5 Lời Nói Dối Mà Người Giảng Đạo Hay Tin Về Việc Giảng Luận
Các mục sư phải nghe nhiều lời khuyên “tận đẩu tận đâu” về việc giảng luận. Nhiều người không được kêu gọi giảng đạo lại nghĩ mình có năng khiếu phê bình. Dù vậy, trong hội thánh không có mấy người chê bai bài giảng nhiều bằng chính người giảng chê bai nó.
Sau khi tôi giảng, vợ tôi thường hỏi: “Anh thấy bài giảng hôm nay thế nào?” và tôi hay nói “chắc cũng ổn”, chứ không nghĩ đến những câu như “bài giảng tuyệt lắm” hoặc “đây là bài hay nhất anh từng giảng”. Tôi biết những lúc mình không tìm được đoạn đã ghi chú, đầu óc để đâu đâu, rồi nhận ra là ý thứ hai nhiều hoặc ít nội dung quá. Dòng suy nghĩ của tôi không chịu tuôn ra, còn đã tuôn rồi thì lại chảy sai hướng.
Người mục sư thường soi xét quá kỹ sự giảng luận của mình. Như vậy đã đủ tệ rồi, nhưng còn tệ hơn khi họ tin vào năm lời nói dối này về việc giảng luận.
1. Mình chỉ cần giảng Kinh thánh là hội thánh mình sẽ tăng trưởng.
Hội thánh tăng trưởng hay không tăng trưởng là vì nhiều lý do khác nhau. Vị trí thuận lợi, tổ chức tốt, Thánh Linh Chúa vận hành mạnh mẽ hoặc một người lãnh đạo nhiều ân tứ là một số lý do. Gần như các hội thánh không tăng trưởng chỉ vì sự giảng luận. Ngược lại, nếu giảng luận tốt thì gần như hội thánh cũng sẽ không nhỏ hoặc giậm chân tại chỗ.
2. Nếu mình nghiên cứu và cầu nguyện đủ nhiều thì mình sẽ luôn hiểu được ý Chúa về phân đoạn sẽ giảng.
Tất cả chúng ta đều tiếp cận Kinh thánh với những thành kiến nhất định. Như vậy không phải lúc nào cũng sai, nhưng chúng có thể khiến người giảng đạo hiểu sai hoặc áp dụng sai. Tôi nhớ có lần một mục sư nổi tiếng nói rằng: “Một tối Chúa Nhật nọ, tôi giảng một bài về lý do tại sao Antichrist phải là người Do Thái. Sau buổi nhóm, một tín đồ ân cần giảng giải cho tôi vài đoạn Kinh thánh. Tối Chúa Nhật tuần sau, tôi đã giảng về lý do tại sao Antichrist phải là một người ngoại.” Phao-lô gọi chúng ta là “những bình đất.” Báu vật thì vô giá và đời đời còn vật đựng nó thì cũ kỹ, sứt mẻ và nhạt nhòa mỗi một ngày. Lời Chúa có đủ quyền năng để vượt qua sự yếu đuối của người giảng Lời ấy. Khi bạn hiểu nhầm một phân đoạn nào nó, hãy thừa nhận điều đó và bước tiếp. Nếu bạn chưa chốt được cách hiểu nào trong ba cách hiểu thì hãy giảng cả ba và để Thánh Linh làm công việc của Ngài.
3. Chỉ có một cách giảng tốt nhất.
Dù người mục sư có giảng theo hình thức giải kinh hay giảng theo chủ đề thì đó cũng không phải lý do khiến một hội thánh tăng trưởng. Thật hài hước vì tôi thường thấy một người mục sư chủ trương coi giảng giải kinh là chìa khóa để tăng trưởng hội thánh trong khi hội thánh của chính anh ta lại không tăng trưởng. Cả lịch sử lẫn bối cảnh đương thời đều đưa ra nhiều ví dụ về việc các Cơ Đốc nhân tăng trưởng trong đức tin, và các hội thánh có thêm người dưới nhiều phong cách giảng khác nhau. Tôi thích giảng giải kinh hơn vì một số lý do, nhưng tôi không có khuynh hướng hạn chế công việc của Đức Chúa Trời vào một phong cách nào cả. Hãy tự tin giảng luận bằng (những) ân tứ mà Chúa đã ban cho bạn.
4. Mình là người giảng đạo tệ nhất thế giới.
Tôi không thấy có ai nghĩ mình là người giỏi nhất, và hy vọng rằng không có ai tin rằng mình là người tệ nhất. Mục sư nào cũng có một ngày tồi tệ, một Chúa Nhật không như ý. Rất có thể là vào một Chúa Nhật nào đó, tất cả chúng ta đều là người giảng đạo tệ nhất thế giới. Ai trong chúng ta cũng có thể sai. Trong một trận đấu, ai cũng có thể đánh trượt, nhưng cũng có lúc ghi bàn.
5. Thiếu những tiếng phản hồi ở dưới tức là có không mấy người nghe giảng.
Các hội chúng rất khác nhau. Một số nói “A-men” rất nhiều. Hầu như mục sư nào cũng thích điều đó. Với một số người truyền đạt, bên dưới có tiếng phản hồi tức là người nghe có tiếp nhận. Nhưng không phải hội chúng nào cũng có đặc điểm này. Một số hội chúng có vẻ trầm tư hơn. Giữa vòng dân sự, có những người học bằng âm thanh, bằng hình ảnh và bằng trải nghiệm. Họ chú ý theo những cách khác nhau. Tôi dựa vào ngôn ngữ cơ thể nhiều hơn là những tiếng A-men. Có ai buồn ngủ không? Người ta có nhìn đồng hồ không? Có ai nói chuyện riêng ở hàng ghế thứ năm không? Có ai gấp Kinh thánh lại và chuyển sang lướt Facebook không?
Ngược lại, mắt người ta có hướng về phía trước và tỉnh táo không? Người ta có ghi chép không? Người ta có gật hoặc lắc đầu đúng lúc không? Sinh viên có tham gia vào giờ học không? Một trường mà tôi dạy có dụng cụ chỉnh ánh sáng trong giảng đường. Cậu kỹ thuật viên chỉnh sáng luôn làm sao để đèn đủ sáng và tôi có thể nhìn thấy càng nhiều tín hiệu trực quan về ngôn ngữ cơ thể càng tốt.
Hỡi người mục sư, đừng bao giờ tôn mình lên cao quá mức, hoặc nghĩ không hay về sự giảng luận quá mức cần thiết. Có thể bạn không tốt như mình mong đợi, nhưng có lẽ bạn không tệ như mình sợ đâu. Hãy cố gắng cải thiện kỹ năng giảng luận và tin cậy rằng Chúa sẽ chúc phước trên nó. Hãy dạy Lời Chúa cách trung tín, vì Lời Ngài có quyền năng, và đừng tin những lời nói dối từ kẻ thù khiến linh hồn bạn không yên và sự giảng luận của bạn trở nên trống rỗng.
Bạn còn biết những niềm tin nào khác về sự giảng luận nữa?
Marty Duren, tác giả bài viết là một Cơ Đốc nhân, một người chồng, người cha, người viết lách và nhà chiến lược mạng xã hội hiện đang sinh sống tại Nashville, bang Tennessee, Hoa Kỳ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
* Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://churchleaders.com/pastors/pastor-articles/258694-5-lies-preachers-believe-preaching.html
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!