TRÍCH DẪN SAI LỜI CHÚA: NHỮNG CÂU KINH THÁNH THƯỜNG BỊ HIỂU SAI, MÔ TẢ SAI HOẶC CHẾ NHẠO (PHẦN 2)
Tôi muốn cứu bạn khỏi một sai lầm mà gần như Cơ Đốc nhân nào cũng có lúc mắc phải khi đến với Kinh thánh. Nó cản trở bạn biết điều Chúa đang phán cùng cá nhân bạn trong Lời Ngài. Nhưng biết đâu bạn lại không cảm ơn tôi, vì có lẽ một số điều tôi phải nói sẽ khiến bạn khó chịu.
Trong vấn đề trước về Nền tảng vững chắc1 tôi đã giải thích tại sao câu hỏi “Câu Kinh thánh này áp dụng với đời sống tôi như thế nào?” lại là một câu không nên hỏi khi nghiên cứu Kinh thánh. Lý do là trong hầu hết các trường hợp, Đức Chúa Trời không ban các câu Kinh thánh như những mẩu thông tin rời rạc, riêng rẽ, tách khỏi câu chuyện lớn hơn và có thể áp dụng từng phần vào đời sống chúng ta. Thay vào đó, có một dòng suy nghĩ gắn với ý nghĩa của từng phần và đóng vai trò quan trọng với nó. “Đi theo dòng tư tưởng” của phân đoạn lớn hơn là chìa khóa để xác định đúng cách áp dụng cụ thể của phân đoạn với đời sống cá nhân chúng ta. “Dòng tư tưởng” đó không chỉ gồm đoạn ấy, chương ấy hay thậm chí cả sách, mà đôi khi còn liên quan đến vị trí của bản văn trong dòng chảy lịch sử – dòng chảy của cốt truyện trong Kinh thánh – vì những lời hứa và mục đích của Đức Chúa Trời được thực hiện qua Y-sơ-ra-ên, và sau này là qua hội thánh.
Nếu bỏ lỡ dòng tư tưởng này thì bạn rất dễ bỏ lỡ ý nghĩa. Nếu bỏ lỡ ý nghĩa thì bạn sẽ bỏ lỡ điều Chúa thật sự đang nói trong bản văn. Nếu bỏ lỡ điều đó thì…bạn sẽ bỏ lỡ mọi thứ. Tệ hơn nữa là bạn có thể tự hại mình và những người khác khi truyền đạt điều mà Chúa không liên quan gì đến như một bài học từ Ngài. Đôi khi tự nghiệm ra khái niệm này còn tốt hơn là được dạy về nó, nên hãy khám phá một số ví dụ để làm rõ luận điểm này.
Một ngày bằng cả ngàn năm
Thi thoảng, khi tranh cãi về tuổi của Trái đất, những người ủng hộ quan điểm về vũ trụ cổ xưa đã viện đến một câu từ 2 Phi-e-rơ để củng cố quan điểm rằng Sáng thế ký 1 kể đến một khoảng thời gian dài. Lý do họ đưa ra là “…trước mặt Chúa một ngày như nghìn năm…” (2 Phi 3:8). Ngày không phải lúc nào cũng có nghĩa là ngày, họ kết luận như vậy. Một ngày có thể là một thiên niên kỷ.
Dù cách dùng từ “ngày” đó có hợp lệ hay không thì đây không phải điều có trong đầu Phi-e-rơ. Ông đưa ra một lối so sánh đơn giản “một ngày như một nghìn năm”. Rồi ông lại đảo lại chính câu mình viết (một ý thường bị bỏ qua trong tranh luận này, “…nghìn năm như một ngày.” Tại sao lại có sự đảo ngược này?
Khi xét kỹ hơn đến dòng suy nghĩ của Phi-e-rơ (c. 3-8), chúng ta sẽ làm rõ được sự nhầm lẫn. Vào những ngày cuối cùng, ông nói rằng những kẻ nhạo báng sẽ đến thách thức lời hứa về sự tái lâm của Đấng Christ (c. 3-4). Không có gì xảy ra trong một khoảng thời gian dài như vậy nên sẽ không bao giờ có gì xảy đến đâu, họ khẳng định như vậy.
Phi-e-rơ nhắc cho họ nhớ rằng sự can thiệp đầy kịch tính của Đức Chúa Trời đã xảy ra, và còn nhiều điều nữa sẽ đến. Chắc chắn là kế hoạch của Chúa đang dần bày lộ, nhưng theo tốc độ của Ngài (c. 5-7). Những khẳng định có vẻ mâu thuẫn của Phi-e-rơ nhằm chỉ cho chúng ta biết rằng trải nghiệm cá nhân của Đức Chúa Trời về thời gian không hề giống với chúng ta. Với một đứa trẻ phải đợi điều gì đó đặc biệt trong một tuần thì một tuần đó dường như dài vô tận, còn với người lớn thì “năm tháng vụt qua.”
Ở đây, Phi-e-rơ không đưa ra hướng dẫn cụ thể nào về việc tính đếm thời gian. Thay vào đó, ông đang nhắc nhở chúng ta rằng cảm nhận của tâm lý về nhịp độ thời gian mang tính chủ quan. Ông cảnh báo chúng ta đừng để cảm giác chậm trễ quyến dụ. Một ngày hoặc thậm chí một ngàn năm trôi qua cũng chẳng là gì với Đức Chúa Trời (c.8). Với chúng ta, Ngài có vẻ chậm trễ ” như một số người nghĩ”. Nhưng Chúa không chậm chạp đâu, Ngài chỉ kiên ngẫn thôi. Ngài chậm đổ cơn thịnh nộ, nhưng mau bày tỏ lòng thương xót (c.9).
Đưa ra các ẩn dụ
Sau đây là những phân đoạn ưa thích của các mục sư vì chúng rất hữu dụng cho các bài giảng. Chúa Giê-su dẹp yên cơn bão. Phi-e-rơ đi bộ (trong phút chốc) trên mặt nước. Chúng ta thấy phần tường thuật về cơn bão biển trong Ma-thi-ơ 8:23-27, Mác 4:36-41, và Lu-ca 8:22-25, về việc Phi-e-rơ thử đi trên mặt biển trong Ma-thi-ơ 14:30-33. Điểm mấu chốt của bài giảng: Chúa Giê-su có thể “dẹp yên những cơn bão” trong đời sống bạn. “Hãy chăm xem Chúa Giê-su” và bạn sẽ không “chìm.”
Hãy để ý rằng khi dạy từ các sách Phúc âm (hoặc bất kỳ phần tường thuật nào liên quan đến vấn đề này), chúng ta dễ bị cám dỗ đưa ra những ẩn dụ về sự kiện kịch sử trong bản văn để đưa ra những ý hoàn toàn khác.
Hẳn rồi, nếu Chúa Giê-su có thể ra lệnh cho các thế lực tự nhiên thì Ngài hoàn toàn có khả năng dẹp yên bão tố trong đời sống chúng ta. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa rằng Ngài sẽ làm như vậy. Thay vào đó, Ngài có thể cùng chúng ta vượt qua chúng, một điều thường xảy ra hơn trong thực tế. (Như một người thầy của tôi trước đây chỉ ra, Chúa Giê-su không phải là cây cầu bắc qua cơn nước dữ, nhưng Ngài có thể kéo bạn qua cơn nước dữ nếu bạn có thể chịu được sức kéo.2).
Dù vậy, sự giúp đỡ của Chúa Giê-su trong lúc hoạn nạn không phải là lý do khiến phần tường thuật này ở trong mạch kể. Cùng lắm thì đó chỉ là một áp dụng thứ yếu, kém quan trọng hơn thôi. Các trước giả muốn đưa ra một điểm khác. Tại sao các trước giả được thần cảm lại đưa sự kiện này vào? Họ muốn chúng ta rút ra những kết luận nào từ đó?
Trong trường hợp này thì không có gì bí hiểm cả, vì chính phần tường thuật đã đưa ra câu trả lời – một điều dễ nhận thấy nếu bạn đi theo dòng chảy. Hãy để ý đến phần áp dụng gần như giống hệt nhau của các tác giả ở cuối mỗi tường thuật: “Môn đồ sợ hãi và kinh ngạc hỏi nhau: ‘Ngài là ai mà khiến cả gió lẫn nước cũng phải vâng lệnh Ngài?’” (Lu-ca 8:25)3 và “Những người trên thuyền quỳ lạy Ngài, và thưa rằng: ‘Thầy thật là Con Đức Chúa Trời!’” (Ma-thi-ơ 14:32-33).
Khi Chúa Giê-su làm những điều kỳ diệu này, các trước giả không biến các sự kiện ấy thành ẩn dụ. Họ không đưa ra những lời khuyên về việc chăm xem Chúa Giê-su là Đấng sẽ dẹp yên những xung đột trong đời sống chúng ta. Họ đưa những sự kiện này vào không hẳn là để lấy khả năng của Chúa Giê-su để an ủi chúng ta, mà để chỉ cho chúng ta thấy nhân dạng (bản chất) của Chúa Giê-su. Điều này nói về Ngài, không phải về chúng ta, về con người của Đấng Christ, không phải những nan đề riêng của chúng ta. Hẳn rồi, có một bài học về sự tin cậy giữa cơn khốn khó trong những tường thuật này (Chúa quở trách từng người về đức tin yếu ớt của họ), nhưng chỉ dẫn đó dựa trên một ý trọng tâm hơn: Chúng ta được chính Ông chủ của vũ trụ này săn sóc. Chúng ta được an toàn vì Giê-su là Đức Chúa Trời.
Đừng đưa ra những ẩn dụ từ các sự kiện lịch sử trong bản văn này. Đừng đưa một cách áp dụng thứ yếu vào cái chính yếu và bỏ lỡ điểm cốt yếu mà các trước giả đã đưa ra ngay từ đầu. Thay vào đó, hãy đặt câu hỏi rằng “Khi đưa sự kiện này vào, trước giả định truyền đạt điều gì? Điểm cốt yếu mà ông muốn nói là gì?” Sau đó, hãy nhìn vào dòng chảy để tìm câu trả lời và rút ra những bài học từ đó.
Mọi điều đều ích lợi cả
Một trong những lời hứa tuyệt vời nhất trong Kinh thánh nhưng gần như ai cũng hiểu lầm, ít nhất là một phần trong đó, ấy là Rô-ma 8:28, được trích dẫn không tới là “mọi sự hiệp lại làm ích” (hay ích lợi, tốt – N.D.).
Tuy nhiên, thực tế là không phải cái gì cũng thành ra “tốt”. Một số điều thành ra rất tệ, thậm chí với Cơ Đốc nhân. Bạn có thể cực kỳ nản lòng khi coi Rô-ma 8:28 là câu dự phòng trong những lúc khó khăn mà tình hình có vẻ không cải thiện.
Vấn đề không nằm ở lời hứa mà ở cách người ta đọc lời hứa. Đầu tiên, hãy xét đến câu Kinh thánh: “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài.” (Rô-ma 8:28).
Trước tiên, hãy để ý là có những cụm tạo sự tin cậy trong lời hứa này và có một từ hạn định. “Chúng ta biết”, “mọi sự” là những cụm tạo sự tin cậy. Tuy nhiên, một số người đọc lại bỏ qua từ hạn định: “cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời”, “cho những người được gọi theo ý định của Ngài”.
Mọi điều không làm ích cho tất cả mọi người. Với những người phải hứng chịu chúng thì hầu hết những nỗi sầu khổ của thế gian đều là uổng phí. Chỉ những người yêu mến Chúa, Cơ Đốc nhân đích thực theo nghĩa mà Phao-lô nói (“được gọi theo ý định của Ngài”) mới có thể trông cậy vào sự bảo đảm của Phao-lô.
Mặc dù vậy, người ta vẫn cứ băn khoăn: “Nhưng chẳng phải là những Cơ Đốc nhân tốt, tin kính, trung tín thường phải chịu những khốn khó dai dẳng, một số người phải vật lộn với nó cho tới khi xuống mồ sau? Thế thì có gì là “ích lợi” đây? Còn câu “Trời không tuyệt đường người” thì sao?”
Vấn đề là thế này. Chúng ta thường lấy cụm “hiệp lại làm ích” với nghĩa rằng mọi mất mát mà mình phải chịu trong đời sẽ được trả cả gốc lẫn lãi lúc về sau. Chúng ta chịu đau trong mối quan hệ để rồi sau này được kết hôn với một người phù hợp hơn nhiều so với người chúng ta đã mất. Rô-ma 8:28. Chúng ta mất việc để rồi về sau có được một vị trí ngon nghẻ hơn. Rô-ma 8:28.
Và đôi khi điều đó xảy ra. Có rất nhiều lời chứng như vậy. Nhưng đó không phải điều mà câu này hứa hẹn. Phao-lô nghĩ đến một điều hoàn toàn khác. Bạn sẽ tìm thấy điều đó khi đi theo dòng chảy đến câu tiếp theo: “Vì những người Ngài đã biết trước thì Ngài cũng định sẵn cho họ trở nên giống như hình ảnh Con Ngài” (Rô-ma 8:29).
Khi đối diện với những khốn khó, chúng ta công bố Rô-ma 8:28 với một ý niệm về “ích lợi” trong đầu, nhưng Đức Chúa Trời đã dành sẵn một “ích lợi” khác: Với Cơ Đốc nhân cam kết, Chúa hứa rằng Ngài dùng mọi gian khổ, thất vọng, rắc rối hay hoạn nạn là để khiến chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su hơn -–”giống như hình ảnh Con Ngài”.
Có thể bạn đánh mất một cô gái và cứ ở vậy – như Chúa Giê-su – đến hết đời. Có thể quyền chọn cổ phiếu của bạn không được như ý và bạn cứ nghèo – như Chúa Giê-su – đến hết đời. Có thể bạn bị khép vào cái tội mà mình không phạm phải và chịu bất công -–như Chúa Giê-su – đến hết đời.
Lời hứa của Chúa là không một điều nào trong số đó bị uổng phí. Đó là sự bảo đảm của Rô-ma 8:28-29. Và đó là “ích lợi” có thể nhận được – trở nên giống Chúa Giê-su. Chẳng còn ích lợi nào tốt hơn thế nữa.
Hai ba người nhóm lại
Người ta thường trích dẫn phân đoạn tiếp theo để tạo sự tin quyết cho nhóm cầu nguyện. Họ nói: “Chúa Giê-su đang ở đây cùng chúng ta vì suy cho cùng thì ‘nơi nào có hai, ba người nhân danh Ta họp nhau lại thì Ta sẽ ở giữa họ.’” (Ma-thi-ơ 18:20)
Tôi thường tự hỏi không biết những người dùng câu này theo cách đó có bao giờ tự vấn rằng Chúa Giê-su ở đâu khi họ cầu nguyện một mình trong nơi kín nhiệm, hoặc khi nhóm có bốn người hoặc hơn.4 Không, ở đây ý nói một điều khác. Một lần nữa, dòng chảy lại làm nên câu chuyện.
Giới từ “vì” ở đầu câu Kinh thánh (thường bị bỏ đi khi trích dẫn như trên) là manh mối đầu tiên cho thấy câu này không đứng một mình, nhưng là một kết luận ở cuối dòng lập luận. Nó nhắc chúng ta quay về câu trước, bắt đầu bằng cụm “Ta lại bảo”, vậy thì lại phải quay về trước nữa. Khi làm như vậy, chúng ta phát hiện ra rằng khái niệm “hai hoặc ba” được lặp lại nhiều lần trong phân đoạn, một ý niệm Chúa Giê-su lấy từ Phục truyền 19:15.
Dòng chảy cho thấy các câu 15-20 hình thành nên một đơn vị hướng dẫn về việc kỷ luật trong hội thánh, kẹp giữa hai bài học khác về sự ăn năn, tha thứ và phục hồi.5 Bài học của Chúa Giê-su ra từ một ý niệm thường thấy trong Luật pháp: “dựa vào lời của hai hoặc ba nhân chứng mà mọi lời được xác nhận.” (c. 16), ngôn ngữ chuyên môn của ngành luật đòi hỏi có nhiều lời khai để khẳng định một cáo buộc về hành vi sai trái.
Đây là luận điểm của Chúa Giê-su trong câu 20: Khi hội thánh làm theo quy trình cụ thể mà Ngài đã vạch ra để giải quyết vấn đề tội lỗi trong cộng đồng Cơ Đốc thì đội ngũ lãnh đạo có thể yên tâm rằng Ngài “ở cùng” quyết định của họ. Thật vậy, Chúa Giê-su “ở giữa họ”, trao thẩm quyền Ngài cho tiến trình này. Đây là một lời hứa thánh hóa một quy trình, không phải là lời hứa về sự hiện diện thánh trong nhóm cầu nguyện.
Trớ trêu thay là nhiều nhóm trích dẫn lời hứa này để trấn an bản thân rằng Chúa Giê-su hiện diện trong buổi cầu nguyện, còn rất ít người áp dụng bài học với việc kỷ luật trong hội thánh là điều Chúa Giê-su nghĩ đến ngay từ đầu.
Thịnh vượng, bình an và hy vọng
Tiếp theo là một trong những câu Kinh thánh được yêu thích nhất trong thời gian gần đây, nhưng cũng là câu bị lạm dụng nhất. Giê-rê-mi 29:11 chỉ chép rằng “Đức Giê-hô-va phán: “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng.”
Câu này xuất hiện ở khắp nơi, trên bookmark đánh dấu sách, miếng dán ô tô, áp phích, thiệp mừng tốt nghiệp, dòng chữ ký trong email, thậm chí còn được thêu lên gối như một lời hứa cá nhân của Chúa với mọi tín đồ trong cơn khốn khó.
Câu hỏi của chúng ta: liệu đây có phải một lời hứa Cơ Đốc thực thụ không? Chúng ta sẽ trả lời câu hỏi đó như trước – đi theo dòng chảy. Nhưng trong trường hợp này thì dòng chảy đưa chúng ta vượt qua cả câu, cả chương, thậm chí cả sách Giê-rê-mi nữa.
Bước đầu, hãy xét đến toàn bộ lời hứa chứ không chỉ là phần thường được trích dẫn.
“Đức Giê-hô-va phán: “Khi thời hạn bảy mươi năm cho Ba-by-lôn kết thúc, Ta sẽ thăm viếng các con, sẽ làm trọn lời hứa tốt lành cho các con, và đem các con trở về nơi nầy.” Đức Giê-hô-va phán: “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng. Bấy giờ các con sẽ kêu cầu Ta, chạy đến cầu khẩn Ta, và Ta sẽ nhậm lời các con. Các con sẽ tìm Ta và gặp được, khi các con tìm kiếm Ta hết lòng.” Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ cho các con gặp được Ta và sẽ đem các con về từ chốn lưu đày. Ta sẽ tập hợp các con lại từ mọi nước và mọi nơi mà Ta đã đuổi các con đến. Ta sẽ đem các con về nơi mà từ đó Ta đã lưu đày các con.” (Giê-rê-mi 29:10-14)
Hãy để ý rằng lời hứa này nhắm tới một nhóm người cụ thể (“Ta sẽ thăm viếng các con”), trong loạt hoàn cảnh đặc biệt (cuộc lưu đày đến Ba-by-lôn), câu mở đầu chương đã nêu những chi tiết này:
“Đây là lời lẽ trong bức thư mà nhà tiên tri Giê-rê-mi gửi từ Giê-ru-sa-lem cho các trưởng lão còn sót lại trong những người bị lưu đày, cho các thầy tế lễ, các nhà tiên tri và tất cả những người dân bị vua Nê-bu-cát-nết-sa bắt từ Giê-ru-sa-lem đày sang Ba-by-lôn.” (Giê-rê-mi 29:1)
Theo dòng tư tưởng thì bạn sẽ phát hiện thêm những giới hạn mà trước giả đặt trong lời hứa. Câu 2-7 cho thấy ý định của Đức Chúa Trời trong việc hạn chế lời hứa này với đúng loạt hoàn cảnh trong lịch sử của Giu-đa. Câu 10 xác định thời gian chính xác để lời hứa được ứng nghiệm (“Khi thời hạn bảy mươi năm cho Ba-by-lôn kết thúc”). Và câu 14 đưa ra nội dung cụ thể cho “chương trình bình an” và “tương lai…hy vọng” (“Ta sẽ tập hợp các con lại từ mọi nước và mọi nơi mà Ta đã đuổi các con đến.”)
Như vậy là trong Giê-rê-mi 29, Đức Chúa Trời không ban một lời hứa mơ hồ, khái quát về sự thịnh vượng cho mọi tín đồ trong mọi thời đại. Thật vậy, thần học Tân Ước về sự chịu khổ lại đảm bảo điều ngược lại cho chúng ta.6 Thay vào đó, Chúa ban một sự bảo đảm cụ thể về một lợi ích đặc biệt cho một nhóm người riêng tại một thời điểm chính xác. Đây chính là ý hiểu của Đa-ni-ên về sách Giê-rê-mi vào 70 năm sau, khi ông đọc phân đoạn này, rồi hạ mình xưng nhận và ăn năn thay cho dân mình để kích hoạt sự phục hồi mà Chúa đã hứa (Đa-ni-ên 9:1 và các câu tiếp theo).
Một vấn đề nữa với những người muốn áp dụng lời hứa của Giê-rê-mi với chính mình, ấy là ngay cả những người nhận thư cũng không thể làm như vậy. Lời của Giê-rê-mi không dành cho từng người đi lưu đày – các trưởng lão, thầy tế lễ, nhà tiên tri, dân sự – vì thực tế là không ai sống đủ lâu để hưởng được điều đó. Đó là lời hứa về sự bình an, thịnh vượng trong tương lai cho một dân tộc, không phải lời hứa thịnh vượng cho một người cụ thể nào.
Một điều nữa mà tôi muốn bạn để ý, đó là có hai chứ không phải một dự báo trong chương này dành cho dân Chúa. Dự báo đầu tiên rất quen thuộc, lời hứa đầy khích lệ về sự phục hồi, bình an, một tương lai và một hy vọng. Dự báo thứ hai cũng đưa ra một sự bảo đảm, nhưng ở dạng hoàn toàn khác:
“Đây là lời Đức Giê-hô-va vạn quân phán: “Nầy, Ta sẽ sai gươm đao, đói kém, và dịch bệnh đến trên chúng; Ta sẽ làm cho chúng giống như những trái vả thối rữa, hư hoại đến nỗi không thể ăn được. Ta sẽ sai gươm đao, đói kém và dịch bệnh đuổi theo chúng. Ta sẽ biến chúng thành nỗi kinh hoàng cho mọi vương quốc trên đất, một lời nguyền rủa, một thứ ghê tởm, một trò cười, một điều sỉ nhục giữa mọi dân tộc mà Ta đã đuổi chúng đến.” (Giê-rê-mi 29:17-18)7.
Ai muốn thêu điều đó lên gối đây? “Chúng” trong hai câu đáng ngại này cũng là người Do Thái, những người không chịu nghe lời Giê-rê-mi và đi lưu đày cùng những người khác, mà đi theo sự lãnh đạo của những tiên tri giả và ở lại Giê-ru-sa-lem.
Vậy là Giê-rê-mi 29 ghi lại hai chương trình riêng và trái ngược nhau cho dân Chúa: một là bình an chứ không phải tai họa, hai là tai họa chứ không phải bình an. Với những người đi tìm lời hứa cá nhân trong phân đoạn này thì chương trình nào đúng với họ đây? May thay là phân đoạn này không dự báo tai họa trên tôi và bạn. Nhưng nó cũng không dự báo sự bình an. Cả hai dự báo trong phân đoạn này đều dành cho chi phái Giu-đa và chỉ Giu-đa mà thôi.
Có một “dòng tư tưởng” cuối cùng mà bạn không được bỏ qua; nó chi phối ý nghĩa của chương này: Dòng quan hệ giao ước lớn hơn của Đức Chúa Trời với Y-sơ-ra-ên. Nó nằm ở ngay đầu lời hứa, nhưng có thể bạn đã bỏ qua:
“Khi thời hạn bảy mươi năm cho Ba-by-lôn kết thúc, Ta sẽ thăm viếng các con, sẽ làm trọn lời hứa tốt lành cho các con, và đem các con trở về nơi nầy.” Đức Giê-hô-va phán: “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con…”
Có vẻ như những chương trình này là những hoạch định mà Đức Chúa Trời đã nói từ trước – không mới mà chỉ khẳng định lại một lời hứa từ trước. Đúng là như vậy.
Hãy nhớ rằng ở thời điểm này trong lịch sử thì có hai giao ước còn hiệu lực với dân Do Thái. Một là Giao ước vô điều kiện với Áp-ra-ham (Sáng 12:1-3) khi Chúa hứa bảo vệ dòng dõi Áp-ra-ham; sau cùng họ sẽ mang đến phước hạnh cho mọi dân trên đất.8 Hai là giao ước có điều kiện với Môi-se (Lê-vi ký, Phục truyền luật lệ ký) hứa ban sự thịnh vượng cho người vâng lời và sự rủa sả cho kẻ bất tuân.9
Giê-rê-mi đang viết để cảnh báo một dân tộc bất tuân rằng họ sắp phải chịu những hậu quả đã hứa từ trước (Giao ước với Môi-se), nhưng cũng nhắc dân Chúa nhớ đến lời hứa Ngài về sự phục hồi sau cùng (giao ước với Áp-ra-ham).10 Cả phước lành và sự rủa sả với những người nghe Giê-rê-mi chính là điều Đức Chúa Trời đã hứa từ gần một ngàn năm trước:
“Khi tất cả những điều nầy đã xảy đến cho anh em, tức là các phước lành và lời nguyền rủa mà tôi đã đưa ra trước mặt anh em, và khi đang sống giữa các nước mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đày anh em đến, anh em biết hồi tâm suy nghĩ đến những điều đó mà quay lại với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và anh em cùng con cái mình hết lòng hết linh hồn vâng theo tiếng phán của Ngài, như mọi điều tôi truyền cho anh em hôm nay, thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ giải cứu anh em khỏi cảnh lưu đày, sẽ thương xót anh em và sẽ tập hợp anh em về từ mọi dân tộc mà Ngài đã phân tán anh em. (Phục truyền 30:1-3).
Hãy để ý đến những phân đoạn in nghiêng gần như lặp lại từng từ những gì chúng ta thấy trong lời hứa của Giê-rê-mi 29:12-14.11 Không có gì mới ở đây cả. Chúa chỉ đang khẳng định lại sự thành tín Ngài trong giao ước với tuyển dân của Ngài trong thời kỳ họ bình trừng phạt nặng nề. Có những chương trình ngắn hạn về việc kỷ luật, và cả những chương trình dài hạn về sự thịnh vượng. Cả hai đều hoàn toàn khớp với những giao ước mà Đức Chúa Trời đã hứa cho Y-sơ-ra-ên.
Cả hai chương trình đều không liên quan trực tiếp đến các Cơ Đốc nhân thời Tân Ước. Hội thánh phải lấy những lời hứa cho mình từ các phân đoạn khác.12
Chúa Giê-su đã làm gì?
Khi đối cùng người Sa-đu-sê trong câu hỏi về sự sống lại, Chúa Giê-su đã làm gì? Ngài đã khiển trách họ: “Các ngươi lầm rồi, …không hiểu Kinh Thánh.” (Ma-thi-ơ 22:29).
Khẳng định này chỉ rõ hai điều. Một là trong đầu Chúa Giê-su có những câu trả lời đúng và sai đối với những câu hỏi thần học, và trong trường hợp này người Sa-đu-sê đã sai. Hai là họ đuối lý, một phần vì họ không hiểu bản văn.
Đức Chúa Trời hứa rằng Lời Ngài sẽ không trở về luống không, nghĩa là Lời Chúa sẽ hoàn tất trong những việc Ngài giao (Ê-sai 55:1). Tuy nhiên, nếu bạn dùng Lời Chúa theo cách không đúng với điều Chúa đã định thì nó sẽ chẳng ích lợi gì cho bạn. Những nỗ lực của bạn sẽ trở về luống không. Thay vào đó, hãy đi theo dòng chảy và bạn sẽ khó bỏ lỡ những điều quyền năng mà Đức Chúa Trời đang phán với cá nhân mình trong Lời Ngài.
Tác giả bài viết: Greg Koukl là Người Sáng Lập và Giám Đốc của tổ chức Biện giáo Cơ Đốc Stand to Reason. Greg đã xuất bản hơn 180 bài báo và đến trò chuyện tại gần 60 trường Cao Đẳng và Đại Học ở Hoa Kỳ và các nước khác. Greg nhận bằng Thạc Sỹ Triết học Tôn giáo và Đạo đức tại Trường Thần học Talbot và tốt nghiệp hạng ưu. Ông cũng nhận bằng Thạc Sỹ Biện Giáo Cơ Đốc từ Đại học Simon Greenleaf. Ông là giáo sư thỉnh giảng môn Biện Giáo Cơ Đốc ở Đại học Biola. Ông dẫn chương trình radio của chính mình với hơn 20 năm chủ chương Cơ Đốc giáo rành mạch và bảo vệ thế giới quan Cơ Đốc.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Chú thích:
1 Tìm trong trang web str.org theo các từ khóa “Explore,” “Formats,” “Solid Ground.”
2 Tôi có được nhìn nhận này là nhờ Tom Brewer.
3 So sánh với Mác 4:41, Ma-thi-ơ 8:27.
4 Tất nhiên là Chúa Giê-su ở cùng chúng ta dù chúng ta có cầu nguyện khi nào, ở đâu, nhưng đó không phải ý nghĩa của phân đoạn này.
5 So sánh với c. 12-14 và c. 21-35.
6 Tân Ước đầy những dẫn chứng, nhưng với những người mới bắt đầu thì hãy đọc xuyên suốt 1 Phi-e-rơ, đặc biệt là phân đoạn 1:6-7, 2:19-21, 4:1, 4:12-19, và 5:8-10.
7 Câu 15-32 nêu toàn bộ lời tiên tri.
8 Một lời hứa được hoàn tất qua Chúa Giê-su và Giao ước Mới.
9 Tìm những chi tiết này trong Phục 28-30.
10 Tìm những lời hứa theo giao ước về đất đai trong Sáng 15:18-21.
11 Cũng hãy xem Phục 4:24-31.
12 VD: “Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng bỏ con đâu.” Hê 13:5, v.v.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!