11 Lợi Thế Của Việc Lập 50 Hội Thánh 100 Người So Với Lập 1 Hội Thánh 5.000 Người
Bạn biết gì về những lợi ích của một hội thánh nhỏ? Điều gì sẽ xảy ra nếu, thay vì sai phái một người lập nên một hội thánh và hy vọng nó đạt đến 5.000 người tham dự chẳng hạn, chúng ta sai phái 50 người đi mở hội thánh, và cung cấp các công cụ cho họ để tăng trưởng đến con số trung bình là 100 người? Nếu chúng ta áp dụng logic đó với những hội thánh hiện có thì sao?
Những người đi mở hội thánh quả là những anh hùng đức tin. Đặc biệt là khi bạn nhận ra rằng vài năm vừa qua, có bao nhiêu lần mở hội thánh bị thất bại.
Nhưng tôi tự hỏi không biết ngày nay có bao nhiêu hội thánh thất bại vẫn có thể tồn tại và đứng vững nếu chúng ta không thúc ép họ đạt được những mục tiêu về con số mà hầu hết các hội thánh, thậm chí là sau nhiều thập kỷ tồn tại, đều không đạt được?
Điều gì sẽ xảy ra nếu, thay vì sai phái một người lập nên một hội thánh và hy vọng nó đạt đến 5.000 người tham dự chẳng hạn, chúng ta sai phái 50 người đi mở hội thánh, và cung cấp các công cụ cho họ để tăng trưởng đến con số trung bình là 100 người?
Nếu chúng ta áp dụng logic đó với những hội thánh hiện có thì sao?
Những lợi ích của một hội thánh nhỏ
Hội thánh lớn thì thật tuyệt vời, nhưng hiếm có. Và chúng không phải là cách duy nhất để thấy vương quốc Đức Chúa Trời tấn tới.
Suy cho cùng, nếu 5.000 người đến với Đấng Christ thì tại sao chúng ta phải quan tâm đến việc họ tham dự một hội thánh khỏe mạnh gồm 5.000 người hay 50 hội thánh nhỏ, khỏe mạnh gồm 100 người? Hay thậm chí là 100 hội thánh khỏe mạnh gồm 50 người?
Tôi biết có những tổ chức mở hội thánh đặt ra con số này. Nhưng nếu điểm nhóm, hệ phái hoặc tổ chức sứ mệnh của bạn không coi điều này là khải tượng của mình thì tôi khuyên bạn nên nghiêm túc suy nghĩ về nó.
Nếu thay đổi chiến lược như vậy thì chúng ta có thể thấy một vài thay đổi tích cực như dưới đây.
1. Chúng ta sẽ có nhiều hội thánh thành công hơn nữa
Mở một hội thánh và hy vọng năm nào nó cũng sẽ tăng trưởng về số lượng cho đến khi trở thành hội thánh siêu lớn thì thật ngốc nghếch. Chưa đến 1% số hội thánh đạt đến quy mô siêu lớn. Trên thực tế, chưa đến 10% số hội thánh luôn duy trì được con số trên 100.
Nhưng nếu đặt mục tiêu có nhiều hội thánh nhỏ và khỏe mạnh thay vì một hội thánh siêu lớn thì cơ hội thánh công sẽ tăng lên đáng kể.
2. Nhiều mục sư sẽ được sử dụng các ân tứ của mình
Hội thánh càng lớn thì càng khó tìm những người lãnh đạo có ân tứ, học vấn, tính khí, sự kêu gọi cũng như những kỹ năng cần thiết để lãnh đạo nó.
Nhưng nhiều người có thể lãnh đạo những hội thánh nhỏ hơn. Không phải vì họ ít kỹ năng và ân tứ hơn (chính tôi cũng là mục sư của một hội thánh nhỏ), mà vì có nhiều người như vậy hơn.
Hầu hết các mục sư đều không bước vào chức vụ vì họ cảm thấy được kêu gọi để quản lý các nguồn lực, gây quỹ, xây dựng cơ sở hoặc tận dụng hầu hết những kỹ năng cần thiết cho các hội thánh lớn.
Hầu hết các mục sư đều được kêu gọi để giảng Lời Chúa và chăm sóc dân sự. Đó là những ân tứ cần thiết trong các hội thánh nhỏ hơn.
3. Các lãnh đạo hội thánh sẽ ít áp lực hơn.
Chăm sóc một hội thánh khỏe mạnh đã khó, mở một hội thánh mới và chăm sóc cho nó khỏe mạnh về lâu về dài lại càng khó hơn.
Thật khủng khiếp khi cố gắng làm như vậy trong khi phải luôn chịu sức ép tăng trưởng về số lượng mỗi năm. Thật không công bằng khi kỳ vọng như vậy.
Nhưng làm mục sư của 50 người, chăm sóc những hội thánh có trung bình 100 người thì sao? Chúng ta sẽ dễ thành công hơn.
4. Có ít mục sư bỏ cuộc vì thất vọng và ngã lòng hơn.
Quá nhiều mục sư bỏ chức vụ mà không hoàn tất cuộc chạy đua.
Bao nhiêu trong số đó bỏ cuộc vì những kỳ vọng phi thực tế về gia tăng số thành viên, cộng với việc không được cung cấp đủ nguồn lực để trở thành một hội thánh nhỏ nhưng khỏe mạnh?
Trân trọng và cung cấp nguồn lực cho những hội thánh khỏe mạnh thuộc mọi quy mô có thể giữ được nhiều người tốt ở trong chức vụ chăn bầy hơn.
5. Thời gian và năng lượng của chúng ta có thể được tận dụng tốt hơn.
Tôi đã thấy điều này xảy ra quá nhiều lần. Một anh mục sư trẻ mới vào nghề, hào hứng với chức vụ. Nhưng không lâu sau, anh phát hiện ra rằng làm tốt công việc trong sự kêu gọi chăn bầy là chưa đủ. Áp lực đè nặng là phải gia tăng lượng người tham dự – từ hệ phái đó, các thành viên trong hội thánh, các mục sư khác và chính cái tôi của anh ta.
Không lâu sau, anh ta thấy mình ít chăn bầy đi và lên chiến lược tăng trưởng nhiều hơn. Không phải là cái này loại trừ cái kia, nhưng tất cả chúng ta đều có thời gian và năng lượng giới hạn, nên khi thúc đẩy tăng trưởng về con số thì chúng ta thường cướp đi điều gì đó từ việc chăn bầy.
Nhưng nếu chúng ta kỳ vọng 50 mục sư chăm sóc các hội thánh có số thành viên trung bình là 100 người thì sức ép đó sẽ giảm bớt; thời gian và năng lượng họ dành cho các chiến lược tăng trưởng có thể đổ vào công việc chăn bầy.
6. Hội thánh nhỏ đòi hòi ít chi phí, đất đai và nguồn lực hơn.
Dễ tìm đất và xây cơ sở cho 50 hội thánh nhỏ hơn là cho một hội thánh tầm cỡ.
Và nếu các hội thánh nhỏ cộng tác với nhau thì chúng cũng có thể cùng chịu gánh nặng về các vấn đề tài chính khác.
7. Nhiều người được mục sư chăm sóc hơn.
Hội thánh càng lớn thì càng ít người có thể tiếp cận được với mục sư. Với một số người thì không thành vấn đề, nhưng với nhiều người thì có.
Đâu có đòi hỏi khắt khe hay nhỏ nhen gì khi họ muốn tham dự một hội thánh mà người mục sư có thể báp-tem cho họ, làm lễ dâng con cho họ, tâm vấn hôn nhân và thăm hỏi họ khi ốm đau.
8. Chúng ta có thể tiếp cận nhiều kiểu người hơn.
Khi cố gắng đưa nhiều người vào cùng một tòa nhà thì chúng ta có xu hướng nhắm đến nhóm người chính, thường thì cái giá của nó là nhóm ngoài rìa bị lãng quên.
Hội thánh đừng bao giờ lãng quên và ruồng bỏ những người bị lãng quên và ruồng bỏ.
Hơn nữa, nhóm chính đang ngày càng thu hẹp hơn bao giờ hết, còn nhóm ngoài rìa lại tăng lên.
Đang và sẽ luôn có những người chọn sống ngoài dòng chảy văn hóa chính. Những người không muốn làm theo số đông. Những người muốn một trải nghiệm thờ phượng đặc biệt, khó đoán hơn tại hội thánh.
Khó để tiếp cận những người đó trong những nhóm lớn thuộc luồng chính. Chỉ có thể tiếp cận họ trong những nhóm nhỏ mà thôi.
9. Thất bại sẽ không đến nỗi quá nghiêm trọng.
Nhắm đến 50 hội thánh với số thành viên trung bình 100 người không có nghĩa là mỗi hội thánh chỉ giới hạn ở con số 100. Nên nếu một hai hội thánh có nhiều người hơn thì thật tuyệt!
Nhưng cái gì cũng có giá của nó.
Khi một hội thánh 5.000 người thất bại thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Nhưng nếu có 50 hội thánh gồm 100 người và một, hai, thậm chí là mười hội thánh thất bại – tuy thật kinh khủng với dân sự hội thánh đó nhưng cũng không ảnh hưởng đến các hội thánh còn lại.
10. Chúng ta có thể có nhiều hội thánh hơn tại những nơi khó nhằn.
Có nhiều nơi không thích hợp với những hội thánh lớn vì nhiều lý do khác nhau.
Không đâu là không thể mở một hội thánh nhỏ. Ngay cả ở những nơi ngăn cấm Cơ Đốc giáo, những buổi nhóm Cơ Đốc nhỏ vẫn có thể diễn ra.
Nhưng ngay cả ở những nơi không ngăn cấm Cơ Đốc giáo, vẫn có nhiều nơi ngày càng khó để người ta phản ứng tích cực với những lẽ thật đầy hy vọng nhưng khó tiếp nhận của Tin lành.
Những nơi khó nhằn đó không phải lúc nào cũng ở những vùng đất xa lạ. Chúng lại thường ở chính thị trấn và thành phố chúng ta đang ở.
Nhiều người không tin tưởng những tổ chức lớn, trong đó có những hội thánh lớn. Nhưng họ có thể cởi mở hơn với sự đơn sơ khiêm tốn của một hội thánh sứ mệnh nho nhỏ.
11. Nhiều người có thể muốn trở thành mục sư hơn.
Bây giờ chúng ta sẽ nói đến điều mà ai cũng thấy. Tất cả những mục sư đó sẽ ra từ đâu, đặc biệt là ở những hệ phái đã có nhiều hội thánh hơn là mục sư?
Tôi nghĩ nếu chúng ta định nghĩa rộng hơn về sự thành công của hội thánh, thậm chí là rộng hơn về người mục sư, thì sẽ có nhiều người sẵn sàng bước lên và làm công việc chăn bầy.
Luôn có nhiều mục sư lưỡng nghiệp hơn là chúng ta tưởng. Nếu điều đó trở thành một chuẩn mực thì sao? Nếu chúng ta thành lập một loạt các hội thánh nhỏ có chủ đích thì có lẽ hầu hết các hội thánh có thể được chăm sóc bởi những người có tấm lòng chăn bầy mà không cần học hành bao nhiêu năm trời tại chủng viện.
Không phải để thay thế những “ông lớn” về thần học được đào tạo trong chủng viện, mà là đồng hành với họ.
Chúa Giê-su có thể sử dụng cả hai.
Tác giả bài viết, Karl Vaters là tác giả của bốn cuốn sách và đã thực hiện chức vụ chăn bầy được gần 40 năm. Ông là mục sư dạy dỗ của Cornerstone Christian Fellowship, một hội thánh nhỏ khỏe mạnh tại California, Hoa Kỳ; nơi ông đã phục vụ hơn 27 năm cùng Shelley, vợ mình. Karl nặng lòng với việc giúp các mục sư hội thánh nhỏ tìm thấy các nguồn lực để lãnh đạo tốt và tận dụng những lợi thế có một không hai của việc chăm sóc một hội thánh nhỏ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.christianitytoday.com/karl-vaters/2017/july/50-churches-100-instead-of-1-church-of-5000.html?paging=off