3 CHÌA KHÓA CHO SỰ RAO GIẢNG ĐẦY QUYỀN NĂNG CỦA MARTIN LUTHER KING
Đã hơn 60 năm trôi qua kể từ cuộc tuần hành dân quyền nổi tiếng ở Washington, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khoảnh khắc gây chấn động nhất của sự kiện lịch sử này lại là sứ điệp của Tiến sĩ Martin Luther King, Jr. – một trong những bài phát biểu mang tính biểu tượng của lịch sử Hoa Kỳ. Đoạn điệp khúc đã in sâu vào ký ức của người Mỹ đến nỗi hầu hết mọi người đều gọi đơn giản là bài phát biểu “Tôi có một ước mơ”. Dưới đây là một vài điều về sứ điệp của Tiến sĩ King mà nếu được áp dụng, chúng có thể củng cố sâu sắc sự rao giảng Cơ đốc ngày nay.
Martin Luther King (15/1/1929 – 4/4/1968)
Lời Giảng Của Ông Động Chạm Đến Lương Tâm
Bài học chính mà chúng ta cần rút ra từ bài phát biểu này chính là cách nó động chạm đến lương tâm người nghe. Một phần sức hút của bài phát biểu đến từ nơi ông đứng, ngay trước tượng đài Người Giải phóng Vĩ đại. Một phần sức hút lại đến từ cộng đồng xung quanh, bao gồm một đám đông hùng hậu có cả nam giới, phụ nữ và trẻ em đang tập trung tại thủ đô Hoa Kỳ để yêu cầu quy đổi “tấm séc” ẩn dụ về quyền bình đẳng được đảm bảo trong bản Tuyên ngôn Độc lập. Nhưng phần lớn sức hút đằng sau bài phát biểu này đến từ cách mà King động chạm đến chính lương tâm của người nghe.
Ông bắt đầu sứ điệp bằng sự tương phản giữa lời hứa kết thúc sự bất công của chế độ nô lệ và sự bất công đang diễn ra trong bộ luật Jim Crow. Sự tương phản này tương đồng về nội dung, tuy có chút khác biệt về cách hùng biện, với Bức thư từ Nhà tù Birmingham. Để chống lại cái gọi là “những người ôn hòa da trắng”, những người khuyên rằng nên “kiên nhẫn”, King đã chỉ ra ” tình trạng kinh hoàng” khiến một lượng lớn người Mỹ vẫn là kẻ lưu vong trên chính xứ sở của mình. Với sự bất công như vậy thì không có chỗ cho “liều thuốc an thần của chủ nghĩa tuần tiến (hay phát triển dần dần)”.
Vậy, King đã làm gì? Ông đã làm đúng như những gì các nhà tiên tri thời Cựu ước làm với Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, đó là chỉ ra tội lỗi và sự phán xét, ngầm cảnh báo về công lý của Đức Chúa Trời. Chúng ta thường nghe những mô tả châm biếm việc giảng về “lửa địa ngục và diêm sinh” của người Tin lành. Nhưng tôi nghĩ là nhiều năm nay mình không được nghe một bài giảng về lửa địa ngục và diêm sinh nào. Hầu hết các hội thánh Tin lành đều nhẹ nhàng nói về tội lỗi trong khía cạnh những hậu quả cần phải tránh. Trên thực tế, hầu hết những bài giảng mà tôi nghe về tội lỗi và sự phán xét nghe rất giống vị nha sĩ bảo tôi là tôi nên dùng chỉ nha khoa nhiều hơn. Tôi cảm thấy có lỗi và tôi biết anh ta nói đúng, nhưng đó không phải là một lời nói siêu việt, không phải.
Tuy nhiên, những lời mà King dùng trong bài truyền giảng rất có chủ ý cộng hưởng với nhịp điệu của bản dịch Kinh Thánh King James. Ông muốn người nghe tự đối chất với chính lương tâm mình về những gì họ nói rằng mình tin. Dù cam kết giáo lý cá nhân của King là gì hay không là gì, ông cũng không giảng về Fosdick hay Tillich hay là Niebuhr. Mà ông đã giảng cho người Mỹ về nhà khai quốc Jefferson, Madison hay tổng thống Lincoln, đồng thời giảng cho những Cơ Đốc Nhân về A-mốt, Ê-sai và Chúa Giê-su. Và khi lương tâm được tái sinh giáp mặt với Chúa Giê-xu, họ nhớ lại những gì Người chăn chiên xứ Ga-li-lê đã nói, “Chiên Ta nghe tiếng Ta…”
Lời Giảng Của Ông Kích Thích Trí Tưởng Tượng của Người Nghe
Nhưng King không chỉ rao giảng về sự phán xét. Sau tất cả, Malcolm X có thể rao giảng sự phán xét, và thật, ông đã làm được, nhưng bằng các thuật ngữ Hồi giáo cực đoan. King biết rằng những lập luận của ông sẽ không thể dung hòa với lương tâm Cơ Đốc trừ phi chúng chạm đến trí tưởng tượng liên hệ đến Đấng Christ. Cho nên ông mới nói về một ước mơ. Điều King làm đơn giản chỉ là để người nghe tưởng tượng đến viễn cảnh ngược với tình trạng kinh hoàng. Nếu tiếng chuông tự do được rung lên “từ mọi ngọn đồi và mô đất ở Misissippi.” Ông cũng không vẽ ra một tương lai đơn giản là sự tự do cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Ông nhận ra rằng thù hận chỉ là gánh nặng cho con tim và lương tâm. Những người vang lên khúc ca “Cuối cùng cũng được tự do!” không chỉ là đàn ông và phụ nữ da đen, mà là tất cả mọi người. Tương lai ông vẽ ra là viễn cảnh mà “con cái của người từng làm nô lệ và con cái của người từng làm chủ nô có thể ngồi ăn chung với nhau như những người anh em.”
King học ở đâu ra lối nói vừa lên án dữ dội vừa mời gọi nồng ấm trong cùng một bài diễn văn như vậy? Tôi nghĩ là ông học được điều đó ở những băng ghế nhà thờ, nơi ông vẫn nghe người ta giảng phúc âm. Ông nhìn thấy một tương lai không để yên cho tội lỗi. Chúa Giê-su, giống như các tiên tri trước Ngài và các sứ đồ sau Ngài, luôn chỉ ra tội lỗi, không phải bằng những thuật ngữ trừu tượng chung chung, nhưng chỉ ra mọi cách mà tội nhân có thể viện đến để tội lỗi mình dễ chấp nhận hơn.
Suy cho cùng thì những người Pha-ri-si không bất kính với cha mẹ mình, họ chỉ dùng số tiền đó làm của dâng cho Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su cũng hay ngăn cản những người muốn theo Ngài bằng cách chỉ ra rằng Ngài không chắc họ có hiểu được Phúc âm của Ngài đối nghịch với cuộc sống của họ như thế nào.
Ông Rao Giảng Về Ân Điển
Sự rao giảng Phúc âm trong Kinh Thánh không chỉ có sự phán xét. Chúa Giê-su trình bày về một vương quốc, nơi mà Ngài luôn miêu tả rằng có cả những người cảm thấy mình không được chào đón. Ngài bảo chúng ta hình dung đến việc hòa cùng bầy chủ-tớ trong tương lai. Ngài bảo chúng ta tưởng tượng đến những chuyện chúng ta không dám nghĩ đến, rằng Phúc âm thực sự là tin tốt lành cho chúng ta. Tức là khiến chúng ta sửng sốt như lời bài hát phúc âm cổ mà tôi vẫn hay hát trong dàn hợp xướng thời ấu thơ rằng “Chắc hẳn là con cũng nằm trong đó rồi!”
Tôi tự hỏi lời rao giảng của chúng ta sẽ có trọng lượng hơn biết bao nếu chúng ta nhớ truyền ra công lý của Đức Chúa Trời, nhưng luôn kèm theo sự chào đón của Ngài, qua việc công bố về một Đức Chúa Trời, trong Đấng Christ chịu đóng đinh, vừa là Đấng công chính vừa là Đấng xưng công chính cho người có đức tin nơi Chúa Giê-su (Rô-ma 3:26).
Khi nhớ về cuộc đời của Tiến sĩ King, chúng ta hãy nhắc nhở bản thân rằng nước Mỹ phải đi bao xa để thấy được lời hứa về công bằng chủng tộc được thực hiện. Là Cơ Đốc Nhân, hãy nhớ rằng chúng ta phải đi bao xa để thấy được sự hiệp nhất phúc âm trong các hội chúng của mình. Nhưng cũng hãy nghĩ về lý do khiến bài phát biểu này vẫn còn trong tâm trí chúng ta sau hơn năm mươi năm và có lẽ chúng ta có thể học được điều gì đó về cách chạm đến lương tâm và trí tưởng tượng bằng ân điển của phúc âm.
Hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ nói trước hàng nghìn người ngay trước bức tượng tổng thống Lincoln. Nhưng nhiều người trong chúng ta sẽ đứng trước những nhóm người nhỏ, trước vô số các thiên sứ không thể nhìn thấy và những người chứng kiến như đám mây rất lớn. Hãy rao giảng chạm đến lương tâm. Hãy rao giảng chạm đến trí tưởng tượng. Hãy rao giảng tin dữ bằng tiếng sấm truyền và tin lành bằng tiếng cười. Hãy chỉ ra nơi nào chúng ta đang cố gắng trốn khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời và nơi nào chúng ta đang cố gắng trốn khỏi lời mời của Ngài.
Hãy trở thành những người giảng về lửa địa ngục và về vương quốc Đức Chúa Trời, những người biết cảnh báo nhưng cũng biết chào đón, biết than khóc nhưng cũng biết ước mơ.
Russell Moore
Tác giả bài viết: Russell Moore là Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo & Đạo đức Báp-tít Nam Phương. Ông từng làm Chủ nhiệm Khoa Thần học tại Chủng viện Thần học Báp-tít Nam Phương. Tiến sĩ Moore là tác giả của cuốn The Kingdom of Christ: The New Evangelical Perspective (Crossway, 2004) và Adopted for Life: The Priority of Adoption for Christian Families and Churches (Crossway, May 2009). Ghé thăm trang web của ông tại RussellMoore.com.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.christianity.com/church/pastors/3-keys-to-martin-luther-king-s-powerful-preaching.html, truy cập ngày 14/02/2022