Thiên Đàng Là Gì? Đó Cũng Là Đất Mới Nữa
Nguồn ảnh: Artem Sapegin/Unsplash
Thiên đàng sẽ như thế nào nhỉ? Bạn mường tượng ra điều gì khi nghĩ đến thiên đàng? Những cánh cổng ngọc trai? Những chiếc đàn hạc? Đứng trong đoàn người đông đảo, hát ngợi khen Chúa?
Tin Chúa khi còn nhỏ, tôi nhớ mình đã nghĩ rằng nhược điểm duy nhất của việc trở thành Cơ Đốc nhân là cuộc sống tẻ nhạt đời sau đang chờ đợi mình. Tôi nghĩ: “Mong là Chúa Giê-su không trở lại trước khi mình học cấp 3…hoặc trước khi mình kết hôn…hoặc trước khi mình có con.” Một quyển truyện tranh kinh điển của Gary Larson đã mô tả đúng những gì tôi thấy khiếp đảm nhất về thiên đàng: “Ước gì mình mang theo quyển tạp chí”, vị thánh đồ không có việc gì làm chán nản nghĩ bụng.
Lúc trước, tôi có hỏi một nhóm nam sinh lớp 6 là các cháu nghĩ thiên đàng sẽ như thế nào, mường tượng của chúng về thiên đàng phản ánh những gì tôi nghĩ khi ở tuổi của chúng: một buổi lễ thờ phượng không bao giờ chấm dứt, đứng quanh ngai Chúa và hát hết bài này đến bài khác, hết bài này đến bài khác.
Thực ra thì trước đây tôi thích hội thánh hơn nhiều bạn khác. Tôi thậm chí còn cùng bố mẹ ngồi hết buổi thờ phượng của người lớn, đồng thời thích hát, thích nghe giảng. Nhưng làm thế mãi ư? Theo lời của nhóm nhạc hip hop OutKast xưa là “Foreva eva?” – “Mãi…ãi?” ư?1
Hỡi các bạn tôi, có tin vui cho các bạn đây: Thiên đàng không chỉ có vậy.
Cuốn Thiên đàng của tác giả Randy Alcorn là một khám phá thiết thực và tường tận về một chủ đề hấp dẫn nhưng còn tồn tại nhiều quan niệm sai lầm. Trong vài tuần kế tiếp, tôi sẽ nói đến một số chủ đề mà Alcorn nêu trong Thiên đàng – phần đa thì tôi rất đồng tình, có vài điểm tôi không đồng tình lắm.
Có lẽ, luận điểm quan trọng mà Alcorn đưa ra, ấy là chúng ta cần hiểu thực tế rằng số phận cuối cùng của chúng ta – những người theo Đấng Christ là được ở trong thân thể (vật lý) mới, sống trong một mặt đất (vật lý) mới. Alcorn nhấn mạnh: “Hãy thôi nghĩ rằng Thiên đàng và Mặt đất trái ngược với nhau; thay vào đó, hãy xem chúng như những vòng tròn chồng lên nhau, chúng có những điểm tương đồng”2 Khi hát bài thánh ca cổ: “Thế gian này đâu phải nhà tôi, tôi chỉ là khách bộ hành” và “Như một chú chim từ những bức tường tù ngục, tôi sẽ bay lên, bay đi”, chúng ta cùng lắm chỉ nói được một nửa sự thật.
Sự thật là mọi khung cảnh núi non, mọi ánh hoàng hôn mê đắm, mọi con suối róc rách, mọi tác phẩm kiến trúc tuyệt mỹ đều hướng chúng ta đến một thế giới mà Đức Chúa Trời đã định cho chúng ta và đến một ngày, chúng ta sẽ ở đó. Những hình ảnh về đất mới có trong Kinh thánh (Xem Ê-sai 25, Giăng 14, Khải huyền 21-22) là sự kết hợp của vẻ đẹp tự nhiên và nhân tạo kỳ vĩ, giữa vườn Ê-đen và nghệ thuật kiến trúc.
Hầu hết Cơ Đốc nhân đều dễ dàng bác bỏ quan điểm của phái tự do cho rằng sự phục sinh của Đấng Christ không phải sự phục sinh về thân thể. Như John Updike nhấn mạnh rằng: “Đừng nhầm lẫn: nếu Ngài đã sống lại thì tức là sống lại về thân thể; nếu sự phân hủy của tế bào không đảo ngược, các phân tử không tái hợp, các axit amin không nhóm lại thì Hội thánh sẽ sụp đổ… Chúng ta đừng nhạo báng Đức Chúa Trời bằng ẩn dụ, phép tương đồng, dùng sự siêu việt để né tránh; biến sự kiện đó thành một ngụ ngôn… chúng ta hãy bước qua cánh cửa.” Thế nhưng, theo Alcorn, 2/3 người Mỹ tin vào sự sống lại từ kẻ chết lại không tin chúng ta sẽ có thân thể3 . Chúng ta không hiểu ý nghĩa của những lẽ thật quyền năng mà mình nắm giữ. Nếu sự phục sinh của Chúa Giê-su là sự phục sinh về thân thể thì chúng ta cũng vậy. Thiên đàng sẽ rất sống động!
Suy cho cùng thì Kinh thánh không chỉ nói đến thiên đàng mà còn nói đến trời mới, đất mới (Ê-sai 65:17, Ê-sai 66:22, 2 Phi-e-rơ 3:13). Chúng ta đang thu hẹp tương lai của mình với Đức Chúa Trời nếu chỉ nghĩ đến thiên đàng. Chúng ta cũng cần vui thỏa cùng Chúa trong đất mới của Ngài nữa!
Bạn thích làm gì nhất? Bơi hay leo núi? Chơi bóng rổ hay chơi đàn? Đọc sách hay điêu khắc? Bạn sẽ làm điều đó trên thiên đàng. Chúng ta sẽ có những buổi lễ thờ phượng tuyệt vời nhất mà mình có thể tưởng tượng được, với thứ âm nhạc đầy mê đắm thuộc mọi thể loại mà mình tưởng tượng ra chứ? Có! Nhưng chúng ta cũng sẽ thờ phượng khi làm việc và thờ phượng khi giải trí phải không? Tất nhiên rồi. Thật vui khi nghĩ đến cuộc sống mà chúng ta sẽ tận hưởng trong cõi đời đời! Thật nhiều điều để khám phá! Thật vui biết mấy! Sự thờ phượng sẽ thật tuyệt vời!
Gần cuối tập 7 của kiệt tác Biên niên sử Narnia CS Lewis, chúng ta thấy một hội chán đời đi đến cuối cuộc du hành của mình tại Narnia mới, và vùng đất mới thổi sinh khí vào họ: “Narnia cũ và Narnia mới khác nhau ở chỗ ấy. Narnia mới là một vùng đất bí ẩn hơn: mọi tảng đá, nhành hoa và ngọn cỏ trông như thể chúng có nhiều ý nghĩa hơn. Tôi chẳng thể miêu tả gì hơn thế nữa: nếu có đến đó, bạn sẽ hiểu ý tôi.”
Một thế giới thực hữu hơn, sống động hơn đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta sẽ thấy những màu sắc mà mình không thấy, trải nghiệm những điều mình không thể trải nghiệm trong hiện tại. Khi đến đó, chúng ta sẽ biết điều đó có nghĩa là gì. Cho đến lúc đó, hỡi các bạn tôi, hãy đếm ngày như một đứa trẻ đếm ngược đến ngày lễ Giáng sinh hay đến chuyến đi Disneyland. Và chúng ta hãy mở to mắt để có thể trải nghiệm thế giới với sự mong đợi, niềm vui và sự mầu nhiệm. Cho đến lúc đó…
Tác giả bài viết, John Beeson là Mục sư đồng quản nhiệm tại Hội thánh New Life Bible Fellowship tại Tucson, Arizona, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng tốt nghiệp đại học tại Gordon College. Sau khi phục vụ trong vai trò cán bộ quản lý trại giam tại Hạt Maricopa, ông nhận bằng Thạc sĩ Thần học từ Chủng viện Thần học Princeton. Ông đã làm mục sư tại Princeton trong 8 năm trước khi trở lại Arizona. John Beeson là chủ bút của trang The Bee Hive – https://www.thebeehive.live/.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.thebeehive.live/blog/what-is-heaven-it-is-also-a-new-earth
1. https://www.youtube.com/watch?v=1_cY4Sq46-0
3. Alcorn trích một cuộc khảo do tờ Time thực hiện vào ngày 24/03/1997
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!