CÁC KHUYNH HƯỚNG THẦN HỌC Ở CHÂU Á
Sự áp đặt của thần học phương Tây tại châu Á
Một nhà thần học nói rằng: “Các ý tưởng thần học được tạo ra ở Lục địa (Châu Âu), được hiệu chỉnh ở Anh, bị sai lạc ở Châu Mỹ và bị nhồi nhét vào Châu Á”. Ở Châu Á có khoảng 1.000 cơ sở thần học bao gồm các trường Kinh thánh, phần lớn trong số đó do các nhà truyền giáo phương Tây thành lập. Kể từ năm 1945, hàng ngàn sinh viên châu Á đã sang phương Tây để học thần học sau đại học và trở về châu Á, nhiều người trong số này đã giới thiệu thần học phương Tây đến các trường thần học khác nhau trên khắp châu Á.
Tuy nhiên, do chủ nghĩa dân tộc gia tăng và việc khẳng định lại các giá trị truyền thống ở châu Á kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, các nhà thần học châu Á đã tìm kiếm sự giải phóng khỏi thần học phương Tây để khiến Tin lành phù hợp hơn với hoàn cảnh cuộc sống của họ.
Sự nảy nở của thần học Châu Á
Nhiều thần học Á châu đã xuất hiện trong lĩnh vực thần học: Thần học Nỗi đau của Đức Chúa Trời (Nhật Bản), Thần học Trâu nước (Thái Lan), Thần học Con mắt thứ ba (dành cho người Trung Quốc), Thần học Âm dương (Trung Quốc và Hàn Quốc), Thần học về sự thay đổi (Đài Loan), Thần học Minjung (Hàn Quốc), cũng như Thần học Ấn Độ và Sri Lanka. Sự nảy nở của thần học châu Á đã gia tăng rõ rệt kể từ những năm 1960 và sẽ tiếp tục nhân rộng trong tương lai; những nền thần học này đã tạo nên tác động lớn. Chúng cũng gây ra xung đột và rối loạn trong các tổ chức thần học và các hội thánh Cơ Đốc ở Châu Á.
Có thể nhóm thần học châu Á thành bốn loại:
Thần học hổ lốn (syncretism – Thuyết hổ lốn/Chủ nghĩa hỗn hợp)
Kể từ khi Chương trình về Đức tin và Chứng đạo của Hội đồng Giáo hội Thế giới (World Council of Churches – WCC) tài trợ cho một số cuộc đối thoại tôn giáo với các nhà lãnh đạo của những tôn giáo khác, xu hướng ngày càng nghiêng về sự pha trộn trong thần học châu Á đã tạo ra sự báo động trong hội thánh châu Á. Ví dụ, Raymond Panikkar, trong cuốn The Unknown Christ of Hinduism (1964), nhấn mạnh rằng Đấng Christ đã ở trong lòng một người Hindu và nhiệm vụ của hội thánh không phải là mang Đấng Christ đến với người Hindu mà là khơi Đấng Christ ra khỏi họ.
Thần học thích ứng (Accommodation theology)
Thích ứng là một nỗ lực tinh tế khác nhằm bối cảnh hóa thần học ở Châu Á. Cũng giống như một khách sạn hoặc một gia đình đón khách đến ở, thần học thích ứng xem xét các phong tục và tập quán tôn giáo thịnh hành của một nền văn hóa khác và tiếp nhận những tư tưởng tốt từ các tôn giáo khác.
Tiến sĩ Kosume Koyama, một cựu giáo sư truyền giáo người Nhật tại Chủng viện Thần học Thái Lan ở Chiang Mai, trong cuốn Thần học Trâu nước (1970), phản đối thuyết hổ lốn vì không phù hợp với cả hai bên. Thay vào đó, ông chủ trương thần học thích ứng. Tiến sĩ Koyama tin rằng người ta không thể trộn hạt tiêu của Aristotle với muối của Phật giáo trong ‘nhà bếp’ thần học ở miền Bắc Thái Lan được. Do đó, người ta phải nhấn mạnh đến “Láng giềng học” (Neighbour-ology) tốt hơn là Cơ Đốc học đơn thuần. Tiến sĩ Koyama tin rằng tôn giáo nào cũng có những điểm tích cực cũng như tiêu cực và các Cơ Đốc nhân Thái Lan phải chấp nhận những yếu tố tích cực của Phật giáo ở Thái Lan để thay đổi lối sống của họ.
Tiến sĩ Batumalai Sadayandy, một linh mục Anh giáo người Malaysia, trong luận án tiến sĩ tại Đại học Birmingham, Vương quốc Anh đã xuất bản cuốn sách, A Prophetic Christology for Neighborology – Cơ Đốc học Tiên tri về Láng giềng học (1987), và nói lên quan niệm tương tự về việc tiếp nhận bối cảnh Hồi giáo Malaysia về mặt “Láng giềng học” (neighborology).
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra về ranh giới giữa thuyết hổ lốn và thích ứng tùy thuộc vào việc người đó có sẵn sàng chấp nhận sự mặc khải độc nhất của Đức Chúa Trời trong Chúa Giê-su Christ và trong Kinh thánh nơi sự thích ứng của mình hay không. Câu trả lời của một người với câu hỏi như “Người theo đạo Phật và người Hồi giáo có cần phải cải đạo sang tin Chúa Giê-su Christ để được tha thứ tội lỗi của họ không?” sẽ tiết lộ liệu người đó có tin rằng Chúa Giê-su là con đường duy nhất đến với Đức Chúa Trời hay không.
Thần học tình huống (Situational theology)
Một loại hình thần học Châu Á khác bắt nguồn trực tiếp từ một hoàn cảnh cụ thể. Thần học tình huống này có thể không phù hợp với các học thuyết lịch sử và kinh thánh của hội thánh Cơ Đốc nhưng lại phù hợp với các tình huống cụ thể ở Châu Á.
Thần học về Nỗi đau của Đức Chúa Trời của Tiến sĩ Kazoh Kitamori ở Nhật Bản là một minh họa tiêu biểu. Ông đã cố gắng chứng minh cho những người đau khổ ở Nhật Bản sau thất bại của họ trong Thế chiến thứ hai rằng Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Kinh thánh là Đức Chúa Trời của đau khổ, Đấng có thể đồng cảm với những người Nhật đang đau khổ.
Thần học Tự do của Châu Mỹ Latinh đã ảnh hưởng đến các nhà thần học Châu Á và được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: Thần học Minjung ở Hàn Quốc, và Thần học Tự do ở Ấn Độ và Philippines. Hội nghị Cơ Đốc giáo Châu Á (Christian Confrerence of Asia – CCA), đại diện cho chi nhánh Châu Á của WCC, là bên chính đề xướng Thần học Tự do ở Châu Á, tập trung vào nhân quyền, nghèo đói, bất công và chiến tranh hạt nhân.
Ví dụ, không có gì lạ khi đọc các báo và tạp chí đại kết như CCA News, CTC (Ủy ban về các Mối quan tâm Thần học) Bulletin, và những ý kiến phê bình của Tạp chí Thần học Đông Á chống lại chính phủ Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, và các quốc gia khác vì vi phạm nhân quyền. Chưa hết, thật thú vị khi không hề thấy bất kỳ bình luận chỉ trích nào chống lại chính phủ Singapore trên các tạp chí tương tự, bởi vì văn phòng chính của CCA đặt tại Singapore.
Thần học Minjung (Quần chúng) là một dạng thần học tình huống ở Hàn Quốc được phát triển để giải quyết các vấn đề chính trị xã hội trong nước. Nếu không tính đến tác động của Thần học Minjung, chúng ta sẽ không thể hiểu hết được tình hình tôn giáo hiện nay ở Hàn Quốc. Thần học Minjung như một phiên bản Thần học Tự do của Hàn Quốc xem xét tiếng kêu gào và than thở của những người đau khổ được gọi là ‘han’, vì người Minjung (quần chúng) bị áp bức về mặt chính trị, không có quyền và bị bóc lột về kinh tế.
Tiến sĩ Kim Yong Bock, Giám đốc Viện Nghiên cứu Cơ Đốc về Công lý và Phát triển, đã biên tập cuốn sách Thần học Minjung: Con người là Chủ thể của Lịch sử (1981). Cuốn sách này là kết quả của cuộc tham vấn Thần học về Thần học Minjung do Ủy ban Thần học của NCC Hàn Quốc tài trợ vào tháng 10 năm 1979.
Trong ‘Thần học và Tiểu sử xã hội của người Minjung’, trên tờ CTC Bulletin (tháng 4 năm 1985), Tiến sĩ Kim đã chỉ ra rằng sự chịu khổ của Đấng Mê-si-a phải được hiểu dưới góc độ chính trị và lịch sử mà Ngài phải chịu đựng và người minjung phải chịu đựng dưới quyền lực chính trị-tôn giáo-xã hội bất công của những người cai trị trong thời đại của họ. Sự chịu khổ của Đấng Christ không chỉ là sự chịu khổ thuộc linh, như Tiến sĩ Kim giải thích:
Thần học Cơ Đốc theo truyền thống đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tệ nạn xã hội, một sai lầm gây ra do cố gắng hiểu tội lỗi và điều ác theo nghĩa cá nhân, tâm linh hoặc siêu hình. Chỉ mới đây thôi, đặc điểm chính trị nghiêm trọng mới được tìm thấy trong tội lỗi và tội ác (trang 74).
Tương tự như vậy, sự phục sinh của Đấng Mê-si-a, theo Tiến sĩ Kim, cũng đáp ứng nguyện vọng của người Minjung, tức là phong trào phục sinh của người minjung và sự tham gia của cộng đồng phục sinh trong phong trào minjung. Vì vậy, hội thánh phải bắt đầu làm chứng trong xã hội để bảo vệ người nghèo và người yếu thế, nếu không hội thánh sẽ mất đi giá trị lịch sử của mình.
Nhiều người thuộc giáo hội đại kết và các linh mục Công giáo La Mã, những người bị ảnh hưởng bởi Thần học Minjung và tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bị bắt giữ.
NCC Hàn Quốc tổ chức Vụ Nhân quyền; và do đó, các giáo phái có liên quan đến NCC đã tổ chức các Ủy ban Nhân quyền riêng để dấy lên các vấn đề nhân quyền bằng cách tổ chức các cuộc họp cầu nguyện và các cuộc biểu tình ở cấp hội thánh địa phương cho các ‘thánh đồ bị bỏ tù’ và chống lại việc sử dụng hơi cay của cảnh sát chống bạo động.
Thật không may là báo chí nước ngoài, đặc biệt là báo chí hệ phái đại kết ở phương Tây, đã thổi phồng vấn đề tôn giáo ở Hàn Quốc như thể cả hội thánh Hàn Quốc đã đứng lên chống lại chính phủ Hàn Quốc.
Thần học Châu Á theo định hướng Kinh thánh
Cùng với và để đáp lại các thần học mà chúng tôi đã mô tả, đã có một truyền thống mạnh mẽ về thần học tin lành và bảo thủ hơn ở Châu Á. Ví dụ, điều này được Hiệp hội Thần học Châu Á (Asia Theological Association – ATA), bên tổ chức cuộc tham vấn về ‘Ngữ cảnh hóa: Thần học Châu Á’ tại Seoul, Hàn Quốc tổ chức vào ngày 23-31/08/1982, với 85 nhà thần học Tin lành từ 17 quốc gia trình bày. Kinh thánh và Thần học trong Bối cảnh Châu Á (1984) được xuất bản như một kết quả của cuộc Tham vấn này. Cuộc tham vấn của các nhà thần học thế giới thứ ba diễn ra ngay sau cuộc tham vấn của ATA tại Seoul với 50 đại biểu và 33 quan sát viên từ châu Á, châu Phi, vùng Ca-ri-bê và châu Mỹ Latinh để giải quyết cùng một câu hỏi về bối cảnh hóa ở Thế giới thứ ba.
Tại cuộc tham vấn của các nhà thần học Châu Á, Kinh thánh và Thần học ở Châu Á Ngày nay: Tuyên bố của Cuộc Tham vấn thần học, Hiệp hội Thần học Châu Á lần thứ 6 đã được thông qua. Tuyên bố này đã cảnh báo về nguy cơ của thuyết hổ lốn và thuyết phổ độ trong thần học Châu Á. Nó khuyến khích các thần học gia châu Á suy nghĩ cẩn thận về đến bối cảnh hóa và thần học châu Á, đồng thời khoanh vùng khu vực dành cho các nhà thần học Tin lành, nơi họ có thể thực hiện việc bối cảnh hóa. Các nhà thần học Tin lành có một tập hợp các tiền đề trong đức tin của mình như tính vô ngộ của Kinh thánh, tính độc nhất của Đấng Christ, sự chuộc tội thay thế và các mục tiêu truyền giáo học trong thần học, v.v., những điều này làm nền tảng để Tin lành trở nên thiết thực trong mỗi nền văn hóa.
Nhiệm vụ của thần học Châu Á
Phương Tây có các công thức thần học riêng bắt nguồn từ nền tảng văn hóa của riêng họ – thuyết Calvin, thuyết Arminianius, sự chết của Chúa, v.v. Tuy nhiên, ở Châu Á, nền tảng lịch sử và văn hóa khác hẳn với phương Tây và đòi hỏi các Cơ Đốc nhân Châu Á phải thật chú ý đến nền văn hóa của mình để khiến Tin lành trở nên thiết thực với hoàn cảnh sống của họ.
Một số vấn đề mà chúng ta hiện đang phải đối mặt là Chủ nghĩa cộng sản, sự nghèo đói, đông dân, đói khổ, chiến tranh, quỷ ám, hối lộ, gian lận, thờ hình tượng, thờ cúng tổ tiên, chế độ đẳng cấp, chủ nghĩa thế tục và các tôn giáo châu Á đang trỗi dậy – Phật giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Các nhà thần học châu Á phải nắm lấy những vấn đề này và đưa ra thần học châu Á để vật lộn với những điều này, nhưng vẫn trung thành với những dạy dỗ lịch sử của Kinh thánh qua nhiều thế kỷ.
Đặc biệt hơn, nhiệm vụ của thần học châu Á, và đặc biệt là thần học Tin lành, chứa ba điều: thứ nhất, họ phải tìm tòi Kinh thánh và cung cấp những chỉ dẫn chung cho các hội thánh cơ sở về các vấn đề gây tranh cãi chính như phản ứng Cơ Đốc đối với tình hình chính trị – xã hội ở Châu Á. Ví dụ, những Cơ Đốc nhân trẻ tuổi không biết nên thể hiện đức tin Cơ Đốc của mình về các vấn đề chính trị xã hội như thế nào hay họ có nên tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên chống chính phủ hay không.
Thứ hai, họ nên khuyến khích Hội thánh Châu Á áp dụng cách tiếp cận toàn diện trong mục vụ bằng cách quan tâm đến các nhu cầu của xã hội. Các hội thánh Tin Lành thường bị Cơ Đốc nhân cũng như người chưa tin chỉ trích vì thiếu quan tâm đến xã hội.
Thứ ba, họ phải nhấn mạnh rằng ưu tiên của hội thánh là công tác truyền giáo và sứ mệnh ở lục địa châu Á rộng lớn này, nơi chỉ có 3% Cơ Đốc nhân trên ba tỷ người, tức 60% dân số thế giới.
Đức Chúa Trời vẫn đang làm việc trong hội thánh Châu Á, tạo sự phát triển không ngừng ngay giữa rối ren, biểu tình bạo lực, và nhiều vấn đề chưa được giải quyết trong xã hội và trong hội thánh.
Các tài liệu được sử dụng:
G. H. Anderson (ed.), Asian Voices in Christian Theology; D. J. Elwood (ed.), What Asian Christians Are Thinking; D. J. Elwood and E. P. Nakpil (eds.), The Human and the Holy; John C. England (ed.), Living Theology in Asia Today; Charles H. Germany, Protestant Theologies in Modern Japan; Kim Yong Bock (ed.), Minjung Theology; K. Kitamori, Theology of the Pain of God; K. Klostermaier, Hindu and Christian in Vrindaban; Wing Hung Lam, Chinese Theology in Construction; C. Michalson, Japanese Contributions to Christian Theology; Bong Rin Ro & Ruth Eshenaur (eds.), The Bible & Theology in Asian Contexts; Vinay Samuel & Chris Sugden (eds.), Sharing Jesus in the Two Thirds World; C. S. Song, Third Eye Theology; Rodrigo Tano, Theology in the Philippines Setting.
Tác giả bài viết, Bong Rin Ro là Thư ký điều hành của Hiệp hội Thần học Châu Á và Hiệu trưởng Trường Thần học Cao học Châu Á
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!