LY DỊ MỘT NGƯỜI BẠO HÀNH KHÔNG PHẢI LÀ TỘI LỖI
Không những chính đáng về mặt đạo đức mà điều đó còn tương ứng với tấm lòng của Đấng Christ dành cho những người dễ bị tổn thương.
Trong vài tuần qua, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về việc ly dị trong trường hợp bạo hành. Ít nhất thì một số câu hỏi có thể xuất phát từ những bản tin về một hội thánh kỷ luật một người nữ vì bỏ anh chồng bị cho là bạo hành. Nếu bạn hoặc người thân yêu của bạn ở vào hoàn cảnh đó, hãy để tôi mở đầu bằng kết luận này: Bạn không có tội khi ly dị một người phối ngẫu bạo hành, hoặc tái hôn sau đó.
Lý do khiến điều này vẫn là một câu hỏi với người ta, ấy là họ biết Kinh thánh nói rằng Đức Chúa Trời ghét sự ly dị. Trong Kinh thánh, hôn nhân là một giao ước, là hiện thân của sự kết hiệp giữa Đấng Christ và hội thánh Ngài. Chúa Giê-su rất mạnh mẽ phản đối việc ly dị, thậm chí còn coi việc cho phép ly dị trong luật của Môi-se là sự nhượng bộ tạm thời với sự cứng lòng, không phải chương trình của Chúa cho hôn nhân (Ma-thi-ơ 5:31-32; Mác 10:2-12; Lu-ca 16:18).
Trong một lễ hôn phối truyền thống, khi người mục sư tuyên bố rằng cặp nam nữ đã thành hôn và nói: “loài người không được phân rẽ những người mà Đức Chúa Trời đã phối hợp!”, vị mục sư này đang trích dẫn những lời của chính Chúa Giê-su.
Kể cả những người sỉ vả thế giới ngoài kia về những vấn đề không rõ ràng trong Kinh thánh cũng thường có xu hướng im lặng về việc ly dị, là điều Kinh thánh nói một cách dứt khoát. Lý do thường là vì trong hội thánh có nhiều người ly dị và tái hôn hơn những người gặp các vấn đề khác.
Đúng là như vậy. Tuy nhiên, tôi tin rằng Kinh thánh coi câu hỏi về ly dị trong trường hợp bạo hành không phải là tội của người phối ngẫu vô tội.
Một số người, trong sự hiệp thông Công giáo La Mã chẳng hạn, giữ quan điểm rằng không có lý do về đạo đức nào cho việc ly dị. Ngay cả như vậy, họ vẫn tranh cãi xem có thể chế nào có thẩm quyền tuyên bố hôn nhân tan vỡ hay không. Trong trường hợp đó thì họ không tranh cãi về việc một người phối ngẫu có nên ở trong cảnh bạo hành hay không.
Tôi không thấy mục sư hoặc giám mục Công giáo trung tín nào lại nói rằng một người nên ở trong môi trường bạo hành. Trong những trường hợp như vậy, họ sẽ khuyên người này chuyển đi (cùng con cái mình), và nếu mối nguy bạo hành vẫn còn thì họ sẽ để người này tránh xa ngôi nhà đó, thậm chí là cả đời.
Như hầu hết các bạn đều biết, tôi không giữ quan điểm rằng ly dị, trong mọi trường hợp, là tội lỗi. Cùng với hầu hết những người Tin lành, tôi tin rằng có một số trường hợp hy hữu trong đó tội lỗi của người phối ngẫu phá vỡ giao ước hôn nhân và ly dị là cần thiết trong những hoàn cảnh ấy. Hầu hết mọi người theo quan điểm này sẽ xem ngoại tình không ăn năn là một trong những trường hợp ngoại lệ như vậy. Và hầu hết chúng ta sẽ coi việc bị người phối ngẫu bỏ là một ngoại lệ khác.
Sứ đồ Phao-lô khuyên những Cơ Đốc nhân mới trong thế kỷ thứ nhất rằng họ không phải rời bỏ người phối ngẫu không tin Chúa (1 Cô-rinh-tô 7:10-16). Những cuộc hôn nhân đó không bất khiết vì người phối ngẫu đó thờ lạy thần khác; mà chúng được nên thánh bởi người thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống.
Tuy Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đeo đuổi sự hòa hợp và hòa giải với mọi người nhưng Phao-lô viết rằng trong trường hợp người phối ngẫu bỏ đi, bỏ cuộc hôn nhân đó, người còn lại nên “cứ để người ấy phân rẽ” và không coi mình “bị ràng buộc” gì, ngụ ý mạnh mẽ rằng họ được tự do tái hôn.
Thực ra thì một người phối ngẫu bạo hành là đã lìa bỏ cuộc hôn nhân. Bạo hành còn tệ hơn nhiều so với bỏ vợ/bỏ chồng, dùng một điều thánh khiết (hôn nhân) vì những mục đích quỷ quái. Bạo hành một người phối ngẫu hoặc con cái chính là điều Đức Chúa Trời lên án ở mọi nơi trong Kinh thánh – lợi dụng sức mạnh để làm tổn hại đến những người dễ bị tổn thương (Thi thiên 9:18; Ê-sai 3:14-15; Ê-xê-chi-ên 18:12; A-mốt 2:7; Mác 9:42; v.v.). Bạo hành tệ hơn cả bỏ vợ/bỏ chồng, nó cũng không nhẹ hơn bỏ vợ/bỏ chồng.
Nếu một người phối ngẫu bỏ gia đình thì Kinh thánh bày tỏ rằng đó không phải là lỗi của bên vô tội. Và nếu một người phối ngẫu biến gia đình thành một nơi nguy hiểm cho người kia (hoặc con cái họ) thì đó cũng không phải là lỗi của bên vô tội. Trong những trường hợp đó, ly dị không phải là tội mà trước hết, là thừa nhận những gì đã xảy ra, rằng giao ước kết hiệp nên một thịt đã bị hủy bỏ, và người bị bạo hành cần cảm thấy không hề bị lên án khi ly dị người kia.
Nếu nói chung thủy trong hôn nhân là phải bắt bản thân hoặc con cái chịu bạo hành thì chẳng khác gì nói rằng, dựa vào mệnh lệnh thuận phục chính quyền trong Rô-ma 13 thì việc Chúa Giê-su giục những người đang gặp nguy hiểm ở Giu-đê “trốn lên núi” trong thời đại nạn là trái đạo đức. Hẳn là không.
Theo khảo sát năm 2015, đại đa số các mục sư Tin lành nói rằng ly dị trong trường hợp bạo hành gia đình là chính đáng về mặt đạo đức. Nhưng tôi sẽ đi xa hơn thế và dám chắc rằng trong nhiều trường hợp, ly dị không chỉ là được phép, giống như khi người ta ngoại tình hoặc thực hiện những hình thức bỏ vợ/bỏ chồng khác, nhưng còn là cần thiết để bảo vệ người bị bạo hành khỏi bị tổn hại thêm. Cả hội thánh và nhà nước đều có vai trò đảm bảo rằng người bạo hành không bắt nạt người bị bạo hành, thường xảy ra qua việc tước đoạt thu nhập hoặc nhà ở. Một cuộc ly dị thường bao gồm việc xã hội thừa nhận rằng cuộc hôn nhân đó đã chấm dứt, giúp phân chia tài sản, và tiếp tục bảo vệ những người đã và đang bị bạo hành (thường là bằng lệnh cấm hoặc hồ sơ cảnh sát).
Nếu là một mục sư thì gần như bạn sẽ thấy ai đó trong hội thánh hoặc cộng đồng xung quanh đang phải hứng chịu bạo lực gia đình. Đôi khi nạn nhân sẽ tiếp thu những lời ngụy biện của kẻ bạo hành và đổ lỗi cho bản thân vì khiến mình hoặc con mình phải chịu bạo hành.
Đôi khi người bị bạo hành sẽ tin rằng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại, cảm thấy bị mắc kẹt trong cuộc hôn nhân đó. Trong trường hợp bạo lực gia đình, hội thánh có trách nhiệm không chỉ cảnh báo nhà chức trách liên quan mà còn mang lấy gánh nặng của người chịu bạo hành bằng cách sắp xếp một nơi trú ẩn an toàn và đáp ứng những nhu cầu khác.
Điều tối thiểu nhất mà người ta có thể mong đợi từ hội thánh của mình là không bị hội thánh coi là tội nhân vì chạy khỏi nguy hiểm.
Hãy biết rằng kẻ bạo hành thường dùng ngôn ngữ thuộc linh làm vũ khí để che đậy sự bạo hành. Họ có thể cho rằng người bạn đời bị bạo hành “không tha thứ” nếu bỏ đi hoặc sẽ phạm tội với Chúa Giê-su nếu đâm đơn ly dị – lúc nào cũng trích dẫn những câu Kinh thánh đặt ngoài ngữ cảnh. Là người quản trị những lời truyền phán của Chúa, hội thánh có nhiệm vụ gọi việc lạm dụng Kinh thánh như vậy là lấy danh Chúa làm chơi, theo một trong những cách tệ nhất.
Ly dị vì bạo lực gia đình không phải là tội lỗi. Đúng là có tội trong đó, nhưng là tội của người bạo hành, không phải tội của người bị bạo hành và quyết định ly dị.
Người bị bạo hành trong hội thánh và cộng đồng của chúng ta cần thấy chúng ta áp dụng Kinh thánh đúng cách, và họ cần thấy chúng ta đại diện cho Chúa Giê-su Christ là Đấng bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Loài người không được phân rẽ những người mà Đức Chúa Trời đã phối hợp. Đúng vậy và a-men. Nhưng đôi khi Chúa Giê-su cũng muốn chúng ta nhìn nhận rằng loài người không nên buộc những người mà Đức Chúa Trời đã phân rẽ phải ở cùng nhau.
Đôi khi con đường đến với phiên tòa ly hôn không phải là con đường đến với sự hủy diệt mà là đường đến Giê-ri-cô. Chúng ta cần nhìn thấy người bị đánh bên đường và làm cho người đó những gì mà Chúa Giê-su phán bảo.
Russell Moore là nhà thần học, đạo đức học và giảng đạo người Mỹ. Ông từng đảm nhận chức vụ chủ tịch Ủy ban Tự do Đạo đức & Tôn giáo của Hiệp hội Baptist Miền Nam (SBC); cũng như trưởng khoa thần học tại Chủng viện Thần học Baptist Miền Nam. Vào tháng 6 năm 2021, ông trở thành lãnh đạo Dự án Thần học Cộng đồng tại tờ Christianity Today.
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
* Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.christianitytoday.com/ct/2022/march-web-only/russell-moore-divorce-marriage-domestic-violence-abuse.html
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!