Tội lỗi lớn nhất – Trích từ “Mere Christianity” của C S Lewis
Bây giờ tôi đi đến phần của đạo đức Cơ đốc mà nó khác nhiều với tất cả những hệ thống đạo đức khác. Có một sự xấu xa mà không một ai trên thế giới này không mắc, ai cũng ghê tởm nó khi nhìn thấy ở người khác, và rất ít người, trừ những người Cơ đốc, nghĩ rằng chính mình cũng mắc. Tôi nghe mọi người tự nhận họ nóng tính, hoặc họ không thể giữ tỉnh táo trước phụ nữ hoặc không cưỡng được rượu hoặc thậm chí họ là kẻ hèn nhát. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi chưa từng nghe một người không phải là Cơ đốc nhân tự lên án mình vì sự xấu xa này. Và tôi cũng rất ít khi gặp một ai không phải là Cơ đốc nhân mà lại có một cái nhìn chút ít khoan dung với những người mắc phải sự xấu xa đó. Không có một khiếm khuyết nào khiến con người trở nên ít được ưa thích hơn, và cũng chẳng có một khiếm khuyết nào mà chúng ta lại không hề biết về nó ở trong mình đến như vậy. Chúng ta càng có nhiều nó ở trong mình thì chúng ta lại càng ghét nó ở những người khác.
Sự xấu xa mà tôi nói ở đây đó chính là Sự Kiêu ngạo hoặc Sự Tự phụ: và đức hạnh ngược với nó, trong đạo đức Cơ đốc, gọi là sự Khiêm nhường. Có thể bạn vẫn nhớ, khi tôi nói về đạo đức tình dục, tôi báo trước các bạn là trọng tâm của đạo đức Cơ đốc không nằm ở đây. Và bây giờ chúng ta đi đúng đến trọng tâm đây. Theo những người thầy trong Cơ đốc Giáo, sự xấu xa lớn nhất, sự tồi tệ của các sự tồi tệ, đó chính là Kiêu ngạo. Dâm dục, giận dữ, tham lam, say rượu và những thứ tương tự như vậy chỉ là những điều nhỏ mọn nếu chúng ta so sánh với sự Kiêu ngạo. Chính qua sự Kiêu ngạo mà ma quỷ trở thành ma quỷ. Sự Kiêu ngạo dẫn tới tất cả những thứ xấu xa khác: đây chính là trạng thái tâm linh hoàn toàn chống nghịch với Đức Chúa Trời.
Phải chăng chúng ta đang phóng đại vấn đề? Nếu bạn nghĩ như vậy, hãy nghĩ lại. Lúc trước tôi đã chỉ ra rằng nếu ai đấy có càng nhiều sự Kiêu ngạo thì người đấy lại càng không thích sự Kiêu ngạo ở người khác. Thực ra, nếu bạn muốn biết bạn Kiêu ngạo ở mức nào thì cách dễ nhất đó là hỏi chính mình “Tôi không thích đến mức nào khi người khác làm tôi mất mặt, hoặc không chú ý đến tôi, hoặc chọc mũi vào chuyện của tôi, hoặc đối xử một cách bề trên với tôi, hoặc phô trương?” Điểm nhấn ở đây là sự Kiêu ngạo của một người cạnh tranh trực tiếp với sự Kiêu ngạo của người khác. Bởi vì tôi muốn thu hút sự chú ý trong buổi tiệc nên tôi rất tức khi thấy kẻ khác thu hút được sự chú ý. Trong giao dịch này hai bên chẳng thể nào dung hoà. Bây giờ bạn thấy rõ Kiêu ngạo là cạnh tranh, cạnh tranh bởi chính bản chất của nó, trong khi những sự xấu xa khác, nói nôm na, chỉ cạnh tranh một cách ngẫu nhiên. Kiêu ngạo không hài lòng chỉ vì có một cái gì đó, nó chỉ hài lòng khi có nhiều hơn người khác. Chúng ta nói rằng mọi người Kiêu ngạo vì họ giàu có, hoặc thông minh, hoặc có bề ngoài sáng sủa, nhưng không phải. Họ Kiêu ngạo vì họ giàu có hơn, thông minh hơn và có bề ngoài sáng sủa hơn những người khác. Nếu mỗi người đều giàu có như nhau, thông minh như nhau, hoặc có bề ngoài sáng sủa như nhau thì chẳng có cớ gì để Kiêu ngạo hoặc tự hào cả. Chính sự so sánh đã khiến bạn trở nên Kiêu ngạo: niềm khoái lạc là mình ở trên hết mọi kẻ khác. Khi yếu tố cạnh tranh biến mất, sự Kiêu ngạo cũng biến luôn. Vì lý do đó mà tôi nói Kiêu ngạo bản chất của nó là cạnh tranh, theo một cách khác với những sự xấu xa khác. Bản năng tình dục chỉ khiến hai người đàn ông cạnh tranh với nhau khi họ cùng muốn một cô gái. Nhưng đây chỉ là tình cờ, rất có nhiều khả năng họ thèm muốn hai cô gái khác nhau. Nhưng kẻ Kiêu ngạo sẽ lấy cô gái ra khỏi tay bạn, không phải vì hắn muốn cô ấy, nhưng bởi vì muốn chứng tỏ với chính mình là hắn là người đàn ông tốt hơn bạn. Sự tham lam có thể khiến người ta cạnh tranh khi không có đủ, nhưng người Kiêu ngạo ngay cả khi đã có nhiều hơn những gì mình muốn, cũng vẫn sẽ cố gắng để có thêm chỉ với mục đích là khẳng định quyền lực của mình. Phần lớn những điều ác trên thế gian này mà mọi người thường quy là do tham lam hoặc ích kỷ, thật ra chính là kết quả của Kiêu ngạo.
Hãy lấy ví dụ về tiền bạc. Sự tham lam chắc chắn khiến người ta mong muốn có tiền, để mua một căn nhà tốt hơn, để đi nghỉ một chuyến thú vị hơn, để ăn uống ngon hơn. Nhưng chỉ đến một giới hạn nào đấy. Nhưng điều gì khiến một người có thu nhập 1 triệu đô một năm lại rất hăm hở để có 2 triệu? Đấy không phải là sự thèm muốn có thêm khoái lạc. Một triệu đô sẽ cung cấp đầy đủ tất cả những xa xỉ mà một người có thể hưởng thụ. Đây chính là Kiêu ngạo – ý nguyện muốn trở nên giàu có hơn những người giàu có khác, và ý nguyện có thêm quyền lực. Chính quyền lực là thứ mà Kiêu ngạo thèm khát: chẳng có gì khiến một người cảm thấy vượt trội hơn những người khác khi người ấy có thể di chuyển những người kia như những chú lính chì. Điều gì khiến một cô gái xinh đẹp gieo rắc sự khổ sở ở những nơi cô ta xuất hiện bằng cách thu thập những người ngưỡng mộ? Chắc chắn không phải vì bản năng tình dục: những cô gái như thế lại thường lạnh lẽo về mặt tình dục. Đó chính là Kiêu ngạo. Điều gì khiến một nhà lãnh đạo chính trị hoặc một dân tộc cứ đòi hỏi nhiều hơn và nhiều hơn? Đó lại là Kiêu ngạo. Kiêu ngạo là cạnh tranh xuất phát từ chính bản chất của nó, đấy là lý do mà nó cứ tiến mãi không nghỉ. Nếu tôi là một người Kiêu ngạo, thì chừng nào trên thế giới này vẫn còn một người có nhiều quyền lực hơn, hoặc giàu có hơn, hoặc thông minh hơn tôi, người đấy là đối thủ và là kẻ thù của tôi.
Những người Cơ đốc đã đúng: chính sự Kiêu ngạo là nguyên nhân chủ yếu gây ra nỗi thống khổ ở tất cả các dân tộc và gia đình từ thuở khai thiên lập địa đến giờ. Những sự xấu xa khác nhiều khi có thể khiến người ta gần nhau: bạn có thể tìm thấy những tình bạn, những câu chuyện cười, những sự thân mật trong vòng những người nghiện rượu hoặc những người dâm dục. Nhưng Kiêu ngạo luôn hàm ý thù hằn – nó chính là sự thù hằn. Và không chỉ thù hằn giữa người với người, mà còn là sự thù hằn với Đức Chúa Trời.
Ở nơi Đức Chúa Trời bạn đối diện với một cái gì đó mà ở tất cả mọi khía cạnh đều vô cùng vượt trội so với chính bạn. Nếu bạn không biết Đức Chúa Trời như vậy – và vì thế bạn biết là bạn chẳng là cái gì để so sánh cả – thì bạn hoàn toàn không biết Chúa. Chừng nào bạn còn Kiêu ngạo, chừng đó bạn chưa thể nhận biết Đức Chúa Trời. Một người Kiêu ngạo luôn nhìn xuống những thứ khác hoặc người khác, và chừng nào bạn còn nhìn xuống, bạn chẳng thể nhìn thấy cái gì phía trên bạn.
Và bây giờ nảy sinh một câu hỏi khó khăn. Làm sao lại có những người rõ ràng đầy rẫy Kiêu ngạo lại có thể nói họ tin Đức Chúa Trời và có vẻ như rất mộ đạo? Tôi e rằng điều đấy có nghĩa là họ đang thờ phượng một đức chúa trời của sự tưởng tượng. Về lý thuyết họ thừa nhận rằng họ chẳng là gì trước đức chúa trời ảo tưởng này, nhưng thực ra họ luôn hình dung là đức chúa trời ấy chấp nhận và đánh giá họ tốt hơn những người bình thường. Như vậy họ trả sự khiêm nhường tưởng tượng giá một xu cho Đức Chúa Trời và lấy lại sự Kiêu ngạo giá một đồng để đối xử với những người xung quanh. Tôi cho rằng Chúa Giê-xu nghĩ về những người này khi Ngài nói một số người sẽ giảng về Ngài và đuổi quỷ trong danh Ngài, nhưng lúc tận thế lại được nghe là Chúa không bao giờ biết họ. Và mỗi người trong chúng ta lúc nào cũng có thể rơi vào cái bẫy chết người này. May mắn thay, chúng ta có cách thử. Mỗi khi chúng ta thấy rằng cuộc sống tin kính của chúng ta khiến chúng ta cảm thấy chúng ta tốt, hơn nữa, cảm thấy chúng ta tốt hơn một số người khác, tôi nghĩ lúc đấy chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta đang bị dẫn dắt không phải bởi Đức Chúa Trời, mà bởi ma quỷ. Một sự kiểm nghiệm thực tế để biết rằng chúng ta đang ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời đó là hoặc bạn sẽ quên hết chính bản thân mình hoặc nhìn nhận mình như là một vật thể nhỏ bé và bẩn thỉu. Nhưng tốt hơn là quên hết chính bản thân mình.
Một điều thật kinh khủng đó là sự xấu xa nhất trong tất cả mọi sự xấu xa lại có thể lẻn vào chính trung tâm của đời sống mộ đạo. Nhưng bạn có thể hiểu tại sao. Những sự xấu xa khác, không xấu bằng, đến với chúng ta khi ma quỷ cám dỗ thông qua xác thịt. Nhưng sự xấu xa này đến không thông qua xác thịt tí nào. Nó đến từ chính Địa ngục. Nó hoàn toàn mang tính tâm linh: chính vì thế mà nó tinh vi và chết người hơn rất nhiều. Cũng vì một lẽ đó mà Kiêu ngạo có thể được sử dụng để chế ngự những thói hư tật xấu khác. Những người giáo viên có thể gợi sự Kiêu ngạo trong một câu bé, hoặc nói cách khác là sự tự trọng bản thân, để khiến cậu bé ấy cư xử một cách đúng mực. Nhiều người đã chiến thắng sự hèn nhát, hoặc sự dâm dục, hoặc sự nóng nảy, khi nghĩ rằng những cái đó không xứng với tầm của họ, và đó chính là Kiêu ngạo. Ma quỷ cười sảng khoái. Hắn hoàn toàn vừa ý khi thấy bạn trong sạch trong cuộc sống tình dục và dũng cảm và tự chủ, nếu như hắn thiết lập được trong bạn chế độ cai trị của Kiêu ngạo – giống như hắn vừa ý khi nhìn thấy bạn được chữa khỏi bệnh phù chân, nếu như thay vào đó hắn cho bạn được căn bệnh ung thư. Vì Kiêu ngạo là ung thư thuộc linh: nó sẽ triệt tiêu mọi khả năng yêu thương người khác, sự hài lòng, hoặc thậm chí là suy nghĩ bình thường.
Trước khi kết thúc chủ đề này, tôi thấy cần phải giải thích rõ một số sự hiểu lầm có thể có:
(1) Niềm vui khi được khen không phải là Kiêu ngạo. Một đứa trẻ được xoa đầu khi làm xong tốt một bài tập, một người phụ nữ mà vẻ đẹp được người yêu ca ngợi, linh hồn được cứu mà Chúa Giê-xu nói “Giỏi lắm” đều vui và cần phải vui. Vì niềm vui ở đây không bắt nguồn từ chỗ bạn là ai, nhưng từ việc bạn đã làm ai đó hài lòng, người mà bạn rất muốn làm cho hài lòng. Vấn đề xuất hiện khi bạn chuyển suy nghĩ từ “Tôi đã làm cho người ấy hài lòng; mọi việc đều tốt” đến “Tôi thực sự là người tốt vì đã làm được điều này”. Bạn càng vui mừng nhiều vì chính bản thân mình và càng hài lòng ít về lời khen, bạn càng trở nên tồi tệ. Khi bạn khoái chí hoàn toàn về chính bản thân mình và không bận tâm tí nào đến lời khen nữa, lúc đấy bạn chạm đáy rồi. Điều này giải thích tại sao sự háo danh, mặc dù đó là một dạng của Kiêu ngạo thường hay biểu lộ nhất trên bề mặt, lại là một dạng ít xấu và dễ tha thứ nhất. Người háo danh muốn được khen, được vỗ tay, được chiêm ngưỡng, và bao giờ cũng tranh thủ để có được những cái đó. Đó là một khiếm khuyết, nhưng là khiếm khuyết trẻ con, và thậm chí, có thể hơi lạ, đó là một khiếm khuyết khiêm nhường. Nó chỉ ra rằng bạn chưa hoàn toàn hài lòng với sự chiêm ngưỡng chính bản thân mình. Bạn vẫn còn đánh giá cao những người khác đến mức muốn họ nhìn mình. Vì thế bạn vẫn là con người. Sự Kiêu ngạo đen tối thực sự, Kiêu ngạo của quỷ sứ, đến khi bạn coi thường người khác đến nỗi bạn chẳng quan tâm họ nghĩ gì về bạn. Tất nhiên một việc nên làm, và cũng là trách nhiệm của chúng ta, đó là không quan tâm đến việc mọi người nghĩ gì về mình, khi chúng ta làm việc đó với lý do đúng, đó là chúng ta quan tâm nhiều hơn nhiều đến việc Đức Chúa Trời nghĩ gì. Nhưng người Kiêu ngạo có cớ khác để không quan tâm. Anh ta nói: “Tại sao tôi cần phải chú ý đến sự hoan nghênh của đám người thấp hèn như thể ý kiến của chúng có một giá trị gì đấy? Và thậm chí nếu ý kiến của chúng có giá trị đi nữa, thì chẳng nhẽ tôi lại là một người đỏ mặt khi được khen, giống như một cô gái trẻ lần đầu tiên tham gia nhảy ư? Không, tôi là người trọn vẹn, là một người trưởng thành. Tất cả những gì tôi làm là để thoả mãn những lý tưởng của chính tôi – hoặc lương tâm nghệ sỹ của tôi – hoặc truyền thống của gia đình tôi – hoặc, nói tóm lại, bởi vì Tôi Là Một Người Hạng Khác. Nếu đám đông thích điều đó, mặc kệ họ. Họ chẳng là gì với tôi cả.” Với cách nghĩ như vậy thì sự Kiêu ngạo thực sự lại khiến con người ta không háo danh; giống như tôi đã giải thích lúc trước, ma quỷ rất thích “chữa” những thói xấu nhỏ bé bằng cách cho bạn một sự xấu xa thật lớn. Chúng ta phải cố gắng để loại bỏ tính háo danh, nhưng không được dùng sự Kiêu ngạo của chúng ta để chữa thói xấu ấy.
(2) Chúng ta nói một người “tự hào”* về con trai, hoặc về người bố, hoặc về trường học, hoặc về đơn vị quân đội của anh ta. Và chúng ta có thể hỏi liệu “tự hào” như vậy có phải là tội lỗi không. Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào việc chúng ta hàm ý gì khi nói “tự hào về một cái gì đó”. Thường trong những câu như vậy, cách nói “tự hào về” có nghĩa là “có sự ngưỡng mộ nồng nàn về”. Sự ngưỡng mộ như vậy hiển nhiên hoàn toàn không phải là tội lỗi. Nhưng cũng có thể người nói hàm ý ta đây là một người đẳng cấp cao vì có người bố nổi tiếng, hoặc thuộc về một trung đoàn danh dự. Nếu vậy rõ ràng đây là một khiếm khuyết, nhưng vẫn còn tốt hơn và tự hào (hay Kiêu ngạo) về chính bản thân mình. Yêu quý và ngưỡng mộ bất cứ cái gì bên ngoài mình có nghĩa là bước một bước thoát khỏi sự suy đồi tận cùng về mặt tâm linh; tất nhiên chúng ta chưa thể khoẻ mạnh chừng nào vẫn còn yêu và ngưỡng mộ một cái gì đó nhiều hơn yêu và ngưỡng mộ Đức Chúa Trời.
(3) Chúng ta không được nghĩ Kiêu ngạo là một cái gì đó Đức Chúa Trời cấm vì Ngài khó chịu với nó, hoặc Chúa đòi hỏi sự Khiêm Nhường vì cái đấy mới xứng đáng với phẩm giá của Ngài – nghĩ như vậy như thể chính Đức Chúa Trời Kiêu ngạo vậy. Chúa chẳng hề lo lắng một chút nào về phẩm giá của mình. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là Ngài muốn bạn biết Ngài: Ngài muốn ban cho bạn chính mình Ngài. Khi bạn thực sự có mối tương giao với Ngài, thì bạn sẽ khiêm nhường – khiêm nhường một cách vui mừng, cảm thấy một sự nhẹ nhõm vô cùng lớn khi thoát khỏi tất cả những sự lo lắng phi lý và ngớ ngẩn về phẩm giá của mình. Những lo lắng này luôn khiến bạn không yên và không hạnh phúc trong suốt cuộc đời. Đức Chúa Trời khiến bạn trở nên khiêm nhường để điều này có thể trở thành hiện thực: lột bỏ tất cả những bộ quần áo xấu xí, ngớ ngẩn, loè loẹt mà chúng ta đã mang trên người và khệnh khạng bước đi như những thằng ngốc nhỏ bé. Tôi mong muốn có thêm một chút khiêm nhường cho chính bản thân mình, khi đó có lẽ tôi có thể nói cho bạn nhiều hơn về sự nhẹ nhõm và an ủi khi cởi bỏ bộ quần áo đồng bóng này, thoát khỏi cái tôi giả tạo, với tất cả những mong muốn “Hãy nhìn vào tôi” hoặc “Tôi không phải là một cậu bé tốt hay sao?” cùng những điệu bộ cũng như làm dáng. Đến gần sự khiêm nhường đó, dù chỉ một lát thôi, cũng giống như một cốc nước mát dành cho một người đang đi trên sa mạc.
(4) Bạn không nên hình dung là nếu bạn gặp một người thực sự khiêm nhường, người đấy sẽ giống như cái mà mọi người bây giờ gọi là “khiêm tốn”. Người đấy không phải là loại người trơn tru, xun xoe, luôn luôn nói với bạn anh ấy chẳng là ai cả. Hầu như chắc chắn tất cả những gì bạn nghĩ về người ấy sẽ là hắn cảm tưởng như rất vui mừng, một thằng cha thông minh và thực sự quan tâm đến những gì bạn nói với anh ấy. Nếu có điều gì bạn không thích, có lẽ đó sẽ là bạn hơn ghen tị với một người cảm tưởng như rất dễ dàng có được niềm vui trong cuộc sống. Người ấy sẽ không nghĩ về sự khiêm nhường đâu: anh ta hoàn toàn không nghĩ về bản thân mình chút nào.
Nếu một người muốn có được sự khiêm nhường, tôi nghĩ tôi có thể bày cho người ấy bước đi đầu tiên. Bước đi đó là nhận thức rõ mình Kiêu ngạo. Đây là một bước lớn. Chẳng có thể có sự thay đổi tí chút nào trước bước này cả. Nếu bạn nghĩ rằng bạn không Kiêu ngạo, thì thực sự rằng bạn đang rất Kiêu ngạo.
* Trong tiếng Anh từ Proud (tính từ của Pride) vừa có nghĩa là Kiêu ngạo, vừa có nghĩa là Tự Hào. Ở đây tác giả giải thích ý nghĩa Tự Hào của từ Proud.
Chuyển ngữ: Phạm Quang Nam