NHÌN LẠI SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ SUY GIẢM CỦA HỘI THÁNH TIN LÀNH HÀN QUỐC (Phần 1)
Giangluankinhthanh.net – Cơ Đốc giáo hiện đã trở thành một tôn giáo chính tại Hàn Quốc, bất chấp lịch sử khá ngắn: 230 năm đối với Công giáo La Mã và 130 năm đối với Tin Lành. Tuy nhiên, số Cơ Đốc nhân Tin lành đã suy giảm trong vòng 10 năm từ 1995 đến 2005, trong khi số thành viên của Hội thánh Công giáo gia tăng nhanh chóng. Điều này đã thu hút sự quan tâm của giới học giả. Các học giả đang nghiên cứu hiện tượng tôn giáo này để phân tích những lý do đằng sau sự tăng trưởng của Công giáo và sự suy giảm của Tin lành. Bài viết này nhằm chia sẻ trải nghiệm độc đáo của các hội thánh Hàn Quốc về sự tăng trưởng và suy giảm của hội thánh, hy vọng sẽ đưa ra những bối cảnh và một số hiểu biết sâu sắc về Tin lành tại Hàn quốc. Tác giả bài viết, Tiến sĩ Byung Joon Chung là mục sư của Hội thánh Trưởng lão tại Hàn Quốc và phó giáo sư về Lịch sử Hội thánh tại Đại học Jagsin Seoul. Ông là giám đốc của Viện Phong trào Đại kết Tương lai Hàn Quốc (Korean Institute of Future Ecumenism) và là giám đốc của Hội đồng Truyền giáo Thế giới (Council for World Mission) đại diện cho Hội thánh Trưởng lão tại Hàn Quốc.
Tóm tắt nội dung
Bài viết này xét đến các lý do lý giải sự tăng trưởng và suy giảm của Hội thánh Tin lành Hàn Quốc trong năm thời kỳ sau:
• Ở thời kỳ đầu thiết lập (1884-1909), sự tăng trưởng bắt nguồn từ mô-típ giải phóng, các giá trị hiện đại, đời sống đạo đức của Cơ Đốc nhân, trải nghiệm phấn hưng, việc học Kinh thánh và văn hóa cầu nguyện. Hội thánh Hàn quốc không phân tách công tác truyền giáo và hoạt động xã hội.
• Trong thời kỳ bị Nhật Bản đô hộ (1910-1945), sự tăng trưởng đến từ sự tôn trọng của người dân đối với hội thánh. Hội thánh phục vụ đất nước, an ủi và chữa lành tâm trí của người dân, đồng thời dạn dĩ làm chứng về đức tin của họ nơi Chúa. Tuy nhiên, bắt bớ về chính trị, sự kiệt quệ và kinh tế, ảnh hưởng của xã hội chủ nghĩa, cuối cùng là lệnh thờ Thần đạo Shinto (của Nhật Bản – N.D.) đã cản trở sự tăng trưởng của hội thánh.
• Trong thời kỳ phục hồi (1945-1960), tình trạng lộn xộn của xã hội sau khi đất nước này được giải phóng và Chiến tranh Hàn quốc lại là vườn ươm cho sự tăng trưởng của hội thánh. Tuy nhiên, Hội thánh tạo ấn tượng thân chính phủ và thân Mỹ một cách không thích hợp.
• Trong thời kỳ công nghiệp hóa và thành thị hóa (1960-1995), Tin lành Hàn quốc đạt đến sự tăng trưởng tuyệt vời và cao nhất. Phần đa các hội thánh Tin lành Hàn Quốc tại các thành phố đã tận dụng cuộc di cư ồ ạt từ nông thôn ra thành thị và tích cực tham gia vào công tác truyền giáo và mở hội thánh. Các tổ chức truyền giáo trong trường đại học và trong quân đội có hoạt động tích cực nhất. Tuy nhiên, họ lại không làm tốt công tác truyền giáo toàn vẹn (holistic evangelism). Mặt khác, Hội Đồng Hội thánh Quốc gia tại Hàn Quốc (HHQ), Truyền giáo Thành thị Nông thôn (STT), các hội thánh Minjung và các hội thánh khác thực hiện công tác truyền giáo xã hội.
• Sau thời kỳ thành thị hóa (1995-2005), số thành viên hội thánh bắt đầu suy giảm. Chính sách mở hội thánh Tin lành tại các khu thành thị trở nên không phù hợp. Thêm nữa, chủ nghĩa bảo thủ về chính trị của Hội thánh không được lòng thế hệ trẻ.
Những thay đổi đột ngột về kinh tế – chính trị trong xã hội Hàn quốc và sự cam kết của Cơ Đốc nhân Hàn Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho đạo Tin Lành. Tuy nhiên, những điều kiện này hiện đã biến mất, và hội thánh phải khắc phục tình trạng thiếu kém năng lực để thích ứng với những thay đổi mới. Một trong những nhiệm vụ sắp tới của hội thánh Hàn Quốc là đặt ra các mục tiêu định tính, đồng thời đạt được sự tôn trọng và tín nhiệm quý báu của người dân Hàn Quốc.
Các hội thánh Hàn Quốc và công tác truyền giáo
Cơ Đốc giáo hiện đã trở thành một tôn giáo chính tại Hàn Quốc, bất chấp lịch sử khá ngắn: 230 năm đối với Công giáo La Mã và 130 năm đối với Tin Lành. Phần đa các hội thánh tại Châu Á thấy khó tiến hành công tác truyền giáo, một phần là bởi vì nhiều người Châu Á tin các tôn giáo truyền thống của họ hơn Cơ Đốc giáo, nhưng cũng bởi vì phần đa các quốc gia Châu Á đã nếm trải những tác động tiêu cực của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Thật ngẫu nhiên là Hàn Quốc không bị một nước phương Tây nào đô hộ; có thể đây không phải là lý do duy nhất cho sự tăng trưởng đáng kể của hội thánh tại Hàn Quốc. Theo các số liệu do chính phủ thu thập vào năm 2005, số lượng Cơ Đốc nhân tại Hàn Quốc chiếm 29.2% tổng dân số; trong đó có 18.3% Tin lành và 10.9% Công giáo. Tôn giáo chính tiếp theo là đạo Phật với 22.8%.
Tuy nhiên, số Cơ Đốc nhân Tin lành đã suy giảm trong vòng 10 năm từ 1995 đến 2005, trong khi số thành viên của Hội thánh Công giáo gia tăng nhanh chóng. Điều này đã thu hút sự quan tâm của giới học giả. Các học giả đang nghiên cứu hiện tượng tôn giáo này để phân tích những lý do đằng sau sự tăng trưởng của Công giáo và sự suy giảm của Tin lành.
Bài viết này nhằm chia sẻ trải nghiệm độc đáo của các hội thánh Hàn Quốc về sự tăng trưởng và suy giảm của hội thánh, hy vọng sẽ đưa ra những bối cảnh và một số hiểu biết sâu sắc. Để làm được như vậy, tôi đã dùng cả cách tiếp cận chính trị – xã hội lẫn thần học đối với lịch sử hội thánh Tin lành Hàn quốc để tìm ra những lý do chính dẫn đến sự tăng trưởng của hội thánh. Thêm nữa, tôi đã mượn và sẽ sử dụng năm kiểu truyền giáo sau, như đã nêu trong Trường Tăng trưởng Hội thánh, để phân tích các lý do chính dẫn đến sự tăng trưởng hội thánh(1).
1. Kiểu Có mặt (Presence type, P-1): Làm chứng không bằng lời nói qua diakonia (sự phục vụ giữa vòng những người khác – N.D.), đạo đức Cơ Đốc, các công tác xã hội như công bằng xã hội và hoạt động vì hòa bình, hoặc giúp đỡ người nghèo.
2. Kiểu Công bố (Proclamation type, P-2): Công bố Tin lành một cách trực tiếp hoặc qua phương tiện truyền thông đại chúng.
3. Kiểu Thuyết phục (Persuasion type, P-3): mời gọi vào mối thông công sâu sắc với Đấng Christ, chăm sóc và thuyết phục người ta cam kết với Đấng Christ.
4. Kiểu Truyền giảng Quyền năng (Power Evangelism type, P-4): Chữa lành và tâm vấn, hoặc thể hiện quyền năng của Đức Chúa Trời.
5. Kiểu Công bố Hình thành Cộng đồng (Proclamation Community Formed type, P-5): Huấn luyện các đội đặc trách và mở hội thánh.
1. Thời kỳ thiết lập thành công: 1884-1909
Các tôn giáo truyền thống chính của Hàn Quốc là Shaman giáo, Phật giáo và Nho giáo, cho tới khi Cơ Đốc giáo bước vào. Từ cuối thế kỷ 18, một số nhà nho tiếp nhận Công giáo La Mã qua một số bản dịch tiếng Trung về sự dạy dỗ Công giáo. Niềm tin Cơ Đốc được lan ra giữa vòng những người bình dân và phụ nữ. Trong thế kỷ 19, một số giai đoạn chính thức bị bách hại đã khiến hơn 10.000 tử vì đạo.
Trước khi giáo sĩ Tin Lành đầu tiên đến Hàn Quốc năm 1884, một số người Hàn đã tiếp nhận Cơ Đốc giáo tại Mãn Châu với sự giúp đỡ của Quý mục sư John Ross, một giáo sĩ Trưởng lão người Scotland. Họ đã dịch các sách Tin lành và Tân Ước sang tiếng Hàn. Người Hàn cũng rao truyền Tin lành vào Hàn Quốc, liều mạng và thậm chí là đã thiết lập hội thánh Hàn Quốc bản xứ đầu tiên.
Tại Hội nghị Giáo sĩ Thế giới Edinburgh năm 1910, các giáo sĩ nói rằng Hàn Quốc là cánh đồng truyền giáo tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Chỉ riêng tín đồ Tin Lành đã đạt đến gần 200.000 người trong chỉ 25 năm. Điều gì khiến cho sự tăng trưởng như vậy xảy ra?
1. Lý do phi thần học đầu tiên là các sứ mạng Tin lành đến Hàn Quốc không mang theo cái mác đế quốc, thuộc địa. Thay vào đó, họ mang đến mô-típ giải phóng phụ nữ và những người khiêm nhường, cùng một số giá trị văn hóa hiện đại dành cho trí thức, thiết lập một tiêu chuẩn cao cho đời sống đạo đức xã hội. Những nhân tố này tạo điều kiện rất thuận lợi cho công tác truyền giáo. Việc giảng về sự quân bình theo Kinh thánh thúc đẩy quá trình phá bỏ hệ thống phân chia giai cấp sâu sắc và phân biệt giới tính. Hội thánh yêu cầu các tín đồ sống lối sống thanh giáo bằng việc cấm lấy vợ lẽ và hút thuốc/uống rượu, cấm bỏ vợ và nhấn mạnh bổn phận của cha mẹ với con cái.
Bảng 1. Sự tăng trưởng của Hội thánh Tin lành tại Hàn Quốc, 1896-1909
Hội thánh Tin lành cũng khuyến khích việc hình thành văn hóa hiện đại bằng giáo dục và y học. Ở giai đoạn đầu, Vua Đại Hàn Cao Tông của Hàn Quốc chỉ cho các bác sĩ và giáo viên phương Tây đến Hàn Quốc. Ông quyết định như vậy để tiếp thu công nghệ phương Tây và tránh sự phản đối gay gắt của các nhà nho đối với văn hóa phương Tây. Các Ban Truyền giáo Hoa Kỳ cũng đồng tình rằng đây là một phương pháp khôn ngoan để tránh những bắt bớ tôn giáo có thể xảy ra khi sai phái các giáo sĩ. Nhân tố này giảm đáng kể sự chống đối của các tôn giáo truyền thống với Cơ Đốc giáo.
2. Lý do phi thần học thứ hai là người Tin Lành đến vào thời điểm mà di sản tôn giáo và văn hóa Hàn Quốc đang sụp đổ. Ở cuối thế kỷ 19, người Hàn kinh ngạc khi thấy Nhật thắng Trung Quốc và Nga, rồi người Nhật đô hộ Hàn Quốc. Người Hàn bắt đầu nghi ngờ giá trị Nho giáo cũ. Dạng bối cảnh chính trị – xã hội bất ổn này trở thành vườn ươm thuộc linh cho truyền giáo. Biểu đồ 1 cho thấy số lượng người Tin Lành tăng nhanh từ 1.000 lên 4.000 sau Chiến tranh Trung – Nhật (1894-1895) và từ 35.000 lên 55.000 sau Chiến tranh Nga – Nhật.
Một số lý do thần học và hội thánh học dẫn đến sự tăng trưởng của hội thánh trong thời kỳ đầu mang tính quyết định hơn, vì chúng mô tả những nét đặc trưng của hội thánh Tin lành Hàn Quốc
3. Nguyên nhân thứ ba là chính sách truyền giáo khôn ngoan của những giáo sĩ Trưởng lão lúc mới đầu. Họ thực hiện cái gọi là Chính sách Truyền giáo Nevius năm 1890. Mục đích của chính sách này là thiết lập một hội thánh bản xứ tự truyền giáo, tự quản trị, tự lập càng sớm càng tốt(2). Theo các nguyên tắc này, từng tín đồ bản xứ phải được huấn luyện thành một nhân sự mạnh mẽ để cải đạo những người lân cận mình. Để trở thành một người nhận Tiệc thánh, Cơ Đốc nhân phải đạt được ít nhất một người cải đạo. Đó là lý do tại sao người Trưởng lão tăng trưởng nhanh hơn so với người Giám lý tại Hàn Quốc.
4. Cuộc Đại Phấn hưng năm 1905-1907 đã tràn khắp đất nước. Kinh nghiệm về sự tuôn đổ của Đức thánh Linh đã đem đến sự tái sinh thuộc linh cho hội thánh Hàn Quốc. Hầu hết động cơ của những thành viên hội thánh Hàn quốc lúc mới đầu không phải những động cơ cố hữu của đức tin Cơ Đốc. Người nghèo đến với hội thánh để nhận những lợi ích kinh tế và được các giáo sĩ phương Tây bảo vệ khỏi giới chức địa phương. Trí thức tiếp nhận Cơ Đốc giáo với động cơ yêu nước. Ấy thế nhưng cơn phấn hưng đã khơi gợi ý nghĩa thật sự và sâu sắc của đức tin Cơ Đốc. Nó cũng thúc đẩy sự hình thành các hình thức bản địa hóa văn hóa Cơ Đốc như cầu nguyện lớn tiếng cùng lúc, cầu nguyện bình mình, cầu nguyện xuyên đêm, dâng gạo, ngày dâng hiến cho truyền giáo(3) và lớp học Kinh thánh hằng tuần. Trong cơn phấn hưng, số lượng thành viên Tin lành nhân lên gấp đôi từ 55.542 lên 118.246 người.
5. Cuối cùng, lý do cho sự tăng trưởng này là sự chủ động của Cơ Đốc nhân Hàn Quốc. Cơ Đốc nhân Tin lành Hàn Quốc rất cam kết với Đấng Christ, ngay cả trong thời đại hiện nay. Họ sẵn sàng dâng mình cho cộng đồng hội thánh địa phương. Họ nghiễm nhiên chấp nhận rằng giữ ngày Sa-bát, dâng hiến hằng tuần, trung tín dâng phần mười và đóng góp tài chính cho công việc của hội thánh địa phương là một nghĩa vụ Cơ Đốc mà họ phải thực hiện, đồng thời là một bằng chứng cho đức tin của họ nơi Chúa. Sự cam kết tôn giáo này bắt nguồn từ giai đoạn sớm nhất.
Trong giai đoạn đầu, Cơ Đốc giáo Hàn Quốc không phân tách giữa công tác truyền giáo và hoạt động xã hội. Sự tăng trưởng của hội thánh bắt nguồn từ mô-típ giải phóng, giá trị hiện đại, đời sống đạo đức của Cơ Đốc nhân, trải nghiệm phấn hưng, việc học Kinh thánh và văn hóa cầu nguyện. Kiểu truyền giáo “Có mặt” (P-1) và “Công bố” (P-2) là hai kiểu phổ biến.
2. Thời kỳ bị Nhật Bản đô hộ: 1910 – 1945
Dưới thời Nhật chiếm đóng, hội thánh Hàn Quốc phải chịu sự đàn áp của chế độ thực dân, vì đức tin Cơ Đốc nơi Đức Chúa Trời mâu thuẫn với tư tưởng thiên hoàng của Nhật.
Biểu đồ 2. Sự tăng trưởng của hội thánh Tin lành, 1910-1942
Bảng 2. Số lượng thành viên theo từng năm, 1910-1942
Hội thánh Hàn quốc là cái nôi vững chắc cho phong trào yêu nước toàn quốc và cũng có mối liên hệ mật thiết với các hội thánh Anh Quốc và Hoa Kỳ. Các chính sách của Nhật Bản đối với Hội thánh Hàn Quốc ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự tăng trưởng và suy giảm của hội thánh. Theo Biểu đồ 2, đường cong tăng trưởng-suy giảm được lặp lại bốn lần. Từ năm 1910 đến năm 1937, số lượng thành viên Tin lành nhân lên gấp đôi từ 177.692 lên 374.653. Nhưng số lượng thành viên hội thánh giảm đi nhanh chóng sau năm 1938.
1. Không nghi ngờ gì nữa, nhân tố mạnh mẽ nhất khiến hội thánh tăng trưởng trong thời kỳ này là thực tế rằng đạo Tin lành là nơi khai sinh của phong trào độc lập dân tộc. Ví dụ, sau khi Nhật Bản thôn tính Hàn Quốc năm 1910, người Nhật bịa ra vụ án viên Toàn quyền chủ mưu giết người để nhổ tận gốc phong trào dân tộc. 105 lãnh đạo Hàn Quốc bị truy tố sau khi bị tra tấn dã man; 85% trong số đó là các lãnh đạo hội thánh Tin lành.
Hội thánh Tin lành cũng là đơn vị lãnh đạo nổi bật của Phong trào Độc lập ngày 01/03/1919. Phong trào này đồng hành cùng cuộc biểu tình hòa bình toàn quốc của hàng triệu người trong vòng sáu tháng. Trong số 33 lãnh đạo dân tộc ký Tuyên ngôn Độc lập có 16 người Tin lành, 15 lãnh đạo Thiên Đường giáo (Chondogyo – một tôn giáo bản địa – N.D.) và hai Phật tử. Khoảng 40.000 người bị bắt và 6.000 người bị giết. Tuy người Tin lành chiếm chưa đến 2% dân số nhưng khoảng 25% số người bắt là người Tin lành. Biểu đồ 2 cho thấy số người Tin lành gia tăng nhanh chóng từ năm 1920 sau đợt suy giảm ngắn năm 1919. Trước sự kiện này, hội thánh Tin lành chỉ là một tôn giáo nước ngoài; sau đó, cuối cùng hội thánh cũng trở thành một tôn giáo quốc gia được người Hàn tôn trọng – một điều rất quý giá.
2. Hội thánh Tin lành Hàn Quốc trở nên mạnh mẽ và tự chủ khỏi các tổ chức truyền giáo phương Tây. Hội thánh Trưởng lão tại Hàn Quốc thiết lập Đại Hội đồng năm 1912. Hội thánh Giám lý Hàn Quốc trở nên độc lập vào năm 1930. Họ đã chăm chỉ truyền giáo qua các buổi nhóm phấn hưng, lớp học Kinh thánh, trường Chúa nhật, sứ mạng y tế, giáo dục và hơn thế nữa. Thậm chí họ còn sai các giáo sĩ Hàn Quốc đến Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Mãn Châu.
3. Dưới sự cai trị của Nhật, hội thánh Hàn Quốc bám lấy hy vọng cuối cùng về sự tái lâm của Chúa Giê-su Christ. Kiểu đức tin lai thế tiền thiên hy niên này đã thúc đẩy các tín đồ sốt sắng truyền giáo. Hội thánh cũng truyền sức mạnh thuộc linh để an ủi và xoa dịu tinh thần của những người đang tuyệt vọng và chịu khổ. Các buổi nhóm phấn hưng nhiều khi đi kèm với sự chữa lành siêu nhiên.
4. Cơ Đốc giáo Hàn Quốc cùng tồn tại một cách hòa bình với các tôn giáo truyền thống. Trong những ngày đầu, Cơ Đốc nhân Hàn Quốc chấp nhận bị bắt bớ trong sự khiêm nhường như một tôn giáo thiểu số. Tuy nhiên, theo thời gian, Cơ Đốc nhân Hàn Quốc đã tham gia vào các hình thức đối thoại xuyên tôn giáo và học cách chung sống với những người thuộc tôn giáo khác trong gia đình, giữa vòng bạn bè và hàng xóm, đồng thời dạn dĩ làm chứng về đức tin của mình, đặc biệt là qua tấm gương đạo đức của bản thân. Gần đây đạo Tin lành Hàn Quốc mới bị chỉ trích là mang tính độc tôn.
Có một số lý do lý giải sự giảm sút số lượng thành viên hội thánh trong thời kỳ này. Từ giữa những năm 1920 đến 1945, 2,5 triệu nông dân Hàn Quốc bị cướp mất đất đai đã di cư sang Mãn Châu, Nhật Bản, Nga và Hawaii. Điều này tác động đến sự giảm sút của hội thánh. Tuy nhiên, hội thánh đã gửi các mục sư đến những khu di cư đó và phát triển phong trào khai sáng cho các cộng đồng nông thôn. Thêm vào đó, phong trào xã hội chủ nghĩa đang gia tăng và được thế hệ trẻ chấp nhận như một phong trào độc lập dân tộc thay thế sau Cách mạng Bolshevik Nga năm 1917, đã chỉ trích chủ nghĩa thân Mỹ, thuyết thần bí phi lý và tính xa lạ với đời sống thường ngày của hội thánh. Kết quả là một lượng lớn người trẻ tuổi rời hội thánh.
Quân đội Nhật Bản xâm lược Mãn Châu năm 1930 và nội địa Trung Quốc năm 1938, lao vào Chiến tranh Thái Bình Dương. Từ năm 1930 đến năm 1945, bán đảo Hàn Quốc trở thành căn cứ tiếp tế thời chiến cho Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản buộc hội thánh Hàn Quốc phải tham gia vào việc thờ lạy Thần đạo Nhật Bản. Trên thực tế, đó là một hệ tư tưởng cố gắng hợp nhất dân tộc và huy động cho chiến tranh. Nó cũng thờ lạy hoàng đế được thần thánh hóa. Trong khi đó, nhiều xung đột đã xảy ra trong các hội thánh Hàn Quốc, giữa các nhà thần học bảo thủ và tự do trong các hội thánh Trưởng lão, giữa các hội thánh Trưởng lão và Giám lý, giữa các hội thánh Hàn Quốc theo chủ nghĩa dân tộc và các giáo sĩ nước ngoài. Ngoài ra cũng có các xung đột liên khu vực. Hội thánh Hàn Quốc không phản ứng một cách thích hợp với chính sách chia rẽ của chính quyền Nhật Bản và lệnh thờ Thần đạo Shinto của Nhật. Hội thánh Trưởng lão tại Hàn Quốc từng chống lại việc thờ thần đạo, nhưng cuối cùng cũng đầu hàng người Nhật năm 1938. Mọi hệ phái bị tan rã hoặc sáp nhập vào Giáo hội Thống nhất Nhật Bản (Japanese Union Church). Số người Tin lành giảm về mức của năm 1915. Trong quá trình diễn ra phong trào chống thờ Thần đạo, khoảng 2.000 Cơ Đốc nhân Hàn Quốc phải chịu tra tấn và tù đày, khoảng 50 người tử vì đạo.
Trong thời kỳ này, kiểu truyền giáo “Có mặt” (P-1), “Công bố” (P-2) và “Truyền giảng quyền năng” (P-4) xuất hiện.
Tác giả bài viết, Tiến sĩ Byung Joon Chung là mục sư của Hội thánh Trưởng lão tại Hàn Quốc và phó giáo sư về Lịch sử Hội thánh tại Đại học Jagsin Seoul. Ông là giám đốc của Viện Phong trào Đại kết Tương lai Hàn Quốc (Korean Institute of Future Ecumenism) và là giám đốc của Hội đồng Truyền giáo Thế giới (Council for World Mission) đại diện cho Hội thánh Trưởng lão tại Hàn Quốc.
Bản quyền © 2016 American Theological Library Association và © (2014) World Council of Churches.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
NHÌN LẠI SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ SUY GIẢM CỦA HỘI THÁNH TIN LÀNH HÀN QUỐC (Phần 2) >>>
[1] Elmer Towns, “Evangelism: P-1, P-2, P-3,” in Evangelism and Church Growth (Ventura, CA: Regal Books. 1995), 212-16; Eddie, Gibbs, “Class Syllabus, Foundation of Church Growth” (Fuller Theological Seminary, Unpublished material, n. d.).
[2] Đảng Cộng Sản Trung Quốc áp dụng phương pháp “tam tự” với hội thánh Trung quốc, mượn thuật ngữ “tam tự” từ Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc YMCA, cũng được mượn từ Cơ Đốc nhân Hàn Quốc. Samuel Moffett, “Has Christianity Failed in Asia?” An Invitation Lecture of the Presbyterian College and Theological Seminary, 14 May 1996.
[3] Nhiều Cơ Đốc nhân nghèo khó và không có tiền sẵn sàng quyết định dâng thời gian cho công tác truyền giáo. Họ phải hy sinh thời gian đồng áng để làm như vậy.
Trackbacks & Pingbacks
-
[…] – Tiếp theo bài về sự sa sút của hội thánh tại Hàn Quốc, trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài của tiến sỹ Timothy Keller, […]
-
[…] NHÌN LẠI SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ SUY GIẢM CỦA HỘI THÁNH TIN LÀNH HÀN QUỐC (Phần 1) … […]
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
Thưa các anh em, tạ ơn Chúa đã dùng các bạn dịch thuật, chuyển ngữ nhiều bài học quý của các đầy tớ Chúa, đáp ứng nhu cầu dưỡng linh cũng như nghiên cứu Kinh thánh rất tuyệt vời! Tôi rất thích sự phục vụ của các anh em và tôi cũng theo dõi nhiều bài giảng luận được lồng tiếng rất hữu ích cho đời sống đức tin của cá nhân cũng góp phần trong sự phục vụ Chúa của tôi! Tôi hằng tạ ơn Chúa về công việc của anh em luôn! Nguyện Chúa tiếp tục được vinh hiển qua sự phục vụ tận tâm và chuyên nghiệp càng hơn của các bạn! Cầu Chúa cũng đáp ứng mọi nhu cầu thiêng liêng cũng như vật chất của các bạn tùy theo sự giàu có, phong phú và hào phóng của Ngài!
Nhân đây tôi xin có một ý kiến nhỏ về bài dịch thuật NHÌN LẠI SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ SUY GIẢM CỦA HỘI THÁNH TIN LÀNH HÀN QUỐC. Cụ thể tiêu đề: 1. Kiểu có mặt (P1) Cần xem lại vì không sai về từ ngữ, nhưng theo bối cảnh thì sẽ khó hiểu cho độc giả và sai hoàn toàn với ý tưởng của tác giả giáo trình: Truyền Giảng & Môn Đồ Hóa; Chữ P1 = Presentation.(Thật sự tôi đã từng gặp khó khăn khi phải sử dụng từ ngữ nào để diễn tả ý muốn tác giả muốn chơi chữ). Chỗ này nên hiểu lần thể hiện lòng trắc ẩn trước nhu cầu của cộng động đồng mình muốn chinh phục, như một cách mình ( “Thả thính để dụ cá” thông qua những việc làm, các dự án thu hút sự quan tâm của người dân) Sau đó mới công bố Phúc âm ( vì tự Phúc âm có quyền năng). Theo gương Chúa Jesus hay đáp ứng nhu cầu của đám đông, khi họ cảm nhận tấm lòng của Chúa, lúc đó họ mở lòng nghe Phúc âm).
Các bạn đã làm rất tốt, tấm lòng tôi luôn biết ơn các bạn, nguyện Chúa ban phước bội phần hơn trên công khó của anh em, làm ích lợi cho nhiều người!
Rất bổ ích để nghiên cứu, suy ngẫm và liên hệ. Xin cảm ơn đội ngũ Ba-rúc!