NGHỀ NGHIỆP/CHỨC VỤ: NHẬN BIẾT SỰ KÊU GỌI CỦA BẢN THÂN (PHẦN 2/2)
Giangluankinhthanh.net – Tuần trước, chúng ta đã khám phá lý do tại sao mọi hình thức lao động đều là sự kêu gọi mà qua đó Chúa được tôn cao. Phần hai của bài viết nêu ra những yếu tố thực tế để xác định sự kêu gọi Chúa dành cho bạn.
BIẾT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH
Làm sao để Cơ Đốc Nhân xác định sự kêu gọi cho mình? Trước hết, bạn phải cân nhắc cả hai câu hỏi: Chúa đã kêu gọi và trang bị điều gì cho công việc/sự nghiệp của tôi? Và Chúa kêu gọi tôi phục vụ trong và qua hội thánh như thế nào?
Trong một vài trường hợp hiếm gặp, sự phục vụ của một người trong hội thánh cũng trở nên công việc trọn thời gian của người đó. Khi đó thì câu trả lời cho hai câu hỏi trên là một. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, Cơ Đốc Nhân phải trả lời mỗi câu hỏi một cách tách bạch. Đôi khi điều mà bạn thực hiện trong sự kêu gọi “thế tục” của mình cũng rất giống với những công tác mà bạn phải làm trong hội thánh. Bạn có thể là một giáo viên, hoặc một nhà hoạch định chiến lược, hoặc một nghệ sĩ ở bên ngoài hội thánh và bạn lại dùng chính những kỹ năng đó để phục vụ hội thánh. Trong một số trường hợp khác, bạn có thể được Chúa kêu gọi làm những công việc trong hội thánh hoàn toàn khác với công việc bạn làm bên ngoài. Chủ ngân hàng có thể trở thành một giáo viên giỏi trong trường Chúa nhật.
Tuy nhiên, tôi luôn đề xuất một phương pháp gồm ba phần để phân biệt một sự kêu gọi, dù là công việc bên ngoài hay công việc hội thánh hoặc một điều gì khác. Để xác định một sự kêu gọi chức vụ, hãy tham khảo ba yếu tố: yếu tố tương quan, yếu tố khả năng và yếu tố cơ hội (ba lĩnh vực này do John Newton giới thiệu).
1. MỐI TƯƠNG QUAN: NHU CẦU NÀO CỦA MỌI NGƯỜI MÀ MÌNH THẤY CỘNG HƯỞNG NHẤT?
Trái ngược với nội dung của nhiều sách về chủ đề ân tứ thuộc linh, bạn đừng bắt đầu với bản thân mình. Đừng bắt đầu với một danh sách trừu tượng về các loại ân tứ và kỹ năng để từ đó xác định khuynh hướng của mình. Những bài kiểm tra khuynh hướng thường dựa trên kinh nghiệm quá khứ và sự hiểu biết về bản thân trong khi sự hiểu biết bản thân của bạn lại hạn chế. Tuy đây cũng là một cách để Chúa bày tỏ cho bạn biết chức vụ của mình nhưng tôi không khuyên bạn bắt đầu với yếu tố này.
Thay vào đó bạn hãy nhìn vào những nhu cầu cụ thể trong cộng đồng (bối cảnh) xung quanh bạn. Những nhu cầu nào khiến bạn “rung động”? Những vấn đề nào hoặc những người nào, những nhu cầu mục vụ nào khiến bạn được đụng chạm? Bạn khám phá được mối tương quan ở chỗ nào? Phao-lô kinh nghiệm sự đau buồn và xáo động khi thấy những hình tượng ở A-then (Công vụ 17:16), và điều đó khiến ông bắt đầu chức vụ biện giáo (Công vụ 17:17). Chúng ta cần bước vào chức vụ với lòng nhiệt huyết cho một vấn đề hay một nhu cầu chưa được đáp ứng. Một trong những lý do tại sao tôi khuyên bạn đừng bắt đầu với khả năng của bản thân là bởi vì các ân tứ thường xuyên “nổi lên” khiến chúng ta bất ngờ khi chúng ta tham gia vào nhiều mục vụ khác nhau. Ví dụ như trước khi tôi đến thành phố New York, tôi không bao giờ nói rằng mình có ân tứ truyền giáo. Nhưng tôi nhận ra sau nhiều năm sống xung quanh nhiều người không tin Chúa (ở New York), tôi lại có ân tứ này. Ân tứ “giảng dạy” của tôi thành ra có cả yếu tố “truyền giáo” mà tôi sẽ không bao giờ khám phá được nếu không sống ở New York. Tôi có sự cưu mang cho New York, và điều đó đã dẫn tôi đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về chính tấm lòng của mình. Tôi không nói rằng “tôi có ân tứ truyền giáo, vậy tôi có thể sử dụng nó ở đâu? À, ở thành phố New York!”. Tất nhiên, làm Cơ Đốc Nhân càng lâu thì bạn càng biết rõ bản thân mình và không thấy bất ngờ như tôi, nên một Cơ Đốc Nhân rất trưởng thành có thể bắt đầu từ bất kỳ yếu tố nào trong phương pháp “ba yếu tố” này. Tuy nhiên đối với hầu hết Cơ Đốc Nhân, tốt nhất là hãy bắt đầu từ nhu cầu của người thật việc thật.
2. KHẢ NĂNG: MÌNH CÓ NHỮNG KHẢ NĂNG VÀ HẠN CHẾ NÀO?
Bạn cần xét đến khả năng của bản thân. Nhiều người cưu mang cho việc mở một mục vụ nào đó, nhưng họ lại không thực tế về những khả năng và hạn chế của bản thân. Ví dụ như họ muốn bản thân mình trở thành người lãnh đạo trong khi họ không có tài tổ chức và khích lệ mọi người theo họ.
Bạn phải ý thức rất rõ về vai trò mà bạn có thể đóng góp trong chức vụ. Việc nào bạn nên làm và việc nào bạn cần người khác làm? Đồng thời, cũng hãy có sự trưởng thành để nhận biết độ tuổi thuộc linh của mình. Bạn có thể nhận ra rằng sự tin kính của mình không đủ để bù đắp cho những hạn chế trong ân tứ, và vì vậy bạn cần một đội ngũ mạnh quanh mình.
Một điều quan trọng nữa là phải hiểu rằng mọi mục vụ đều cần ba nhóm ân tứ “tiên tri”, “chức tế lễ” và “nhà vua” kết hợp với nhau. (Xem bài viết “Phân biệt và áp dụng các ân tứ thuộc linh của cùng tác giả). Đây là một trong những lý do tại sao chúng ta không nhìn vào khả năng của mình trước. Ví dụ, người ta có thể nghĩ rằng nếu anh có ân tứ tế lễ (nhân từ và công bình), thì anh nên làm chấp sự. Nhưng nếu tất cả chấp sự trong Hội Thánh đều chỉ có cùng ân tứ này thì sẽ thật thảm họa! Vì bạn cũng cần những người chia sẻ khải tượng, những người lãnh đạo và những ân tứ khác trong mọi mục vụ. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta không nói rằng “mọi tiên tri hãy tham gia mục vụ giảng dạy, mọi thầy tế lễ hãy tham gia các mục vụ thương xót và công lý, và mọi nhà vua hãy tham gia công việc quản trị.”
3. CƠ HỘI: NƠI NÀO CỘNG ĐỒNG NÓI RẰNG HỌ CẦN MÌNH?
Cuối cùng, chúng ta phải nói không với chủ nghĩa cá nhân trong cách chúng ta nhìn nhận chức vụ của mình. Chỉ giáo lý về tội lỗi là đủ để chứng minh rằng bạn không nên cố gắng tự mình đưa ra quyết định này. Hơn nữa, Kinh Thánh dạy rằng khi trở nên Cơ Đốc Nhân, chúng ta trở thành “chi thể cho nhau” (Ê-phê-sô 4:25). Chúng ta không thể hiểu được bản thân mình nếu không quan tâm đến những điều anh chị em chúng ta nhìn thấy. Có những cơ hội phục vụ mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến, nhưng thực chất lại rất hoàn hảo cho chúng ta.
Cũng như vậy, chúng ta ở dưới thẩm quyền của những người lãnh đạo (Hê-bơ-rơ 13:7, 17) và chúng ta cần thuận phục khi người lãnh đạo nói đó là những nhu cầu của Hội Thánh. Chúa đặt để chúng ta trong một cộng đồng, và chúng ta cùng nhau nhận biết ý muốn và sự kêu gọi của Ngài.
TÓM TẮT
Nghề nghiệp/chức vụ của bạn là một phần trong công tác của Đức Chúa Trời trên thế giới này và Chúa ban cho bạn những nguồn lực để phục vụ nhân loại. Những nhân tố này sẽ giúp bạn nhận định được sự kêu gọi của mình:
Mối tương quan – “nhìn ra xung quanh”: cách thông thường, theo hiện sinh/chức tế lễ để phân biệt sự kêu gọi. Nhu cầu nào của mọi người mà tôi được đánh động?
Khả năng – “nhìn vào bản thân”: cách thông thường theo lý trí/tiên tri để phân biệt sự kêu gọi. Tôi giỏi làm gì?
Cơ hội – “nhìn lên”: là cách thông thường theo tổ chức/nhà vua để phân biệt sự kêu gọi. Các lãnh đạo/bạn bè tôi tin rằng điều gì là nhu cầu chiến lược cho Vương Quốc Chúa?
Cuộc đời của bạn không chỉ là một chuỗi các sự kiện ngẫu nhiên. Xuất thân, học vấn và kinh nghiệm sống – thậm chí những kinh nghiệm đau buồn nhất, đều trang bị bạn để làm một công việc nào đó mà không ai khác làm được. “Vì chúng ta là công trình của tay Ngài, được tạo dựng trong Đấng Christ Giê-su để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:10).
Bản quyền © 2007 của Timothy Keller, © 2011 của Redeemer City to City. Bài viết được hiệu chỉnh từ một khóa huấn luyện lãnh đạo tại Hội Thánh Redeemer Presbyterian năm 2007.
Tác giả bài viết, Tiến sỹ Timothy Keller (sinh năm 1950) là nhà thần học và mục sư uy tín người Mỹ. Ông cũng là tác giả viết về nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt là biện giáo trong thời hậu hiện đại. Timothy Keller là mục sư sáng lập hội thánh Redeemer Presbyterian tại Manhattan.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!