NHÌN LẠI SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ SUY GIẢM CỦA HỘI THÁNH TIN LÀNH HÀN QUỐC (Phần 2)
Giangluankinhthanh.net – “Vào những năm 1970 và 1980, ở thời kỳ công nghiệp hóa và đô thị hóa, hội thánh Tin lành Hàn Quốc đã tích cực thực hiện công tác truyền giáo, mở hội thánh và tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, hầu hết các hội thánh Hàn Quốc đều bám lấy sự tăng trưởng về số lượng; họ chạy theo con số và đánh mất ý thức về trách nhiệm xã hội của mình… Hội thánh tăng trưởng là để mở rộng vương quốc Đức Chúa Trời, nhưng nếu hội thánh đánh mất mục đích của mình, sự tăng trưởng về con số của hội thánh chỉ còn phục vụ quá trình thể chế hóa của nó mà thôi.”
Khôi phục sau giải phóng và Chiến tranh Hàn Quốc: 1945-1960
Năm 1945, sau khi được giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật, bán đảo Triều Tiên bị chia thành miền bắc và miền nam. Cơ Đốc giáo bị bắt bớ tại Bắc Hàn, trong khi hội thánh Nam Hàn tăng trưởng trên quy mô lớn với sự ưu ái đặc biệt của Chính phủ Quân sự Hoa Kỳ (1945-1948) và chính quyền về sau (1948-1960).
1. Lý do phi thần học đầu tiên cho sự tăng trưởng của hội thánh là cơ cấu xã hội-chính trị và quân sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội thánh. Tín đồ Tin lành tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị; lãnh đạo hội thánh Hàn Quốc cũng khéo léo tận dụng chế độ ủng hộ Cơ Đốc giáo để làm lợi cho hội thánh, chẳng hạn như được độc quyền giữ các chức vụ tuyên úy trong các nhà tù và quân đội, đồng thời ưu tiên chuyển nhượng tài sản tôn giáo cũ của Nhật cho hội thánh. Từ năm 1945 đến 1950, số lượng tín đồ Tin Lành nhân lên gấp đôi từ 240.000 lên 500.000.
2. Lý do phi thần học thứ hai là tình trạng lộn xộn của xã hội sau Chiến tranh Hàn Quốc (1950-1953). Chiến tranh khiến ba triệu người thương vong, toàn bộ đất nước và các ngành công nghiệp chủ chốt bị hủy hoại, phần đa các nhà thờ bị đốt cháy, nhiều lãnh đạo bị giết và bắt cóc về miền bắc.
Một triệu người tị nạn từ miền bắc kéo đến. Trong thời gian định cư, các Cơ Đốc nhân tị nạn từ miền bắc đã rao truyền Tin lành và xây dựng các nhà thờ. Họ cũng tạo những cộng đồng để an ủi những người tị nạn khác. Thêm vào đó, một lượng lớn vật phẩm cứu trợ từ các quốc gia và hội thánh Cơ Đốc trong chiến tranh đã hỗ trợ các nạn nhân và dẫn đến sự tăng trưởng của hội thánh. Đến năm 1960, số lượng tín đồ Tin lành đã đạt đến 623.000 người (đạt tỉ lệ tăng trưởng 24,6 % trong vòng 10 năm).
3. Cần nhớ rằng hội thánh Hàn Quốc liên tục tìm cách rao truyền Tin lành cho dân Hàn. Ví dụ, những nhà truyền giảng xuyên quốc gia như Mục sư Billy Graham đã tổ chức những buổi truyền giảng phấn hưng với sự giúp đỡ của các hội thánh Hàn Quốc. Năm 1955, hội thánh Trưởng lão đã lập Kế hoạch Truyền giáo 5 Năm để mở hội thánh tại 490 thị trấn và khu đô thị không có hội thánh địa phương. Các hội thánh khác cũng có những cố gắng tương tự và tạo được ảnh hưởng lớn.
4. Trong thời kỳ này, các hội thánh và hệ phái Tin lành bị chia rẽ. Các giáo phái Tin lành nhanh chóng nổi lên tới hơn 200 nhóm giáo phái và tà giáo. Kiểu tư tưởng bè phái này khiến tổng số tín đồ Cơ Đốc tăng lên.(1)
Trong giai đoạn này, kiểu “Công bố” (P-1) và kiểu “Truyền giảng Quyền năng” (P-4) có tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, hội thánh Tin lành Hàn Quốc mất đi tính ưu việt trong vai trò tiên tri vì hội thánh lại phụ thuộc vào quyền lực chính trị, thể hiện hình ảnh thân chính phủ và thân Mỹ. Kết quả là kiểu “Có mặt” (P-2) bị yếu đi.
Tăng trưởng bùng nổ trong thời công nghiệp hóa và đô thị hóa: 1960-1995
Chế độ chính phủ quân sự lên nắm quyền nhờ cuộc đảo chính quân sự năm 1961 và đẩy mạnh chính sách công nghiệp hóa. Kết quả là người dân ồ ạt di cư lên thành thị. Năm 1960, tỉ lệ dân thành thị chiếm 39,15% nhưng đến năm 1990, tỉ lệ này đã là 81,95%. Cuộc di cư ồ ạt đã tạo ra những khu ổ chuột lớn quanh các thành phố và phá hủy cơ cấu đại gia đình truyền thống. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Ở các khu đô thị, nhiều người cảm thấy vất vưởng và khao khát sự hỗ trợ của một cộng đồng gần gũi.
1. Hội thánh Tin lành thấy được cơ hội lớn để tăng trưởng hội thánh trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của xã hội Hàn Quốc. Các hội thánh thúc đẩy hoạt động truyền giáo và mở hội thánh tại các khu đô thị. Những khu đô thị này có vẻ chào đón người từ các hệ phái lớn đến thăm viếng. Các hệ phái này đã đặt ra các con số và nỗ lực hết mình để đạt được chúng.(2)
Ví dụ, một phong trào truyền giáo phi hệ phái trên toàn quốc đã diễn ra vào năm 1965. Trong giai đoạn đầu, các mục sư hội thánh đã nhóm lại để cầu nguyện theo vùng. Sau đó, họ huy động các hội chúng đến một nơi để cầu nguyện và huấn luyện họ cho công tác truyền giáo và thăm viếng tại nhà. Trong năm đó đã có 2.239 buổi nhóm và thêm 40.000 thành viên mới.
Biểu đồ 3. Sự tăng trưởng của Hội thánh Tin lành: 1950-2005
Theo Biểu đồ 3, số tín đồ Tin lành năm 1966 là 0,9 triệu (chiếm 3% dân số), đến bốn năm sau đã đạt đến 3,2 triệu (10,2%). Con số này cho thấy công nghiệp hóa và đô thị hóa đã tác động mạnh đến sự tăng trưởng của Hội thánh Tin lành. Năm 1980, số thành viên hội thánh Tin lành đạt đến 5,34 triệu (14,3%).
Từ năm 1980 đến 1990 có thêm 2.7 triệu thành viên mới, đến năm 1995 đã đạt mốc 8.7 triệu (chiếm 19.7% dân số).
2. Sự tăng trưởng của hội thánh Hàn Quốc đã dẫn đến một kết quả đáng chú ý: các hội thánh siêu lớn (mega-church) xuất hiện. Trong 50 hội thánh lớn nhất thế giới có 23 hội thánh thuộc Hàn Quốc. Có 15 hội thánh siêu lớn, mỗi hội thánh có hơn 10,000 người trưởng thành. Hội thánh Giám lý lớn nhất thế giới không phải ở Anh, hội thánh Trưởng lão lớn nhất không phải ở Geneva, hội thánh Ngũ tuần lớn nhất không phải ở miền nam California, mà tất cả đều nằm ở Seoul, Hàn Quốc.
Sự tăng trưởng của các hội thánh siêu lớn hiện đã trở thành một trường hợp kiểu mẫu mà phần đa các hội thánh vừa và nhỏ của Hàn Quốc đang hướng tới. Ví dụ, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Yoido (HT Yoido) đã khởi đầu từ một khu ổ chuột tại Seoul với năm thành viên có xuất thân khiêm tốn vào năm 1958. Số lượng thành viên của hội thánh này đã tăng lên 800 người vào năm 1962, 18.000 người vào năm 1973, 503.000 người vào năm 1986 và 709.000 người vào năm 1997.
Quý Mục sư Young-Hoon Lee, mục sư trưởng hiện tại của hội thánh Yoido cho rằng sáu lý do khiến hội thánh phát triển là sứ điệp tích cực, mạnh mẽ; mục vụ chữa lành quyền năng, phong trào Núi Cầu Nguyện, việc báp-tem Thánh Linh và nói tiếng lạ, nhóm tế bào tại nhà và việc sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng.
Hội thánh Yoido có sức thuyết phục với những người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Người sáng lập hội thánh, Mục sư Yong-Gi Cho đã thu hút họ bằng hứa hẹn về sự cứu rỗi thuộc linh, sự chữa lành thuộc thể, những phước hạnh và sự thịnh vượng về vật chất trong đời sống hiện tại của họ. Sứ điệp của ông nhắm đúng đến những gì dân thành thị ao ước. Sự xuất hiện của các hội thánh siêu lớn tại Hàn Quốc là kết quả của công cuộc hiện đại hóa cùng với công nghiệp hóa và đô thị hóa. Tư tưởng của chính phủ về phát triển kinh tế có liên hệ mật thiết đến chiến lược phát triển bằng con số của hội thánh Hàn Quốc. Văn hóa doanh nghiệp thị trường đã phát triển hội chứng “càng lớn càng tốt”. Văn hóa tư bản này đã truyền cảm hứng cho “chủ nghĩa hội thánh” (church-ism) vị kỷ địa phương và sự cạnh tranh giữa các hội thánh. Quy mô của hội thánh được hiểu là thước đo thành công. Trên thị trường tôn giáo, “các thể chế tôn giáo trở thành những mặt hàng tiêu dùng” (“religious institutions became consumer commodities.)(3)
Các hội thánh siêu lớn Hàn Quốc đã áp dụng Thần học Tăng trưởng Hội thánh, phát triển các hệ thống quan liêu (hệ thống quản lý hành chính – ND) để đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời sử dụng công nghệ tốt nhất để quản lý tình trạng thuộc linh của dân sự (dịch vụ camera giám sát, trạm phát sóng Internet, dịch vụ vệ tinh, v.v.). Thông thường, người ta cho rằng tính năng động của các hội thánh siêu lớn là do khả năng của các mục sư ân tứ. Họ thể hiện các ân tứ của mình để dẫn dắt hội chúng đến những trải trải nghiệm tôn giáo siêu nghiệm và niềm tin vào sự dẫn dắt thiên thượng.
Một tác động mạnh mẽ của tính hiện đại lên tôn giáo là tính tư nhân hóa và thiếu lòng trung thành với tổ chức. Để khắc phục những vấn đề này, các lãnh đạo hội thánh siêu lớn đã phát triển các chiến lược nhóm tế bào nhỏ một cách có hệ thống và sử dụng chúng cách hiệu quả. Mục sư Yong-Gi Cho đã chia hội chúng ra thành các nhóm tế bào đồng nhất gồm 5 đến 10 thành viên có cùng định hướng hoặc nghề nghiệp theo các khu vực địa lý. Trưởng nhóm tế bào là những nữ dân sự được huấn luyện tốt. Năm 1985, có từ 50.000 nhóm tế bào trở lên tại Hội thánh Yoido, từ đó đảm bảo sự cam kết tôn giáo trong hội chúng.
3. Từ những năm 1970, trình độ học vấn của các mục sư Hàn Quốc đã cao hơn, họ cũng quan tâm tới các chiến lược chăn bầy và phát triển hội thánh hơn. Cầu nguyện thâu đêm, học Kinh thánh, huấn luyện môn đồ và củng cố hệ thống nhóm tế bào tại nhà trong giáo khu, huấn luyện dân sự cũng như nhiều chương trình khác nhau đã được phát triển. Vào những năm 1970, hội thánh Hàn Quốc đã mở rộng công tác truyền giáo, bao gồm cả truyền giáo trong quân đội, cảnh sát, bệnh viện, trường học và khu công nghiệp.
4. Các tổ chức truyền giáo trong trường đại học như Campus Crudsade for Christ, Inter-Vasity Christian Fellowship, Navigators – những tổ chức quốc tế; Joy mission, University Bible Fellowship – những tổ chức phi hệ phái của Hàn Quốc, v.v. đã phát triển các phương pháp luận về truyền giáo, học Kinh thánh và tổ chức nhóm tế bào, tất cả đều góp phần vào sự tăng trưởng của hội thánh.
5. Trong những năm 1970 và 1980, một số Cơ Đốc nhân tiến bộ tại Hội Đồng Hội thánh Quốc gia tại Hàn Quốc (HHQ) và Truyền giáo Thành thị Nông thôn (STT) đã lãnh đạo phong trào nhân quyền và dân chủ chống lại chính phủ quân sự độc tài. Họ cũng trở thành những người tiên phong khởi xướng phong trào thống nhất Nam Hàn và Bắc Hàn. Từ giữa những năm 1980, truyền thống giải phóng của đạo Tin lành đã được phong trào hội thánh minjung (từ tiếng Hàn để chỉ bình dân hoặc tiện dân – N.D.) kế tục. Các hội thánh minjung chủ yếu trực thuộc Hội thánh trưởng lão tại Hàn Quốc, Hội thánh Trưởng lão tại Đại Hàn Dân Quốc và Hội thánh Giám lý tại Hàn Quốc. Minjung ngày nay gồm những người thuộc tầng lớp thấp nhất như cha mẹ đơn thân, người tàn tật, lao động chân tay, cựu tù, người thất nghiệp, người bán dâm, dân nghèo thành thị, tù nhân lương tâm (Prisoner of conscience) và công nhân nhập cư(4). Các hội thánh này đang hướng đến những người thất nghiệp, công nhân không có việc làm cố định, người vô gia cư, công nhân nhập cư và những cô vợ người nước ngoài của đàn ông Hàn Quốc.
Những hoạt động như vậy của các hội thánh minjung không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của hội thánh về con số, nhưng rõ ràng là họ đã thể hiện một cách thiết thực để giúp đỡ các nạn nhân và đề xuất hướng đổi mới hội thánh. Sau quá trình dân chủ hóa của Hàn Quốc, chính phủ đã mượn ý tưởng của các hội thánh minjung để xây dựng hệ thống phúc lợi quốc gia. Tuy nhìn về tổng thể thì đạo Tin lành Hàn Quốc tăng trưởng trong thời kỳ này nhưng công tác truyền giáo toàn vẹn không phát triển. Công tác mở hội thánh và những khóa huấn luyện cho các tín đồ mới phát triển nhưng trách nhiệm xã hội và vai trò tiên tri được chuyển cho các nhóm Cơ Đốc nhỏ tiến bộ trong HHQ, STT và các hội thánh minjung. Kiểu truyền giáo “Công bố” (P-2), “Thuyết phục” (P-3) và “Công bố Hình thành Cộng đồng” (P-5) xuất hiện mạnh mẽ. Tuy nhiên, kiểu “Có mặt” (P-1) vẫn còn yếu.
Sa sút sau thời công nghiệp hóa và dân chủ hóa: 1995-2005
Đến năm 1995, số lượng tín đồ Tin lành đạt tới mức cao nhất, nhưng từ năm 1995 đến 2005, số tín đồ Tin lành giảm 140.000 người. Thật thú vị khi nghiên cứu tại sao số người Tin lành lại bắt đầu suy giảm. Có thể nói lý do là sự tăng trưởng kinh tế và dân chủ hóa của Hàn Quốc và sự tham nhũng bên trong hội thánh.
Đầu tiên, nhiều yếu tố xã hội-chính trị thuận lợi dẫn đến sự tăng trưởng của hội thánh đã biến mất. Ngày nay, thuyết đa nguyên tôn giáo đang thịnh hành tại Hàn Quốc. Nhiều người ưa thích sự thịnh vượng tài chính và các hoạt động giải trí hơn là thực hành tôn giáo, trong khi quá trình dân chủ hóa của đất nước này đã tạo ra một xã hội tương đối ổn định.
Mặt khác, hội thánh Tin lành đang mất tín nhiệm xã hội vì hành vi trái đạo đức của một số lãnh đạo hội thánh, sự cạnh tranh giữa các giáo phái, trách nhiệm xã hội thấp, thái độ bài trừ các tôn giáo khác, cùng khoảng cách lớn giữa các hội thánh lớn và hội thánh nhỏ, hội thánh thành thị và nông thôn(5). Một yếu tố khác là Tin lành Hàn Quốc không thể điều chỉnh để đáp ứng với những phát triển chính trị sau năm 1998, khi đảng đối lập lên nắm quyền sau 32 năm độc tài quân sự và 5 năm cầm quyền của đảng bảo thủ. Tuy nhiên, phần đa các lãnh đạo hội thánh đều e ngại với chính sách Ánh dương (Sunshine policy – của chính phủ Nam Hàn) đối với Bắc Hàn với và những cải cách tiến bộ, dẫn đến việc nhiều người trẻ tuổi rời bỏ các hội thánh bảo thủ (mục đích của chính sách này là nhằm làm dịu thái độ của Triều Tiên đối với miền Nam bằng cách khuyến khích sự tương tác và hỗ trợ kinh tế mặc dù không chấp nhận những khiêu khích quân sự – N.D.)
Tuy nhiên, học thuyết thế tục hóa rằng hiện đại hóa làm suy yếu tầm ảnh hưởng của các tôn giáo trên xã hội có vẻ không phù hợp với bối cảnh tôn giáo Hàn Quốc.
Bảng 4 cho thấy số người có tôn giáo tại Hàn Quốc vẫn tăng đều, bất chấp công cuộc hiện đại hóa. Tỉ lệ tín đồ Công giáo La Mã trên tổng dân số tăng 4,3% trong vòng 10 năm qua, nhưng tỉ lệ tín đồ Tin lành lại giảm 1,4%.
Seung-ho Kim lập luận rằng mối liên hệ mật thiết giữa số dân thành thị và số lượng hội thánh có tác động lớn đến sự tăng trưởng và suy giảm của hội thánh(6). Số lượng mục sư tăng lên và việc họ cạnh tranh mở hội thánh tại các thành phố là những yếu tố thuận lợi để gia tăng số lượng thành viên hội thánh trong thời kỳ đô thị hóa từ năm 1960 đến 1990. Tuy nhiên, chúng đã tạo tác động ngược lại từ năm 1990, khi dân thành thị bắt đầu chuyển đến các khu ngoại ô. Trái ngược với các hội thánh Tin lành, trước năm 1990, Công giáo La Mã Hàn Quốc không tăng trưởng bùng nổ như vậy. Nhưng kể từ đó trở đi, số lượng thành viên Công giáo đã gia tăng nhanh chóng tuy số lượng nhà thờ và linh mục không thay đổi đáng kể(7).
Bảng 4. Sự phân bổ dân số theo tôn giáo
Kết luận
Hội thánh Tin lành tại Hàn Quốc đã tăng trưởng thật kỳ diệu và đáng kinh ngạc vì những lý do bên ngoài – liên quan đến chính trị-xã hội và lý do bên trong – liên quan đến thuộc linh và thần học. Đúng là những thay đổi kinh tế-chính trị đột ngột trong xã hội Hàn Quốc đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho đạo Tin Lành. Tuy đầy đau khổ nhưng chúng tôi tin rằng có lẽ, lịch sử Hàn Quốc chính là một phước hạnh thuộc linh cho hội thánh Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu không có những nỗ lực, tinh thần thuộc linh nóng cháy và sự kiên trì của hội thánh thì sự tăng trưởng như vậy sẽ không thể xảy ra. Như sứ đồ Phao-lô nói, trồng và tưới là công việc của chúng ta, còn hãy để Đức Chúa Trời làm cho lớn lên.
Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ chọn một trong hai nhiệm vụ. Trồng và tưới đi liền với nhau. Ở giai đoạn đầu, đạo Tin lành Hàn Quốc vừa giảng Tin lành vừa thúc đẩy người nghèo và những người ngoài lề xã hội đến sự giải phóng, đồng thời thực hiện vai trò tiên tri chống lại những bất công xã hội dưới ách cai trị thực dân của Nhật Bản. Hội thánh có được sự tôn trọng của người dân Hàn Quốc qua công tác truyền giáo toàn vẹn và sự tăng trưởng của hội thánh.
Vào những năm 1970 và 1980, ở thời kỳ công nghiệp hóa và đô thị hóa, hội thánh Tin lành Hàn Quốc đã tích cực thực hiện công tác truyền giáo, mở hội thánh và tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, hầu hết các hội thánh Hàn Quốc đều bám lấy sự tăng trưởng về số lượng; họ chạy theo con số và đánh mất ý thức về trách nhiệm xã hội của mình. Mặt khác, STT, HHQ và các hội thánh minjung đã dẫn đầu công cuộc dân chủ hóa, phong trào nhân quyền và sứ mệnh minjung, nhưng họ chỉ là thiểu số trong hội thánh Tin lành Hàn Quốc. Sau khi các hội thánh Hàn Quốc trở nên giàu có (tuy vẫn có 40% hội thánh Tin Lành nghèo), họ mất đi sức mạnh thuộc linh và sự tín nhiệm xã hội. Hội thánh tăng trưởng là để mở rộng vương quốc Đức Chúa Trời, nhưng nếu hội thánh đánh mất mục đích của mình, sự tăng trưởng về con số của hội thánh chỉ còn phục vụ quá trình thể chế hóa của nó mà thôi.
Hội thánh cần sẵn sàng thực hiện phương pháp luận tốt hơn, đồng thời huấn luyện các tín đồ luôn làm chứng về đức tin của mình. Giờ đây, các phương pháp truyền giáo từng sử dụng trong thời kỳ công nghiệp hóa không còn hiệu quả nữa.
Chất lượng đời sống Cơ Đốc tác động đến sự tăng trưởng của hội thánh. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của hội thánh có thể xảy ra bất chấp chất lượng của hội thánh. Nhưng đến một thời điểm, chất lượng xấu tất sẽ dẫn đến sự giảm sút. Đây chính là một trong những lý do lý giải tại sao số lượng tín đồ Tin lành Hàn Quốc giảm đi. Một trong những nhiệm vụ đang chờ đợi hội thánh Hàn Quốc là thiết lập những mục tiêu chất lượng và đạt được sự tăng trưởng chất lượng. Một nhiệm vụ khác là tiếp nhận các phương thức truyền giáo toàn diện. Dân sự hội thánh Hàn Quốc có nhiệt huyệt truyền giáo, nhưng họ đang dùng những phương thức hạn hẹp và không hiệu quả. Tôi nghĩ họ cần phục hồi lại sự kêu gọi của mình – làm đại sứ của vương quốc Đức Chúa Trời, phục hồi ý nghĩa thật sự của công tác truyền giáo và có các phương thức truyền giáo phù hợp.
Tác giả bài viết, Tiến sĩ Byung Joon Chung là mục sư của Hội thánh Trưởng lão tại Hàn Quốc và phó giáo sư về Lịch sử Hội thánh tại Đại học Jagsin Seoul. Ông là giám đốc của Viện Phong trào Đại kết Tương lai Hàn Quốc (Korean Institute of Future Ecumenism) và là giám đốc của Hội đồng Truyền giáo Thế giới (Council for World Mission) đại diện cho Hội thánh Trưởng lão tại Hàn Quốc.
Bản quyền © 2016 American Theological Library Association và © (2014) World Council of Churches.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
NHÌN LẠI SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ SUY GIẢM CỦA HỘI THÁNH TIN LÀNH HÀN QUỐC (Phần 1) >>>
[1] Byong-Suh Kim, “The Growth and Decline of Religiosity in Modernization Process,” Yomei Review of Theology & Culture (1998): 168
[2] Young-Hoon, Lee, “The Holy Spirit Movement in Korea,” Journal of Soon Shin University (1993), 163-67.
[3] Yong-Gi, Hong, “Encounter with Modernity: The McDonaldization and Charismauzation of Korean Mega-churches,” International Review of Mission Vol. 92 (2003): 242ff.
[4] Hong-Eyoul, Hwang, “The History of Mission of Minjung Church in South Korea from 1983 to 2005,” in Center for Peace and Mission, ed. Peace and Mission in Korea (Seoul: Handl Publishing House, 2006), 130-31.
[5] Tỉ lệ các nhà thờ không tự thân vận động là 40 đến 50%. http://christian.nocutnews.co.kr/show.asp?idx=2313827. 70% số hội thánh Tin lành có dưới 100 thành viên.
[6] Seung-Ho, Kim, “An Analysis and an Alternative Idea on the Minus Growth of the Korean Church,” Mokhoewa sinbak (Ministry and Theology) (2007): 2.
[7] Cũng có những yếu tố khác dẫn đến sự tăng trưởng của Công giáo. Tính hiệp nhất của người Công giáo, tính chính trực của đời sống độc thân, tinh thần cởi mở với các tôn giáo khác, việc thờ cúng tổ tiên và uống rượu/hút thuốc, cùng với các hoạt động tiến bộ của họ vì công lý và nhân quyền.
Trackbacks & Pingbacks
[…] NHÌN LẠI SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ SUY GIẢM CỦA HỘI THÁNH TIN LÀNH HÀN QUỐC (Phần 2) […]
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!