ĐƯA SỨ MẠNG VÀO CÁC BÀI GIẢNG VỀ CỰU ƯỚC
Bài viết này là phần hai của loạt bài nhấn mạnh về sứ mệnh toàn cầu của Đức Chúa Trời xuyên suốt Kinh Thánh (Xem phần 1 tại đây). Mặc dù chưa đầy đủ, nhưng bài viết này phân tích các phân đoạn chính trong Cựu Ước nhấn mạnh tấm lòng Đức Chúa Trời dành cho tất các dân trên đất.
Sứ mạng toàn cầu của Đức Chúa Trời trong các sách Luật Pháp, các sách Tiên Tri và các sách Văn Thơ
Không phải mọi sứ điệp đều nhằm kêu gọi dân sự tham gia các sứ mạng toàn cầu, nhưng mỗi phân đoạn đều có vị trí nào đó trong kế hoạch cứu chuộc toàn cầu của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói rằng Cựu Ước không chỉ nói về Ngài, mà còn nói về sự công bố phúc âm toàn cầu. Chính Chúa Giê-su đã tuyên bố lẽ thật này cho các môn đồ của ngài trong Lu-ca 24:44–47.
Ngài phán: “Đây là những lời mà Ta đã phán với các con khi Ta còn ở với các con: Mọi điều đã chép về Ta trong Luật Pháp Môi-se, các sách Tiên Tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ, Ngài mở trí cho các môn đồ để hiểu Kinh Thánh. Ngài phán: “Có lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn, đến ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại; người ta phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho tất cả các nước về sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem.
Sứ mạng toàn cầu của Đức Chúa Trời thể hiện trong sách các Luật pháp
Ngay từ thuở ban đầu, Đức Chúa Trời đã tạo dựng vũ trụ để bày tỏ vinh quang Ngài. Ngài đã ban một mạng lệnh phổ quát cho tất cả mọi người trên thế gian là hãy sinh sản và làm đầy dẫy đất (Sáng thế ký 1:26–31). Mục đích đó đến nay vẫn không thay đổi, dù cho tội lỗi làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn.
Sáng thế ký chương 11 bày tỏ một câu hỏi then chốt rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời có còn được áp dụng với các dân trên đất không. Chương 12 trả lời câu hỏi đó và mối liên kết giữa hai chương đóng vai trò như một luận đề cho phần còn lại của Kinh Thánh. Giảng chương 11 mà không giảng chương 12 cũng giống như nêu vấn đề mà không đưa ra giải pháp. Giảng chương 12 mà thiếu chương 11 lại giống như đưa ra câu trả lời mà không nêu câu hỏi.
Phần còn lại của Kinh thánh cho thấy cơn thịnh nộ và sự phán xét của Đức Chúa Trời đã nguôi ngoai, để mọi người, không phân biệt quốc gia, sắc tộc, ngôn ngữ được đến gần để tận hưởng ân điển của Đức Chúa Trời và gia tăng vinh hiển Ngài với tư cách là những người được phục hồi, mang hình ảnh giống với Ngài. Sáng thế ký chương 26 và 28 xác nhận lại lời hứa của Đức Chúa Trời rằng con cháu của Áp-ra-ham sẽ là kênh dẫn ân điển và vinh quang của Đức Chúa Trời đến với tất cả dân tộc trên toàn thế giới. Và mạch văn sau đó cũng khẳng định điều này.
Trong Xuất Ê-díp-tô Ký chương 12, những người không thuộc dân Do Thái cũng được chào đón vào gia đình của Đức Chúa Trời khi ra khỏi Ai Cập cùng đoàn dân Y-sơ-ra-ên. Trong Xuất Ê-díp-tô Ký chương 22-23, tuyển dân của Đức Chúa Trời cũng được truyền lệnh phải quan tâm đến những khách lạ giữa vòng họ. Nói cách khác, họ không được nghĩ rằng phước hạnh của Đức Chúa Trời chỉ dành cho riêng họ mà còn cho những dân tộc khác cư ngụ giữa vòng họ nữa.
Phục truyền Luật Lệ Ký chương 4 cũng tiết lộ mục đích quan trọng của Luật pháp, không phải để duy dân Y-sơ-ra-ên được hưởng ân điển của Đức Chúa Trời mà các quốc gia xung quanh cũng thấy Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên và công bố sự vĩ đại của Ngài (Phục truyền Luật lệ Ký 4:6–8). Nói cách khác, mục đích chính của luật pháp là thể hiện ân điển và vinh quang của Đức Chúa Trời cho các dân khác.
Sứ mạng toàn cầu của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong các sách Tiên Tri
Kế hoạch của Đức Chúa Trời cho các quốc gia khác cũng được tiết lộ trong các sách Tiên Tri. Khi dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu cuộc chinh phục Ca-na-an trong Giô-suê chương 5–6, Đức Chúa Trời tuyên bố rằng Ngài đang bày tỏ vinh quang Ngài với các cư dân trong xứ. Giô-suê nói rằng điều này được thực hiện để “các dân tộc thế gian biết được bàn tay quyền năng của Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 4:24).
Ở chỗ khác, sách 1 Các Vua chương 10 cũng cho chúng ta thấy hình ảnh các dân đến với Y-sơ-ra-ên, chẳng hạn như nữ hoàng Sheba đến thăm Sa-lô-môn và chúc phước cho Đức Chúa Trời khôn ngoan và đầy lòng yêu thương của dân Y-sơ-ra-ên.
Tiên tri Ê-sai cũng nêu nhiều khải tượng về vinh quang của Đức Chúa Trời được công bố giữa các dân (Ê-sai 2:1–4; 11:9–10; 12:3; 66:18–24), về sự cứu rỗi và ân điển của Đức Chúa Trời cho các dân (Ê-sai 19:19–25; 25:6–8; 42:1–9; 45:22, 49:5–6; 52:10; 52:15; 60:1–3), và Đức Chúa Trời nhận được sự ngợi khen từ các quốc gia khác (Ê-sai 24:14–16a; 42:10–12). Hãy đọc những gì Đức Chúa Trời nói về Đấng Mê-si-a trong Ê-sai 49:
“Việc con làm đầy tớ Ta để lập lại các bộ tộc của Gia-cốp,
Và đưa những người Y-sơ-ra-ên được bảo vệ trở về
Chỉ là việc nhỏ;
Ta sẽ khiến con làm ánh sáng cho các nước,
Để đem sự cứu rỗi của Ta đến tận cùng trái đất.” (Ê-sai 49:6)
Đức Chúa Trời cũng khiển trách Y-sơ-ra-ên thông qua tiên tri Ê-xê-chi-ên rằng: “không phải vì cớ các ngươi mà Ta phải hành động, nhưng vì cớ danh thánh Ta mà các ngươi đã xúc phạm trong các dân là nơi các ngươi đã đi đến.” (Ê-xê-chi-ên 36:22). Sau đó, Đức Chúa Trời đã hứa trong câu 23, ” Như vậy, các dân tộc sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va.” Ngài ban phước cho dân Y-sơ-ra-ên là để bày tỏ vinh quang Ngài cho các dân.
Xuyên suốt sách A-mốt, tiên tri A-mốt đã tuyên bố sự phán xét đối với người Do Thái và dân ngoại, như thể muốn nói, “Đức Chúa Trời không chỉ là Đức Chúa Trời phán xét Y-sơ-ra-ên, nhưng cũng phán xét cả các dân nữa.” Mi-chê nói tiên tri về ngày mà các dân sẽ phục dưới luật pháp và sự phán xét của Đức Chúa Trời (Mi-chê 4:1–3).
Ha-ba-cúc đã báo trước về một ngày mà khắp đất sẽ đầy dẫy sự nhận biết về vinh quang Đức Chúa Trời như nước phủ đầy biển (Ha-ba-cúc 2:14). Sô-phô-ni đã tiên tri rằng mọi dân trên trái đất sẽ phục vụ Chúa trong sự hiệp một (Sô-phô-ni 3:9). A-ghê thì công bố rằng nhà của Chúa sẽ chứa đầy báu vật của các nước (A-ghê 2:7). Và Xa-cha-ri tiên tri rằng các quốc gia sẽ tìm kiếm ân huệ của Chúa và Chúa sẽ trị vì mọi dân tộc (Xa-cha-ri 8:20–23).
Thông điệp chính của sách Giô-na không phải là “làm sao để vâng lời” mà là thể hiện lòng thương xót sâu xa của Đức Chúa Trời đối với các dân cũng như lời quở trách nghiêm khắc của Ngài khi dân Y-sơ-ra-ên không chia sẻ tấm lòng của Ngài với các dân, kể cả với một quốc gia tàn bạo và bị căm ghét như A-si-ri.
Sứ mạng toàn cầu của Đức Chúa Trời được công bố trong các sách Văn Thơ.
Cuối cùng thì sứ mạng của Đức Chúa Trời đối với các quốc gia khác cũng được bày tỏ trong các tác phẩm của Cựu Ước.
Sách Thi thiên bắt đầu và kết thúc bằng hình ảnh về ân điển của Đức Chúa Trời và vinh quang Ngài được bày tỏ cho tất cả các dân tộc kính sợ Ngài. Thi thiên 1–2 mô tả những người được ban phước, thậm chí cả các vua và người cai trị trên đất cũng nương náu mình nơi Ngài (Thi 2:10–12).
Năm thi thiên cuối cùng, Thi thiên 146–150 là những bài ca ngợi khen đi liền với nhau. Các thi thiên này không chỉ bày tỏ rằng Chúa đáng được ca tụng, nhưng chúng cũng cho chúng ta biết là ai cần ca tụng Chúa: “Các vua thế gian và các dân tộc, …hãy ca ngợi danh Đức Giê-hô-va!” (Thi 148:11–13).
Sự thờ phượng Đức Chúa Trời là dành cho mọi dân tộc.
Nép mình ở giữa, Thi thiên 67 làm thay đổi suy nghĩ của người hát về chính giao ước với Áp-ra-ham trong Sáng thế ký 12.
“Nguyện Đức Chúa Trời thương xót chúng con và ban phước cho chúng con,
Chiếu sáng mặt Ngài trên chúng con.
Để đường lối Chúa được biết trên đất
Và sự cứu rỗi của Chúa được biết giữa các nước.” (Thi thiên 67:1–2).
Cuối cùng, điểm chính yếu của những câu chuyện kỳ diệu trong Đa-ni-ên không dạy “cách bất tuân chính quyền” hay “cách đứng về phía Đức Chúa Trời khi đối mặt với bắt bớ”. Không, Đức Chúa Trời đã cứu các tôi tớ Ngài khỏi sự chết trong lò lửa hừng và hang sư tử để các vua dân ngoại như Nê-bu-cát-nết-sa hay Đa-ri-út tố cáo các thần của họ và thờ phượng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Hơn nữa, những vị vua của dân ngoại này ra lệnh rằng danh Đức Chúa Trời phải được kính sợ giữa mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ (Đa-ni-ên 3:28–29; 6:25–27).
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Đa-ni-ên chương 7 nhìn tới ngày mà Con Người sẽ ngự đến cùng những đám mây trên trời và “mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ” sẽ phục vụ Ngài dưới quyền trị vì đời đời, chẳng hề mai một của Ngài (Đa-ni-ên 7:14).
Đức Chúa Trời của chúng ta đang thực hiện sứ mạng, đó là tập hợp một dân tộc từ mọi quốc gia để tận hưởng ân điển Ngài và gia tăng vinh quang Ngài, một sứ mạng không chỉ có trong Tân Ước mà đã có ngay từ khi khởi đầu công cuộc sáng tạo và xuyên suốt lịch sử Y-sơ-ra-ên.
Tác giả bài viết, Robert Wells V tốt nghiệp từ Chủng viện Thần học Báp-tít Nam Phương. Ông và gia đình mình hiện đang sinh sống tại Virginia, Hoa Kỳ. Tại đây ông phục vụ trong đội ngũ huấn luyện những người mở mang hội thánh trên toàn thế giới. Họ cũng đang chuẩn bị tham gia vào đội ngũ mở mang hội thánh tại Trung Á.
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.imb.org/2017/11/14/every-sermon-old-testament-include-missions/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!