Đọc Kinh Thánh Theo Cách Đọc Thông Thường (Phần 2)
Trong bài trước, chúng ta đã xác định rằng để đọc Kinh thánh cho tốt thì cần đọc như thể Chúa đang phán theo cách mà chúng ta có thể hiểu được. Nhưng trên thực tế thì chúng ta cần làm như thế nào?
Việc này khó hơn so với chúng ta nghĩ. Qua nhiều năm, ta đã tự đào tạo mình đọc Kinh thánh theo cách không tự nhiên, nên ta phải phá bỏ một số thói quen xấu.
Đọc chính Kinh thánh (không phải những thứ râu ria)
Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất để hiểu và lĩnh hội bất kỳ sách nào trong Kinh thánh là thực sự đọc sách đó. Khả năng đọc tốt của chúng ta thường bị vô số điều gây xao nhãng làm cho gián đoạn, và những thứ đó sẽ ngăn trở việc đọc. Nên hãy đọc sách đó theo cách cần đọc, ấy là đọc một mạch, không ngừng nghỉ. Chúng ta cần đắm mình trong bản văn đó.
Nghe thì khá dễ, nhưng thực ra khó hơn so với chúng ta nghĩ. Những “điều gây xao nhãng” mà tôi đang nhắc đến, những thứ gây phân tán khiến bạn mất tập trung hoặc dẫn bạn xuống lối hiểu sai – đều không phải là những vấn đề liên quan đến môi trường hoặc hoàn cảnh. Tôi đang không thực sự nói đến việc tránh những phiền nhiễu từ bọn nhỏ, hoặc âm thanh kỳ cục phát ra từ cái điều hòa. Tôi đang nói đến những thứ điển hình mà chúng ta thường làm khi đọc Kinh thánh. Ghi chú. Giải kinh. Tra mạng. Nghiên cứu từ ngữ.
Những thứ đó đều tốt cả, xin đừng hiểu lầm tôi, nhưng chúng sẽ rút ngắn quá trình đọc. Ta có thể dùng những thứ đó sau. Đừng bắt đầu với những cuốn giải kinh, hoặc phần giới thiệu trong cuốn Kinh thánh nghiên cứu. Hãy bỏ qua các ghi chú. Nguyên tắc chung là đừng đọc những thứ khác khi đọc thứ này. Đừng để những thứ tiếng khác khiến bạn xao nhãng khỏi thứ tiếng này. Hãy dành sự tôn trọng cho trước giả của cuốn sách bằng việc lắng nghe họ chứ không phải nói về họ.
Thực ra thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn so với chúng ta nghĩ. Ngay khi nói đến những điều gây phân tán có thể thay đổi hoặc rút ngắn việc đọc thông thường, hãy nói qua về cách người ta in hầu hết các bản Kinh thánh. Đề mục. Chú thích cuối trang. Tham chiếu. Giới thiệu từng sách Kinh thánh. Các dòng chữ màu đỏ. Hộp thoại chứa những thông tin giải thích. Chưa dừng lại ở đó, vì ngay cả khi bỏ hết những thứ đó ra thì vẫn còn số chương và số câu, là những thứ không có trong bản văn gốc. Hơn nữa, chúng còn (thường là tự ý) tách bản văn thành những đoạn ngắn, mà theo lẽ tự nhiên thì chúng ta không đọc theo các đoạn ngắn, chúng ta đọc những đoạn dài. Ta đọc những cuốn sách thông thường theo từng phần chứ không theo từng từ, còn mọi ghi chú cuối trang và số câu lại tạo điều kiện cho chúng ta đọc Kinh thánh theo từng câu.
Nên tôi khuyên bạn nên mua một cuốn sách trị giá 20$ nhưng có thể thay đổi cuộc đời bạn. Đó là A Reader’s Bible (Hiện chưa có bản in Kinh thánh tiếng Việt nào như vậy – N.D.). A Reader’s Bible loại bỏ mọi phần phụ gây phân tán. Nó có ở nhiều bản dịch thông dụng nhất trong tiếng Anh như ESV (here) hay NIV (here) . Anh chị em sẽ thấy sự khác biệt ngay từ lần mở đầu tiên. Nó trong giống một cuốn sách “thông thường” vì tất cả những thứ thêm vào đều bị loại bỏ, và gần như tôi có thể đảm bảo rằng nó sẽ thay đổi cách đọc của bạn. Mỗi khi giảng về một sách mới, tôi đều bắt đầu bằng việc đọc sách đó ở bản ESV A Reader’s Bible. Tôi cũng dùng bản này cho việc tĩnh nguyện và việc đọc cá nhân. Rõ ràng là tôi cần đến số câu để nghiên cứu Kinh thánh và chuẩn bị bài giảng, nhưng hãy bắt đầu bằng việc đọc sách đó theo cách tự nhiên và thông thường. A Reader’s Bible rất phù hợp cho mục đích đó.
Một công cụ tuyệt vời khác là sách nói. Mới nghe thì có vẻ chẳng “tự nhiên” chút nào. Các môn đồ và Cơ Đốc nhân thời đầu không có sách nói! À, nhưng họ có đấy! Hãy nhớ rằng trong nhiều ngàn năm, Chúa muốn rằng trước hết, những sách này cần được đọc lớn tiếng. Với hầu hết những cá nhân trong hội thánh, dù là những người đầu tiên nhận được một thư tín nào đó, hay một thành viên trong hội chúng trước thời hiện đại, cách duy nhất để tiếp cận Kinh thánh là qua việc đọc công khai. Thực ra thì chính Kinh thánh làm chứng cho điều này. Trong Khải huyền chẳng hạn, Giăng mở đầu bằng việc chúc phước cho người “đọc cùng những người nghe lời tiên tri nầy” (1:3). Giăng muốn rằng sách này sẽ được nghe, và (có lẽ là) nghe hết một lượt cả sách. Giăng mong rằng bạn có thể tiếp cận tác phẩm của ông bằng cách nghe ai đó đọc sách lên, và nguyện cả người đó lẫn bạn đều được phước qua việc này. Nên hãy tìm lấy một audio Kinh thánh, có nhiều nguồn tài nguyên miễn phí trên mạng, và hãy nhấn nút “phát”.
Đọc hết một lượt cả sách
Hãy nhấn nút phát, đừng tua lại, tua nhanh, tạm dừng hay dừng lại khi chưa nghe đến cuối.
Như đã đề cập trước đó, chúng ta được tạo điều kiện để đọc Kinh thánh theo các mẩu ngắn hơn là các đoạn dài. Chúng ta cắt, bóc tách và chia Kinh thánh ra thành các mẩu nhỏ. Chúng ta chỉ nghiên cứu Kinh thánh sau khi được mổ xẻ và cắt thành các phần, xong lại thắc mắc tại sao Kinh thánh có vẻ vô hồn như vậy. Tôi nhắc lại, có một giai đoạn trong quá trình đọc mà điều này trở nên phù hợp và hữu ích, nhưng đây không phải là cách chúng ta thường tiếp cận với sự giao tiếp, nên chúng ta không nên bắt đầu ở đây.
Khi đọc, đừng quay lại. Đừng dừng lại. Hãy cứ đọc. Bạn có thể không hiểu từ này, câu kia, thậm chí là cả đoạn, nhưng đừng nản lòng. Bạn luôn có thể quay lại sau và đặt những dạng câu hỏi như vậy. Nhưng trước hết, hãy cảm nhận cả cánh rừng trước đã.
Một lần nữa, sách nói là một cách tuyệt vời để bắt bản thân làm điều này. Stephen King, khi chuẩn bị viết phần tiếp theo cho cuốn sách trước, đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng ông đã nghe lại bản ghi âm của sách gốc. Ông thấy nó rất hấp dẫn. Bản audio buộc ông phải cuốn theo lời tự sự. Ông không có thời gian để bới lông tìm vết, để đặt câu hỏi, để đi vào chi tiết. Ông là hành khách, và không làm được gì nhiều ngoài tận hưởng chuyến đi. Nói cách khác, ông buộc phải tiếp nhận câu chuyện theo cách mà người đọc sách của ông có thể đọc nó. Ông không thể nói “Ôi, lẽ ra mình nên dùng từ này thay cho từ kia.” Như vậy, đó là sự chuẩn bị hoàn hảo cho phần tiếp theo vì nó nhắc ông nhớ lại những đặc điểm và cảm giác của thế giới mà ông tạo ra, từ đó ông có thể quay lại thế giới ấy để viết phần tiếp theo.
Hãy đọc tiếp. Đừng quay lại. Cho tới khi đọc xong.
Trên đây là một vài bước mà chúng ta có thể tận dụng khi học cách đọc Kinh thánh với lợi ích tối đa.
Tác giả bài viết, Tommy Keene là Mục sư Phụ trách Mục vụ Gia đình tại Hội thánh Christ the King PCA ở Conshohocken, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Tommy đã kết hôn với Sarah và có hai cô gái xinh đẹp, Emma và Kate. Tommy nhận bằng Thạc sĩ Thần học và bằng Tiến sĩ tại Chủng viện Thần học Westminster ở Philadelphia. Ngoài thời gian phục vụ tại Christ the King, Tommy dạy môn Tân Ước bán thời gian tại Chủng viện Thần học Westminster và Reformed ở Washington DC.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc