DWIGHT L. MOODY – NHÀ GIẢNG ĐẠO PHẤN HƯNG CHẠM ĐẾN QUẦN CHÚNG
Giangluankinhthanh.net – Dwight Lyman Moody được coi là một nhà truyền giảng Tin lành đáng chú ý nhất trong thế kỷ 19. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết về những sự kiện và di sản chủ yếu nhất trong cuộc đời và chức vụ của ông. Bạn đọc cũng có thể nghe một số bài giảng của ông đã được dịch ra tiếng Việt trên kênh Youtube của Giảng Luận Kinh Thánh.
Với nguồn năng lượng thể chất vô biên cùng sự khôn ngoan thiên bẩm, sự tự tin và lạc quan không ngừng, Dwight Lyman Moody (1837-1899) hoàn toàn có thể trở thành một gã khổng lồ trong ngành công nghiệp trong Thời kỳ Vàng son (Gilded Age) của Hoa Kỳ giống như John D. Rockefeller hay Jay Gould. Thay vào đó, ông lại trở thành một trong những nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 19.
Những chuyến cưỡi ngựa đến Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc YMCA
D. L. Moody sinh ra trong một gia đình thợ gạch theo Thuyết Nhất thể ở Northfield, Massachusetts. Bố ông mất hồi ông lên 4, để lại chín đứa con cho mẹ ông, bà Betsey, nuôi nấng. Mẹ ông không bao giờ khích lệ Dwight đọc Kinh Thánh và ông chỉ đạt trình độ học vấn tương đương với lớp 5.
Ông tự lập từ 17 tuổi và bán giày trong cửa hàng của cậu mình ở Boston. Ông cũng tham gia Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (YMCA) và các lớp trong trường Chúa Nhật, nơi ông trở thành một Cơ Đốc Nhân vào năm 18 tuổi. Không lâu sau, ông chuyển đến Chicago để bán giày và làm việc để hướng tới mục tiêu tích lũy khối tài sản 100.000 đô la.
Sau khi có đức tin mới, Moody dần nhận ra rằng ông không nên dùng đời mình để tích lũy của cải hơn mà dùng nó để giúp cho người nghèo. Vào năm 1858, ông thành lập một trường Chúa Nhật truyền giáo ở North Market Hall trong khu ổ chuột ở Chicago. Ngôi trường sớm trở thành một hội thánh (sau 6 năm kể từ thời điểm đó, Hội thánh Illinois Street Independent được thành lập, là tiền thân của Hội thánh Moody Memorial nổi tiếng ngày nay). Đến năm 1861, ông rời bỏ công việc kinh doanh để tập trung vào hoạt động xã hội và truyền giáo. Ông dùng kẹo và những chuyến cưỡi ngựa để kéo những đứa trẻ nhập cư nghèo gốc Đức và Bắc Âu tham dự lớp sứ mệnh, ông còn kéo người lớn đến những buổi cầu nguyện và câu lạc bộ tiếng Anh. Ông luôn tin rằng: “Nếu như bạn thật sự khiến một người tin rằng bạn yêu anh ta thì bạn đã thu phục được anh ta”.
Ở đó, ông đã gặp và kết hôn với một trong những giáo viên dạy trường Chúa Nhật, Emma C. Revell, hai người có 3 người con.
Với tư cách là chủ tịch của YMCA Chicago trong bốn năm, ông đã ủng hộ các hoạt động truyền giảng như phát chứng đạo đơn khắp thành phố, đồng thời tổ chức những buổi cầu nguyện hằng ngày vào buổi trưa. Trong Nội Chiến Hoa Kỳ, ông từ chối chiến đấu và nói rằng, “Trong khía cạnh này thì tôi thuộc phái Quaker,”(1) nhưng ông đã làm việc thông qua YMCA và Uỷ Ban Cơ Đốc Hoa Kỳ để truyền giáo cho quân đội Liên Minh. Ông không ngừng tìm kiếm và nhận được sự hỗ trợ tài chính cho tất cả các dự án của mình từ những doanh nhân Cơ Đốc giàu có như là Cyrus McCormick và John Wanamaker. Trong tất cả những điều này, ông luôn cố gắng kết hợp những hoạt động xã hội và truyền giáo với nhau.
Đại Hỏa hoạn Chicago vào tháng 10 năm 1871 đã phá huỷ hội thánh truyền giáo của Moody, nhà ông và cả YMCA. Ông đã bay đến New York để gây quỹ nhằm dựng lại hội thánh và YMCA, nhưng trong lúc dạo bộ tại phố Wall, ông cảm nhận được điều mà ông gọi là “sự hiện diện và quyền năng” chưa từng thấy, lớn đến nỗi mà ông phải la to lên rằng “Đủ rồi, Chúa ơi!” Ông trở về Chicago với một khải tượng mới: việc truyền giảng về Vương Quốc Đức Chúa Trời, không phải là hoạt động xã hội, sẽ thay đổi cả thế giới. Bấy giờ ông chỉ cống hiến nguồn năng lượng dồi dào đó cho mỗi việc “truyền giảng khắp thế giới cho thế hệ này.”
Đổi mới trong công cuộc truyền giảng
Moody tin rằng âm nhạc sẽ là một công cụ quý giá trong các chiến dịch truyền giảng, vậy nên, vào năm 1870, khi nghe Ira Sankey hát tại một hội nghị YMCA, ông thuyết phục Sankey từ bỏ một công việc được chính phủ trả lương rất khá để tham gia cùng ông trên chặng đường truyền giáo.
Vào mùa hạ năm 1873, Moody và Sankey được hai tín đồ Anh giáo William Pennefather và Cuthbert Bainbridge mời đến Quần Đảo Anh, nhưng cả hai người bảo trợ đều qua đời trước khi Moody và Sankey đến nơi. Thiếu vắng sự ủng hộ chính thức, Moody và Sankey tổ chức một chiến dịch ở York, Sunderland và Jarrow với những đám đông rất nhỏ. Ở Newcastle, những nỗ lực truyền giáo của họ đã bắt đầu thu được những người cải đạo và từ đó, họ bắt đầu được mến mộ. Sau 2 năm truyền giảng ở Anh, Scotland và Ireland, Moody trở về Mỹ với tư cách là một nhà phấn hưng nổi tiếng thế giới. Nói về sự nổi tiếng của mình, Moody thừa nhận: “Tôi biết rất rõ rằng dù tôi có đi giảng ở đâu thì cũng có rất nhiều nhà giảng đạo giỏi hơn…tôi, tôi chỉ có thể nói là Chúa đã sử dụng tôi.”
Ngay tức khắc, những lời mời diễn thuyết trong các buổi truyền giảng bắt đầu đổ về. Trong những buổi truyền giảng đó, Moody mở đường cho nhiều kỹ thuật truyền giảng: Đi từng nhà người dân trước buổi truyền giảng; dùng phương thức liên hiệp để tận dụng sự hợp tác của mọi hội thánh địa phương và các lãnh đạo không chuyên từ mọi hệ phái; kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp; thuê một tòa nhà lớn ở trung tâm; để một nghệ sĩ độc tấu tin Chúa trình diễn và có phòng giải đáp cho những người muốn ăn năn.
Luân phiên giữa Châu Âu và Châu Mỹ, Moody và Sankey đã tổ chức nhiều chiến dịch truyền giảng Tin lành trước hơn 100 triệu người. Tại buổi truyền giảng năm 1883 ở Cambridge, Anh, bảy sinh viên hàng đầu của trường, “Bộ Bảy Cambridge” đã cam kết dấn thân trở thành nhà truyền giáo ở Trung Quốc (dưới thời Hudson Taylor).
Ông tận dụng mọi cơ hội để rao giảng. Khi những nhà quản lý Triển Lãm Thế Giới tại Chicago năm 1893 quyết định vẫn mở cửa Triển lãm vào các Chúa Nhật, nhiều lãnh đạo Cơ Đốc đã kêu gọi tẩy chay, nhưng Moody thì không. Ông nói: “Chúng ta hãy mở thật nhiều nơi để giảng và trình bày Phúc Âm hấp dẫn đến nỗi người ta muốn đến và nghe Phúc Âm.” Chỉ trong vòng một ngày, hơn 130 ngàn người đã đến tham dự buổi truyền giảng do Moody điều phối.
Huấn luyện đội quân của Chúa
Trong suốt công tác phấn hưng của mình, ông thấy cần phải có một đội quân gồm những người không chuyên được đào tạo bài bản về Kinh Thánh để tiếp tục công việc truyền giảng nội đô. Ông nói: “Nếu như có thể chinh phục thế giới này thì tôi tin rằng người thực hiện điều đó hẳn phải là những người nam và nữ có tài năng trung bình. Suy cho cùng thì có rất ít người có tài năng kiệt xuất trên thế giới này.” Vào năm 1879, ông thành lập Chủng Viện Northfield dành cho nữ sinh, hai năm sau thì trường Mount Hermon dành cho nam sinh ra đời.
Vào năm 1880, Moody mời người trưởng thành và những thanh niên ở độ tuổi sinh viên đến dự buổi đầu tiên trong nhiều hội nghị Kinh Thánh tại nhà ông ở Northfield. Những hội nghị này góp phần nuôi dưỡng thuyết phân kỳ (dispensationalism) và thuyết cơ yếu (fundamentalism), cả hai đều vừa mới xuất hiện. Tại một hội nghị, Phong Trào Sinh Viên Tình Nguyện được thành lập bởi 100 sinh viên, họ cam kết sẽ ra nước ngoài truyền giáo sau khi hoàn thành xong chương trình đại học.
Cuối cùng, vào năm 1886, Moody mở Viện Thánh kinh-Việc làm (Bible-Work) của Hiệp hội Truyền giáo Chicago (sau đổi tên thành Học Viện Kinh Thánh Moody không lâu trước khi ông qua đời), một trong những trường đầu tiên trong phong trào trường Kinh Thánh. Từ công việc này, ông lại bắt đầu một công việc khác là Hiệp Hội Colportage (sau này là Moody Press), một tổ chức sử dụng những “Toa xe Phúc Âm” ngựa kéo để sinh viên bán những cuốn sách và văn phẩm thuộc linh trên khắp nước Mỹ.
Tuy có lịch trình bận rộn (chỉ một tháng trước khi ông qua đời, mỗi ngày ông giảng 6 sứ điệp) nhưng ông thích dành thời gian chơi với con cháu mình ở nông trại tại Northfield, Massachusetts, Hoa Kỳ và qua đời tại đó.
Trích từ cuốn 131 Cơ Đốc nhân mà mọi người cần biết. Link bài viết gốc trên trang Christianity Today: https://www.christianitytoday.com/history/people/evangelistsandapologists/dwight-l-moody.html
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
[1] Một giáo phái Tin lành thành lập vào thế kỷ XVII tại Anh; là giáo phái không có mục sư chuyên nghiệp và gạt bỏ các bí tích, chủ trương không thề nguyện hoặc tham gia chiến tranh.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!