KINH THÁNH VÀ TƯ DUY PHẢN BIỆN
Giangluankinhthanh.net – Những Cơ đốc nhân tin và coi trọng sự dạy dỗ của Kinh Thánh hay bị coi là những người có tư duy “bảo thủ,” “cổ hủ,” hoặc “nhẹ dạ” và không biết “tư duy phản biện.” Việc hiểu chưa thấu đáo một vài chỗ Kinh Thánh cũng khiến nhiều Cơ đốc nhân e ngại khi nghe đến khái niệm này. Tuy nhiên, một đặc điểm của Cơ đốc nhân trưởng thành là người “nhờ thực hành mà luyện tập khả năng phân biệt điều lành và điều dữ” (Hê-bê-rơ 5:14).
Nhiều Cơ đốc nhân ngại động đến tư duy phản biện. Họ đánh đồng cụm này với sự hoài nghi, “chỉ trích” Kinh thánh và đức tin nói chung; cho nên họ không muốn dính dáng gì đến nó. Người ta dạy “tư duy phản biện” ở các trường đại học và những nơi dùng lý trí và logic để dụ dỗ bọn trẻ xa rời đức tin mà cha mẹ chúng đã dạy. Đúng là các giáo sư trong trường đại học thường lôi kéo con cái chúng ta dưới danh nghĩa “tư duy phản biện” nhưng thái độ hoài nghi vô tín của họ không đáng được gọi là “tư duy phản biện.” Nó không mang tính “phản biện” một chút nào, ít nhất là theo nghĩa trong Kinh thánh.
Nói như vậy vì Kinh thánh dùng từ “phản biện” hay “phân tích” với vai trò rất quan trọng. Từ “phản biện” bắt nguồn từ một từ thông dụng trong tiếng Hy Lạp là krites, nghĩa là “thẩm phán” (hay người phân xử/phán xét) và xuất hiện dưới nhiều dạng liên quan (krima, krivo, krisis, v.v.). Có lẽ từ có cách phát âm gần nhất với phản biện -–critical trong tiếng Anh là kritikos, nghĩa là “có thể phân xử” (hay xét đoán, phân biệt), chỉ xuất hiện một lần trong Tân Ước nhưng lại gắn với Lời Chúa: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, phán đoán [phân xử/ phán xét/xét đoán – kritikos] các tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12). Rõ ràng là câu Kinh thánh này nói lên một điều gì đó về tư duy “phản biện”; thực ra, chính Kinh thánh đã đặt ra tiêu chuẩn căn bản cho tư duy phản biện tin kính.
Kinh thánh mô tả chính Đức Chúa Trời là Đấng phán xét công chính, công minh và tối thượng (Sáng thế ký 18:25 [o krivov]; 1 Phi-e-rơ 2:23; 2 Ti-mô-thê 4:8, Hê-bơ-rơ 9:27; 12:23), Đấng đánh giá và báo trả mọi công việc một cách có suy xét (Truyền đạo 11:9, 12:14, Rô-ma 2:6, 2 Ti-mô-thê 4:1, 1 Phi-e-rơ 1:17), thậm chí xét đoán cả những điều kín giấu (1 Cô 4:4-5; 2 Cô 4:2) và là người chủ trì trong sự phán xét cuối cùng (Thi 1:5, Giăng 5:29, Công vụ 10:42; 17:31; Rô-ma 2:16, Hê-bơ-rơ 10:31, 1 Giăng 4:17).
Thậm chí vì những mục đích giáo huấn, chúng ta có thể nói rằng Kinh thánh mô tả Đức Chúa Trời như Nhà Tư duy Phản biện tối thượng, công minh và công chính. Chúng ta có thể ủng hộ nhận định trên với điều kiện là phải bỏ những thứ liên quan đến chủ nghĩa nhân văn và thái độ hoài nghi khỏi cụm từ “tư duy phản biện.” Nếu có thể thừa nhận Lời Chúa là tiêu chuẩn cho tư duy phản biện thi chúng ta sẽ có một giáo lý đúng đắn, mạnh mẽ và đầy thách thức về tư duy phản biện. Theo cách này, chúng ta có thể cứu lấy sự phán xét và phân biệt tin kính khỏi tâm trí và ý định băng hoại của những người theo chủ nghĩa nhân văn.
Chính Chúa Giê-su, hiện thân và gương mẫu cho tư duy tin kính của con người, đã có tư duy phản biện (sự phán xét) tin kính, vâng theo ý muốn của Chúa Cha: Ta phán xét [krivo] theo điều Ta nghe, và sự phán xét [krisis] của Ta là công minh, vì Ta không tìm ý riêng mình, nhưng tìm ý của Đấng đã sai Ta (Giăng 5:30). Chúng ta không nên né tránh tư duy phản biện; mà nên có tư duy phản biện tin kính trong sự thuận phục Cha chúng ta ở trên trời như Chúa Giê-su vậy. Vì Ngài là Đấng phán xét công chính nên chúng ta cũng cần cố gắng phân biệt, tìm hiểu và ra quyết định dựa trên tư duy phản biện công chính. Trên thực tế, chúng ta phải có tư duy phản biện. Mọi quá trình ra quyết định đều cần đến tư duy phản biện; chúng ta không thể né tránh nó. Vấn đề không phải là có tư duy phản biện hay không, vấn đề là có tư duy phản biện tốt (khôn ngoan, phân biệt, xét đoán) hay tư duy phản biện tồi (ngu dại, lười biếng, nổi loạn).
Nghĩa vụ xét đoán hay phán xét nghe có vẻ lạ lẫm với Cơ Đốc nhân vì chúng ta thường nghe rằng Đừng xét đoán ai để các con khỏi bị xét đoán (Ma-thi-ơ 7:1). Thật vậy, chúng ta không nên phán xét những người khác theo nghĩa là chỉ ra tội lỗi và sai lầm của họ trong khi phớt lờ những điều đó nơi chính mình, hoặc bắt họ phải tuân theo những tiêu chuẩn tôn giáo không cần thiết mà Kinh thánh không đòi hỏi (Rô-ma 2:1; 14:4; Cô-lô-se 2:16; Gia-cơ 2:4; 4:11; 5:9). Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta không hề xét đoán hay phán xét gì cả. Chúa Giê-su có ra lệnh cho chúng ta xét đoán bằng tư duy phản biện theo lẽ công chính: Đừng xét đoán [krinete] theo bề ngoài, nhưng hãy xét đoán [krisin] theo lẽ [sự xét đoán – krinete] công chính. Nói cách khác là hãy cố gắng khiến những nhận định hay phán xét (và cả đời sống nữa!) của mình tương ứng với tiêu chuẩn của luật pháp Chúa. Khi ấy, sự trung thực và chân lý sẽ được “truyền” cho tư duy của bạn theo điều răn thứ chín. Những tiêu chuẩn tin kính khác như khiêm nhường và khoan dung sẽ khiến bạn tự xét chính mình trước (nên không vội vàng xét đoán người khác nữa, Ma-thi-ơ 7:1; Gia-cơ 1:19).
Chúng ta nên bắt đầu dạy dỗ con cái mình có tư duy phản biện theo tiêu chuẩn Kinh thánh từ tấm bé. Việc dạy dỗ cho khôn ngoan và biết xét đoán đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong giáo dục. Thực ra thì Châm ngôn của Sa-lô-môn nhắm vào sự dạy dỗ đó:
Để học biết sự khôn ngoan và lời khuyên dạy,
Để hiểu rõ những lời thông sáng,
Để nhận lãnh lời khuyên dạy sáng suốt,
Để sống ngay thẳng, công minh và chính trực;
Giúp cho người đơn sơ trở nên khôn khéo,
Người trẻ tuổi thêm tri thức và thận trọng.
Người khôn ngoan sẽ nghe và tăng thêm kiến thức,
Người hiểu biết sẽ tìm được lời hướng dẫn,
…
Kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu tri thức (Châm ngôn 1:2-7).
Quá trình học hỏi và dạy dỗ để biết xét đoán tốt cần đến mối quan hệ thân mật và sự say mê lời Chúa:
Hỡi con ta, nếu con tiếp nhận lời ta dạy
Và trân trọng tuân giữ các điều răn của ta,
Lắng tai nghe điều khôn ngoan,
Hướng lòng con về sự thông sáng;
Phải, nếu con cầu xin sự thông sáng
Và cất tiếng khẩn nài sự hiểu biết,
Nếu con tìm nó như tìm tiền bạc,
Kiếm nó như kiếm báu vật kín giấu,
Bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va
Và tìm được tri thức về Đức Chúa Trời.
Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan;
Từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng.
Ngài dành sự khôn ngoan thật cho người ngay thẳng;
Ngài là thuẫn đỡ cho người sống chính trực,
Để bảo vệ con đường của người công chính
Và giữ gìn các lối của thánh đồ Ngài.
Bấy giờ con sẽ hiểu biết sự công chính và công minh,
Sự chính trực và mọi đường lối tốt đẹp. (Châm ngôn 2:1-9)
Những bậc cha mẹ và người lớn chưa bao giờ được nhấn mạnh điều này trong quá trình học tập của họ (kể cả trong trường Chúa nhật) cũng cần học và thực hành kỹ năng tư duy phản biện của mình trước Chúa. Quá trình này bắt đầu từ khao khát áp dụng các tiêu chuẩn của Chúa vào mọi lĩnh vực của đời sống. Tư duy phản biện đơn thuần là tư duy tin kính, và tất cả chúng ta đều có thể sử dụng nó nhiều hơn.
Công tố viên của Đức Chúa Trời
Phao-lô tránh xa sự khôn ngoan của thế gian, thay vào đó, ông ủng hộ tiêu chuẩn của sự khôn ngoan Đức Chúa Trời. Ông kêu gọi Cơ Đốc nhân suy xét mọi sự:
Tuy nhiên, với những người trưởng thành, chúng tôi cũng rao giảng sự khôn ngoan, nhưng không phải sự khôn ngoan của đời nầy, hoặc của những nhà lãnh đạo đời nầy là những người sẽ phải qua đi. Nhưng chúng tôi rao giảng sự khôn ngoan, mầu nhiệm và kín giấu của Đức Chúa Trời, điều đã được Đức Chúa Trời định sẵn từ trước các thời đại cho
sự vinh quang của chúng ta… Nhưng, chúng ta không nhận lấy linh của thế gian mà là Thánh Linh từ Đức Chúa Trời, để có thể hiểu được những ân tứ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Chúng tôi truyền đạt điều nầy, không nhờ những ngôn từ học hỏi được nơi sự khôn ngoan của loài người, nhưng nhờ sự chỉ dạy của Thánh Linh, dùng lời lẽ thuộc linh giãi bày những chân lý thuộc linh. Người không có Thánh Linh không nhận được những điều từ Thánh Linh của Đức Chúa Trời, bởi người ấy xem những điều nầy là điên rồ và không thể hiểu được, vì phải được phán đoán cách thuộc linh [avakrinei: suy xét]. Nhưng, người có Thánh Linh thì xét đoán mọi sự, còn chính người ấy thì không bị ai xét đoán [anakrinetai]. (1 Cô 2:6-7, 12:15).
Từ krino (xét đoán) lại xuất hiện một lần nữa, nhưng ở dạng biến thể một cách có chủ đích -–ana-krino, về cơ bản thì nó mô tả công việc của một người đối chất (cross-examiner) tại phòng xử án. Cơ Đốc nhân phải suy xét mọi thứ theo tiêu chuẩn Lời Chúa. Chúng ta phải đóng vai trò làm công tố viên, thẩm vấn và xem xét lời chứng của xã hội loài người và vạch trần những tư tưởng sai lệch của nó. Làm vậy là làm chứng và phục tùng quyền tể trị tối thượng của Đức Chúa Trời, và tiêu chuẩn cao mà Đấng Christ đặt ra cho dân Ngài:
Vì ai đã biết được tâm trí của Chúa,
Để chỉ bảo Ngài?
Nhưng chúng ta có tâm trí của Đấng Christ. (1 Cô 2:16. Xem Ê-sai 40:13-14).
Các cuốn sách Cơ Đốc về triết lý và logic thường nhắc tới việc sử dùng từ “biện luận” trong Ê-sai 1:18:
Đức Giê-hô-va phán:
“Bây giờ hãy đến, để chúng ta biện luận với nhau:
Dù tội các ngươi đỏ như son,
Sẽ trở nên trắng như tuyết;
Dù đỏ thắm như vải điều,
Sẽ trở nên trắng như lông chiên.”
Tuy nhiên ở đây, tiếng Hê-bơ-rơ chỉ dùng dạng đặc biệt của từ “phán xét” hoặc “khiển trách”, và đặc biệt áp dụng với bối cảnh phòng xử án. Cách dịch “biện luận” ngày nay mang ngụ ý học thuật hoặc tư duy cá nhân, khiến chúng ta xa rời bối cảnh mà Ê-sai đặt ra, ấy là Đức Chúa Trời kiện Y-sơ-ra-ên vì vi phạm các luật trong giao ước Ngài (đọc Ê-sai 1:1-17, sau đó đọc câu 18-20). Vì lý do này, Ê-sai gợi lên cảnh tượng một phòng xử án, nơi Chúa thách thức Y-sơ-ra-ên rằng “chúng ta hãy đến, tranh luận với nhau trước tòa” [1] Có lẽ bản dịch sát nghĩa với nghĩa này nhất trong tiếng Việt là Bản dịch Mới:
“CHÚA phán: ‘Bây giờ, chúng ta hãy đến, tranh luận với nhau.’’ Đức Chúa Trời đưa Y-sơ-ra-ên vào một cuộc tranh luận bằng tư duy phản biện coi Lời Ngài là tiêu chuẩn. Nếu khôn ngoan ra thì Y-sơ-ra-ên nổi loạn đã chấp nhận những điều khoản nhân từ của Ngài, vì họ không thể nào lập luận lại được các điều khoản giao ước của Đức Chúa Trời. Ngài đưa ra thách thức để thúc tư duy của họ trở về thực tại, như thể Ngài nói rằng “chúng ta hãy tranh luận với nhau” để “xem Ta có buộc tội ngươi vô cớ không”[2] Kết luận logic duy nhất mà Y-sơ-ra-ên có thể đưa ra đòi hỏi họ phải ăn năn và vâng phục luật pháp Ngài. Nhưng Đức Chúa Trời lại kêu gọi họ rút ra kết luận logic này.
Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp dùng một từ rất mạnh và rõ ràng để mô tả sự “biện luận” này trong Ê-sai 1:18 – dielegchthomen, phiên bản nâng cao của từ elengchi (“khiển trách” hoặc “kết tội”); điều này đóng vai trò quan trọng trong khái niệm về lẽ thật kinh thánh và suy nghĩ tin kính. Phiên bản này nghĩa là “bác bỏ hoàn toàn” mà Plato (Gorgias, 457e), Aristotle và những người khác đã dùng đến nó. Trong ngữ cảnh của Ê-sai 1:18, rõ ràng là điều này nói đến công việc của một công tố viên sẽ bác bỏ hoàn toàn luận điểm của đối thủ (trong trường hợp này là của Y-sơ-ra-ên). Từ này chỉ xuất hiện ở một chỗ khác, trong một bối cảnh giống hệt như vậy trong Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp:
Hỡi các núi và các nền vững chắc muôn đời của đất,
Hãy nghe lời cáo trạng của Đức Giê-hô-va!
Vì Đức Giê-hô-va buộc tội dân Ngài,
Và Ngài sẽ tranh luận [dielegchthesetai] với Y-sơ-ra-ên. (Mi-chê 6:2)
Trong mỗi trường hợp, Kinh thánh đặt “biện luận” hay lý luận trong bối cảnh phòng xử án của Đức Chúa Trời, và kêu gọi con người làm chứng theo lẽ thật của Đức Chúa Trời và bởi tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Nhưng hãy lưu ý rằng Kinh thánh vẫn kêu gọi chúng ta làm như vậy.
Kết luận
Như vậy, thay vì sợ tư duy phản biện, Cơ Đốc nhân cần tìm cách lấy lại, đổi mới và đón nhận nó. Chúng ta phải thực hành sự phán xét để khiến đời sống chúng ta tương ứng với Lời Chúa; chúng ta cần tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng đó trên đời sống mình, từ đó tiếp nhận tư tưởng học cách “xét đoán”. Điều này tương ứng với tư tưởng của Kinh thánh. Chúa Giê-su hứa rằng các sứ đồ sẽ ngồi trên các ngai để xét đoán Y-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 19:28; Lu-ca 22:30). Phao-lô lập luận rằng mọi Cơ Đốc nhân sẽ ngồi xét xử thế gian và thậm chí là cả các thiên sứ (1 Cô 6:2-3), nên cần có kỹ năng tư duy phản biện để phân xử những tranh chấp nhỏ của nhau (1 Cô 6:4-6). Môi-se đã nhắc dân Y-sơ-ra-ên nhớ rằng ông đã dạy luật pháp Chúa cho họ, chính là những tiêu chuẩn để xét đoán cho tốt: “Hãy xem: tôi đã dạy cho anh em những thánh chỉ và quyết định như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của tôi, đã truyền cho tôi, để anh em đem ra thực hành trong miền đất mà anh em sắp vào chiếm hữu.” (Bản Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Chúng ta cần dùng đến logic và lập luận tin kính để đoạt lại lĩnh vực kinh doanh, đạo đức, luật pháp, giáo dục và mọi thứ khác, đánh hạ các lý luận và mọi sự kiêu căng chống lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và buộc mọi ý tưởng phải thuận phục Đấng Christ (2 Cô 10:5).
Đúng, đôi khi chỗ của sự phán xét và hiểu biết lại bị sự gian ác và vô tín lấn lướt. Đôi khi những kẻ làm chứng dối lại nhạo báng sự phán xét (Châm ngôn 19:28); đôi khi sự gian ác lại đầy dẫy chốn công đường (Truyền đạo 3:16), nhưng điều này không có nghĩa là lập luận, sự xét đoán hoặc tư duy phán biện vốn là gian ác. Người khôn ngoan sẽ tiếp tục phân biệt thời thế và sự phán xét (Truyền đạo 8:5). Dù lập luận của con người có thất bại (thậm chí là ngụy biện), thậm chí là ở những nơi cao, Đức Chúa Trời vẫn chờ đợi chúng ta theo đuổi lẽ thật qua tư duy phản biện tin kính. Thực ra là Ngài vùa giúp cho sự theo đuổi này qua công việc của Đức Thánh Linh: Ngài cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về sự phán xét – về sự phán xét, vì kẻ cai trị thế gian này đã bị phán xét (Giăng 16:8,11). Theo nghĩa này thì tư duy phản biện khiến chúng ta hiểu được rằng Đức Chúa Trời đã phán xét (kết án) ma quỷ, và Cơ Đốc nhân phải sống trong ánh sáng của sự phán xét – như Đấng Christ đã phán khi Ngài bước đi trên đất: Bây giờ là lúc thế gian bị phán xét, và kẻ cai trị thế gian nầy sẽ bị truất phế. (Giăng 12:31).
Trở lại chủ đề của một chương trước đó, tính hữu lý (logic) đơn giản là liên quan đến nghiên cứu có hệ thống về nhận thức và nói lên sự thật. Khi được thêm vào ngữ cảnh của sự khôn ngoan và xét đoán tin kính theo Kinh thánh thì logic không chỉ là nói lên sự thật; rõ ràng là để đáp ứng được tiêu chuẩn Kinh thánh, tư duy logic phải chấp nhận phạm vi rộng hơn của một thế giới quan nhất quán trong Kinh thánh. Logic trở thành một lối tư duy phản ánh luật của kinh thánh, mục đích của kinh thánh, đời sống giao ước theo kinh thánh và thần học kinh thánh. Khi Kinh Thánh nói đến sự khôn ngoan và sự phán xét (tức krites) là nói đến tất cả những điều này. Vì vậy, chỉ có logic và lý luận trung thành với Kinh thánh mới xứng đáng được gọi là “tư duy phản biện”, bởi vì chỉ lý luận bắt đầu với Đức Chúa Trời mới tạo nên sự phán xét đúng đắn.
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
Tác giả bài viết: Tiến sĩ Joel McDurmon là chủ tịch của American Vision, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung nghiên cứu về thế giới quan từ năm 1979, cung cấp các nguồn tư liệu để thúc đẩy các gia đình và cá nhân Cơ Đốc sống theo thế giới quan dựa trên Kinh thánh. Ông là tác giả của hơn 20 cuốn sách trong đó có Restoring America One County at a Time; The Bible & War in America; Biblical Logic in Theory and Practice; God versus Socialism; The Return of the Village Atheist; và Jesus v. Jerusalem. Tiến sĩ McDurmon cũng xuất hiện trong một số bài giảng audio và video về các chủ đề khác nhau trong lĩnh vực kinh tế, biện giáo và lịch sử hội thánh.
Chú thích
[1] Paul R. Gilchrist, “yakah,” Theological Wordbook of the Old Testament (Từ điển Thần học Cựu Ước), 2 vol, eds. R. Laird Harris, Gleason L. Archer, Jr., and Bruce K. Waltke (Chicago: Moody Press, 1980) 1:377. Giáo sư chủng viện Westminster Seminary, William Edgar cũng nói tương tự như vậy về Ê-sai 41:21, đồng thời cũng nhắc đến từ Hê-bơ-rơ đằng sau Ê-sai 1:18, tuy ông không bàn quá kỹ đến cả hai. Xem cuốn Reasons of the Heart: Recovering Christian Persuasion của ông (Phillipsburg, NJ: Presbyterian and Reformed, 2003), 44, 123 (“Chương 4…” ghi chú 1).
[2] Geneva Bible note, Is. 1:18. See 1599 Geneva Bible (White Hall, WV: Tolle Lege Press, 2006), 679.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!