Thiên Đàng Là Gì? Một Nơi Để Học Hỏi
Khi vào thiên đàng, bạn sẽ biết được bao nhiêu? Liệu bạn sẽ có hết mọi kiến thức đã tích lũy trong đời mình? Hay có kiến thức trọn vẹn về mọi thứ?
Chúng ta có thể học hỏi nơi thiên đàng không? Theo một cuộc khảo sát thì chỉ 18% người Mỹ tin rằng con người sẽ “phát triển về trí tuệ trên thiên đàng.”1 Nghe có vẻ hợp lý. Chúng ta phải biết mọi thứ trên thiên đàng đúng không? Trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chẳng phải là mọi kiến thức sẽ thuộc về chúng ta hay sao?
Tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ Kinh thánh đứng về phía 18% số người tin rằng chúng ta sẽ là những người học hỏi trên thiên đàng. Phao-lô nói: “và trong Đấng Christ Giê-su, Đức Chúa Trời đã khiến chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi với Ngài ở các nơi trên trời, để tỏ bày cho các đời sắp đến biết sự phong phú vô hạn của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 2:6-7). Bạn có tìm được giả định về việc tích cực học hỏi trên thiên đàng trong câu đó không? Đức Chúa Trời sẽ tỏ bày cho chúng ta sự phong phú vô hạn của ân điển Ngài…cho các đời sắp đến!
Sự phong phú vô hạn của ân điển mà Ngài sẽ bày tỏ cho chúng ta là gì? Danh sách đó là vô hạn. Chắc chắn chúng ta sẽ hiểu sự kỳ diệu về ân điển của Đức Chúa Trời trên thập tự giá một cách trọn vẹn hơn, nhưng chúng ta cũng sẽ được bày tỏ ân điển của Chúa một cách sâu sắc hơn trong sự sáng tạo, trong nghệ thuật, trong khoa học, trong vẻ đẹp!
Nhà thần học vĩ đại nhất Hoa Kỳ, Jonathan Edwards đã hân hoan về sự gia tăng không ngừng của những gì chúng ta biết trên thiên đàng: “Số ý tưởng của các thánh đồ sẽ gia tăng đến đời đời.”2
Trong mục đích đầy ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta được tạo dựng như những người học hỏi. Những điều kỳ diệu của trời mới, đất mới là lời mời gọi khám phá. Chúng ta cần cõi đời đời để khám phá Đức Chúa Trời vô hạn của mình, Đấng đẹp đẽ và thông biết vô cùng. Mỗi ngày, chúng ta sẽ cảm thán về Đức Chúa Trời trước tiên, và sau đó là sự sáng tạo của Ngài, “Nhìn kìa! Anh có thể tưởng tượng được không? Thật đáng kinh ngạc!”
Chúng ta sẽ đọc; chúng ta sẽ trò chuyện; chúng ta sẽ nghiên cứu; chúng ta sẽ học hỏi. Chúng ta sẽ tìm tòi, chúng ta sẽ khám phá, chúng ta sẽ sáng tạo, và chúng ta sẽ làm việc. Đúng vậy, chúng ta sẽ làm việc! Khi Đức Chúa Trời hoàn thành công cuộc sáng tạo của Ngài vào ngày thứ sáu, Ngài nói đến thứ sẽ là vương miện đội trên thế giới ngoạn mục của Ngài: “Đức Chúa Trời phán: ‘Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta, để quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài gia súc, và khắp cả đất, cùng mọi loài bò sát trên mặt đất.’”3
Những lời đầu tiên Chúa phán với A-đam và Ê-va đã nhắc lại mục đích Ngài dành cho họ: “Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời và mọi loài bò sát trên mặt đất.”4 Chúng ta được tạo dựng để thống trị. Chúng ta được tạo dựng để cai trị, để quản trị, để sáng tạo, để sắp xếp, để chăm nom. Chúng ta được tạo dựng để làm việc.
Sự rủa sả trên tội lỗi của A-đam trong Sáng thế ký 3 không phải là ông sẽ làm việc; mà là lần đầu tiên, công việc của ông sẽ trở nên khó nhọc. Ông sẽ phải vật lộn với gai góc và tật lê, và công việc sẽ khiến ông đổ mồ hôi. Trên thiên đàng, chúng ta sẽ kinh nghiệm công việc được phục hồi (thậm chí là tốt hơn!) công việc mà A-đam đã kinh nghiệm: đầy trọn, thú vị, đầy mục đích.
Tất cả chúng ta đều có những cái nhìn thoáng qua về lời hứa này trong đời sống mình. Thậm chí trong một số công việc đầu đời của mình, tôi nhớ là mình đã hài lòng với những công việc có chủ đích. Tôi nhớ mình đã thêm chút sáng tạo cho một món ăn khi làm đầu bếp trong nhà hàng thức ăn nhanh của Nhật ở trường trung học. Tôi rất thích thú khi nhân viên ngấu nghiến món pha chế mới của tôi. Tôi nhớ cảm giác đã dọn dẹp sạch sẽ, bổ sung và sắp xếp lại đồn sĩ quan khi làm việc với tư cách là một Cán bộ Trại giam. Và tất nhiên, đã có rất nhiều khoảnh khắc quá đỗi vui mừng trong cương vị một mục sư. “Hỡi bạn, bạn có biết vị ngon của công việc hay không?”5 Có lần Charles Spurgeon đã hỏi hội chúng của mình như vậy. Còn bạn thì sao? Rồi bạn sẽ biết!
Chúng ta là công trình của tay Ngài, một “chiếc bình sang trọng, được thánh hóa, hữu dụng cho chủ và sẵn sàng cho mọi việc lành”6 Chúa sẽ không biến chiếc bình được chuẩn bị cho mục đích sang trọng và những việc lành thành cái chặn giấy trên thiên đàng.
Thiên đàng sẽ rất sống động. Trời mới và đất mới sẽ là một nơi để học hỏi và tăng trưởng.
Từng ngày sẽ trôi qua thật đầy trọn, năng động, yên bình và cuối cùng là đầy vui thích. Sẽ có tiếng cười, công việc, sự khám phá và tất cả những điều này sẽ được thực hiện như sự thờ phượng.
Bạn có thể chờ đợi cái ngày đầy sống động đó không?
Đức Chúa Trời gọi chúng ta đến một điểm đến không hề tĩnh lặng. Chú Kỳ lân, khi đến Narnia mới trong cuốn Trận chiến Cuối cùng của CS Lewis đã reo mừng: “Cuối cùng thì mình cũng trở về nhà! Đây là quê hương thật của mình! Mình thuộc về đây. Đây là xứ mà cả đời mình đã tìm kiếm, tuy rằng mình không hề biết cho đến tận bây giờ…tiến lên nữa đi nào, vào sâu hơn nữa nào!””
Một thực tại sống động đang chờ đợi chúng ta và Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta, ngay cả trong lúc này rằng “tiến lên nữa đi nào, vào sâu hơn nữa nào!”
Tác giả bài viết, John Beeson là Mục sư đồng quản nhiệm tại Hội thánh New Life Bible Fellowship tại Tucson, Arizona, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng tốt nghiệp đại học tại Gordon College. Sau khi phục vụ trong vai trò cán bộ quản lý trại giam tại Hạt Maricopa, ông nhận bằng Thạc sĩ Thần học từ Chủng viện Thần học Princeton. Ông đã làm mục sư tại Princeton trong 8 năm trước khi trở lại Arizona. John Beeson là chủ bút của trang The Bee Hive – https://www.thebeehive.live/.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.thebeehive.live/blog/what-is-heaven-a-place-of-learning
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!