SỰ SA SÚT VÀ ĐỔI MỚI CỦA HỘI THÁNH HOA KỲ – Phần 1: Sự Sa Sút Của Hội Thánh Dòng chính
Giangluankinhthanh.net – Tiếp theo bài về sự sa sút của hội thánh tại Hàn Quốc, trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài của tiến sỹ Timothy Keller, một mục sư và nhà tư tưởng Cơ đốc uy tín, về sự sa sút của hội thánh chính dòng (mainline church) ở Hoa Kỳ. Mong ước của các tác giả, cũng như của tất cả các Cơ đốc nhân chúng ta, là để không lặp lại những sai lầm của lịch sử và để hội thánh tiếp tục là “muối và ánh sáng,” trên khắp mọi nơi.
Đây là bài đầu tiên trong loạt bốn bài viết về việc các Hội Thánh ở Hoa Kỳ đã sa sút như thế nào và con đường tương lai sẽ có chiều hướng ra sao. Những bài viết tiếp theo bao gồm “Sự sa sút của đức tin” (Mùa Đông 2021), “Con đường đổi mới” (Mùa Xuân 2022), và “Quyền năng cho sự đổi mới” (Mùa Hè 2022).
Không có câu hỏi nào cấp thiết cho Cơ Đốc Nhân Hoa Kỳ hơn là câu hỏi: “Hội Thánh Hoa Kỳ có vấn đề gì và làm thế nào để lời chứng và chức vụ của họ được tươi mới trở lại?”
Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng đã có vấn đề nghiêm trọng xảy ra đối với hội thánh Hoa Kỳ. Trong nội bộ của họ xảy ra phân cực, mâu thuẫn và bè phái hơn bao giờ hết (với nhiều nguyên nhân khác nhau), tất cả đều cho rằng hội thánh đang gặp vấn đề trầm trọng. Còn bên ngoài hội thánh thì các nhà báo, nhà xã hội học và tất cả những người quan sát khác hoặc là đang nhớ tiếc, hoặc là đang ăn mừng vì sự sa sút của hội thánh về số lượng, thể chế và tầm ảnh hưởng trong xã hội.
Một số người không nhìn thấy lối đi nào cho hội thánh cả. Ở thái cực bên này là những người rất bảo thủ, họ cho rằng hầu hết Cơ Đốc Nhân đã bỏ đạo trong nhiều năm qua. Họ cho rằng không có đường lui cho những hội thánh hoàn toàn suy đồi về thể chế. Ở thái cực còn lại là những người thế tục nhất, họ hy vọng rằng tôn giáo sẽ biến mất trên thế giới trong vài thế hệ tới. Họ chỉ muốn làm sao để băng ghế nhà thờ không có người ngồi nữa.
Thật ra, không có thái cực nào nêu trên có thể xảy ra. Tuy nhiên mạng xã hội đang khuếch đại và tạo ấn tượng sai lầm rằng những quan điểm đó mang tính tiêu biểu và có uy thế hơn thực tế. Hội Thánh Cơ Đốc toàn cầu đang tăng trưởng nhanh chóng (Hồi Giáo cũng vậy); hầu hết các nhà nhân khẩu học và xã hội học không cho rằng tôn giáo nói chung và Cơ Đốc giáo nói riêng bị suy yếu lại bởi một tác động không có tính nhân quả, thậm chí ở phương Tây. Nếu thực tế đúng như vậy thì cần làm gì? Làm sao để hội thánh Cơ Đốc hiểu được vấn đề và phương cách dẫn đến phục hưng có thể là gì?
Cách tốt nhất để hiểu con đường tiến về phía trước là bắt đầu xem xét lại câu chuyện về sự sa sút của hội thánh Hoa Kỳ. Trong loạt bài viết này, tôi sẽ dành hai bài để nói về điều này và hai bài còn lại để vẽ nên viễn cảnh của con đường phía trước.
Lần nở rộ cuối cùng
Hội thánh Hoa Kỳ sau Thế chiến II có vẻ mạnh mẽ và nở rộ. Năm 1952, khoảng 75% người Mỹ nói rằng tôn giáo “rất quan trọng” trong đời sống của họ. Năm 1957, hơn 80% người Mỹ nói rằng tôn giáo “có thể trả lời cho những vấn đề ngày nay”. Số người gia nhập hội thánh trong những năm 1950 tăng từ 55% lên 69%. [1] Từ năm 1950 đến 1960, dân số Hoa Kỳ tăng từ 150 triệu đến 180 triệu, một phần tăng trưởng là do “Bùng Nổ Trẻ Em – Baby Boom” sau chiến tranh. Cuối những năm 1950, gần như một nửa người Mỹ thường xuyên đến nhà thờ, đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ. [2]
Một đặc điểm nổi bật khác của làn sóng tôn giáo này là tính rộng khắp. Tôn giáo có vẻ nở rộ trong mọi tầng lớp, mọi chủng tộc, mọi vùng miền và mọi hệ phái. Cuối cùng thì có vẻ như Công giáo đã bước vào dòng chảy văn hoá chính thống chứ không còn là một tầng lớp lao động hay hội thánh thiểu số nữa. Tổng Giám mục Fulton Sheen nhận được một lượng lớn người theo dõi trên sóng phát thanh và truyền hình. Các hội thánh Mỹ-Phi đóng vai trò thượng phong và trung tâm trong những biến chuyển xã hội lớn như phong trào dân quyền do Martin Luther King lãnh đạo. Thậm chí người Tin lành da trắng bảo thủ cũng trên đà phát triển với chức vụ thành công chưa từng thấy của Billy Graham. Bản thân Graham cũng thuộc một liên minh mới gồm những tổ chức và nhà lãnh đạo muốn phân biệt mình với chủ nghĩa cơ yếu (fundamentalism, đôi khi được dịch phong trào nền tảng, xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 tại Bắc Mỹ, nhấn mạnh tính không thể sai lạc theo nghĩa đen của Kinh Thánh – ND), tự gọi phong trào của họ là Phúc âm thuần túy (evangelicalism).
Mạnh hơn cả là Tin lành chính dòng, bao gồm các hệ phái Giám Lý, Lutheran, Giám mục, Trưởng Lão, Báp Tít Hoa Kỳ, và Hội Thánh Hiệp nhất của Đấng Christ (the United Church of Christ – theo thể chế giáo đoàn). Các tòa nhà của họ trụ tại trung tâm của gần như mọi thành phố quan trọng, trường học và các tổ chức của họ có uy tín cao nhất và họ có những nguồn quỹ khổng lồ.
Sự Giảm Sút Của Hội Thánh Dòng chính
Tuy nhiên, điều tưởng như cao trào này lại dẫn đến một suy giảm đột ngột chưa từng thấy của hội thánh, bắt đầu từ những hệ phái dòng chính. Từ con số 3,4 triệu thành viên giữa những năm 1960, hội thánh theo thể chế Giám mục giảm xuống còn 2,4 triệu vào đầu những năm 1990. Năm 2019, họ chỉ còn 1,6 triệu thành viên. Hội thánh Trưởng Lão dòng chính có 4,25 triệu thành viên năm 1965 nhưng đến năm 2000, họ chỉ còn 2,5 triệu và đến năm 2020 còn 1,25 triệu. Những hệ phái chính khác cũng gặp phải những suy giảm nhanh chóng như vậy. Đến giữa những năm 1970, rõ ràng là một điều chưa từng có tiền lệ đã xảy ra. “Lần đầu tiên trong lịch sử của quốc gia, hầu hết các nhóm hội thánh lớn đều dừng tăng trưởng và bắt đầu suy giảm… Hầu hết những hệ phái này đều tăng trưởng liên tục kể từ thời thuộc địa…bây giờ họ bắt đầu sụt giảm, đảo ngược xu hướng của hai thế kỷ đã qua.” [3]
Đó là những nhận định của Dean Kelley trong quyển sách gây tranh cãi của ông vào năm 1972 mang tên “Tại sao các hội thánh bảo thủ lại đang tăng trưởng?”. Kelley là một nhà luật học làm việc cho Ủy Ban Các Hội Thánh Toàn Quốc (the National Council of Churches) – tức ủy ban của Tin Lành dòng chính. Ông không phải là một người bảo thủ, ông vận động chống lại việc cầu nguyện trong các trường học công lập và ông cũng phục vụ trong ban quản trị của ACLU (Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ). Tuy nhiên, những phê phán của Kelley đối với hội thánh dòng chính rất gay gắt.
Trong những năm đầu của sự suy giảm, khi Kelly nghe những người dòng chính phàn nàn rằng “dân sự không còn mộ đạo nữa” thì ông đáp lại rằng:
Không phải mọi tổ chức tôn giáo đều suy giảm. Hầu hết những hệ phái Tin lành dòng chính đang cố sống sót qua cái mà họ hy vọng là những nghịch cảnh tạm thời trong khi những hệ phái khác lại đang tràn đầy sức sống, chẳng hạn như Liên hiệp Báp-Tít Nam Phương, Hội chúng của Đức Chúa Trời (the Assemblies of God), các Hội Thánh của Đức Chúa Trời (the Churches of God), Hội thánh Ngũ tuần và các nhóm Thánh khiết (the Pentecostal and Holiness groups), Hội thánh Tin Lành hay Phúc âm (Evangelicals), Mặc Môn – Mormons, Nhân chứng Giê-hô-va, Cơ Đốc Phục Lâm, Hồi Giáo người da đen và nhiều nhóm nhỏ khác…[4]
Phê Bình Mang Tính Xã Hội Học Của Kelley
Vậy vấn đề là gì? Kelley cho rằng tính thu hút của tôn giáo nằm ở chỗ nó mang đến những “ý nghĩa phổ quát.” Không giống như những ý nghĩa chân thành nhưng mang tính quy mô nhỏ như giúp đỡ người lân cận hoặc tham gia công tác tình nguyện để làm việc thiện; những ý nghĩa phổ quát cho phép người ta đối diện với đau khổ và cái chết với sự tự tin, niềm hy vọng, và tìm kiếm lợi ích chung lâu dài cho mọi người, hy sinh cho những điều đó, tất cả là vì bạn biết rằng mình là một phần của “mục đích lớn lao.” “Những ý nghĩa phổ quát duy nhất có vẻ thích hợp để tạo ra những kết quả như thế là những ý nghĩa do tôn giáo mang đến và xác nhận.” [5]
Kelley cho rằng những hội thánh bảo thủ tiếp tục tập trung chủ yếu vào những nhu cầu thuộc linh và những ý nghĩa tối hậu phổ quát siêu nhiên như sự thực hữu của Đức Chúa Trời, lẽ thật về sự phục sinh của Chúa Giê-su, quyền năng của Đức Thánh Linh cho sự thay đổi nội tâm, sự tha tội qua sự chết của Chúa Giê-su, và sự đến sau cùng của Vương Quốc Đức Chúa Trời.
Mặt khác, những hội thánh chính dòng theo trường phái thần học tự do đã thay đổi rất nhiều để thích nghi với tư tưởng thế tục hiện đại. Họ từ bỏ khái niệm về phép lạ, sự sinh lại bởi Thánh Linh, sự phục sinh của Chúa Giê-su, tính đáng tin cậy của Kinh Thánh. Theo cách dùng từ của Kelly, họ chấp nhận “thuyết tương đối…sự hâm hẩm…chủ nghĩa cá nhân”. Tất cả những điều đó được Kelley cho là “bằng chứng cho sự yếu đuối về mặt xã hội” – tức là cái đánh dấu một cộng đồng yếu đuối không thể hiệp nhất cách mạnh mẽ trong cùng một đức tin, ý nghĩa, sự tha thứ, tình yêu thương và sự tăng trưởng thuộc linh trong Đức Chúa Trời. [6] Các hội thánh chính dòng tiếp nhận quan điểm có tính trị liệu về bản thân và bỏ đi những giới hạn đạo đức Cơ Đốc truyền thống về vấn đề tình dục và tiền bạc. Kelley đáp ứng bằng cách đưa ra cái mà mà ông gọi là “những phương châm tối thiểu” (Minimal Maxims) cho một tổ chức tôn giáo mạnh, bao gồm:
Những người nghiêm túc về đức tin của mình thường:
1. Không nhầm lẫn đức tin của mình với những niềm tin/lòng trung thành/ thực hành khác, không pha trộn những điều đó một cách bừa bãi, hay không vờ như chúng giống nhau, có giá trị tương đương hoặc tương thích lẫn nhau nếu trên thực tế chúng không như vậy.
2. Yêu cầu cao với những người được nhận vào tổ chức…và không tính hoặc không cho phép những người không thực sự cam kết tiếp tục tham gia tổ chức đó.
3. Không bằng lòng, không khuyến khích hoặc chiều theo bất kỳ vi phạm nào về tiêu chuẩn hoặc niềm tin hoặc hành vi của các hội viên công khai.
4. Không giữ im lặng về niềm tin, nuối tiếc, hay để niềm tin bị đối xử như thể nó không tạo ra khác biệt nào, hoặc không nên tạo ra sự khác biệt nào trong hành vi của họ… [7]
Như vậy thì “sứ mạng” hiện tại của các hội thánh chính dòng là gì? Kelley nói rằng những hệ phái đó đã tập trung gần như hoàn toàn vào những động cơ chính trị thay vì tập trung dẫn dắt mọi người đến đức tin và gây dựng họ trong đức tin. Họ cũng đi quá xa so với sự kêu gọi đơn giản của Cơ Đốc Nhân (mà các hội thánh đã thực hiện trong nhiều thế kỷ) là trở thành “muối và ánh sáng” giữa thế gian, quan tâm người lân cận, hành động cho một xã hội công bằng hơn, và giúp đỡ người nghèo. Thay vào đó, các hội thánh dòng chính lại coi chính mình – từ đó coi Cơ Đốc Giáo – thành những đảng phái chính trị và chính sách xã hội đặc thù. Những điều mà chỉ hội thánh mới làm được thì bị bỏ bê còn những điều đáng ra nên để cho những đảng phái chính trị tự do làm lại được xem là công việc chính của các hệ phái hiện đại.
Tuy bản thân Kelley là một người tự do về chính trị và thần học nhưng ông lại dự đoán rằng hội thánh nào tiếp tục biến mình thành những tổ chức chính trị như thế thì sẽ tiếp tục sa sút. Khi suy xét lại thì đây là một lời cảnh báo cho các hội thánh bảo thủ rằng họ không nên làm với Đảng Cộng Hoà điều mà những hội thánh dòng chính đã làm với Đảng Dân Chủ. Tuy nhiên, Kelley đã hoàn toàn bị phớt lờ trên mọi phương diện. Ông nhận lấy chỉ trích nặng nề từ Cánh tả, còn những Cơ Đốc Nhân bảo thủ thì chỉ thích thú khi thấy người khác bị chỉ trích mà không nghiêm túc đón nhận những bài học của Kelley. Đó là lý do tại sao hầu hết những người đọc bài luận này đều gần như chưa từng nghe đến tên ông.
Phê Bình Mang Tính Thần Học Của Machen
Năm mươi năm trước khi Kelley viết những phê phán của mình thì đã có một kiểu phê bình hoàn toàn khác về hội thánh dòng chính đã được xuất bản. Năm 1923, J. Gresham Machen cho ra cuốn Cơ Đốc Giáo và Thần học tự do (Christianity and Liberalism) qua một nhà xuất bản lớn tại New York là Macmillan. Là một giáo sư nghiên cứu Tân Ước của Chủng viện thần học Princeton, Machen đã viết khi chưa có sự sa sút nào về mặt thể chế hay con số (của các hội thánh). So với góc nhìn xã hội học của Kelley 50 năm sau đó, thì lúc bấy giờ chưa có sự sụt giảm hoặc mất mát nào để phân tích cả. Tuy nhiên Machen vẫn nhắm vào Tin Lành dòng chính bởi vì ông đã thấy rằng trong khi cố để được thế giới hiện đại chấp nhận, họ đã làm mai một những xác tín và đức tin lịch sử. Ông cho rằng:
Đức tin cứu chuộc vĩ đại vốn luôn được biết đến như là Cơ Đốc Giáo đang tranh chiến chống lại một loại niềm tin tôn giáo pha tạp hoàn toàn khác và có tính hủy phá cao… bởi vì niềm tin này sử dụng những thuật ngữ truyền thống của Cơ Đốc Giáo… dù phong trào này xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng gốc rễ của nó…là chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) – tức chối bỏ mọi sự can thiệp của quyền năng sáng tạo của Đức Chúa Trời (khác với quy trình thông thường của thiên nhiên) trong liên hệ với nguồn gốc của Cơ Đốc Giáo. [8]
Đạo Tin Lành đã biết rằng khoa học hiện đại sẽ phản đối những “nét đặc thù” Cơ Đốc – tức tất cả những giáo lý chính của đức tin Cơ Đốc trong lịch sử, như việc Đấng Christ được sinh bởi nữ đồng trinh, sự tiền hiện hữu và sự nhập thể của Đấng Christ, sự chuộc tội trên thập tự giá và sự sống lại của thân thể. Machen quan sát rằng: “nhà thần học phái tự do tìm cách để vớt vát lại một vài nguyên tắc chung của tôn giáo, trong đó những “nét đặc thù” chỉ còn là những biểu tượng tạm thời còn những nguyên tắc chung mới được ông ta coi là cấu thành ‘bản chất của Cơ Đốc Giáo.” [9]
Đánh giá của Machen thậm chí còn nhức nhối hơn cả Kelley. Machen cho rằng những nỗ lực của thần học tự do trong việc loại bỏ những yếu tố siêu nhiên của Cơ Đốc Giáo “đã thực sự bỏ đi tất cả những đặc thù của Cơ Đốc Giáo, vì thế những gì còn lại chỉ là kiểu khát vọng tôn giáo lờ mờ như đã có trong thế gian từ trước khi Cơ Đốc Giáo xuất hiện mà thôi.” [10] Những sự thay đổi này không chỉ là “cải thiện” hay cập nhật. Chúng thay đổi Cơ Đốc Giáo ở mức độ nền tảng nhất và biến đức tin này trở thành một thứ hoàn toàn khác.
Luôn có những tôn giáo hiện diện trên thế giới để thôi thúc (nhân loại) đến với một đời sống cao siêu hơn, mang đến nhiều câu chuyện truyền cảm hứng cho lối sống cao thượng hơn. Tất cả những tôn giáo này được hình thành từ sự tự cứu bản thân thông qua nhiều thực hành đạo đức, tuân giữ quy tắc tôn giáo, và thay đổi trong ý thức. Nhưng Cơ Đốc Giáo đã và luôn hoàn toàn khác biệt. Cơ Đốc Giáo nhấn mạnh rằng chúng ta được cứu không bởi việc chúng ta làm nhưng bởi điều Đức Chúa Trời đã hoàn tất cho chúng ta trong Đấng Christ – trong sự nhập thể của Ngài, cuộc đời, sự chết, sự sống lại và sự thăng thiên đã xảy ra trong lịch sử nhân loại. Machen hiểu rằng nếu một người mất đi niềm tin vào thực tế lịch sử của những sự kiện này, thì những gì còn lại của Cơ Đốc giáo chỉ còn là một tôn giáo nhằm xưng công chính dựa trên việc làm. Nó loại đi điều chính yếu phân biệt Cơ Đốc giáo với mọi đức tin khác. Trong chương sách nói về sự cứu rỗi, Machen viết rằng:
Nếu đức tin Cơ Đốc Giáo dựa trên lẽ thật (về cuộc đời, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su), thì đó không phải là đức tin cứu Cơ Đốc nhân mà là đối tượng của đức tin… Có đức tin trong Đấng Christ nghĩa là không còn cố gắng xứng đáng với ân huệ của Đức Chúa Trời nhờ phẩm hạnh riêng; một người tin Đấng Christ đơn giản là tiếp nhận sự hy sinh của Ngài trên đồi Gô-gô-tha. Kết quả của đức tin đó dẫn tới đời sống mới và mọi việc lành, nhưng bản thân sự cứu rỗi thì hoàn toàn là món quà miễn phí của Đức Chúa Trời… (điều này) rất khác với những khái niệm về đức tin đang chiếm ưu thế trong hội thánh theo phái thần học tự do. Theo chủ nghĩa tự do hiện đại…người ta nghĩ rằng chúng ta đạt được sự cứu rỗi nhờ vâng lời Đấng Christ. Sự dạy dỗ như vậy chỉ là một hình thức lý tưởng của chủ nghĩa kinh luật. Khi đó không phải sự hy sinh của Đấng Christ nhưng việc chính chúng ta vâng theo luật pháp của Chúa đã trở nên nền tảng …để chúng ta được Chúa chấp nhận. [11]
Như đã thông tin ở trên, Machen viết (những phê bình thần học của ông) khi chưa hề có một dấu hiệu sa sút nào về con số hay về thể chế (các hội thánh). Và thật ra những chỉ trích của ông nhằm suy đoán về những sự sa sút như vậy. Machen tin rằng những thay đổi (về thần học) có tác động sống còn đến sự sống và sứ mạng thực tế của hội thánh Cơ Đốc, dù điều này có dẫn đến những thay đổi về số lượng người tham dự và số tiền dâng hiến hay không. [12]
Chúng ta không thể không thấy những phân tích của Kelley về sự sa sút của hội thánh dòng chính tương đồng với phân tích của Machen theo nhiều cách (dù có nhiều khác biệt rõ rệt về quan điểm). Machen nói rằng hội thánh đã từ bỏ những điều cốt yếu tạo nên sự độc nhất vô nhị của đức tin Cơ Đốc. Kelley đồng ý với điều đó. Kelley đứng ở góc độ xã hội học và nói về việc kết nối mọi người với “những ý nghĩa phổ quát”, nhưng Machen đứng ở góc độ thần học và nói về việc kết nối mọi người với Đức Chúa Trời.
Thay vào đó, hội thánh đã trở thành một cơ quan dịch vụ xã hội và một khối vận động hành lang chính trị, thực thi những chức năng mà các tổ chức phi tôn giáo có thể làm tốt hơn nhiều. Vì vậy hội thánh sa sút là điều không đáng ngạc nhiên. Hội thánh chính dòng ngày càng không thể cho người ta bất cứ điều gì khác ngoài văn hoá thế tục và các thể chế của nó. [13] Nếu tôi muốn đấu tranh cho công lý và không để ai bị gạt ra ngoài lề thì hà cớ gì tôi phải dậy sớm để đi nhà thờ vào sáng Chủ nhật hay phải kết nối với một hội thánh Cơ Đốc và tất cả những thủ tục của nó để làm điều đó?
(Còn tiếp)
Tác giả bài viết, Tiến sỹ Timothy Keller (sinh năm 1950) là nhà thần học và mục sư uy tín người Mỹ. Ông cũng là tác giả viết về nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt là biện giáo trong thời hậu hiện đại. Timothy Keller là mục sư sáng lập hội thánh Redeemer Presbyterian tại Manhattan.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
[1] Robert D. Putnam and David E. Campbell, American Grace: How Religion Divides and Unites Us, Simon and Schuster, 2010, 87.
[2] See Robert Ellwood, The Fifties Spiritual Marketplace: American Religion in a Decade of Conflict, Rutgers U. Press, 1997.
[3] Dean Kelley, Why Conservative Churches Are Growing: A Study in Sociology of Religion with a new Preface, Mercer University Press, 1996, 1.
[4] Ibid, 20-21.
[5] Ibid, 43-44.
[6] Ibid, 84-85.
[7] Ibid, 121.
[8] J. Gresham Machen, Christianity and Liberalism, New Edition, Eerdmans, 2009, 2.
[9] Ibid, 5.
[10] Ibid, 6.
[11] Ibid, 120-121.
[12] Ibid, 150-151. Ở cuối sách, ông thừa nhận rằng ông không hề biết tương lai của hội thánh là gì. Machen nhắc đến việc ngoại giáo xâm nhập vào Cơ Đốc giáo trong thế kỷ thứ hai, một trận chiến mà các giáo phụ hội thánh đã chiến đấu và chiến thắng; nhắc đến sự suy đồi của hội thánh thời trung cổ, dẫn đến cuộc Cải chánh và sự phân chia của thế giới Cơ Đốc. Machen ám chỉ rằng một dạng tính sổ nào đó sẽ tạo thay đổi rất lớn trong thần học của các hội thánh, nhưng ông không dự đoán về diễn biến của điều đó.
[13] Công bằng mà nói thì không giống như Kelley, Machen tin rằng việc hội thánh vứt bỏ giáo lý lịch sử không chỉ thiếu thực tế và thất sách về mặt thể chế mà còn sai lầm nữa. Đó là một sự phản bội và chỉ lý do đó thôi cũng khiến chúng ta nên phản đối điều đó.