CHỨC VỤ CHỊU KHỔ
Người ta cầu nguyện rằng: “xin Chúa khiến con giàu có và con sẽ dâng lại tất cả cho Ngài. Xin ban cho con ân tứ cầu nguyện và con sẽ dành cả cuộc đời con để cầu thay. Xin cho con phục vụ như bà Đô-ca, chúc phước như Ba-na-na, lãnh đạo như Phao-lô, rao giảng như Ê-tiên. Nhưng sự chịu khổ thì – con xin dành nó cho người khác.” (Tim Challies)
Hội thánh sẽ trở nên nghèo nàn nếu Joni Eareckson Tada (bạn đọc có thể nghe bài giảng của Joni tại đây) không là một phần trong đó. Lịch sử Cơ đốc sẽ không trọn vẹn nếu không kể đến Marie Durand và Corrie Ten Boom (bạn đọc có thể xem bài giảng của Corrie Ten Boom tại đây) . Chúng ta sẽ bỏ lỡ đi rất nhiều sự khích lệ nếu trong số đó không có Amy Carmichael và Elisabeth Elliott (xem bài giảng tại đây). Điều gắn kết những thánh đồ quý báu này lại với nhau trước hết không phải họ đều là phái nữ mà họ đều chịu khổ một cách trung tín. Qua việc đối diện với thử thách theo một cách thức Cơ đốc riêng, qua việc phục vụ người khác thông qua nỗi đau của chính họ, qua việc làm chứng về sự sáng của Đức Chúa Trời ngay cả trong nơi tối tăm nhất, từng người trong số họ đã đưa ra lời chứng rằng ân điển của Đức Chúa Trời đã nâng đỡ nhiều cánh tay mệt mỏi và làm mạnh mẽ nhiều đầu gối lỏng lẻo. Họ đã chỉ cho những người anh chị em đồng lao với mình cách chịu khổ tốt đẹp, từ đó mang lại nhiều sự an ủi cho nhiều người.
Mỗi một người nữ trong đây được kêu gọi đến một chức vụ có cả sự chịu khổ và buồn rầu. Sự kêu gọi này suy cho cùng đến từ Đức Chúa Trời, vì những thử thách họ chịu đựng không xảy ra ngoài mục đích và kế hoạch của Ngài. Sự dữ xảy đến với họ có thể do tai nạn hay bệnh tật, do gươm giáo của kẻ thù hoặc sự xâm lược của Đức quốc xã. Nhưng không có điều nào trong số đó nằm ngoài quyền hạn thi hành hợp pháp của Đức Chúa Trời là Đấng vốn biết sự cuối cùng từ ban đầu, từ thời xa xưa, biết những điều còn chưa xảy đến, là Đức Chúa Trời phán rằng “Kế hoạch của Ta sẽ thành tựu, và Ta sẽ thực hiện mọi điều Ta muốn.” Chúa có ý mệnh ngọt ngào lẫn cay đắng cho đời sống của dân sự Ngài nhưng tất cả đều là ý mệnh của Chúa, tất cả đều được dẫn dắt bởi cánh tay Ngài theo một cách nào đó.
Chúng ta biết ơn Chúa vì những người nữ này lẫn nhiều Cơ Đốc nhân ít được biết đến hơn, là những người đã minh chứng cho chúng ta thấy rằng bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể chịu đựng được cả những nỗi buồn sâu sắc nhất, những tổn thất nặng nề nhất, thậm chí là những hoàn cảnh thống khổ nhất. Chúng ta biết ơn vì khi đối diện với những khó khăn thử thách và những cú sốc, chúng ta có thể suy nghĩ về những lời họ nói, chúng ta có thể đọc tiểu sử của họ, tấm gương của họ có thể thách thức và an ủi chúng ta. Tuy chúng ta biết ơn Chúa vì họ nhưng không ai trong số chúng ta muốn giống họ. Tuy chúng ta biết ơn vì có chức vụ chịu khổ nhưng chỉ có một số ít người trong chúng ta sẵn lòng chịu nhận lấy chức vụ này cho chính mình.
Tôi biết có nhiều người xin Chúa ban chức vụ lãnh đạo, xin Chúa cho cơ hội lãnh đạo một tổ chức lớn, đi hết thành công này đến thành công khác. Tôi biết có nhiều người khao khát chức vụ âm nhạc, để đứng trước nhiều hội chúng lớn và để dẫn dắt họ vào những bài hát thờ phượng. Tôi biết có nhiều người háo hức xin Chúa chức vụ tiếp khách để chào đón những người đến ở tạm, người vô gia cư, người khó khăn. Nhưng tôi biết chỉ có một số ít người là sẵn sàng chịu mất mát vì cớ Ngài. Người ta cầu nguyện rằng: “xin Chúa khiến con giàu có và con sẽ dâng lại tất cả cho Ngài. Xin ban cho con ân tứ cầu nguyện và con sẽ dành cả cuộc đời con để cầu thay. Xin cho con phục vụ như bà Đô-ca, chúc phước như Ba-na-na, lãnh đạo như Phao-lô, rao giảng như Ê-tiên. Nhưng sự chịu khổ thì – con xin dành nó cho người khác.”
Nhiều người muốn học Lời Chúa giỏi giang xuất chúng như Martyn Lloyd-Jones nhưng chỉ có vài người muốn học Lời Chúa với cơ thể không lành lặn như Amy Carmichael. Nhiều người muốn dạy dỗ với tất cả kĩ năng của R.C. Sproul nhưng chỉ có số ít người muốn rút ra những bài học trong trường đời gian khổ như Fanny Crosby. Nhiều người sẽ từ bỏ danh tiếng của mình như Eric Liddell và một số người sẽ từ bỏ sự giàu có của mình như Selina Hastings nhưng chỉ có vài người muốn đầu phục cả thân thể mình như Helen Roseveare. Có một sự mất cân bằng quá ư rõ ràng giữa việc chúng ta biết ơn Chúa vì chức vụ chịu khổ với việc chúng ta sẵn lòng nhận lấy chức vụ đó vào chính đời sống mình.
Tuy chúng ta không nên ước ao sự dữ đến với cuộc đời mình nhưng chúng ta nên ước ao điều lành giáng trên hội thánh và mong cho nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với hội thánh thông qua những người giỏi chịu đau buồn. Chúng ta không nên khao khát sự chịu khổ mà nên sẵn lòng chịu đựng nó. Chúng ta không nên ao ước sự mất mát mà nên bằng lòng cúi đầu, hạ lòng, quỳ gối và trở thành phước hạnh cho dân Chúa trong mọi khổ đau mà Đức Chúa Trời chỉ định cho chúng ta. Đầu phục chính mình trước Chúa là không giữ lại điều gì, bèn là trao trọn chúng ta cho Ngài, dâng trọn chúng ta trong tay Ngài, phó dâng cuộc đời chúng ta cho bất cứ điều gì Ngài gọi chúng ta thực hiện dù có phải thương tổn đi chăng nữa.
Marie Durand và Amy Carmichael tới nơi vinh hiển đã lâu. Corrie Ten Boom và Elisabeth Elliott đã về cùng với họ. Joni Eareckson Tada đã qua tuổi 70 và sẽ không còn ở mãi đây để cổ vũ chúng ta bằng những bài hát mình, để khích lệ chúng ta rằng cơ thể bà ngày một suy yếu đi nhưng tâm hồn bà thì sẽ ngày càng ngọt ngào hơn. Không lâu nữa, bà sẽ lìa bỏ chiếc xe lăn cũng như cuối cùng, bà sẽ lìa bỏ thế giới vậy. Và khi bà về với Chúa Giê-su, ai sẽ cầm lấy ngọn đuốc từ đôi tay yếu mỏn của bà? Ai sẽ để sự tan vỡ của họ trở thành tiêu chuẩn để mang lấy chức vụ chịu khổ, chức vụ an ủi này? Ai sẽ để chức vụ vĩ đại của họ xuất phát từ nỗi buồn sâu sắc nhất của mình? Đây là một chức vụ thiêng liêng mà Đức Chúa Trời kêu gọi một vài người đảm nhận thay mặt Ngài. Những người Ngài kêu gọi để mang lấy chức vụ chịu khổ không bởi sự đặt tay mà bèn là bởi đôi tay trống không, bởi thân thể vật lý không lành lặn và bởi tấm lòng tan vỡ của họ. Ngài kêu gọi họ chịu lỗ hầu cho họ trở thành nguồn phước, chịu khóc than đau buồn hầu cho họ trở thành sự an ủi, chịu khổ hầu cho họ làm mạnh mẽ nhiều người, nhẫn nhục chịu đựng gian khó hầu cho họ là sự khích lệ. Ngài kêu gọi họ thuận phục Ngài giữa những đau khổ của họ hầu cho họ trở thành sự sáng trong nơi tối tăm, là bài ca trong đêm tối.
Tác giả: Tim Challies
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: challies.com/articles/the-ministry-of-sorrow/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!