7 Lý Do Khiến Bài Giảng Của Bạn Bị Nhàm Chán
Nguồn ảnh: Adobe Stock
Nếu có một điều mà bạn không nhắm tới khi mới làm lãnh đạo hoặc người truyền đạt thì đó là sự nhàm chán.
Nhưng tất cả những người truyền đạt, rao giảng hoặc thậm chí cố gắng thuyết phục người khác một ý tưởng nào đó đều thấy tụt hứng khi phát hiện ra rằng bài giảng của mình không cuốn hút như mong đợi. Hoặc họ cảm thấy mình tẻ nhạt. Thậm chí là khi giảng Lời Chúa, bạn cũng có thể thấy mình tẻ nhạt.
Để tôi hỏi bạn nhé: Chính xác thì điều đó xảy ra như thế nào?
Dưới đây là 7 lý do thường thấy khiến bài giảng của bạn bị nhàm chán
1. Thực ra là bạn thấy sứ điệp của mình nhàm chán
Ồ, tôi biết chứ, hãy thành thật với nhau ngay từ đầu nào. Bạn đã bao giờ giảng một sứ điệp mà chính bạn thấy chán chưa?
Khi nhìn lại, tôi thấy mình đã từng như vậy.
Thế thì sao phải giảng một sứ điệp nhàm chán làm gì?
Vâng, chúng ta có sức ép của buổi sáng Chúa Nhật. Bạn vội vã chuẩn bị cho xong một sứ điệp và không có đủ thời gian để nêu bật nó.
Một lý do khác khiến bạn chán sứ điệp là bạn chưa thấy tầm quan trọng của nó. Chút nữa chúng ta sẽ xét kỹ hơn đến điều này.
Nếu bạn cảm thấy mình chán sứ điệp, hãy dừng lại. Đừng đi tiếp cho tới khi sứ điệp của bạn thu hút được chính bạn.
Tôi hứa với bạn thế này: Hỡi những người giảng đạo, nếu bạn chán sứ điệp mà mình giảng ra thì người nghe bạn cũng thế.
Vậy bạn phải làm gì khi mình chán sứ điệp? Hãy chuyển sang ý 2 và tự hỏi: “Tại sao điều này lại quan trọng?”
Lòng bạn phải biết tầm quan trọng của nó, sau đó bạn cần giải thích điều đó cho người nghe, đó là thư sẽ thu hút họ.
2. Bạn không giải thích tầm quan trọng của những gì mình nói
Simon Sinek nói đúng: Người ta không mua thứ bạn làm ra mà mua lý do khiến bạn làm ra nó.
Hầu hết các nhà giảng đạo đều giỏi nói cho dân sự điều họ cần biết (chẳng hạn như là “Lời Chúa nói với chúng ta điều này…”)
Nhưng nếu sứ điệp của bạn nhàm chán thì gần như là do bạn chưa giải thích cho người nghe về tầm quan trọng của nó.
Lý do tạo ra sự liên hệ. Chẳng hạn như mọi người đều biết là họ cần ăn uống lành mạnh và tập thể dục, nhưng nhiều người vẫn không làm. Tại sao phải thay đổi? Dù sao thì đồ ăn cũng ngon còn tập thể dục lại mệt.
Nhưng hãy tưởng tượng đến việc đi khám và biết mình đang bị tiểu đường độ 2 và có nguy cơ bị đau tim trong vòng 6 tháng tới xem. Kiến thức thì biết ngay từ đầu rồi. Nhưng lý do là điều tạo cho bạn động lực mạnh mẽ.
Dân sự có nghĩ sự giảng luận của bạn nhàm chán không?
Hãy dành chút thời gian giải thích tầm quan trọng của những điều bạn chia sẻ với các gia đình, với các bậc cha mẹ, với lũ trẻ, với hàng xóm, với đồng nghiệp. Hãy giải thích rằng sự dạy dỗ theo Kinh thánh này có thể thay đổi suy nghĩ của họ thể nào, đưa họ đến gần Đấng Christ hơn ra sao và giảm bớt xung đột trong hôn nhân như thế nào.
Giải thích tầm quan trọng của điều gì đó khiến người ta lắng tai nghe những gì bạn nói hơn. Cho nên hãy giải thích “tại sao” trước khi giải thích “cái gì”.
Nếu bạn nghĩ rằng điều đó không quan trọng thì hãy tự hỏi tại sao ngay từ đầu, Đức Chúa Trời lại ban Kinh thánh cho chúng ta. Rõ ràng là Ngài nghĩ rằng Kinh thánh quan trọng. Đức Chúa Trời cũng có lý do “tại sao” đằng sau “cái gì”.
3. Bạn đang trả lời những câu mà không ai hỏi.
Tôi đã thấy quá nhiều nhà giảng đạo cố gắng trả lời những câu mà không ai hỏi.
Rất ít người quan tâm đến những lễ nghi trong các Ngày Thánh tại Y-sơ-ra-ên xưa.
Để xem mình có đang chọn một chủ đề lạ lẫm mà chỉ mình mình quan tâm không, bạn có thể điền vào chỗ trống trong câu này trước khi giảng: Nhiều người trong các bạn đang vật lộn với _______________.
Nếu câu trả lời của bạn là “nhịp điệu và tần suất các Ngày Thánh tại Y-sơ-ra-ên xưa” thì bạn biết mình sẽ thấy người ta ngáp dài rồi, trừ khi bạn đang nói cùng một sinh viên theo học Tiến sĩ về Cựu Ước đang nghiên cứu về các điều luật trong Lê-vi ký. (Trong trường hợp này bạn vẫn dễ thấy họ ngáp dài).
Thực ra thì bạn vẫn có thể tạo một sứ điệp hấp dẫn về nhịp điệu Ngày Thánh, nếu bạn quay trở lại ý 2 và tìm ra tầm quan trọng của nó.
Thực chất, những CEO và các bậc cha mẹ mệt lả có thể thích nghe một sự điệp về nhịp điệu và sự nghỉ ngơi. Những người không bao giờ có ngày nghỉ, hoặc phải vật lộn với lo lắng và áp lực cũng vậy.
Vẫn chưa thấy thuyết phục ư? Hãy tự hỏi mình xem tại sao Đức Chúa Trời muốn chúng ta dành 1/7 đời mình để nghỉ ngơi rồi lại thêm một đống ngày lễ trên đó nữa. Một thế giới lo âu, lãng quên Chúa cần nghe sứ điệp đó và muốn nghe sứ điệp đó.
Nguyên tắc ở đây là gì? Hãy giảng những gì người ta cần nghe theo cách mà họ muốn nghe.
4. Bạn chưa hiểu hoặc đồng cảm với khán giả.
Không có cái gọi là khán giả “chung chung”. Bạn thật sự không thể kết nối với khán giả của mình nếu bạn không hiểu họ.
Gần đây, tôi có nói chuyện với một anh bạn về hội nghị mà cả hai chúng tôi đều là diễn giả.
Vì tôi biết khán giả ở đó rõ hơn anh ấy nên anh đã dành 40 để hỏi tôi xem ai sẽ là khán giả, họ hy vọng điều gì, sợ điều gì, tranh chiến với điều gì và anh cần tiếp cận họ như thế nào.
Tôi thấy rất kinh ngạc về điều này vì một số lý do.
Trước hết, bạn tôi là một tác giả có nhiều cuốn sách bán chạy trên New York Times. Anh luôn diễn thuyết trước một lượng lớn khán giả có tầm ảnh hưởng. Nếu ai đó có thể nhảy vào diễn thuyết ngay thì đó là anh ấy.
Hai là tuy anh ấy có nhiều lời mời diễn thuyết đến nỗi không tài nào nhận hết được nhưng anh lại rất quan tâm đến khán giả của mình.
Thực tế rằng anh ấy được mời nhiều, lại giỏi giang trong những gì mình làm, còn đặc biệt quan tâm đến khán giả mình, tất cả đều có mối liên hệ đến nhau.
Bạn càng quan tâm sâu sắc đến khán giả của mình thì họ càng quan tâm sâu sắc đến những gì bạn nói.
5. Bạn chưa mô tả vấn đề nan giải mà dân sự muốn giải quyết.
Vấn đề với nhiều sự truyền đạt là nó không bắt đầu với một vấn đề.
Người truyền đạt hoặc tác giả thường cứ thế là bắt đầu thôi.
Khán giả của bạn đang đặt câu hỏi rằng Sao tôi lại phải nghe? Sao tôi lại phải đọc tiếp? Tôi có những vấn đề cần giải quyết và anh không giúp gì cho tôi.
Hãy phản biện điều đó cho thật rõ.
Hầu như bài nào tôi cũng bắt đầu bằng việc mô tả một vấn đề mà dân sự gặp phải – tại nơi làm việc, tại nhà, trong mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời hoặc trong mối quan hệ của họ với nhau.
Bạn phải làm điều đó như thế nào? Hãy mô tả cụ thể vấn đề đó, chẳng hạn như “Anh chị em đang rất thất vọng với Chúa vì Ngài nói Ngài là Chúa của tình yêu. Nhưng khi đọc Cựu Ước thì anh chị em lại thấy khác. Và anh chị em tự hỏi không biết mình có thể tin cậy một Đức Chúa Trời như vậy không.”
Nếu bạn thật sự muốn người ta đào sâu vào những vấn đề đó thì hãy thực hiện bước tiếp theo. Hãy làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Hãy mô tả nó chi tiết đến nỗi dân sự không chắc là có giải pháp nào cho điều đó. Hãy trích lời một nhà vô thần. Hãy giảng giải rằng Đức Chúa Trời có vẻ như tàn nhẫn, xấu xa và nóng nảy.
Rồi hãy đi vào điểm chính, giải thích rằng Ngài đã gánh chính cơn giận của mình trên thập tự giá trong tình yêu thương ra sao.
Ý tưởng ở đây là cố gắng khám phá và làm sáng tỏ mọi ý kiến phản đối của dân sự với điểm chính yếu mà bạn đang cố gắng đưa ra. Hãy nghĩ xem họ sẽ nghĩ gì trên đường về nhà (“À, người giảng không nói đến vấn đề X”). Sau đó hãy xử lý vấn đề X.
Họ sẽ lắng tai nghe khi bạn làm như vậy.
6. Bạn không biến sứ điệp thành của mình.
Có những thời kỳ mà ta phát ớn với sự lạnh nhạt của hội thánh.
Nhưng dân sự đã ngấy ngán sự khéo léo. Họ nghi ngờ sự hào nhoáng.
Một trong những chìa khóa mở ra sự chân thật là tiếp nhận chính những gì bạn nói. Ngườ ta muốn biết rằng bạn tin những gì mình nói.
Trong thế giới quay cuồng nơi người ta bán rẻ quá nhiều thứ, người ta đang tìm sự chân thật.
Hãy chân thật.
Khi bạn biến sứ điệp thành của mình – khi nó đến từ sâu thẳm con người bạn – thì nó sẽ vang tiếng.
Nên hãy biến sứ điệp thành của mình. Hãy bắt đầu từ sớm…hãy làm việc với nó. Hãy cầu nguyện về nó. Ăn nuốt nó. Và tin nó.
Điều đó có nghĩa là bạn đã làm việc với nó đủ sâu đến nỗi nó trở thành một phần con người bạn chứ không chỉ là điều bạn nói.
7. Bạn đang quá phụ thuộc vào phần ghi chú
Khi nói trước đám đông, gần như là người ta sẽ không chú ý đến sứ điệp nếu thấy bạn đọc nó. Nó sẽ tựa như một thông cáo báo chí, hoặc một bài phát biểu mà người khác chuẩn bị, hoặc một điều bạn nghĩ họ nên tin, nhưng chính bạn lại không tin vào nó.
Tôi biết điều đó rất khó nghe với những người hay nhìn những gì mình ghi ra.
Hãy nghe tôi nói này: Đọc phần ghi chép không có nghĩa là bạn không chân thành, chỉ là người ta thường nghĩ bạn như vậy mà thôi.
Đừng học thuộc bài nói chuyện của bạn. Hãy hiểu nó.
Lúc nói chuyện thì bạn đâu có cần học thuộc trước vì bạn đã hiểu nó rồi.
Nên hãy hiểu bài nói chuyện tiếp theo của mình.
Bạn luôn có thể nói về những điều mà mình hiểu.
Tác giả bài viết, Carey Nieuwhof là mục sư sáng lập Hội thánh Connexus tại Canada. Ông phục vụ Chúa trong vai trò mục sư đến năm 2015 rồi chuyển giao công việc cho thế hệ mới. Carey là tác giả của một số cuốn sách, cuốn mới đây nhất là “Điều không ngờ tới” (Didn’t See It Coming). Ông dành nhiều thời gian để trang bị cho các hội thánh và lãnh đạo trên toàn thế giới. Carey viết bài trên trang www.CareyNieuwhof.com và là chủ kênh Podcast Lãnh đạo Carey Nieuwhof. Hằng tháng, các nội dung về lãnh đạo của ông có hàng triệu lượt truy cập.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://churchleaders.com/pastors/428420-carey-nieuwhof-7-reasons-your-sermons-are-boring.html/3
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!