ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ THÀNH TỰU CỦA BLAISE PASCAL
Blaise Pascal (1623-1662) là nhà khoa học, triết gia đầy tài năng của nước Pháp và thế giới. Ông chính là tác giả của chiếc máy tính cơ học đầu tiên, đồng thời là người đưa ra nhiều học thuyết khoa học nổi tiếng, trong đó có định luật Pascal và lý thuyết xác suất. Không chỉ là một thiên tài khoa học tự nhiên, Pascal còn là một người có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa. Thông qua những “suy tưởng” và ngòi bút của mình, ông đã góp phần bảo vệ đức tin Cơ đốc và được coi là một nhà triết học, thần học và nhà biện giáo Cơ đốc. “Trường hợp” Pascal có thể coi là một bằng chứng hùng hồn cho mối quan hệ giữa khoa học và đức tin. Dưới đây là đôi nét về cuộc đời và những thành tựu của Blaise Pascal và lý do tại sao ông vẫn đóng một vai trò quan trọng trong thời hiện đại.
Blaise Pascal là ai?
Blaise Pascal sống trong thời kỳ cách mạng khoa học và là một nhà toán học, vật lý học, nhà phát minh, nhà luận chiến và nhà văn. Việc ông phát minh ra máy tính là một trong những thành tựu quan trọng của cuộc cách mạng khoa học thời kỳ đầu và là tiền thân của máy tính hiện đại.
Mẹ của Pascal qua đời khi ông mới lên 3 và ông được cha mình dạy dỗ tại nhà. Đến năm 10 tuổi, Pascal đã thực hiện các thí nghiệm ban đầu về toán học và khoa học vật lý. Để giúp đỡ cha mình là một người thu thuế, ông đã phát minh ra thiết bị tính toán đầu tiên (một số người gọi nó là “chiếc máy tính” đầu tiên).
Với phát minh cuối cùng này, ông đã tạo nên tên tuổi cho mình (ở tuổi 19!) và bắt đầu sự nghiệp khoa học phong phú, đa dạng của mình. Ông đã thử nghiệm các thuyết của Galileo và Torricelli (những người khám phá ra nguyên lý của khí áp kế), đặc biệt là đưa ra định luật thủy lực học nổi tiếng, trong đó nói rằng áp suất trên bề mặt chất lỏng được truyền đồng đều đến mọi điểm trong chất lỏng. Ông đã bổ sung các tài liệu quan trọng về chân không, tam giác số học, trọng lượng và mật độ không khí. Ông đã phát triển lý thuyết xác suất vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Ông đã phát minh ra ống tiêm, hệ thống nâng thủy lực và được ghi nhận là người phát minh đồng hồ đeo tay và vạch ra tuyến đường xe buýt đầu tiên ở Paris. Người ta nói rằng Pascal đã cảm thấy bối rối vì sự đa tài của mình(1).
Hồi nhỏ, Pascal là một tín đồ Công giáo trên danh nghĩa nhưng khi trưởng thành, một trải nghiệm tôn giáo mạnh mẽ đã khiến ông dâng đời sống mình cho Đấng Christ và dùng trí tuệ kiệt xuất của mình phục vụ vương quốc Ngài. Là một nhà triết học, thần học và biện giáo, Pascal đã đưa ra phân tích sâu sắc và đầy khiêu khích về thế giới quan và nhân sinh quan rộng hơn của Cơ Đốc giáo. Cụ thể, lập luận triết học về đặt cược của Pascal (Pascal’s wager argument) là một đóng góp then chốt cho biện giáo Cơ Đốc. Ông đã hoàn thiện tất cả những điều này trước khi qua đời ở tuổi 39.
Pascal viết những tác phẩm nào?
Hai cuốn sách của Pascal, Những Bức Thư Tỉnh Lẻ (Provincial Letters) và Pensées (phát âm là “Pon-SAYZ” và bản dịch tiếng Việt có dịch là “Suy tưởng”) vẫn được đọc và trân quý cho đến ngày nay. Trong Những Bức Thư Tỉnh Lẻ, một cuốn sách được ca tụng vì lối nói tu từ, Pascal ủng hộ phong trào Công giáo Jansenism chống lại các tu sĩ Dòng Tên. Pensées được xuất bản sau khi ông qua đời như một tác phẩm biện giải chưa hoàn tất, chủ yếu gồm các ghi chú, dàn ý và các đoạn rời rạc đã hoặc chưa được sắp xếp. Pascal qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo khi đang soạn dở một cuốn sách về biện giáo Cơ Đốc cho những người bạn hoài nghi. Tuy thực chất, Pensées chỉ mang tính phác thảo và chưa thành một cuốn sách hoàn chỉnh nhưng nội dung của sách sâu sắc đến mức đây vẫn là một cuốn sách bán chạy lâu nay.
Pascal tin vào điều gì?
Dưới đây là ba tư tưởng hoặc lập luận quan trọng nhất của Pascal về Đức Chúa Trời của thuyết hữu thần (theism) Cơ Đốc:
1. Theo Pascal, con người là sự pha trộn kỳ lạ giữa “vĩ đại và thảm hại.” Cơ Đốc giáo lý giải cho bí ẩn này của con người, mặc định rằng vĩ đại là bởi con người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, còn thảm hại là do nhân loại sa vào tội lỗi. Trong Pensées, Pascal kết luận rằng “Việc biết Chúa Giê-su Christ sẽ tạo ra sự cân bằng vì Ngài cho chúng ta thấy cả Đức Chúa Trời và sự thảm hại của chính chúng ta(2).”
2. Theo hiểu biết của Pascal về mối liên hệ giữa đức tin và lý trí, tấm lòng và tâm trí đều đóng vai trò quan trọng đối với việc một người đến với đức tin. Tấm lòng đem lại trực giác trong quá trình hình thành những niềm tin cơ bản nhất, trong khi tâm trí đưa ra lập luận bổ sung. Pascal nói: “Chúng ta biết lẽ thật không chỉ bằng lý trí mà còn bằng tấm lòng mình(3).”
3. Pascal tin rằng bằng chứng ủng hộ Cơ Đốc giáo rất mạnh. Ông xây dựng lập luận đặt cược để thúc đẩy người ta đáp ứng với đức tin vào bằng chứng đó. Lập luận đặt cược của Pascal nói rằng: Nếu một người không tin vào Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời không tồn tại thì người đó không được gì. Mặt khác, nếu một người không tin vào Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời có tồn tại thì người đó sẽ mất mọi thứ. Hậu quả của việc đặt cược không chính xác sẽ dẫn đến tổn thất vô biên (mãi mãi bị loại khỏi sự sống với Đức Chúa Trời, tức là địa ngục). Khi phân tích giữa giá trả và lợi ích thì người đặt cược chống lại Chúa chẳng được gì nhưng lại mất mọi thứ. Với hai phương án này, Pascal khẳng định một cách logic rằng một người thận trọng nên đặt cược vào Đức Chúa Trời.
Tại sao Pascal vẫn đóng vai trò quan trọng trong thời hiện đại?
Một số người chỉ trích Pascal là một kẻ theo duy tín thuyết (với nghĩa tiêu cực là một người tin rằng đức tin không có nền tảng lý trí). Tuy nhiên, đánh giá như vậy là quá sơ sài. Những người theo chủ nghĩa thế tục khẳng định rằng trải nghiệm tôn giáo đã khiến ông mất hứng thú với khoa học, nhưng những thành tựu khoa học của Pascal đã chứng tỏ ông là một trong những nhà tư tưởng tiến bộ nhất thời bấy giờ. Ông là tinh hoa của thời phục hưng. Những đóng góp của ông cho khoa học, toán học và phát minh đại chúng đều rất sâu sắc và lâu dài; đồng thời cách tiếp cận của ông đối với thần học và biện chứng Cơ Đốc khiến ông trở nên một nhà tư tưởng Cơ Đốc có một không hai.
Khi người Tin lành nói đến sự khác biệt giữa đầu óc và trái tim, rằng con người vừa có tài, vừa có tật, hay nói về hạn chế của khoa học khi giải thích thế giới, họ đang khẳng định những ý tưởng mà Pascal đã nêu rõ và bảo vệ một cách nhiệt thành. Pascal vẫn đóng vai trò quan trọng trong thời đại ngày nay vì ông hiểu cả sức mạnh và sự hạn chế của khoa học theo cách mà không ai có được.
Tác giả bài viết, nhà triết học và thần học Kenneth Richard Samples có bằng Cử nhân khoa học xã hội về lịch sử và triết học tại Đại học Concordia và bằng Thạc sĩ thần học tại Trường Thần học Talbot. Kenneth từng làm việc với tư cách là nhà tư vấn nghiên cứu cấp cao và biên tập viên thư tín tại Viện Nghiên cứu Cơ đốc. Ông thường xuyên dẫn chương trình The Bible Answer Man, một chương trình radio hỏi đáp qua điện thoại do nhà biện giáo nổi tiếng, Tiến sĩ Walter Martin thiết lập. Ngoài ra, các bài báo của Kenneth đã được xuất bản trên Christian Today, Christian Research Journal và Facts for Faith). Ông cũng là thành viên trong Hiệp hội Triết học Tin lành, Hiệp hội Thần học Tin lành và Hiệp hội Biện giáo Cơ Đốc Quốc tế.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://reasons.org/explore/blogs/reflections/christian-thinkers-101-a-crash-course-on-blaise-pascal
[1] Blaise Pascal – Scientific and spiritual prodigy, Christianity Today, https://www.christianitytoday.com/history/people/evangelistsandapologists/blaise-pascal.html
[2] Blaise Pascal, Pensées, trans. A. J. Krailsheimer (London: Penguin Books, 1995), 57.
[3] Pensées, 110.
Trackbacks & Pingbacks
[…] ❥Nguồn: Giảng Luận Kinh Thánh […]
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!