Đọc Kinh Thánh: Tầm Quan Trọng Của Thể Loại
Hai bài về đọc Kinh thánh trước đây đã lập luận rằng chúng ta gặp khó khăn với việc hiểu Kinh Thánh là vì chúng ta không đọc theo cách đọc sách thông thường. Chúng ta cho rằng vì Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời (chắc chắn là như vậy), được thần cảm và không sai lầm nên sách phải “phá vỡ các quy tắc” trong giao tiếp thông thường của con người. Ngược lại, tôi lập luận rằng Kinh thánh kỳ diệu ở chỗ, tuy sách nói cùng chúng ta những điều phi thường (với độ chính xác phi thường) nhưng theo một cách bình thường. Từ đó, chúng ta kết luận rằng nên đọc bất kỳ sách nào trong Kinh thánh – có thể là thư tín, sách tường thuật, sách lịch sử, sách khôn ngoan hoặc một luận thuyết giáo lý – theo cách mà bạn sẽ đọc bất kỳ cuốn sách nào khác thuộc thể loại đó. Hãy đọc bất kỳ diễn ngôn nào trong Kinh thánh như thể đó là một thí dụ đặc biệt điển hình của các loại diễn ngôn tương tự khác, tuy tác giả cuối cùng của diễn ngôn này là Một Đức Chúa Trời Có Thật.
Điều này dẫn dắt chúng ta đến với chủ đề của bài viết này, bởi vì câu hỏi tiếp theo đặt ra hẳn phải là “tôi thực sự đang đọc loại diễn ngôn nào?” Giả sử bạn đang đọc “thư tín” gửi cho người Hê-bơ-rơ và theo lời khuyên ở trên, bạn muốn đọc thư theo cách đọc diễn ngôn thông thường. Vâng, thư tín là gì và thư tín thường được đọc như thế nào? Chức năng của các thư tín cách đây 2000 năm có giống với thư từ ngày nay không? Và Hê-bơ-rơ có phải là một thư tín không? Câu trả lời cho những dạng câu hỏi này rất quan trọng đối với luận điểm hiện tại của chúng ta; người ta không thể đọc sách Hê-bơ-rơ (hoặc bất kỳ cuốn sách nào khác) một cách “thông thường” nếu người đó không thực sự biết thể loại của Hê-bơ-rơ.
Đó là lý do tại sao chúng ta phải nói về thể loại.
Thể loại là gì?
Thể loại là gì? Làm sao để định nghĩa được thuật ngữ đó? Một nhà ngôn ngữ học mô tả nó là “kiểu diễn ngôn”, tức là thể loại mô tả loại “sự kiện giao tiếp” mà chúng ta đang cố gắng diễn giải. Chẳng hạn như ai đó đang nói chuyện với bạn. Họ đang muốn nói gì với bạn? Họ đang kể chuyện cho bạn nghe à? Họ có hướng dẫn bạn không? Họ có yêu cầu bạn làm gì không? Có thể họ đang bày tỏ ý kiến. Có lẽ họ đang liên hệ đến một điều gì đó đã xảy ra với mình trong hôm nay để bạn có thể thông cảm hoặc khuyên nhủ họ. Mỗi trường hợp đại diện cho một kiểu diễn ngôn khác nhau và việc xác định được kiểu diễn ngôn mà bạn đang nghe sẽ xác định được cách bạn diễn giải và phản ứng với nó.
Các nhà khoa học cũng làm vậy với động vật. Cả chó và mèo đều có bốn chân —chúng giống nhau trên phương diện đó— nhưng chúng khác nhau ở chỗ chó rất tuyệt còn mèo thì không, và sự khác biệt đó đồng nghĩa với việc chúng được phân loại theo cách khác nhau. Sự tương đồng và khác biệt là chìa khóa để xác định “kiểu” và thể loại là “kiểu diễn ngôn”. Thể loại là sự phân loại; bạn đang xét đến một diễn ngôn và mô tả xem nó tương đồng và khác biệt với những diễn ngôn khác như thế nào.
Có lẽ bạn đã nghe người ta nói rằng để diễn giải thì cần đến ngữ cảnh. Thể loại là “ngữ cảnh văn học.” Thể loại xác định xem một sự kiện văn học nhất định khớp với các sự kiện văn học liền kề về mặt văn hóa như thế nào. Đặt câu hỏi về “thể loại” của một tác phẩm là hỏi xem “tác phẩm này giống với các tác phẩm khác như thế nào và điều đó giúp tôi hiểu rõ hơn những gì nó đang cố gắng đạt tới ra sao?” Hơn nữa, xác định kiểu diễn ngôn, hoặc ngữ cảnh văn học, là chìa khóa để hiểu những gì bạn đang đọc. Hãy tưởng tượng rằng bạn hiểu sai. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng bạn nhầm giữa hư cấu với phi hư cấu, giữa văn châm biếm với tin tức chân thực, giữa bài phát biểu về vấn đề chính trị với chính sách thực tế hoặc South Park (bộ phim hoạt hình hài kịch dành cho người lớn -–N.D.) với chương trình hoạt hình dành cho trẻ em. Có thể bạn sẽ gặp một số rắc rối về diễn giải. Nếu muốn hiểu đúng bất kỳ thể loại nào trên đây thì bạn cần biết thể loại đó là như thế nào.
Xác định thể loại như thế nào?
Nếu nghe tất cả những điều này có vẻ hơi lý thuyết thì tôi có tin vui cho bạn đây: hầu như chúng ta có thể xác định thể loại sách theo trực giác mà không gặp vấn đề gì cả. Hầu hết chúng ta đều không thể không hòa mình vào nền văn hóa xung quanh; nên chúng ta thường xuyên tiếp xúc với các loại “sự kiện văn học” đa dạng, mỗi sự kiện đại diện cho một nhóm nhỏ các thể loại văn học khác nhau. Do đó, chúng ta biết về thể loại giống như cách chúng ta học ngôn ngữ mẹ đẻ vậy: qua việc thường xuyên tiếp xúc trong môi trường tự nhiên. Đó là lý do tại sao bạn không cần phải bảo mới biết về “các quy tắc” trong tiểu thuyết hoặc các bài báo, xã luận cá nhân, khoa học viễn tưởng hoặc phim hài tình cảm mới nhất.
Thông thường, mọi thứ “cứ thế hoạt động trơn tru” và lý do khiến mọi thứ đều hoạt động trơn tru là vì tác giả và khán giả cùng có vô số giả định về kiểu diễn ngôn mà họ đang đọc, xem hoặc nghe. Giả sử bạn đang lên kế hoạch cho một buổi tối xem Netflix và danh sách đề xuất có một danh mục được mô tả là “Phim truyền hình trinh thám đen tối và hấp dẫn của Anh”. Bạn nghĩ “mô tả gì mà kỹ thế nhỉ”, nhưng thực ra, trực giác của bạn biết đích xác mình đang bước vào điều gì. Cả cốt truyện sẽ rất buồn và bi thảm (phim), và sẽ mất một khoảng thời gian để đi đến vấn đề (truyền hình), nhưng kịch tính rất cao vì ít nhất một người đã bị sát hại (trinh thám) và hơn nữa, manh mối (manh mối, không phải bằng chứng, đặc điểm để phân biệt giữa phim trinh thám Anh và trinh thám Mỹ) cần thiết để làm sáng tỏ vụ giết người nói trên rất phức tạp, do đó đòi hỏi sự hiểu biết/trí thông minh/sự khinh ghét đặc biệt (của Anh); hơn nữa, thám tử có thể sẽ có một quá khứ đáng lo ngại (đen tối), và bí ẩn sẽ mất vài tập để giải quyết (hấp dẫn). Nếu yêu thích những câu chuyện trinh thám và đã đắm mình trong thể loại này thì bạn sẽ biết đích xác mình cần chờ đợi điều gì.
Trong những trường hợp như vậy, xác định thể loại là một việc rất đơn giản. Chỉ cần nhớ hướng dẫn đơn giản này: “Phần đầu của mọi thứ cho bạn biết nhiều điều”.
Hãy để ý thật kỹ đến phần mở đầu của bất kỳ diễn ngôn nào. Năm phút đầu tiên của một bộ phim, chương đầu tiên của một cuốn tiểu thuyết, phần giới thiệu mở đầu của một bài giảng, đoạn đầu tiên của một bài báo — tất cả những “khoảnh khắc đầu tiên” này đều được nhằm hướng bạn đến điều mà mình đang đọc, nghe hoặc xem. Hãy nhớ rằng, các tác giả thường muốn người khác hiểu mình và vì muốn người khác hiểu mình nên họ muốn bạn dễ đọc. Hơn nữa, như chúng ta đã nói, thể loại thường có tính trực giác, nên một nhà văn sẽ sử dụng các quy tắc “bình thường” để báo hiệu cho bạn biết thể loại mà mình đang đọc. Một nhà văn hoặc một người kể chuyện xuất sắc có thể sáng tạo với nó, thậm chí bạn có thể không hiểu họ đang làm gì, nhưng trong những giây phút đầu tiên đó, họ đang “giới thiệu” cho bạn tác phẩm mà họ đang sáng từ. Họ đang mời bạn bước vào và họ sử dụng hàng chục từ, cụm từ và hình ảnh nhỏ sao cho bạn bắt đầu đúng chỗ.
Hãy xét đến năm phút đầu tiên của bản gốc phim Chiến tranh giữa các vì sao. Vũ trụ. Khoảng không với vô số những vì sao. Rồi có một vụ nổ laze và một phi thuyền lớn không tưởng đang đuổi theo một con tàu siêu nhỏ vụt qua. Một nhân vật phản diện độc ác rành rành. Một người phụ nữ bận đồ trắng. Những con robot. Rồi bỗng dưng bạn lại ở trên một hành tinh hoang vắng để tìm một người hùng. Chỉ trong vài phút, bạn biết đích xác mình đang xem loại phim gì, ngay cả khi bạn không thể gọi tên nó ra. Đây là một “phim không gian khoa học viễn tưởng Viễn Tây (với một người hùng chiếu dưới).” Nếu đặc biệt giỏi về thể loại này thì thậm chí bạn có thể chờ đợi rằng người hùng đó là một dạng “người được chọn”.
Hoặc xét đến “thư tín” Hê-bơ-rơ chẳng hạn. Hãy đọc qua chương đầu tiên. Nghe có giống với các thư tín khác trong Tân Ước không? Không. Không hề. Không thấy nhắc đến trước giả hay người nhận. Sách thiếu các đặc điểm mà chúng ta chờ đợi từ các bức thư thông thường. Sách có giọng điệu như thế nào? Có lẽ là một trong những bài phát biểu của Phi-e-rơ hoặc Phao-lô trong Công vụ? Hoặc có thể là một trong những bài giảng của Chúa Giê-su trong Ma-thi-ơ? Nên có thể Hê-bơ-rơ giống với một bài giảng hơn là một bức thư? Bây giờ hãy xét đến phần kết trong Hê-bơ-rơ 13. Hừm. Sách kết thúc giống với một bức thư, nhưng nhìn chung, nó vẫn giống một bài giảng hơn, và trên thực tế, sách tự nhận là “lời khuyên bảo” trong Hê-bơ-rơ 13:22. Vì vậy, theo lời một nhà giải kinh (F. F. Bruce), Hê-bơ-rơ là một “bài giảng, với một số nhận xét cá nhân ở cuối.” Phần kết khiến vấn đề trở nên hơi phức tạp, nhưng phần đầu của diễn ngôn đã đưa chúng ta đi đúng đường: Hê-bơ-rơ không phải thư tín mà là một bài giảng.
Thể loại ảnh hưởng đến việc đọc như thế nào?
Việc xác định thể loại sẽ có ảnh hưởng đáng kinh ngạc đến cách bạn đọc Kinh thánh. Đọc Kinh thánh cũng quan trọng như chỉnh nhạc cụ trước khi chơi nhạc. Hiểu thể loại của một tác phẩm giúp bạn đọc trong sự hài hòa với bản văn. Nó “hòa” bạn với cấu trúc, mục đích và ngôn ngữ của nó. Thể loại là “dụng cụ chỉnh âm” của văn học.
Hãy tiếp tục lấy Hê-bơ-rơ làm ví dụ. Quan trọng là sách không phải một bức thư. Những bức thư thực thụ như Phi-lê-môn hay Ga-la-ti được viết cho những người rất cụ thể vì một lý do rất cụ thể. Bạn viết một lá thư để nói lời cảm ơn, chia buồn để nhờ giúp đỡ hoặc chỉ dẫn. Nếu Hê-bơ-rơ không phải một bức thư thì đừng nên đọc Hê-bơ-rơ như Phi-lê-môn hay Ga-la-ti (trong đó thời điểm lịch sử là chìa khóa để diễn giải), hoặc như một luận thuyết giáo lý (trong đó các yếu tố giáo huấn là quan trọng nhất), mà đọc giống như các bài giảng trong Công vụ hoặc các bài giảng của Chúa Giê-su. Chúng ta đọc các bài giảng như thế nào? Điều gì khiến chúng khác với các bức thư truyền thống? Có thể có một số mức độ đặc trưng về lịch sử đối với một bài giảng, nhưng chúng có xu hướng “khái quát hóa” hơn các bức thư. Chúng cũng có xu hướng xoay quanh việc cổ vũ hơn là lập luận. Chắc chắn là các bài giảng cũng có lập luận, nhưng cuối cùng thì điểm cốt yếu và mục đích của bài giảng là sự cầu khiến: “tin” hoặc “cư xử cho đúng” hoặc, trong trường hợp của sách Hê-bơ-rơ là “hãy giữ vững” (Hê-bơ-rơ 10:23).
Khi để ý đến điều đó, bạn có thể giải quyết rất nhiều vấn đề khi diễn giải một sách như Hê-bơ-rơ. Việc cố gắng tái hiện lại hoàn cảnh mà trước giả đang viết là điều thường gặp với sách Hê-bơ-rơ. Có phải ông đang nói đến những người Do Thái bị cám dỗ trở lại thờ phượng nơi đền thờ không? Có thể, nhưng nếu vậy thì trước giả không mô tả tình hình theo cách chúng ta chờ đợi từ các lá thư (Hãy xét đến Thư Ga-la-ti hoặc Thư Cô-rinh-tô chẳng hạn). Tái hiện lịch sử như vậy không quan trọng với việc hiểu một bài giảng như Hê-bơ-rơ bằng hiểu một bức thư luận chiến như Ga-la-ti. Tại sao? Vì các bài giảng thường chung chung hơn nên ít mang tính “tình huống tức thì” hơn so với các bức thư. Dù có cám dỗ cụ thể nào thì điểm mấu chốt vẫn là “hãy giữ vững”.
Phải bắt đầu từ đâu đây?
Quy tắc “phần đầu của mọi thứ cho bạn biết nhiều điều” sẽ giúp ích cho bạn trong nhiều trường hợp, nhưng nó không phải là một liều thuốc thần kỳ. Tuy chúng ta thường xác định thể loại theo trực giác nhưng cũng có những lúc sai, ngay cả khi nó ở trong nền văn hóa của chính chúng ta. Chúng ta bắt đầu đọc một bài báo chuẩn mực rồi nhận ra rằng đó chỉ là xã luận cá nhân hay một mẩu “tin giả” mà thôi. Hy vọng rằng quá trình đọc cộng với nhận thức văn hóa của chúng ta sẽ sửa đổi sai lầm này trước khi bị lúng túng, nhưng đôi khi chúng ta chỉ đơn giản là “không hiểu”.
Những sai lầm này càng trở nên phức tạp hơn khi chúng ta diễn giải các tác phẩm văn học xa rời bối cảnh văn hóa của chúng ta. Những trường hợp này đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và phân tích thêm để không đi lệch hướng. Kinh thánh là một cuốn sách cổ xưa, và Đức Chúa Trời phán qua Kinh thánh theo “nhiều cách” (Hê 1:1). Do đó, không phải lúc nào cũng dễ xác định thể loại. Hoặc có thể chúng ta đã phân loại chính xác thể loại của một cuốn sách — chẳng hạn như Thi thiên là thơ ca Hê-bơ-rơ — nhưng tuy vậy, chúng ta chỉ có hiểu biết hạn chế về thể thức của thể loại này vào thời điểm đó — thơ ca Hê-bơ-rơ không có thể thức giống với thơ ca tiếng Anh hiện đại.
Cho nên chúng ta còn nhiều việc phải làm. Một cuốn nghiên cứu Kinh thánh hay, một phần giới thiệu hoặc giải kinh đặc biệt có thể giúp bạn thu hẹp khoảng cách, nhưng cách tốt nhất là hãy đắm mình trong “nhiều lần, nhiều cách” mà Đức Chúa Trời đã nói cùng chúng ta.
Tác giả bài viết, Tommy Keene là Mục sư Phụ trách Mục vụ Gia đình tại Hội thánh Christ the King PCA ở Conshohocken, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Tommy đã kết hôn với Sarah và có hai cô gái xinh đẹp, Emma và Kate. Tommy nhận bằng Thạc sĩ Thần học và bằng Tiến sĩ tại Chủng viện Thần học Westminster ở Philadelphia. Ngoài thời gian phục vụ tại Christ the King, Tommy dạy môn Tân Ước bán thời gian tại Chủng viện Thần học Westminster và Reformed ở Washington DC.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!