NĂNG QUYỀN CỦA MỘT NGƯỜI MẸ CẦU NGUYỆN
James Hudson Taylor (tên tiếng Trung: 戴德生, 21/05/1832 – 03/06/1905), là vị giáo sĩ người Anh tiên phong dấn thân đến đất nước Trung Hoa. Ông đã dành 51 năm sống tại Trung Quốc và đã sáng lập nên Hội Truyền Giáo Nội Địa Trung Hoa (nay được biết dưới cái tên OMF Quốc tế). Đã có hàng trăm giáo sĩ nối gót ông đến Trung Hoa và đã có hàng ngàn người Trung Hoa tiếp nhận Đấng Christ. Ông đáng được biết như một trong những giáo sĩ Cơ đốc vĩ đại. Và không thể kể câu chuyện của vị giáo sĩ này mà không công nhận năng quyền cầu nguyện của mẹ ông cho xứng đáng.
Mấy tháng qua, tôi đã nghiên cứu lịch sử lâu đời và lừng lẫy của hội thánh để đi tìm những tấm gương về người nam Cơ đốc có mẹ là người tin kính Chúa. Cụ thể hơn, tôi đã nghiên cứu những người nam Cơ đốc nổi tiếng có mẹ là người tác động thuộc linh quan trọng nhất. Tôi đã tìm ra nhiều người trong số họ và được khích lệ sâu sắc qua những câu chuyện của họ.
Ở bài viết đầu tiên, chúng ta đã tra xem cuộc đời của John Newton, ông có người mẹ minh chứng rằng sức mạnh thuộc linh vẫn có thể tồn tại trong một thể chất yếu đuối. Lần này, tôi muốn nhìn vào một giáo sĩ lỗi lạc, là người đã ảnh hưởng đến cả một đất nước lẫn dòng chảy truyền giáo Cơ đốc. Để kể câu chuyện của ông cho đúng, chúng ta phải bắt đầu bằng cơn khủng hoảng thuộc linh sâu sắc ông phải chịu đựng suốt thời niên thiếu, khi ông tự nhiên thấy mình bị giằng xé giữa Đức Chúa Trời và thế gian với sự quyến rũ giàu sang của nó. Chính trong quãng thời gian khủng hoảng trầm trọng này mà Hudson Taylor nhận biết được năng quyền của một người mẹ cầu nguyện.
Một mái nhà kính sợ Chúa
Hudson Taylor sinh ngày 21 tháng Năm năm 1832, tại Barnsley, nước Anh, là con đầu lòng của James và Amelia. James là một dược sĩ. Ông từng ước mơ trở thành bác sĩ nhưng gia đình ông không trả nổi học phí ở trường y nên đã thu xếp cho ông theo học khoa dược lý. Lớn lên trong gia đình đức tin, ông trở thành một Cơ đốc nhân cam kết từ khi còn nhỏ và ông đã phát triển tình yêu sâu đậm đối với Kinh Thánh và thần học. Khi vẫn còn là một cậu bé, ba mẹ ông chuyển nhà đến ở gần một mục sư theo trường phái Wesley có tên Benjamin Hudson. James nhanh chóng làm bạn với cô con gái Amelia của người mục sư này, dầu khi đó James lớn hơn Amelia sáu tuổi.
Amelia cũng đặt đức tin của mình nơi Chúa Giê-su từ thuở còn thơ bé. Bà được nuôi nấng trong gia đình hết sức túng ngặt và năm 1824, ở độ tuổi 16, bà đã đi làm gia sư. Tuy nhiên, bà tin chắc rằng mình sẽ không sống mãi với nghề gia sư này, vì lúc đó, bà biết James có ý muốn kết hôn với bà. Nửa năm sau đó, hai người thông báo rằng họ đã đính hôn. Nhưng trước khi họ có thể về chung một nhà, James phải chuẩn bị để có thể chu cấp cho Amelia, trước tiên là về chuyện học hành, sau đó là mở được cửa tiệm riêng cho mình. Năm 1831, ông mở được một cửa hiệu nhỏ ở Barnsley và ngày 5 tháng Tư, họ kết hôn với nhau. Giữa thời gian này, người ta nhận ra ân tứ giảng đạo của James và ông được biệt riêng để trở thành một nhà giảng đạo không chuyên, phụ trách giảng sứ điệp vào mỗi Chúa Nhật. Sáu ngày trong tuần dành để chữa lành cho thân thể và ngày thứ bảy thì chữa lành cho linh hồn.
Chỉ mười ba tháng sau ngày cưới, họ sanh đứa con đầu lòng. Tuy được đặt tên theo tên cha nhưng ông được biết đến với cái tên Hudson theo tên gọi thời con gái của mẹ mình. Không lâu sau, Hudson có em gái là Amelia Jr., bà trở thành người bạn thân thiết nhất của ông và sau đó ông lần lượt có các anh chị em khác nữa nhưng ít nhất hai người trong số họ qua đời từ lúc còn thơ ấu. Ba mẹ của Hudson đã dâng ông lên cho Chúa trước khi ông chào đời, phó ông cho chức vụ và đặc biệt là cho công cuộc truyền giáo tại Trung Hoa. Hudson chỉ biết được thông tin này sau khi ông đã đảm nhận công tác đó.
James là một người cha tình cảm kết ước nuôi dạy con cái trong sự kỷ luật và hướng dẫn của Chúa. Nhưng ông cũng kỷ luật vô cùng nghiêm khắc và tằn tiện quá mức, thường chủ trương thắt lưng buộc bụng như một trong những hình thức mộ đạo. Trái ngược với chồng mình, bà Amelia là người tử tế, mềm mại và kiên nhẫn. Bà là người có tính cách trầm tĩnh, dịu dàng và vô cùng hài hước. Bà rất được tôn trọng tại hội thánh địa phương, nơi bà dạy các lớp học Kinh Thánh cho nữ giới. Bà luôn mở rộng cửa và chào đón nhiều khách lạ, đặc biệt là những tín hữu đến từ những ngôi làng phụ cận. Bà và James luôn hướng dẫn con cái của họ trong buổi nhóm gia đình lễ bái – đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và hát thánh ca cùng nhau.
Con cái nhà Taylor lớn lên dưới mái nhà hòa nhã, kính sợ Chúa với ba mẹ là người thầy và các anh chị em ruột là tri kỷ của nhau. Hudson đã sớm quan tâm đến những vấn đề thuộc linh và thậm chí là công việc truyền giáo. Nhưng không lâu sau, ông bị thử thách từ bỏ tất cả.
Năng Quyền Của Một Người Mẹ Cầu Nguyện
Khi Hudson lên 15 tuổi, cha ông quyết định đó là lúc cho con trai của mình được trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn. Hudson nhận việc tại một ngân hàng và trong môi trường này, lần đầu tiên ông tiếp xúc với những con người công khai nhạo báng niềm tin Cơ đốc. Ông sớm hùa vào nhạo báng và chửi thề cùng với họ. Công việc mở mắt ông nhìn thấy sự giàu có và cả những người sống để làm giàu và hưởng thụ. Ông tự thấy mình bị tiền bạc và cả những vui thú do tiền bạc đem lại lôi cuốn. Đời sống thuộc linh của ông bắt đầu sa sút, và ông không còn thích cầu nguyện và đọc Kinh Thánh nữa. Khi mắt ông yếu dần, ông buộc phải thôi việc và quay trở lại cửa tiệm của cha mình trong tình trạng khủng hoảng thuộc linh trầm trọng. James cố gắng giúp đỡ con trai của mình nhưng ông lại quá hà khắc và mất kiên nhẫn. Khủng hoảng càng sâu sắc hơn. Đó là những ngày khó khăn khi Hudson bấy giờ đã 17 tuổi, thấy chán nản và dễ nổi nóng trong lòng, rồi theo thời gian bộc lộ ra bên ngoài trong sự nổi loạn chống lại thẩm quyền hà khắc của cha.
Amelia đã can thiệp vì bà hiểu Hudson theo cách James đã không và không tài nào hiểu được. Bà đã nỗ lực gấp đôi để cư xử nhân hậu, mềm mại và kiên nhẫn với ông. Dĩ nhiên là bà trò chuyện và tư vấn cho ông nhưng bà cũng tin rằng điều tốt nhất mình có thể làm được cho con trai là kết ước cầu nguyện cho con. Vào dịp nghỉ lễ ngắn ngày xa nhà, bà được thôi thúc cầu nguyện lâu hơn và dốc đổ hơn. Đến một ngày, lòng thôi thúc dâng trào đến mức bà quyết định phải cầu nguyện cho con trai mình cho đến chừng bà cảm thấy chắc chắn rằng Chúa sẽ cứu con bà. Bà khoá mình trong phòng, dành nhiều giờ liền cầu nguyện xin Chúa tỏ lòng thương xót với Hudson. Và rồi bỗng nhiên, bà tin chắc rằng Ngài đã nhậm lời bà cầu xin. Từ tấm lòng cầu xin bà chuyển sang ngợi khen và thờ phượng Chúa vì Ngài thực sự đã cứu Hudson.
Cũng trong lúc ấy, Hudson đang ở nhà. Chán nản và bất mãn, ông muốn tìm việc gì đó để làm. Ông mới rảo bước vào thư viện của cha và kéo hết quyển sách này đến quyển sách kia từ kệ ra xem nhưng chẳng thấy có gì hay ho. Cuối cùng, ông thấy một văn phẩm Cơ Đốc mang tên “Richard Tội Nghiệp.” Ông đọc câu chuyện đó rồi lại đọc đến hàng chữ đơn sơ “công việc đã hoàn tất của Đấng Christ.” Vào khoảnh khắc đó, Hudson hiểu ra rằng Đấng Christ đã thực hiện mọi điều cần thiết cho sự cứu rỗi và ông chỉ cần đáp ứng lại sự cứu rỗi ấy đúng cách, đó là nhận lãnh công việc đó qua đức tin mà thôi. Ngay tại đó, ông quỳ gối xuống, kết ước dâng cuộc đời mình cho Chúa và hứa rằng sẽ phục vụ Ngài mãi mãi. Sau đó không lâu, ông được biết rằng ngay lúc ông quỳ gối xuống ngợi khen Chúa vì sự cứu rỗi ông có được thì mẹ ông cũng đang làm y như vậy dẫu đang cách xa ông nhiều dặm đường.
Vài ngày sau đó, ông và mẹ ông gặp nhau, ngay lập tức ông tuyên bố rằng, “con muốn báo tin này cho mẹ.” Trước khi ông có thể thốt ra bất cứ lời nào thì mẹ ông đã bảo, “mẹ biết đó là gì rồi! Con đã dâng chính mình cho Đức Chúa Trời.” Bà giải thích rằng bà đã vui mừng vì sự cứu rỗi của ông được vài ngày rồi.
(Chắc chắn không phải là chi tiết ngẫu nhiên khi em gái của ông, Amelia Jr. cũng kết ước cầu nguyện để ông được cải đạo tại thời điểm đó. Dẫu khi ấy, bà chỉ mới ở độ tuổi 13 nhưng đã biết khẩn thiết cầu nguyện trước Chúa một ngày ba lần để xin Ngài cứu anh trai Hudson của bà. Mãi đến sau này ông mới biết khi tình cờ đọc nhật ký của em gái và nhận ra rằng em gái mình đã hứa như vậy chỉ một tháng trước khi Chúa cứu ông. Nhiều người nam Cơ đốc có bà mẹ tin kính và nhiều người có cả những người chị em tin kính nữa.)
Cuộc đời của Taylor đã được biến đổi mãi mãi. Không lâu sau, ông dâng cuộc đời mình cho công tác truyền giáo, được huấn luyện như một bác sĩ, bắt đầu giảng đạo và cuối cùng là khởi hành đến Trung Hoa vào năm 1853. Mẹ của ông đã ở đó để tạm biệt ông và lời ông kể về giờ phút hai người chia ly đã nói lên tình yêu và những lời cầu nguyện sốt sắng của bà.
Người mẹ yêu dấu lúc này đã nên thánh của tôi đã đến Liverpool để tiễn biệt tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày ấy, cũng như không bao giờ quên cái cách mẹ bước vào căn buồng sẽ trở thành nhà của tôi trong gần sáu tháng dài đằng đẵng. Bằng cánh tay yêu thương của mẹ, mẹ xếp gọn chiếc giường ngủ nhỏ nhắn cho tôi. Bà ngồi sát xuống bên tôi, cùng tôi hát bài thánh ca cuối cùng mà chúng tôi sẽ cùng nhau hoà điệu trước khi tôi đi. Chúng tôi quỳ xuống và mẹ đã cầu nguyện – lời cầu nguyện cuối cùng mà tôi có thể nghe được từ mẹ trước khi đi đến Trung Hoa. Và tôi biết rằng mẹ con chúng tôi sẽ phải xa cách nhau, hai mẹ con chúng tôi phải nói lời tiễn biệt mà không mong ngày còn có thể gặp lại nhau trên đất.
Vì tôi mà mẹ đã kìm nén cảm xúc của mình hết mức có thể. Chúng tôi rời đi, bà đứng trên bờ chúc phước cho tôi. Tôi đứng một mình trên boong tàu, bà đuổi theo con tàu khi chúng tôi dần rời xa bờ. Khi tàu của chúng tôi lướt qua những cánh cổng, sự chia cắt mới thực sự bắt đầu, tôi sẽ không bao giờ quên được tiếng khóc đau đớn cất lên từ tận sâu trong đáy lòng của mẹ. Nó cứa vào lòng tôi như một nhát dao. Tôi chưa từng hiểu trọn câu nói “Đức Chúa Trời quá yêu thương thế gian” có nghĩa gì cho đến tận giây phút ấy. Và tôi đoán chắc rằng mẹ rất yêu dấu của tôi còn học biết được tình yêu vô bờ bến của Đức Chúa Trời trong một giờ đồng hồ ấy hơn cả phần đời trước đó.
Thậm chí trên cánh đồng truyền giáo, Hudson tiếp tục lệ thuộc vào lời cầu nguyện của mẹ mình, ông xin mẹ cầu thay cho ông và ông đã viết thư cho bà bằng cả tấm lòng yêu mến như sau: “Nguyện Đức Chúa Trời ở cùng mẹ, chúc phước cho mẹ, mẹ rất yêu dấu của con và con cầu xin Chúa ban cho mẹ để mẹ nhận biết rằng Chúa Giê-su quý giá, là Đấng mẹ có thể không mong mỏi gì hơn ngoài việc ‘biết Ngài’ … dẫu có ‘đồng công với Ngài trong sự chịu khổ’.” Amelia đã khuyên nhủ và khích lệ người con giáo sĩ của mình từ nơi xa. Sợi dây tình bạn của họ chỉ bị chia cắt khi bà qua đời vào năm 1881 mà thôi.
Hudson Taylor đã dành 51 năm tại Trung Quốc và đã sáng lập nên Hội Truyền Giáo Nội Địa Trung Hoa (nay được biết dưới cái tên OMF Quốc tế). Đã có hàng trăm giáo sĩ nối gót ông đến Trung Hoa và đã có hàng ngàn người Trung Hoa tiếp nhận Đấng Christ. Ông đáng được biết như một trong những giáo sĩ Cơ đốc vĩ đại. Và không thể kể câu chuyện của ông mà không công nhận năng quyền của người mẹ cầu nguyện này cho xứng đáng.
Ngay cả khi được nuôi nấng trong gia đình tin kính Chúa với tình yêu thương của mẹ, cũng có những người con lạc bước khỏi Chúa và bị cuốn vào những dục vọng tội lỗi của thế gian. Nhưng dẫu cho con cái của bạn lầm đường lạc lối bao xa, dẫu cho hoàn cảnh có ra sao đi chăng nữa thì cũng đừng đầu hàng trước tuyệt vọng. Bạn có thể cầu nguyện như Amelia đã cầu nguyện. Có thể bạn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng và đặc biệt cho lời cầu nguyện của mình như vậy. Nhưng khi bạn khẩn cầu cho con cái của bạn trước Đức Chúa Trời tối cao, khi bạn kêu gào với Ngài trong đức tin thì bạn có thể tin chắc rằng một ngày nào đó, những giọt nước mắt buồn rầu của bạn sẽ biến thành những giọt nước mắt vui mừng.
Phần lớn thông tin trong bài viết này được lấy từ cuốn sách có tên It Is Not Death to Die của tác giả Jim Cromarty và The Spiritual Secret of Hudson Taylor của tác giả Howard Taylor. Anh chị em cũng có thể đọc cuốn Hudson Taylor của tác giả Vance Christie.
Lời tự thuật của tác giả bài viết Tim Challies: Tôi là Cơ đốc nhân, là chồng của Aileen, là cha của hai cô con gái sinh đôi và một cậu con trai đang đợi tôi nơi thiên đàng. Tôi thờ phượng Chúa và phục vụ Ngài trên cương vị người chăn bầy tại hội thánh Grace Fellowship ở Toronto, Ontario, Hoa Kỳ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.challies.com/articles/the-power-of-a-praying-mother/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!