Đưa nền tảng Kinh thánh về sứ mạng và truyền giáo vào các bài giảng của bạn
Mục sư nào cũng ao ước thấy Hội thánh tham gia vào mục vụ. Thay vì chỉ để cơ hội mục vụ được bày ra như những món tráng miệng trong thông báo hàng tuần, hãy phát triển thị hiếu của dân sự dành cho Phúc Âm bằng cách giảng giải câu chuyện lớn (của Chúa dành cho mọi dân tộc – ND) mỗi khi bạn đặt bài giảng của mình vào toàn cảnh Kinh Thánh. Hằng tuần bạn đều có cơ hội để xoá bỏ ngộ nhận của Hội thánh rằng việc tham gia vào sứ mạng của Chúa chỉ dành cho vài siêu thánh đồ đặc biệt và ít ỏi mà thôi.
Thưa các mục sư, một vài người trong các bạn sẽ thừa nhận rằng việc giảng và cam kết với sứ mạng Kinh Thánh là một điều xa lạ đối với hội chúng của bạn đúng không? Đặc biệt là khi xét đến bài giảng mà bạn đã chuẩn bị vài năm trước về Ma-thi-ơ 28:18-20. Hoặc hãy nghĩ về những hội thảo hằng năm mà hội thánh của bạn tổ chức để nhấn mạnh các cơ hội truyền giáo. Hoặc những tổ chức mà bạn hợp tác để mang phúc âm đi khắp thế giới.
Có lẽ hội thánh của bạn đã sai phái đi một vài giáo sĩ trong những năm qua, nên bạn nghĩ đến những giáo sĩ cam kết đó vì họ được hội chúng xem như là những siêu thánh đồ ưu tú. Nhưng nếu giống với nhiều mục sư thì khi nghĩ đến “sứ mạng” hay “truyền giáo”, có lẽ bạn không mường tượng ra việc đưa điều đó vào bài giảng hằng tuần của mình.
Không phải vì bạn không quan tâm tới sứ mạng. Thật ra, có thể bạn cho rằng hội thánh của bạn rất quan tâm tới sứ mạng. Bên cạnh đó, bạn có thể dành mỗi Chủ nhật và thứ tư hằng tuần trong cả phần đời còn lại để dạy Lời Chúa mà vẫn không nói hết những khía cạnh quan trọng mà Kinh Thánh nhấn mạnh. Vì vậy bạn tự hỏi rằng tại sao mình lại phải đưa sứ mạng vào trong bài giảng hằng tuần. Thậm chí bạn có thể hỏi tại sao nhấn mạnh về chủ đề này một hoặc hai lần mỗi năm lại là chưa đủ.
Kinh Thánh là Câu chuyện về Sứ mạng Toàn cầu của Đức Chúa Trời
Tôi không gợi ý rằng bạn cần biến mỗi bài giảng thành một thông điệp về sứ mạng. Tôi thậm chí cũng không nói rằng tuần nào bạn cũng phải nhấn mạnh về chuyến đi mùa hè đến Haiti để minh hoạ cho sứ mạng. Tuy nhiên điều tôi đang nói ở đây là bạn cần thực hành chú giải Kinh Thánh (hermeneutics) có trách nhiệm. Mỗi câu/đoạn Kinh Thánh mà bạn giảng cần được đặt trong ngữ cảnh tức thời và toàn cảnh của Kinh thánh. Khi làm điều này, chắc chắn là bạn sẽ khám phá ra câu chuyện về sứ mạng toàn cầu rộng hơn của Đức Chúa Trời.
Tôi không chỉ nói về Tân Ước – phần nhấn mạnh rõ đến việc dân ngoại được cứu. Tôi nói về Sáng Thế Ký, Khải Huyền và tất cả các sách ở giữa. Mỗi một sách trong Kinh Thánh.
Tôi đang nói về kế hoạch của Đức Chúa Trời trước khi sáng thế là để cứu chuộc con người từ mọi bộ tộc, mọi thứ tiếng, mọi dân tộc và mọi quốc gia. Tôi nói về thiết kế của Đức Chúa Trời để Phúc Âm được rao giảng khắp thế giới như điều được bày tỏ trong luật của Môi-se, các sách Tiên Tri, và Thi Thiên (Lu-ca 24:44-48). Từ đầu đến cuối, Kinh Thánh không hề mập mờ về cốt truyện, rằng Chúa đang thực hiện sứ mạng của Ngài để tập hợp một dân từ mọi dân để họ sẽ vui thoả trong ân điển và bày tỏ sự vinh hiển của Ngài.
Thay vì lần theo cốt truyện đó trong bài viết này, tôi sẽ bắt đầu bằng việc thuyết phục bạn rằng khi bạn tiếp cận việc giảng dạy theo cách này, nó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách hội thánh hiểu và đón nhận vai trò của họ trong sứ mạng của Đức Chúa Trời.
Lối giảng này sẽ thay đổi hội thánh của bạn
Để bắt đầu, hội thánh của bạn sẽ thay đổi theo ít nhất 5 cách khi bạn thường xuyên cho họ thấy câu chuyện lớn hơn của Đức Chúa Trời về kế hoạch cứu chuộc dành cho toàn bộ nhân loại qua Kinh Thánh.
1. Dân sự sẽ cầu nguyện khác đi
Hằng tuần, khi đối mặt với thực tại rằng mục đích của Đức Chúa Trời vượt xa hơn đời sống cá nhân của họ, hội thánh bạn sẽ chuyển trọng tâm của những lời cầu nguyện từ cầu xin cho những điều bên trong, tập chú vào con người sang cầu thay cho những người hư mất ngoài kia và tập chú vào Đức Chúa Trời. Sự giảng luận của bạn tỏ bày được kế hoạch đã định của Chúa cho các dân tộc tới mức nào thì tấm lòng của dân sự cũng sẽ bày tỏ tấm lòng của Đức Chúa Trời cho các dân tộc thông qua lời khẩn xin mà họ dâng lên Chúa tới mức đó.
2. Dân sự sẽ dâng hiến rộng rãi hơn
Khi dân sự thấy có sự chêch lệch giữa tấm lòng Chúa dành cho các dân tộc với những thực tế đang ngăn trở nhiều người biết về Đấng Tạo Hoá, dân sự sẽ càng sốt sắng đáp ứng với lời kêu gọi của bạn để dâng hiến cho công tác truyền giáo toàn cầu. Xin hãy đọc câu vừa rồi một lần nữa. Khi so sánh sự thiếu vắng Phúc Âm trên thế giới so với kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho các dân tộc trong Kinh Thánh, dân sự sẽ nhận thấy những đồng tiền được dùng để huy động giáo sĩ quý giá hơn nhiều so với những đồng tiền dùng để duy trì đời sống thoải mái của chính họ.
3. Dân sự sẽ tự huy động từ bên trong
Khi dân sự càng cầu xin Chúa mùa gặt sai nhiều thợ gặt thì người ta sẽ càng vui mừng khi thấy những thợ gặt bước vào cánh đồng mới. Chiến lược của họ sẽ thay đổi từ động viên thụ động sang tuyển mộ chủ động, từ chỉ vỗ tay tán dương những người được kêu gọi đến những cánh đồng mới sang chủ tâm tìm kiếm những người đủ phẩm chất đi ra giữa vòng họ. Khi càng hiểu rõ và sốt sắng với sứ mạng, Hội thánh của bạn sẽ càng có chiến lược hơn trong việc huy động đội ngũ tham gia trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
4. Họ sẽ đảm nhận việc sai phái và hỗ trợ cho những giáo sĩ của mình
Thay vì chỉ gửi gắm quá trình sai phái và hỗ trợ giáo sĩ cho các tổ chức truyền giáo chuyên trách bên ngoài, dân sự sẽ đảm nhiệm Sứ mạng bằng cách chăm lo cho các giáo sĩ mà họ sai đi. Không có lí do nào để các Hội Thánh tách mình với các đối tác bên ngoài trong việc huấn luyện và hỗ trợ cho những người được sai phái. Nhưng những người có lòng cưu mang cho các dân tộc như Đức Chúa Trời sẽ không thoả lòng khi chỉ “giao sứ mạng cho những tổ chức chuyên trách lo”.
5. Dân sự sẽ tham gia ở cấp độ địa phương và toàn cầu
Mục sư nào cũng ao ước thấy Hội thánh tham gia vào mục vụ. Thay vì chỉ để cơ hội mục vụ được bày ra như những món tráng miệng trong thông báo hàng tuần, hãy phát triển thị hiếu của dân sự dành cho Phúc Âm bằng cách giảng giải câu chuyện lớn (của Chúa dành cho mọi dân tộc – ND) mỗi khi bạn đặt bài giảng của mình vào toàn cảnh Kinh Thánh. Hằng tuần bạn đều có cơ hội để xoá bỏ ngộ nhận của Hội thánh rằng việc tham gia vào sứ mạng của Chúa chỉ dành cho vài siêu thánh đồ đặc biệt và ít ỏi mà thôi. Bạn có thể làm điều đó bằng cách chỉ cho dân sự thấy tại sao điều đó không đúng Kinh Thánh.
Lối giảng này sẽ khích lệ những người được sai phái
Tuy dân sự của bạn rất cần hiểu nền tảng Kinh Thánh về sứ mạng nhưng những người được sai phái cũng cần phải hiểu rõ điều đó vì ít nhất hai lý do.
Thứ nhất, chính nền tảng Kinh Thánh là điều sẽ thôi thúc công tác truyền giáo của họ.
Trong Rô-ma đoạn 15, khi Phao-lô bảo vệ chức vụ tiên phong của ông trong công tác truyền giáo, ông không nói điều mà mình có thể nói rằng: “tôi đã làm được điều mình ao ước đó là giảng Đấng Christ ở những nơi mà danh Ngài chưa được biết tới… bởi vì Chúa đã khiến tôi bị mù trên đường đến Đa-mách và truyền cho tôi mang Tin Lành đến với dân ngoại.” Trong số tất cả mọi người thì Phao-lô hoàn toàn có thể gắn mác cho mình rằng “Chúa sai tôi đi truyền giáo xuyên văn hoá!”. Nhưng ở đây, trong lá thư viết về chức vụ của mình gửi cho người Rô-ma thì Phao-lô không nói vậy. Thay vào đó, Phao-lô đã đưa ra một lời khích lệ hữu ích hơn với những người chưa từng được nghe tiếng Chúa phán trực tiếp như ông. Và điều đó chỉ gói gọn trong 4 từ: Như Có Chép Rằng. “Những kẻ chưa được tin báo về Ngài thì sẽ thấy Ngài, những kẻ chưa nghe nói về Ngài thì sẽ biết Ngài.” (Rô-ma 15:21)
Bằng cách trích dẫn Ê-sai, Phao-lô đã tiết lộ động cơ rõ ràng nhất cho việc sai phái và dấn thân truyền giáo, đó là Đức Chúa Trời đã có ý định quy tụ cho Ngài một dân từ mọi dân tộc để họ tận hưởng ân điển Ngài và bày tỏ vinh quang Ngài. Chúng ta đang thực hiện sứ mạng vì Đức Chúa Trời đang thực hiện sứ mạng của Ngài.
Thứ hai, nền tảng Kinh Thánh về sứ mạng sẽ nâng đỡ người được sai phái trong gian khổ.
Sự phòng thủ tốt nhất để chống lại cám dỗ rời khỏi cánh đồng truyền giáo không phải là cảm giác chủ quan rằng “Chúa đã gọi gia đình tôi đến nơi này.” Thay vào đó sự phòng thủ tốt nhất là những điều mà bạn có thể gửi gắm cho những người được sai phái từ trước khi họ ra đi. Giữa những thất vọng và cô đơn, đối diện với những câu hỏi từ kẻ thù về những điều họ đang làm và tại sao họ phải làm điều đó, thì những giáo sĩ của bạn phải được trang bị những hiểu biết vững chắc về sứ mạng từ những năm tháng còn ngồi nghe bạn giảng. Để lúc này họ có thể trả lời “như có chép rằng: Kế hoạch của Chúa là những người này được nghe Phúc Âm, và vì thế nên tôi ở đây!”
Thưa các mục sư, dù bạn có sai phái giáo sĩ đến Ô-man hay đến với người hàng xóm Hồi Giáo ở bên kia đường, vai trò của quý vị như một người chăn bầy được Chúa chọn là dẫn dắt họ đến đồng cỏ của Lời Đức Chúa Trời, bày tỏ cho họ nguồn động lực mạnh mẽ và sức lực bền đỗ nhất trước những áp lực văn hoá: câu chuyện xuyên suốt về tấm lòng Chúa dành cho các dân tộc trong Kinh Thánh.
Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời đang thực hiện sứ mạng. Ngài không mơ hồ về tấm lòng Ngài dành cho các dân tộc hoặc mạng lệnh Ngài dành cho hội thánh. Hiểu được nền tảng Kinh Thánh về sứ mạng là cơ sở để hội thánh bạn tham gia vào sứ mạng. Và tất cả đều bắt đầu từ việc chuẩn bị bài giảng của bạn.
Tác giả bài viết, Robert Wells V tốt nghiệp từ Chủng viện Thần học Báp-tít Nam Phương. Ông và gia đình của mình hiện đang sinh sống tại Virginia, Hoa Kỳ. Tại đây ông phục vụ trong đội ngũ huấn luyện những người mở mang hội thánh trên toàn thế giới. Họ cũng đang chuẩn bị tham gia vào đội ngũ mở mang hội thánh tại Trung Á.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.imb.org/2017/09/19/preaching-the-biblical-basis-for-mission/