HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH KHAI TRÌNH CƠ ĐỐC
Giangluankinhthanh – Kế tiếp bài viết về xây dựng văn hóa cởi mở và có tính khai trình trong các hội thánh Cơ đốc tại Việt nam đã đăng trong kỳ trước, tác giả Phạm Quang Nam đưa ra những hướng dẫn cụ thể về thực hành khai trình Cơ đốc.
Giới thiệu về Khai trình Cơ đốc
Từ “khai trình” trong tiếng Việt được ghép từ hai từ “khai” và “trình”. Theo Đại Từ điển tiếng Việt, khai có nghĩa là cho người khác biết về những việc liên quan đến mình hay việc mình biết. Chúng ta thường sử dụng từ khai trong mối quan hệ giữa cá nhân và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi một người bị nghi ngờ phạm một tội gì đó, hoặc là nhân chứng trong vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra có thể triệu tập người đó lên để lấy lời khai. Khi một người nộp đơn xin việc vào một cơ quan, tổ chức, người ấy thường phải khai lý lịch. Khi hộ gia đình có một thành viên mới sinh hoặc có một người mới qua đời, hộ gia đình đó phải làm khai sinh hoặc khai tử. Từ khai trong tiếng Việt hàm ý chênh lệch quyền lực giữa “bên khai”, là bên phía dưới, yếu thế, và “bên nhận lời khai”, là bề trên, bên có quyền. Từ này cũng hàm ý một mức độ cưỡng ép, bắt buộc nào đó. Chẳng bao giờ chúng ta sử dụng từ “khai” trong mối quan hệ ngang hàng và tự nguyện cả, trừ khi muốn pha trò. Hai người bạn có thể nói với nhau: “Khai ra mau, có phải mày đã phải lòng cô ấy không?” Từ khai ở đây được sử dụng với ý nghĩa đùa tếu, đặt mình lên trên người bạn và “ép” người đấy phải nói ra sự thật ngay cả khi người đấy ngại hoặc xấu hổ không muốn nói.
Còn từ trình, cũng theo Đại Từ điển tiếng Việt, có nghĩa là trình bày, nói một cách rõ ràng, cụ thể để cho người khác hiểu. Từ “trình” có thể được sử dụng trong những từ hàm ý mối quan hệ trên dưới, ví dụ như trình báo, đệ trình, giải trình, tường trình, xuất trình, nhưng cũng có thể được sử dụng trong mối quan hệ ngang hàng như trình bày.
Khái niệm “khai trình”, có lúc được dịch là khai trình, có lúc được dịch là tường trình trong các bản dịch tiếng Việt, xuất hiện khoảng 9 lần trong Kinh Thánh, 3 lần trong Cựu Ước và 6 lần trong Tân Ước. 3 lần nói về khai trình giữa con người với con người, và 6 lần về khai trình giữa con người và Đức Chúa Trời, giống như bảng dưới đây.
Khai trình như vậy có nghĩa có nghĩa là khai ra, trình bày và giải thích về những việc mình làm. Khai trình cuối cùng mà tất cả mọi người đều phải đối diện, cả Cơ đốc nhân lẫn người ngoại, đó là sự khai trình trước Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu Christ, là Đấng sẽ phán xét người sống và kẻ chết (II Ti-mô-thê 4:1). Để chuẩn bị cho sự khai trình cuối cùng đó, chúng tôi mong muốn giới thiệu một khái niệm mới, đó là Khai trình Cơ đốc.
Định nghĩa
Khai trình Cơ đốc là sự chia sẻ, xưng nhận tự nguyện những tội lỗi của bản thân với anh/chị em đồng đức tin, sau đó cùng đi đến Ngai ân điển của Đức Chúa Trời để được thêm sức chiến thắng chúng, hướng tới sự nên thánh trọn vẹn mà Đức Chúa Trời mong muốn cho tất cả con cái yêu dấu của Ngài.
Chúng tôi muốn giải thích từng điểm quan trọng trong định nghĩa này, bắt đầu từ điểm cuối đến những điểm đầu.
1. Chúng ta là những con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời: ngay từ khi chúng ta còn là kẻ chống nghịch Chúa, Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta. Sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu trên cây thập tự chính là bằng chứng rõ ràng nhất về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con người tội lỗi (Rô-ma 5:8). Chẳng có gì mang lại sự ấm lòng hơn lẽ thật là Đức Chúa Trời yêu thương những kẻ có tội.
2. Đức Chúa Trời mong muốn con cái Ngài được trở nên thánh trọn vẹn. Vào thời điểm chúng ta ăn năn tội lỗi và tin nhận Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời không còn kể tội chúng ta nữa. Thay vào đó, Ngài coi chúng ta là những người công chính bởi sự cứu chuộc mà Chúa Giê-xu đã hoàn thành trọn vẹn qua sự chết và sự sống lại của Ngài. Kể từ thời điểm đó, chúng ta bắt đầu bước đi trên con đường hướng tới sự nên thánh. Chúa Giê-xu cầu nguyện cho những người thuộc về Chúa, để Đức Chúa Cha “dùng chân lý thánh hóa họ. Lời của Cha là chân lý” (Giăng 17:16). Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu ở thành phố Tê-sa-lô-ni-ca: “Cầu xin chính Đức Chúa Trời bình an thánh hóa anh em một cách toàn diện. Cầu xin tâm linh, linh hồn, và thân thể anh em được giữ vẹn toàn, không chỗ trách được khi Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ quang lâm!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).
3. Mặc dù đã là con cái của Đức Chúa Trời rồi, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, vấp ngã và tội lỗi. Chúng ta chỉ đạt tới sự trọn vẹn khi được Chúa ban cho thân thể mới thay thế thân thể hay hư nát này, còn bây giờ, chúng ta đang trên con đường hướng tới sự trọn vẹn. Sứ đồ Phao-lô nói rõ điều này khi ông viết: “Ấy không phải là tôi đã đoạt giải, hoặc đã trở nên toàn hảo rồi đâu, nhưng tôi đang theo đuổi để đoạt cho được, vì chính tôi đã được Đấng Christ đoạt lấy rồi.” (Phi-líp 3:12).
4. Chiến thắng tội lỗi là điều mà Đức Chúa Trời muốn nhìn thấy trong cuộc sống của con cái Ngài. Tiến bước trên con đường nên thánh đồng nghĩa với việc bỏ lại ở phía sau những tội lỗi dễ vấn vương (Hê-bơ-rơ 12:1).
5. Tự nguyện chia sẻ tội lỗi và giúp đỡ nhau là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời để giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi. Một điều dễ quan sát là con người luôn có xu hướng giấu tội hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác. A-đam, Ê-va, Ca-in, Đa-vít và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là những ví dụ điển hình trong Kinh Thánh. Chính chúng ta cũng có xu hướng đó. Con đường dẫn đến sự nên thánh là đi theo hướng ngược lại.
“Ai che giấu sự vi phạm mình sẽ không được thịnh vượng, nhưng người nào xưng ra và từ bỏ nó sẽ được thương xót.” (Châm ngôn 28:13).
“Nếu chúng ta nói rằng mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình và chân lý không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta xưng tội lỗi mình thì Ngài là Đấng thành tín và công chính sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. Nếu chúng ta nói rằng mình đã không phạm tội, chúng ta làm cho Ngài trở thành kẻ nói dối và lời Ngài không ở trong chúng ta.” (I Giăng 1:8-10)
“Vậy, hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được lành bệnh. Lời cầu nguyện của người công chính có quyền năng và rất linh nghiệm.” (Gia-cơ 5:16)
6. Chúa ban cho chúng ta sức lực, quyền năng để chiến thắng tội lỗi.
Trên đây là những lý do để chúng ta thiết lập và thực hành sự khai trình Cơ đốc. Trái ngược với ý nghĩa phổ quát của từ “khai” với hàm ý bị ép buộc bởi một bên có quyền lực hơn, khai trình Cơ đốc được xây dựng trên sự tự nguyện giữa những con cái Chúa. Chúng ta nhận biết ý nghĩa của việc khai trình, và lòng của chúng ta khao khát được trở nên giống như Chúa Giê-xu đến nỗi chúng ta sẵn sàng vượt qua nỗi xấu hổ và cái tôi của mình để khai trình.
Sự hiểu biết cần có để thực hành khai trình Cơ đốc
Người Việt Nam nói chung coi trọng thể diện. Giữ thể diện trước mặt mọi người là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Đôi khi chúng ta chẳng nghĩ về việc này, nhưng cách sống như vậy dường như đã đi vào tiềm thức từ khi còn bé. Chẳng có mấy ai thích “vạch áo cho người xem lưng”, tức là cho người khác biết về những bê bối, nan đề, vấp ngã, yếu đuối trong cuộc sống của mình. Cách nghĩ như vậy khiến người Việt tin Chúa khó chiến thắng tội lỗi, vì tội lỗi có một đặc điểm là nó thích bóng tối, càng ở trong bóng tối nó càng khoẻ. Đưa nó ra ánh sáng thì nó mất sức mạnh.
Sự kết án đó là như thế nầy: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng loài người ưa thích bóng tối hơn ánh sáng, vì việc làm của họ là xấu xa. Vì ai làm ác thì ghét ánh sáng và không đến với ánh sáng, e rằng công việc của mình phải bị phơi bày. (Giăng 3:19-20)
Đừng tham dự vào những công việc vô ích của sự tối tăm; tốt hơn, nên quở trách chúng; vì dù chỉ nói đến những gì họ làm một cách lén lút cũng đã xấu hổ rồi. Nhưng tất cả những gì được phơi bày dưới ánh sáng đều được sáng tỏ; vì bất cứ điều gì đã được sáng tỏ đều là ánh sáng. Vì thế, có lời phán rằng: “Hỡi người đang ngủ, hãy thức dậy, hãy vùng dậy từ giữa những người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi.” (Ê-phê-sô 5:11-14)
Sợ mất thể diện và xấu hổ là những rào cản lớn đối với khai trình Cơ đốc. Thể diện càng được xây dựng một cách hoàn hảo bao nhiêu, nỗi sợ mất nó càng lớn bấy nhiêu. Đi kèm với thể diện là sự trọng vọng của người khác đối với mình. Mất thể diện có thể dẫn đến việc người khác không còn tôn trọng và lắng nghe mình nữa. Nhiều người, đặc biệt những người ở vị trí lãnh đạo, có thể khó chấp nhận điều này.
Vì vậy, để thực hành khai trình Cơ đốc được, chúng ta cần phải thay đổi thang bậc giá trị của mình. Chúng ta cần phải nhận biết những gì có giá trị và những gì vô giá trị bằng Lời Chúa, không phải bằng quan điểm của văn hoá hay xã hội. Thể diện, theo văn hoá Việt Nam, là thứ rất có giá trị. Theo Chúa, giá trị của nó bằng không. Chúa Giê-xu ví những người chỉ chăm giữ thể diện như “những mồ mả tô trắng, bên ngoài có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và mọi thứ ô uế.” (Ma-thi-ơ 24:27). Kinh Thánh gọi thể diện bằng tên thật của nó, đó là sự giả hình, một dạng của dối trá, là tội lỗi chống nghịch Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không nhìn và đánh giá con người theo vẻ bề ngoài, mà nhìn vào tấm lòng (I Sa-mu-ên 16:7). Xã hội đề cao sự nổi tiếng, lời khen và sự trọng vọng của con người, vì đi kèm với những thứ đó là tiền bạc, sự thăng tiến và địa vị. Để được nổi tiếng, trọng vọng thì phải nói những gì mọi người thích nghe, làm những gì mọi người muốn thấy. Kinh Thánh lại dạy khác. Sứ đồ Phao-lô nói rằng ông và các cộng sự rao giảng Tin Lành “không phải để làm vừa lòng loài người, nhưng để làm vừa lòng Đức Chúa Trời” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:4). Ông đặt sự vâng lời Đức Chúa Trời lên trên sự hài lòng và chấp nhận của con người. Hai thứ đó không nhất thiết phải loại trừ nhau, nhưng trong nhiều trường hợp không thể đạt được cả hai. Khi đó, người tin Chúa cần phải thấy rõ thứ tự ưu tiên như thế này: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta” (Công Vụ 5:29). Coi sự khen ngợi của con người quý giá hơn sự khen ngợi của Đức Chúa Trời giống như một người đổi một viên kim cương lấy một viên đá cuội. Đơn giản, đó là sự ngu dại.
Phô ra những điều tốt đẹp và che dấu những cái xấu là một phần của bản tính tự nhiên của con người. Những điều tốt đẹp mang lại cảm giác tự hào, những suy nghĩ và hành vi xấu mang lại sự hổ thẹn. Chẳng ai trong chúng ta thích cảm giác xấu hổ. Đó là cảm xúc tiêu cực mà nhiều người muốn tránh như tránh cọp. Thà tôi không chiến thắng được những thói xấu còn hơn tôi bị hổ thẹn trước mặt mọi người. Có thể cách suy nghĩ như vậy tương đối quen thuộc với nhiều người, nhất là khi những thói xấu đó cũng “không tệ hại lắm” theo quan niệm của xã hội. Kinh Thánh lại đảo ngược thứ tự ưu tiên: thà bị đau còn hơn bị tội lỗi cai trị. Chúa Giê-xu dạy chúng ta rằng chiến đấu với tội lỗi không dễ. Nhiều lúc phải chấp nhận đau đớn giống như móc mắt phải hay chặt tay phải vậy, nhưng làm như vậy vẫn ích lợi hơn bị tội lỗi lừa dối và đưa dẫn vào con đường của sự chết (Ma-thi-ơ 5:27-30). Đức Chúa Trời chẳng ngại làm cho chúng ta đau buồn, nếu như sự đau buồn đó dẫn đến sự ăn năn và nhiệt thành vâng lời Chúa (II Cô-rinh-tô 7:8-11). Ngài sửa phạt con cái của Ngài để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Ngài. Sửa phạt của Chúa khiến chúng ta đau đớn tạm thời, nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người bị (được) sửa phạt (Hê-bơ-rơ 12:4-11).
Qua khai trình Cơ đốc, chúng ta biến xấu hổ và đau đớn thành đồng minh trên con đường của sự nên thánh: bạn không muốn chịu hổ thẹn hay đau đớn khi xưng nhận tội lỗi ra, hãy chiến đấu với nó một cách quyết liệt hơn nữa để chiến thắng. Kinh Thánh khích lệ chúng ta chiến đấu với tội lỗi đến mức đổ máu, hàm ý chấp nhận mọi sự đau đớn (Hê-bơ-rơ 12:4). Xấu hổ và đau đớn làm tăng động lực để chúng ta chống lại cám dỗ.
Một rào cản nữa cần phải vượt qua để thiết lập mối quan hệ khai trình đó là nỗi lo lắng và sợ hãi rằng những gì mình chia sẻ sẽ bị lọt ra bên ngoài hoặc được sử dụng để chống lại chính chúng ta. Trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta đã bị phản bội, phụ lòng tin và bị tổn thương. Sau mỗi trải nghiệm tiêu cực như vậy, lòng của chúng ta lại đóng lại một chút và sự chia sẻ, trải lòng trở nên khó khăn hơn. Để vượt qua được rào cản này, chúng ta cần hiểu một số điều sau:
1. Chúa Giê-xu là người đồng hành trong mối quan hệ khai trình của chúng ta. Thực ra, nhóm khai trình luôn có sự hiện diện của Đấng không nhìn thấy được bằng mắt thường. Khi chúng ta gặp để giúp nhau tiến bước trên con đường theo Chúa, Chúa hứa Ngài sẽ ở cùng chúng ta (Ma-thi-ơ 18:20). Ngài là Thầy Tế lễ thượng phẩm của chúng ta, Đấng có thể hiểu và cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, vì Chúa cũng đã chịu cám dỗ đủ mọi mặt như chúng ta, song không hề phạm tội (Hê-bơ-rơ 4:14-16). Không biết bao nhiêu lần Chúa Giê-xu bị người ta gài bẫy, nói xấu, vu cáo, và tìm cớ để giết. Chúa cũng đã bị người học trò thân cận phản bội. Ngài hiểu hết những trải nghiệm đó, và sẽ bảo vệ những người yêu dấu của Ngài.
2. Những người bạn khai trình của chúng ta là những tín hữu, những người mong muốn vâng lời Đức Chúa Trời để trở thành những người đáng tin cậy. “Môi dối trá là điều ghê tởm đối với Đức Giê-hô-va, còn người hành động chân thật làm vui lòng Ngài” (Châm ngôn 12:22). Tất cả các thành viên trong nhóm khai trình đều hiểu rõ và cam kết giữ nguyên tắc này: “Những gì được chia sẻ trong nhóm đều được giữ ở trong nhóm”.
3. Sự chia sẻ và xây dựng lòng tin là một quá trình. Việc chia sẻ là tự nguyện, không bị ép buộc. Bạn hãy bắt đầu từ những điều bạn cảm thấy tương đối thoải mái để chia sẻ. Khi lòng tin lớn dần lên, lúc đó bạn sẽ có khả năng để chia sẻ những điều khó nói hơn. Quá trình xây dựng tình bạn và tình bằng hữu trong vòng các con cái Chúa diễn ra như vậy.
4. Có thể có những lúc một người trong nhóm khai trình không hành xử theo đúng chữ tín mà mình cam kết giữ khiến người khác bị tổn thương. Có thể chúng ta chính là người không trung tín hoặc bị tổn thương bởi sự không trung tín. Trong những hoàn cảnh như vậy, bạn hãy cầu nguyện và xưng nhận để được tha thứ hoặc tha thứ cho người khác. Hãy sửa chữa lỗi lầm, nhưng đừng từ bỏ con đường thực hành sự khai trình khi nó trở nên gập ghềnh. Hãy kiên trì theo đuổi cuộc đua của sự nên thánh.
5. Lòng tin có thể bị phản bội, nhưng nếu chúng ta không tin cậy bất cứ ai, trái tim của chúng ta sẽ trở nên cứng như đá.
Những điều tốt được thực hành qua khai trình Cơ đốc
Qua khai trình Cơ đốc, chúng ta thực hành sự trung thực. Chúng ta không vòng vo, không né tránh, không biện minh, không giấu giếm tội lỗi, nhưng gọi nó bằng tên thật, đưa nó ra ánh sáng và cùng giúp nhau chiến thắng nó.
Qua khai trình Cơ đốc, chúng ta thực hành tình yêu thương giữa các thánh đồ. Lời Chúa kêu gọi chúng ta:
• hãy yêu thương nhau thân thiết như anh em (Rô-ma 12:10),
• khuyên bảo nhau để không một ai bị tội lỗi lừa dối mà cứng lòng (Hê-bơ-rơ 3:13),
• khích lệ nhau và xây dựng nhau (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11),
• lấy lòng yêu thương mà phục vụ nhau (Ga-la-ti 5:13),
• khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành (Hê-bơ-rơ 10:24),
• tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho mình (Ê-phê-sô 4:32);
• quan tâm đến những lợi ích của nhau (Phi-líp 2:4),
• mang gánh nặng cho nhau (Ga-la-ti 6:2).
Những lời răn dạy về xây dựng mối quan hệ chân tình, gần gũi với nhau như vậy có rất nhiều trong Kinh Thánh. Quan tâm sâu sắc đến đời sống của anh/chị em trong đức tin, giúp đỡ khi họ cần và nhận sự giúp đỡ của họ khi mình cần, đó chính là vâng lời Chúa trong mối quan hệ giữa các thành viên hội thánh.
Qua khai trình Cơ đốc, chúng ta thực hành lời dạy của Chúa để không xét đoán người lân cận. Ai trong chúng ta cũng đều có vấn đề, yếu đuối, vấp ngã của riêng mình. Chúng ta xưng ra những điều đó để nhận sức mới từ Chúa nhằm chiến thắng chúng. Mục đích của khai trình là nên thánh và giống Chúa Giê-xu hơn, không phải để cung cấp niềm ai ủi giả tạo rằng tội lỗi của mình dù sao cũng không kinh khủng như của người kia.
Qua khai trình Cơ đốc, chúng ta thực hành sự khiêm nhường, rằng mình cần những anh chị em khác giúp đỡ. Chúng ta cho họ quyền đặt những câu hỏi có thể khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái và yêu cầu chúng ta giải trình. Chúng ta cần sự cầu thay của họ. Làm như vậy, chúng ta thực hành lời Chúa dạy là “xem người khác đáng tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:4).
Qua khai trình Cơ đốc, chúng ta bày tỏ sự tin cậy của chúng ta với Chúa Giê-xu. Chúng ta nói với Ngài rằng mục tiêu nên thánh mà Ngài xác định cho cuộc sống của chúng ta là mục tiêu mà chúng ta theo đuổi một cách hết lòng, bất kể cái giá phải trả là như thế nào. Chúng ta tin tưởng vào đường lối của Lời Chúa là xưng nhận và đưa tội lỗi ra ánh sáng chính là con đường tốt nhất để chiến thắng nó.
Hướng dẫn thực hành khai trình Cơ đốc
Sau đây là một số hướng dẫn thực tế để quá trình thực hành khai trình Cơ đốc mang lại kết quả tốt nhất:
1. Nhóm khai trình phải đủ nhỏ, tốt nhất là 2-4 người, để chúng ta cảm thấy thoải mái nói ra những điều mà thường khó làm ở một nhóm lớn. Nhóm nhỏ cũng giúp chúng ta nhanh chóng hiểu hoàn cảnh của nhau và xây dựng niềm tin với nhau.
2. Nhóm khai trình phải cùng giới, nam với nam và nữ với nữ. Điều này là bắt buộc đối với những người đã có gia đình, để bảo vệ họ khỏi những cám dỗ của mối quan hệ ngoài luồng. Với những người chưa lập gia đình, nhóm cùng giới cũng là một khuyến nghị cần tuân theo, mặc dù không ở mức độ bắt buộc như với những người đã lập gia đình. Nam giới và nữ giới thường có những vấn đề và nhu cầu khác biệt, nên nhóm cùng giới là cần thiết để thúc đẩy sự hiểu nhau và hỗ trợ nhau.
3. Nhóm khai trình có thể là một phần trong một nhóm lớn cùng học Kinh Thánh với nhau. Sẽ rất tốt nếu như một nhóm tế bào học Kinh Thánh từ 8-12 người được chia thành 4-5 cặp, nhóm nhỏ hơn để thực hành khai trình. Như vậy, chúng ta vừa được học Kinh Thánh cùng với nhiều người, vừa giúp nhau cùng áp dụng Lời Chúa trong nhóm khai trình.
4. Nhóm khai trình cần phải thống nhất với nhau tần suất gặp gỡ và liên lạc. Nếu các thành viên trong nhóm có thể gặp nhau trực tiếp hàng tuần thì rất tốt, nhưng nếu điều kiện thời gian không cho phép thì có thể liên lạc với nhau qua điện thoại, Zalo hay tin nhắn Facebook. Chia sẻ, trao đổi và cầu nguyện cho nhau thậm chí có thể làm hàng ngày.
5. Nhóm khai trình cần phải thống nhất với nhau không bao giờ mang những điều được chia sẻ trong nhóm để nói với người ngoài. Sự tin cậy và cởi mở trong nhóm phụ thuộc vào việc giữ cam kết này.
6. Tất cả các thành viên trong nhóm khai trình cần phải hiểu rõ rằng để chiến thắng những tội lỗi kín giấu, chúng ta phải cho phép người bạn khai trình đặt câu hỏi về những lĩnh vực rất riêng tư trong cuộc sống. Mối quan hệ giữa bạn và Đức Chúa Trời như thế nào? Giữa bạn và người bạn đời, giữa bạn với các con ra sao? Bạn quản lý tài chính như thế nào? Thời gian bạn thường dùng vào việc gì? Bạn đang đối diện với những cám dỗ nào? Đang bị vấp ngã ở đâu? Những câu hỏi về cuộc sống tình dục, xem nội dung khiêu dâm, sử dụng rượu bia, cờ bạc, vay nợ, những mối quan hệ không lành mạnh v.v. có thể khiến chúng ta cảm thấy rất không thoải mái. Mặc dầu khai trình có thể khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái, nhưng nó giúp chúng ta chiến thắng những tội lỗi dễ vấn vương và trở nên giống Chúa Giê-xu hơn.
7. Ngoài những câu hỏi liên quan đến hành vi như kể trên, chúng ta cần phải chú ý đến những thái độ trong lòng, là những nguyên nhân gốc rễ của những tội lỗi nhìn thấy được. Bạn có vui thích và hứng thú với việc đọc Lời Chúa không? Bạn có tìm thấy niềm vui và sự an ủi lớn trong Chúa không? Bạn khao khát điều gì nhất? Bạn đang cay đắng với ai không? Bạn có coi thường ai không? Nhiều khi chúng ta không nhận thức được những tội lỗi giấu kín này, và người bạn khai trình có thể giúp chúng ta phát hiện, xưng nhận và từ bỏ chúng.
8. Nhóm khai trình cần phải tránh nói về tội lỗi của những người ngoài nhóm. Chúng ta không được biến nhóm thành diễn đàn để ngồi lê đôi mách. Nói xấu và ngồi lê đôi mách là tội lỗi (Gia-cơ 4:11; II Cô-rinh-tô 12:20).
9. Nhóm khai trình cần bắt đầu buổi nhóm bằng lời cầu nguyện xin Đức Thánh Linh của Chúa dẫn dắt, và kết thúc bằng lời cầu nguyện cảm tạ. Hãy luôn luôn cầu nguyện trong suốt buổi gặp để nhận được sức mới từ Chúa giúp chiến thắng nan đề và tội lỗi.
Phạm Quang Nam
Vài dòng về tác giả: Anh Phạm Quang Nam được Chúa Giê-su ban ân điển để ăn năn và nhận biết Ngài vào năm 1994, khi còn đang học tại Ba Lan. Vào năm 1998 anh Nam về Việt Nam và phục vụ Chúa tại Hà Nội từ đó đến nay.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!