúa Trời cần được chính phủ cân nhắc khuyến khích. Trừng phạt điều xấu, khen thưởng việc tốt, như Phao-lô nêu trong Rô-ma 13.
Hẳn rồi, Cơ Đốc nhân sẽ không đồng tình về mức độ đòi hỏi của công lý để đảm bảo cho hoạt động này. Việc bảo vệ và khẳng định imago Dei có đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe toàn dân, hoặc cơ cấu thuế lũy tiến, hoặc mức trần đối với lượng khí thải C02, hoặc các tiêu chuẩn toán quốc gia cho học sinh lớp 8, hoặc sự tồn tại của cơ quan hàng không liên bang và các yêu cầu về xây dựng hãng hàng không thương mại không? Những Cơ Đốc nhân khác nhau sẽ nhận định theo các cách khác nhau. Những tranh luận như vậy cần được đưa vào phạm trù sự tự do và thận trọng Cơ Đốc. Vấn đề ở đây là, chúng ta có một tiêu chuẩn căn bản để đánh giá những câu trả lời và lập luận của mình: điều gì bảo vệ và thiết lập nền tảng mà trên đó những người mang hình ảnh Đức Chúa Trời có thể thực hiện sự kêu gọi thiên thượng của mình là những người mang hình ảnh thiên thượng?
Martin Luther King đã nắm bắt được ý tưởng căn bản khi ông nói: “Bất cứ luật nào nâng cao nhân cách con người đều là công bằng. Bất cứ luật nào hạ thấp nhân cách con người đều là bất công.”
…và quyền cầm các chìa khóa cho các hội thánh…
Nếu Đức Chúa Trời đã ban quyền cầm gươm cho nhà nước thì Ngài đã ban quyền cầm các chìa khóa cho các hội thánh.
Lần đầu Kinh thánh nói về các chìa khóa đó là trong Ma-thi-ơ 16. Lúc mới đầu, Chúa Giê-su giao các chìa khóa cho Phi-e-rơ và mở rộng ra là tất cả các sứ đồ ngay sau khi Phi-e-rơ xưng nhận Chúa Giê-su là Đấng Christ, Đấng Mê-si-a. Chúa Giê-su hứa sẽ xây dựng hội thánh Ngài rồi nói: “Ta sẽ giao chìa khóa vương quốc thiên đàng cho con, bất cứ điều gì con buộc dưới đất cũng sẽ bị buộc ở trên trời, và bất cứ điều gì con mở dưới đất cũng sẽ được mở ở trên trời (c. 19).
Hai chương sau, Chúa Giê-su giao các chìa khóa cho các hội thánh địa phương. Nói đến viễn cảnh một Cơ Đốc nhân sa vào tội lỗi, như một con chiên đi lạc, Chúa Giê-su khích lệ các môn đồ nói chuyện riêng với người đó, nhưng cuối cùng là trước cả hội thánh. Nếu thành viên phạm tội không chịu nghe hội thánh thì họ cần khai trừ người đó ra khỏi hội thánh. Trong trường hợp có người hỏi là bởi thẩm quyền nào mà hội thánh có thể khai trừ thành viên, Chúa Giê-su lặp lại câu nói về các chìa khóa: “Thật, Ta bảo các con, hễ điều gì các con buộc ở dưới đất cũng sẽ bị buộc ở trên trời; và điều gì các con mở ở dưới đất cũng sẽ được mở ở trên trời (Ma-thi-ơ 18:18). “Con” trong chương 16 là ở số ít nhưng ở đây là “các con” – số nhiều, như trong “hễ điều gì các con buộc ở dưới đất…”
Hội thánh sử dụng các chìa khóa bằng cách buộc và mở ở trên đất những gì buộc và mở ở trên trời có nghĩa là gì? Câu trả lời ngắn gọn là hội thánh dùng các chìa khóa bằng cách đưa ra những phán quyết về đối tượng của Tin lành – những lời xưng nhận và người xưng nhận. Trên thực tế, các hội thánh làm điều này khi rao giảng và quản lý các lễ nghi. Qua sự rao giảng, một hội thánh nói rằng: “Đây là một sự xưng nhận Tin lành đúng đắn.” Qua các lễ nghi, hội thánh đó công bố rằng “Đây là một người xưng nhận Tin lành đúng đắn.” Nói một cách có hệ thống thì các chìa khóa cho phép các hội thánh viết các tuyên bố đức tin; tiếp nhận và khai trừ các thành viên.
Việc sử dụng các chìa khóa là một hoạt động tư pháp, giống với công việc của một thẩm phán trong tòa án. Người thẩm phán không ban hành luật pháp mà giải thích nó. Sau đó, dựa trên sự giải thích đó, người thẩm phán không khiến người đó trở nên vô tội hay có tội, nhưng khi anh ta đập nhát búa và tuyên bố “có tội” hay “không có tội”, toàn bộ hệ thống luật pháp sẽ nhanh chóng vận hành và coi người đó như vậy. Người thẩm phán trên ghế quan tòa và một giáo sư luật trong lớp có thể sử dụng những lời lẽ giống nhau khi giải thích một điều luật hoặc đưa ra phán quyết của mình về một vụ án. Nhưng những phán quyết của thẩm phán mới có tính ràng buộc. Những lời như “Có tội” hoặc “Tôi tuyên bố anh chị là vợ chồng” trở nên có hiệu lực, vì chúng được hỗ trợ bởi thẩm quyền của chính quyền. Chúng ban hành một điều gì đó.
Tương tự như vậy, bởi hiệu lực của các chìa khóa vương quốc, các hội thánh không “lập” ra Tin lành, cũng không “khiến” người ta trở thành Cơ Đốc nhân. Nhưng hội thánh nắm giữ thẩm quyền mà Cơ Đốc nhân riêng rẽ không nắm giữ: khả năng đại diện cho vương quốc của Đấng Christ trong việc chính thức công nhận người ta là thành viên hội thánh, hoặc khai trừ họ. Các hội thánh chính thức đại diện cho Đấng Christ ở trên trời.
(Còn tiếp phần hai)
CHÚ THÍCH
Xuyên suốt bài viết, tôi thường dùng thuật ngữ “chính quyền” thay vì “nhà nước”. Thuật ngữ thứ hai phù hợp với các dạng chính quyền cụ thể mà người ta liên hệ với các quốc gia từ giữa thế kỷ XIX đến nay. Tuy nhiên, thuật ngữ “chính quyền” áp dụng tốt hơn cho một loạt các thể chế cai trị trong suốt lịch sử — từ đế chế cổ đại cho đến tù trưởng và trưởng lão của một bộ lạc bản địa di cư và mọi thứ ở giữa.
Bài viết này thuộc loạt bài Thần học Ngắn gọn (Concise Theology). Mọi quan điểm trong bài tiểu luận này đều là quan điểm của tác giả.
Tác giả bài viết, Jonathan Leeman là một trưởng lão tại Hội thánh Báp-tít Cheverly ở ngoại ô Washington, D.C., Hoa Kỳ. Ông là tổng biên tập cho tờ 9Marks và tác giả của cuốn How the Nations Rage: Rethinking Faith and Politics for a Divided Age (Tạm dịch: “Cách các nước náo loạn: Suy nghĩ lại về đức tin và chính trị trong một thời đại chia rẽ”).
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.thegospelcoalition.org/essay/the-relationship-of-church-and-state/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!