VÀI SUY TƯ VỀ GIÁO DỤC THẦN HỌC TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
Chứng kiến Hội thánh Việt Nam đang chuyển mình trong giai đoạn mới – giai đoạn được gọi là mở cửa, kèm theo sự phát triển trong ngành giáo dục Cơ Đốc, chúng ta không khỏi băn khoăn về chất lượng của nó. Là người trực tiếp tham gia giảng dạy ở một số trường, tôi xin phép đưa ra quan điểm cá nhân. Bài viết này không nhằm mục đích nhắm vào trường Kinh thánh, tổ chức hay cá nhân nào mà nhằm tư vấn cho thế hệ trẻ, những người đang mong muốn theo học nền giáo dục chất lượng ngoài phạm vi giáo hội hay tổ chức của mình.
1. Về Vấn Đề Kiểm Định Giáo Dục (Accreditation)
Phần đông các tín hữu tại Việt Nam học trường Kinh thánh không quan tâm hoặc chưa hiểu về kiểm định chất lượng giáo dục của Trường thần học. Học Kinh thánh để giúp biết lời Chúa, nên nhiều người không bàn thêm gì, có lớp nào là học lớp ấy, miễn không phải dị giáo là được.
Tuy nhiên, khi nói đến các trường đào tạo có văn bằng Cử Nhân (B.A), Thạc sỹ (M.A/M.Div), hoặc sau cao học (Th.M, DMin, Ph.D) thì không thể bỏ qua chất lượng giáo dục. Với giáo dục tại Việt Nam, muốn mở trường thì phải thông qua cơ quan quản lý cụ thể là Bộ Giáo Dục (không tính giáo dục thần học). Vì lý do đó, khi mở một trường nào đó, dù chất lượng thế nào đi nữa thì văn bằng của sinh viên vẫn thuộc thẩm quyền cấp, đóng dấu của cơ quan quản lý.
Ở nước ngoài, cụ thể là Mỹ hoặc một số nước Châu Á, việc mở trường đơn giản hơn. Nhất là trường thần học thuộc nhóm NGO (Phi lợi nhuận) nên không cần thẩm định của nhà nước, chỉ cần có giấy phép hoạt động là được. Vì lý do này mà nhiều người nhầm lẫn giữa giấy phép hoạt động của trường tại bang nào đó của Mỹ mà cứ tưởng là trường đó đã được thẩm định chất lượng.
Câu chuyện thẩm định chất lượng giáo dục thần học (Accreditation) tại Mỹ hay một số nước rất dài dòng. Tôi xin tóm gọn thế này, nếu bạn muốn học trường thần học nào đó tại Mỹ thì phải xem thử trường đó đã được accredited (thẩm định) từ cơ quan nào chưa? Ở Mỹ thì phải nói đến ATS (Association of Theological Schools – Hiệp Hội Các Trường Thần Học Hoa Kỳ), CHAE (Council for Higher Education Accreditation – Hội Đồng Kiểm Định Giáo Dục Đại Học), DEAC (Distance Education Accrediting Commission – Ủy Ban Kiểm Định Giáo Dục Từ Xa) hoặc ít nhất là cơ quan thuộc bang trực thuộc.
Còn trường thuộc Châu Á phải có ATESEA (Đông Nam Á), và ATA (Dành cho cả Châu Á). Nếu trường thần học thuộc khu vực Châu Á mà không được thẩm định từ các cơ quan này, bạn cũng nên cân nhắc là mình có thể mất thời gian học chương trình chưa được kiểm định.
2. Chứng Chỉ Và Văn Bằng
Tất cả trường Kinh thánh đều trao tặng sinh viên của họ văn bằng (degree) hoặc chứng chỉ (certificate). Trong bài viết này tôi tạm gộp chung chứng chỉ và chứng nhận là một.
Một trong những khác biệt lớn giữa chứng chỉ và văn bằng là thời gian học tập. Văn Bằng ở nhiều dạng khác nhau và thời gian học tập thường cần vài năm để hoàn thành, ít nhất là 2 năm. Bằng có nhiều tên gọi: Cao Đẳng, Cử Nhân, Thạc sỹ (cao học), và Tiến sỹ.
Chương trình chứng chỉ đôi khi chỉ cần vài tháng. Tùy vào giáo trình (Curriculumn), chứng chỉ đôi khi phải mất 2 năm hoặc 2,5 năm. Loại chứng chỉ này thường không yêu cầu về trình độ văn hoá. Còn có loại chứng chỉ khác gọi là (Diploma) – có giá trị tương Cao Đẳng, thường được xem là sâu hơn chứng chỉ (certificate). Phần đông các trường yêu cầu sinh viên phải có phổ thông nhất định nào đó mới được phép học chương trình chứng chỉ (Diploma). Một số trường yêu cầu phải tốt nghiệp 12 mới được phép học.
Tại sao phải có phân loại này? Việc phân loại không nhằm mục đích phân biệt tri thức (knowledge) khác nhau, vì nhiều người tri thức sâu rộng nhưng chưa hẳn có bằng cấp và ngược lại. Có ba lý do chính:
1) Thời gian cam kết (time commitment). Mỗi chương trình yêu cầu thời gian khác nhau.
2) Tiêu chuẩn (requirements): Đây là sự khác biệt chính. Càng học ở văn bằng cao thì nhiều tiêu chuẩn càng khắt khe. Nói cách khác, không có tú tài thì không thể được phép học Cử Nhân, v.v.
3) Đề án (coursework): Chương trình văn bằng cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên sâu hơn chứng chỉ. Chứng chỉ thường tập trung vào việc dạy sinh viên kỹ năng cụ thể và thiết thực liên quan đến lĩnh vực nào đó. Chương trình văn bằng yêu cầu giáo dục phổ thông, chuyên ngành và tín chỉ phổ quát. Bằng cấp có nhiều khóa học hơn tín chỉ, cho nên phải mất nhiều thời gian mới có được nó.
Nói tới đây, chắc các bạn cũng biết mình nên chọn học chương trình nào rồi. Giáo dục tiêu chuẩn không cho phép chúng ta phá vỡ quy định. Nó đòi hỏi thứ tự và thời gian nhất định. Quyền được học tập là dành cho mọi người, nhưng văn bằng không dành cho tất cả!
3. Sự Kêu Gọi Và Bằng Cấp
Một số tổ chức yêu cầu tiêu chuẩn rất cao để phong phẩm, phong chức mục sư hay giám mục cho tổ chức của họ. Cụ thể các ứng viên phải có văn bằng nào đó, chẳng hạn như thạc sỹ hay tiến sỹ. Nếu không đáp ứng những yêu cầu đó, các ứng viên chỉ có thể giữ vị trí là lãnh đạo Hội thánh, Truyền Đạo, hoặc Mục sư Nhiệm chức. Nghĩa là không có tổ chức hay Giáo hội nào có quyền tước đi sự kêu gọi hay quyền phục vụ Chúa của bất kỳ người nào.
Người ta có thể có bằng cấp cao nhưng chưa hẳn có sự kêu gọi, nhưng đã nhận ơn gọi thì thường đi kèm với bằng cấp trong một số lĩnh vực, ví dụ như chức vụ giáo sư. Đức Chúa Trời kêu gọi bất kỳ người nào, không màng đến trình độ hay bằng cấp của họ để hoàn thành mục đích của Ngài. Nói như thế không có nghĩa hầu việc Chúa là dễ dàng. Vì vậy, ai được kêu gọi trong lĩnh vực nào thì hãy hết lòng trong lĩnh vực đó.
Từ khi nào người ta yêu cầu người chăn bầy (Mục sư) phải có bằng cấp? Sẽ rất tuyệt nếu các mục sư đều có các học vị cao để đáp ứng với nhu cầu xã hội hiện đại. Nhưng đừng vì áp lực của xã hội mà đi chạy theo bằng cấp như người ngoài đời trong khi mình chưa thể đáp ứng được.
Nếu bạn tự hào rằng sự kêu gọi của mình là pháp thiên, hà cớ gì phải đi tìm pháp nhân (bằng cấp)? Gần đây, nhiều trường mở ra cách ồ ạt, lẽ ra là tín hiệu vui để đào tạo nhiều người phục vụ Hội thánh. Thật đáng tiếc là Trường thần học trở thành công cụ để nhiều người thoả mãn việc tìm kiếm bằng cấp, dù một số người không phù hợp nhận lãnh học vị đó. Bạn nghĩ có nên chăng khi một người không có tú tài (lớp 12) mà có bằng cử nhân hay cao học? Ngoài đời người ta lên án chuyện chạy bằng mà các trường Cơ Đốc sao phải chạy theo? Một số người trước kia từng chê bai học vị là chuyện của đời nay đã không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của bằng cấp. Phải chăng pháp thiên của họ chưa đủ vững chắc nên họ phải vào các trường dễ dãi không cần phải khổ luyện để kiếm tấm bằng cho giống người ta?
Chúng tôi vẫn đang miệt mài làm giáo dục, chương trình có bằng hay không cũng chẳng quan trọng, có thẩm định hay không cũng chẳng sao. Vấn đề quan trọng của người làm giáo dục Cơ Đốc chính là sự trung thực. Mục đích của giáo dục không phải là bằng cấp, bằng sẽ theo tận nhà những ai chịu học hỏi, mà là được trở nên giống Chúa Giê-su. Chúa Giê-su nói “…nhưng nếu môn đồ được huấn luyện đầy đủ, thì sẽ giống như thầy mình.” (Lu-ca 6:40).
4. Trường Tốt & Trường Dỏm
Từ trước tới giờ, tôi chưa bao giờ dám xem thường bất kỳ trường Kinh thánh nào trung thực đào tạo người hầu việc Chúa cả. Ở đó có sự hy sinh của người thầy, sự cam kết của học viên. Với hoàn cảnh Việt Nam, khái niệm trường Kinh thánh tốt đôi khi thật mơ hồ. Ai cũng cho rằng trường mình tốt và chất lượng, không ngại ngần chê trường này, chê lớp nọ không đủ chất lượng. Chất lượng của Trường/lớp không tự mình nói ra được, hãy để bên thứ ba uy tín nói thay.
Đúng ra thì phần nhiều trường Kinh thánh tại Việt Nam đang hoạt động kiểu tư gia và âm thầm, cho nên trường tốt ở đây không nên hiểu theo nghĩa chất lượng mà theo nghĩa sự trung thực và hy sinh của ban giảng huấn và giáo lý chính thống. Nếu nhìn như vậy thì làm gì có trường dỏm! Thật may là có những học viên siêng năng học tập, phẩm hạnh tốt và phục vụ hội thánh rất tốt nên đem lại vinh quang cho trường. Kể cả trường chất lượng mà không có học viên có tinh thần học tập, lại còn thêm phẩm chất tồi nữa thì chỉ tội cho trường.
Trường dỏm hay không cũng tùy vào lãnh đạo. Có người nhận biết giới hạn của mình, họ đã sẵn sàng nhường chỗ giảng dạy cho những thế hệ trẻ có dư kiến thức và bằng cấp nhưng thiếu kinh nghiệm và trao cho họ những cơ hội. Thật tốt cho những trường như vậy vì lãnh đạo có tầm nhìn, quan tâm cho thế hệ tương lai và chất lượng giáo dục. Cũng có người cứ ôm lấy thành tích chinh chiến năm xưa và lấn át chuyên môn về giáo dục. Hệ quả là học viên nhận được sự bồi linh chứ không phải là học thuật.
Trường nào cứ tiếp nhận giáo lý lệch lạc, không trung thực trong giảng dạy, không có đề án học tập, không có giáo trình, không theo đúng chuẩn mực giáo dục cơ bản, đây không phải là trường dỏm mà là trường phi giáo dục. Tệ hơn nữa, người ta sẵn sàng thoả hiệp du nhập giáo lý độc hại vì không muốn mất đi nguồn tài trợ. Đây không còn là chuyện của chất lượng mà là đạo đức.
Rmah Y Hanh
Vài nét về tác giả: Mục sư Rmah Y Hanh là giáo viên Kinh Thánh, điều phối viên CCI Việt Nam. Ông cũng đang theo học chương trình sau Cao học – chuyên ngành thần học tại AGSTAlliance. Ông là tác giả của quyển sách: Khi Đã Là Yêu và Xem Tất Cả Là Điều Vui Mừng. Hiện ông đang sinh sống và hầu việc Chúa cùng vợ và ba con tại Tp. HCM.
Quan điểm bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!