CƠ ĐỐC NHÂN CÓ THỂ TIN VÀO TIẾN HÓA KHÔNG?
Giangluankinhthanh.net – Trong bài viết này, chúng ta thấy các Cơ đốc nhân có quan điểm khác nhau về thuyết tiến hóa. Trong bài viết sau, Gregg Allison, giáo sư thần học tại Chủng viện Thần học Báp-tít Nam Phương tại Louisville (Hoa Kỳ) đặt câu hỏi liệu Cơ Đốc Nhân có cần phải tin vào thuyết tiến hóa hay không?
Tất cả chúng ta đều quen thuộc với thuật ngữ tiến hóa. Khi còn là sinh viên chuyên ngành khoa học ở trường đại học, mọi môn học của tôi – sinh học, thực vật học, sinh thái học, vi sinh vật học – đều được dạy theo quan điểm tiến hóa. Trong trường hợp này, tiến hóa là “lý thuyết cho rằng tất cả sự sống đều bắt nguồn từ vật chất không sống và phát triển theo sự chọn lọc, hình thành loài tự nhiên khi các đột biến ngẫu nhiên thực hiện những thay đổi không có mục đích hoặc thiết kế trong hàng tỷ năm” (Từ điển Thuật ngữ Thần học Baker Compact Dictionary of Theological terms, 76).
Tiến hóa cho rằng các nguyên tố như oxy, hydro, nitơ và carbon kết hợp với nhau để tạo thành các vật chất không sống như không khí, nước và kim loại, cũng như các sinh vật sống như cây, cỏ, côn trùng, chim, voi và con người. Ở mức độ rất tinh vi, những thay đổi xảy ra một cách ngẫu nhiên – những đột biến ngẫu nhiên trong DNA – tạo điều kiện cho những thứ đó sinh tồn với những cải tiến nho nhỏ. Khi các loại – loài – thực vật và động vật khác nhau đó phát triển với những lợi thế sinh tồn, cuối cùng thì chúng tạo ra toàn bộ sự đa dạng của các vật sống và không sống hiện đang tồn tại. Vấn đề là toàn bộ quá trình này không được chỉ dẫn và không có mục đích, không có Đức Chúa Trời.
Tiến hóa Hữu thần là gì?
Tiến hóa hữu thần là một tập hợp con của tiến hóa với ít nhất hai phiên bản. Theo một phiên bản thì tiến hóa hữu thần được định nghĩa là “lý thuyết cho rằng mọi sự sống đã phát triển theo các quá trình tiến hóa mà trong đó Đức Chúa Trời đã có lúc can thiệp để hoàn thành mục đích của mình. Nó khẳng định cả hành động thiên thượng (‘hữu thần’) và sự tiến hóa” (Từ điển Thuật ngữ Thần học Baker Compact Dictionary of Theological terms, 77). Theo phiên bản này, sự khác biệt đáng kể nhất giữa tiến hóa và tiến hóa hữu thần là tiến hóa phủ nhận vai trò của Đức Chúa Trời trong các quá trình phát triển để tạo ra tất cả các sinh vật sống và không sống ngày nay, còn tiến hóa hữu thần cho rằng Đức Chúa Trời giữ vai trò nào đó trong các quá trình này.
Ví dụ, tiến hóa hữu thần là “quan điểm cho rằng Đức Chúa Trời tạo ra vật chất, nhưng sau đó Ngài không dẫn dắt hoặc can thiệp để tạo ra bất kỳ thay đổi thực tế và dễ nhận thấy nào trong hành vi tự nhiên của vật chất cho đến khi tất cả các sinh vật đều tiến hóa bởi các quá trình hoàn toàn tự nhiên” (Tiến hóa Hữu thần – Theistic Evolution, 946). Do đó, sau hành động sáng tạo ban đầu của Đức Chúa Trời nhằm tạo ra một thế giới khác với chính Ngài, Ngài không đóng một vai trò liên tục nào trong các quá trình tiến hóa mà Ngài đã thực hiện.
Theo phiên bản thứ hai do tổ chức BioLogos trình bày, tiến hóa hữu thần được định nghĩa là quan điểm “Đức Chúa Trời tạo ra mọi sinh vật thông qua Chúa Giê-su Christ, bao gồm cả con người theo hình ảnh của Ngài, tận dụng các quá trình tự nhiên được thiết kế có chủ đích và duy trì một cách tích cực mà các nhà khoa học ngày nay nghiên cứu dưới tên gọi sự tiến hóa” (“Chiếc gương vỡ – A Flawed Mirror”). Vì vậy, Đức Chúa Trời không chỉ hành động lúc ban đầu để tạo dựng thế giới mà còn tiếp tục tích cực tham gia trong suốt quá trình phát triển của mọi thứ trên đời. Ngài giám sát các quá trình tiến hóa như chọn lọc tự nhiên, sự hình thành loài và đột biến ngẫu nhiên để đảm bảo rằng chúng tạo ra cả những sinh vật sống và không sống phù hợp với thiết kế thiên thượng.
Trong hai phiên bản tiến hóa hữu thần này, có phiên bản nào phù hợp với Kinh thánh không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn vào lịch sử hội thánh và giáo lý Cơ Đốc lịch sử.
Sự tiến hóa và hội thánh
Trong phần lớn lịch sử hội thánh, hội thánh tin rằng Đức Chúa Trời dựng nên mọi thứ trên đời ex nihilo (từ không có gì). Hội thánh khẳng định giáo lý này chủ yếu dựa trên câu ở đầu của Kinh thánh: “Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo trời và đất” (Sáng thế ký 1:1). Đức Chúa Trời, Đấng tồn tại đời đời trong Ba ngôi Cha, Con và Thánh Linh đã chủ định và thực sự sáng tạo một vũ trụ khác biệt với chính Ngài.
Những phân đoạn khác bổ sung nền tảng cho niềm tin này. Chẳng hạn, trước giả Thi thiên đã quy sự sáng tạo cho lời và hơi thở của Đức Chúa Trời:
Các tầng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va,
Tất cả đạo binh tinh tú do hơi thở của miệng Ngài mà có.
…
Vì Ngài phán thì mọi sự liền có;
Ngài truyền lệnh thì muôn vật vững bền. (Thi thiên 33: 6, 9).
Theo cách hiểu truyền thống về phân đoạn này thì Đức Chúa Cha đã phán để sáng tạo vũ trụ qua Ngôi Lời (Đức Chúa Con) và bởi Hơi thở Ngài (Chúa Thánh Linh). Sự sáng tạo là một hành động quyền năng của Đức Chúa Trời Ba Ngôi một thể.
Hơn nữa, chính Kinh thánh cho rằng Đức Chúa Trời không dùng những vật chất có sẵn từ trước khi tạo dựng: “Bởi đức tin, chúng ta biết rằng vũ trụ đã được dựng nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật thấy được hình thành từ những vật không thấy được.” (Hê-bơ-rơ 11:3). Ví dụ, Đức Chúa Trời đã không lấy hai nguyên tử hydro (H) có sẵn và một nguyên tử oxy (O) rồi hợp nhất chúng thành nước (H2O), mà Ngài tạo ra cả các nguyên tử hydro và oxy cũng như nước. Sự sáng tạo thiên thượng là từ không có gì!
Theo phần còn lại trong tường thuật về sự sáng tạo trong Sáng thế ký 1, hội thánh cũng tin rằng Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra vạn vật: ánh sáng, nước, không khí, đất, thảm thực vật, mặt trời, mặt trăng và các vì sao, các sinh vật biển, các loài chim có cánh, các sinh vật trên đất, và cuối cùng là con người theo hình ảnh thiên thượng.
Quan trọng là hội thánh không bao giờ tán thành ý tưởng rằng tất cả các vật sống và không sống đều tồn tại và phát triển theo các quá trình như chọn lọc tự nhiên, sự hình thành loài và đột biến ngẫu nhiên. Thật vậy, hội thánh thời đầu đã hoàn toàn bác bỏ lý thuyết “nguyên tử” rằng mọi thứ trên đời đều bắt đầu từ sự va chạm ngẫu nhiên của các nguyên tố nhỏ (“nguyên tử”) và sau đó được phát triển một cách ngẫu nhiên. Thay vì chấp nhận sự ngẫu nhiên, hội thánh ca ngợi Đấng Tạo Hóa như Origen đã ca ngợi: “Ấy thế nhưng, Cơ đốc nhân chúng tôi, những người dâng mình thờ phượng Đức Chúa Trời duy nhất – Đấng tạo ra những thứ này – cảm thấy biết ơn Đấng đã tạo ra chúng” (Chống lại Celsus – Against Celsus 4.75).
Mãi đến thế kỷ 19, sau khi đối mặt với nhiều tấn công chống lại thẩm quyền và tính chân thật của Kinh thánh, hội thánh mới bắt đầu dao động đối với giáo lý về sự sáng tạo của mình. Với việc xuất bản cuốn Nguồn Gốc Các Loài của Charles Darwin (1859), một thế giới quan mới và bao trùm đã nảy sinh, từ chối sự sáng tạo ex nihilo, thiết kế thiên thượng và sự phát triển của nhiều loại sinh vật và những vật không sống, cùng sự sáng tạo đặc biệt của con người theo hình ảnh thiên thượng. Thế giới quan tiến hóa này hiện đang thống trị hầu hết các lĩnh vực của xã hội phương Tây đương đại của chúng ta. Thật đáng buồn, đây là một trong những thách thức đáng gờm nhất đối với Cơ Đốc giáo theo Kinh thánh và lịch sử trong thời đại ngày nay.
Sáng tạo bằng chọn lọc tự nhiên?
Nói một cách đơn giản thì hội thánh luôn khẳng định giáo lý sáng tạo như đã trình bày trên đây. Một trong những tuyên bố đức tin sớm nhất – Bản Tín điều Nicene-Constantinopolitan (năm 381 SCN) khẳng định rằng “Chúng tôi tin vào một Đức Chúa Trời, Đức Chúa Cha Toàn năng, Đấng dựng nên trời đất, cùng mọi vật thấy được và không thấy được.” Trong sự phát triển của thần học sau này, Thomas Aquinas đã “bác bỏ ý kiến cho rằng bản thân sự sáng tạo có khả năng tạo ra hoặc phát triển các thực thể sống khác”. Ông lý luận rằng chỉ có Đức Chúa Trời, “với tư cách là hữu thể tuyệt đối, sở hữu quyền năng sáng tạo – điều mà những vật được tạo dựng không thể làm được. Lập trường của ông chống lại các quan điểm tiến hóa hữu thần cho rằng sức mạnh sáng tạo của vật chất và sự phát triển của nó hoàn toàn là do các quá trình tự nhiên” (Tiến hóa Hữu thần, 935–936). Tương tự, thần học Tin lành tiếp tục khẳng định học thuyết truyền thống về sự sáng tạo.
Theo đó, những Cơ Đốc nhân theo thuyết tiến hóa hữu thần, ngoài việc mâu thuẫn với tường thuật trong Kinh thánh về sự sáng tạo, còn đặt mình ra ngoài quan điểm lịch sử của hội thánh. Tuy tin rằng Đức Chúa Trời tạo ra vật chất nhưng họ không khẳng định rằng Đức Chúa Trời không những tạo ra vật chất không sống mà còn tạo ra tất cả những thứ hữu hình (chẳng hạn như cây sồi và con ngựa) và những thứ vô hình (chẳng hạn như các thiên sứ). “Do đó, sự sáng tạo của Đức Chúa Trời không phải là sáng tạo từ vật chất chung chung mà Ngài sáng tạo các giống và loài sinh vật cụ thể” (Tiến hóa Hữu thần, 946).
Áp dụng tranh luận này vào phiên bản thứ hai của tiến hóa hữu thần, các nhà tiến hóa hữu thần của BioLogos – hay “các nhà sáng tạo tiến hóa”, họ thích gọi mình như vậy – khẳng định tiên đề về tổ tiên chung. Chẳng hạn như với con người và tinh tinh (họ hàng gần nhất của chúng ta), tổ tiên chung có nghĩa là nếu chúng ta quay ngược lại khoảng 300.000 thế hệ, chúng ta sẽ tìm thấy “một quần thể cổ đại (không phải là người cũng không phải tinh tinh) chia thành hai nhóm, và các nhóm này phân lập về mặt sinh sản. . . . Cuối cùng thì đặc điểm của mỗi nhóm cũng đủ khác nhau để các nhà khoa học công nhận chúng là những loài khác nhau”. Vấn đề là theo các nhà sáng tạo tiến hóa, “có thể kể câu chuyện tương tự về dòng tổ tiên của bất kỳ loài nào từng sống” (“Tiến hóa là gì? -– What is Evolution”).
Cách nhìn này về nguồn gốc, sự phát triển của các loài nói chung và nhân loại nói riêng mâu thuẫn với tường thuật trong Kinh thánh, bất chấp đặc điểm hấp dẫn là sự dẫn dắt và mục đích thiên thượng. Các nhà sáng tạo tiến hóa phủ nhận câu chuyện của Sáng thế ký 1 về việc Đức Chúa Trời tạo ra cá, chim, động vật đất và cuối cùng là con người một cách cụ thể và tức thì (không qua trung gian của các quá trình tự nhiên), họ chọn nói rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra mỗi sinh vật này qua các cơ chế tự nhiên trong những khoảng thời gian dài. Quan điểm của họ cũng ngầm phủ nhận lời tường thuật trong Kinh thánh về sự sa ngã, vì một quá trình tiến hóa như vậy không có chỗ cho A-đam và Ê-va trong lịch sử.
Vì những lý do này (và những lý do khác), hội thánh nên giữ vững lập trường khi đọc tường thuật của Kinh thánh về sự sáng tạo thiên thượng và trung thành với quan điểm lịch sử của mình, ca ngợi Đức Chúa Trời – Đấng Tạo Hóa vì sự sáng tạo có mục đích của Ngài ex nihilo, rằng Ngài tạo ra mọi loại sinh vật và vật không sống cụ thể.
Tác giả: Gregg Allison, là giáo sư thần học Cơ Đốc tại Chủng viện Thần học Báp-tít Nam Phương tại Louisville, Kentucky, Hoa Kỳ và là đồng tác giả cuốn sách The Unfinished Reformation: What Unites and Divides Catholics and Protestants After 500 Years.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.desiringgod.org/articles/can-christians-believe-in-evolution,truy cập ngày 09/01/2022
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!