Đọc Kinh Thánh Theo Cách Đọc Thông Thường (Phần 1)
Ngồi xuống để đọc Kinh thánh là chưa đủ. Chúng ta cần học cách đọc cho tốt; và thực ra thì điều đó khó hơn so với chúng ta nghĩ. Nhiều người trong chúng ta muốn tăng trưởng trong mối quan hệ với Chúa, trong sự hiểu biết về những gì Ngài dạy dỗ, và trong đời sống thuộc linh của mình. Chúng ta biết rằng đọc Kinh thánh là trọng tâm của mục tiêu đó, nhưng chúng ta lại thấy việc đọc Kinh thánh của mình chẳng đi đến đâu. Mình sẽ nhận được gì từ phân đoạn này? Nó dạy mình điều gì về Chúa Giê-su? Nó giúp mình tăng trưởng như thế nào?
Chớ nản lòng. Giống như tất cả những điều khác, việc đọc là một kỹ năng cần đến sự học hỏi, thực hành và rèn luyện. Bạn có thể nghĩ: “Tôi biết cách đọc”, và khi đã biết đọc thì vấn đề chỉ là tăng vốn từ vựng. Đọc là một việc rất dễ dàng và theo trực giác, nên không cần phải đào tạo thêm sau khi đã có kỹ năng, giống như đi xe đạp vậy.
Nhưng điều đó không đúng. Không đúng với các cuốn sách “thông thường”, và không đúng với Kinh thánh. Thực ra thì có một cuốn sách khá nổi tiếng tên là Cách Đọc Một Cuốn Sách (How to Read a Book – thú thực là tôi chưa đọc cuốn này). Sách đề cập đến tính phức tạp của việc đọc, đây chỉ là một trong nhiều cuốn sách như vậy. Việc đọc đòi hỏi phải phát triển những kỹ năng nhất định, và giống như tất cả các điều khác, hãy liên tục thực hành những kỹ năng đó! Điều đó đúng với những cuốn sách thông thường, và cũng đúng với Kinh thánh.
Tất nhiên, Kinh thánh không phải là một cuốn sách thông thường, nên cần có hai bộ kỹ năng. Một mặt, Kinh thánh đòi hỏi chúng ta phải có những kỹ năng đọc thông thường, và chúng ta sẽ bắt đầu công cuộc tìm kiếm trong bài này bằng cách xét đến chúng. Kinh thánh cũng đòi hỏi cái mà chúng ta có thể gọi là những kỹ năng Thuộc linh (Ma-thi-ơ 11:15, Rô-ma 1:21, 1 Cô-rinh-tô 1:6-16), và chúng ta sẽ đề cập đến những kỹ năng đó sau. Còn bây giờ, hãy yên lòng vì nhiều kỹ năng liên quan đến việc đọc các cuốn sách thông thường sẽ đóng vai trò khá quan trọng trong việc đọc Kinh thánh.
Việc đọc thông thường bắt đầu từ việc ngồi xuống và đọc một cuốn sách cụ thể. Nghe thì có vẻ hiển nhiên, nhưng không. Thực chất, bước đầu tiên để đọc tốt một cuốn sách theo Kinh thánh là thực sự đọc nó, và đọc nó theo cách đọc sách “thông thường””. Nói thẳng ra là có lẽ bạn đang không làm như vậy. Thực ra là gần như tôi có thể đảm bảo điều này.
Hãy nghĩ đến câu chuyện cuối cùng mà bạn lấy ra khỏi kệ. Có thể là một cuốn gì đó phức tạp như Anh Em Nhà Karamazov, hoặc có thể mang tính lịch sử như cuốn tiểu sử Hamilton của Chernow. Gần đây nhất, tôi đọc Harry Potter và Tên Tù Nhân Ngục Azkaban. Hoặc biết đâu thể loại trần thuật không hấp dẫn bạn và bạn đang đằm mình trong một số tập sách thần học hoặc thơ ca. Dù sao đi chăng nữa, hãy tự hỏi bản thân xem bạn đọc nó như thế nào. Bạn đã làm gì? Bạn đã đặt ra những loại câu hỏi nào? Hãy mô tả quá trình đọc. Bao nhiêu lần bạn đã rút ra lời bình luận? Bạn có cần dùng từ điển không? Bạn dừng lại và suy ngẫm sau mỗi câu hay đọc một mạch? Bạn đọc mất bao lâu? Nếu có điều gì khó hiểu, bạn cứ thế đọc tiếp hay bạn phải hiểu hết đoạn ‘A’ rồi mới chuyển sang đoạn ‘B’? Có thể bạn là một người đọc khá đa dạng nên bạn sẽ trả lời những câu hỏi đó theo cách khác nhau tùy thuộc vào cuốn sách cụ thể — ví dụ như bạn từ từ thưởng thức thơ, nhưng lại ngấu nghiến đọc tiểu thuyết. Khi nào bạn chuyển sang một quy trình khác và tại sao?
Kinh thánh và việc đọc “tự nhiên”
Mục đích của tất cả những điều này là mô tả “cách đọc tự nhiên” (và đặc điểm của nó trong những hoàn cảnh hoặc thể loại khác nhau). Thông thường bạn đọc như thế nào? Cho dù bạn đang ngồi đọc một tờ báo, một bài đăng trên blog, hay đọc sách trên bãi biển, hay thậm chí là một cuốn sách giáo khoa, thì “quá trình” đọc của bạn diễn ra rất tự nhiên. Theo bản năng, bạn tiếp cận các loại tài liệu đa dạng đó một cách khác nhau và bạn không suy nghĩ quá nhiều về nó. Nó tự nhiên và mang tính trực giác, và hầu như là bạn cảm thấy mình hiểu được điều gì đó từ những gì mình đọc, tuy có một số điều khó hiểu hoặc bất ngờ.
Vậy hãy trở lại với Kinh thánh. Hãy mô tả quá trình đọc của bạn khi tiếp cận một cuốn sách theo kinh thánh. Bạn suy ngẫm như thế nào? Bạn đi theo từng câu, từng chương, hay từng sách? Bạn sẽ đặt ra những loại câu hỏi nào khi đọc? Bạn mất bao lâu để đọc một trang Kinh thánh so với một trang Harry Potter chẳng hạn? Bạn dành bao lâu cho những câu hỏi như “từ này có nghĩa là gì” hoặc “điều gì đang xảy ra trong đoạn này?”
Tôi đoán là bạn đọc Kinh thánh hoàn toàn khác so với đọc bất cứ thứ gì khác. Đây là dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang tiếp cận Kinh thánh một cách không tự nhiên. Bạn không đọc nó như một sự truyền đạt “thông thường”.
Nhưng Kinh thánh đâu có phải là một cuốn sách thông thường!
Nhưng đợi đã! Là vì Kinh thánh không phải một cuốn sách thông thường ấy chứ!
Đúng vậy và a-men! Trước hết, đó là lời của Đức Chúa Trời. Bản Tuyên xưng Đức tin của Westminster mô tả Kinh thánh “được Đức Chúa Trời thần cảm để trở thành quy luật của đức tin và sự sống;” Đức Chúa Trời là tác giả của Kinh thánh, và do đó Kinh thánh phải được tin và tuân theo “bởi vì đó là Lời Đức Chúa Trời” (WCF 1,2, 1,4). Vì vậy, đó không phải là một cuốn sách thông thường. Không giống với bất cứ cuốn sách nào khác, Kinh Thánh được “thần cảm” (2 Ti-mô-thê 3:16), và như vậy có vô số đặc điểm thiên thượng (như thẩm quyền, tính rõ ràng, tính cần thiết và đầy đủ – một số đặc điểm nổi bật). Do đó, Kinh thánh vô ngộ và không thể sai lầm, đồng thời cũng phù hợp với toàn nhân loại trong mọi thời đại, được ban cho chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Điều đó khiến Kinh thánh trở nên độc đáo và vinh quang.
Kinh thánh cũng cổ xưa và cách biệt với chúng ta về mặt văn hóa, nên không giống với cuốn sách bán chạy gần đây nhất của Thời báo New York. Đó là một cuốn sách cổ và đọc một cuốn sách cổ một cách “tự nhiên” khó hơn đọc thứ gì đó từ bối cảnh văn hóa đương thời. Chẳng hạn, đọc Shakespeare đòi hỏi mức độ cẩn thận, chú ý, nghiên cứu và kỹ lưỡng khác với đọc Tom Clancy. Hơn nữa, Kinh thánh là công việc của nhiều tác giả – đàn ông, phụ nữ, người Do Thái, người Hy Lạp, nô lệ, nhà vua, ngư dân và thợ mộc, và cả Kinh thánh trải dài vài nghìn năm và viết bằng ba ngôn ngữ. Chính Đức Chúa Trời đã phán trong những trang sách này, và Đức Chúa Trời đã phán như vậy từ “đời xưa”, theo “nhiều lần, nhiều cách” qua “các nhà tiên tri” và sau đó là “trong những ngày cuối cùng nầy… bởi Con Ngài” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Kinh thánh không phải một cuốn sách thông thường! Bạn sẽ không bao giờ thấy cuốn sách nào như thế!
Kinh thánh là sự mặc khải siêu nhiên bằng ngôn ngữ tự nhiên
Vì vậy, Kinh thánh không phải là một cuốn sách thông thường, mà được ban cho qua sự thần cảm thiên thượng. Chúng ta sẽ cần trao đổi trong một bài viết về sau, rằng đặc tính Thiên thượng của Kinh thánh đòi hỏi từ chúng ta nhiều hơn khi đọc (như đức tin, sự cầu nguyện và thuận phục), còn bây giờ, chúng ta cần lưu ý rằng điều này “hơn cả” việc đọc thông thường, chứ không thay thế cho nó. Tại sao? Bởi vì sự thần cảm không có nghĩa là Đức Chúa Trời “phá vỡ các quy tắc” trong giao tiếp thông thường của con người. Đúng là đôi khi Ngài có làm như vậy, như khi Ngài bày tỏ chính Ngài qua một giấc mơ (cho Đa-ni-ên chẳng hạn), hoặc khi một trong những tiên tri của Ngài nói tiếng lạ, nhưng những trường hợp ngoại lệ này thực sự nhấn mạnh quan điểm mà chúng ta đang đưa ra. Những trường hợp này không bình thường, đó chính là lý do khiến Phao-lô bảo người Cô-rinh-tô là cần có người thông dịch khi mọi người nói tiếng lạ (1 Cô 14: 6-12). Không có người thông dịch để dịch những điều không thông thường sang ngôn ngữ thông thường thì lời tiên tri trở nên khó hiểu, nên điều kém lý tưởng hơn so với giao tiếp đơn giản. Những trường hợp ngoại lệ này làm nổi bật tiêu chuẩn rằng Đức Chúa Trời thường nói với chúng ta bằng ngôn ngữ thông thường.
Từ ban đầu đã là như vậy. Đức Chúa Trời phán với dân Ngài bằng những lời mà họ có thể hiểu một cách tự nhiên và theo cách thức phù hợp với các quy ước xã hội của họ. Ngài không sử dụng ngôn ngữ đặc biệt của “Đức Thánh Linh” mà dùng ngôn ngữ thông dụng của thời đại đó (tiếng Hê-bơ-rơ, tiếng A-ram và tiếng Hy Lạp). Ngài không nghĩ ra các phương thức hoặc thể loại nói mới mà sử dụng các quy ước thông thường thời bấy giờ, cho nên các sách lịch sử trong Kinh thánh như Công vụ dường như rất giống với các thể loại tường thuật lịch sử thân thuộc với chúng ta.
Nói cách khác, tuy Kinh thánh phi thường nhưng lại dùng những phương thức nói chuyện thông thường của con người. Đó là sự mặc khải siêu nhiên mà Đức Chúa Trời đã ban bằng ngôn ngữ tự nhiên. Kinh thánh đặc biệt và duy nhất, nhưng không đặc biệt và duy nhất theo cách này, tức là phương thức truyền đạt lẽ thật cho con người. Đó là lý do tại sao Tiêu chuẩn Westminster tiếp tục mô tả rằng ý nghĩa của Kinh thánh có thể tiếp cận được “thông qua việc sử dụng hợp lý các phương tiện thông thường” (WCF 1.7). Thành quả mang tính thông diễn học của tất cả những điều này rất đơn giản: chúng ta cần đọc Kinh thánh một cách tự nhiên. Chúng ta cần đọc Kinh thánh như Chúa đang nói với chúng ta bằng ngôn ngữ thông thường.
Điều này đáng được khuyến khích, tuy rằng trên thực tế, có thể bạn đang không làm như vậy. Tuy trước đây có thể bạn đã tiếp cận Kinh Thánh sai cách nhưng tin vui là bạn có tất cả các công cụ cần thiết để điều chỉnh lại cách đọc của mình. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá những kỹ năng đó.
(Còn tiếp)
Tác giả bài viết, Tommy Keene là Mục sư Phụ trách Mục vụ Gia đình tại Hội thánh Christ the King PCA ở Conshohocken, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Tommy đã kết hôn với Sarah và có hai cô gái xinh đẹp, Emma và Kate. Tommy nhận bằng Thạc sĩ Thần học và bằng Tiến sĩ tại Chủng viện Thần học Westminster ở Philadelphia. Ngoài thời gian phục vụ tại Christ the King, Tommy dạy môn Tân Ước bán thời gian tại Chủng viện Thần học Westminster và Reformed ở Washington DC.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!