NGHỀ NGHIỆP/CHỨC VỤ: NHẬN BIẾT SỰ KÊU GỌI CỦA BẢN THÂN (PHẦN 1/2)
Một trong những thánh lễ của các hội thánh thời trung cổ là Bí tích Truyền chức thánh nhằm phân chia thế giới thành “tôn giáo” và “thế tục”. Những người bước vào chức vụ trọn thời gian trong nhà thờ như các thầy tế lễ, linh mục hoặc nữ tu thì được coi là đã bước đi trên một hành trình thuộc linh hoàn toàn khác biệt so với những người khác. Một trong những luận điểm chính của Cuộc Cải chánh Tin Lành là lật lại góc nhìn này theo đúng sự dạy dỗ Kinh Thánh về chức tế lễ của tất cả Cơ Đốc Nhân (I Phi-e-rơ 2:9). Martin Luther nhấn mạnh rằng mọi hình thức lao động đều là sự kêu gọi mà qua đó Chúa được tôn cao. Nông dân, thợ thủ công, nghệ sĩ cũng là một chức vụ, một sự kêu gọi từ Đức Chúa Trời giống như chức vụ giảng đạo. Tại sao vậy?
Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta là những người quản trị những nguồn lực mà Đức Chúa Trời ban cho để phục vụ cộng đồng. Nghề nghiệp/chức vụ của chúng ta là một cách để thực hiện công tác của Đức Chúa Trời trên thế giới.
Quản trị (stewardship) là công tác trau dồi và phát triển các nguồn lực cho Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng một trong những nguồn lực quan trọng nhất mà Chúa ban chính là các ân tứ, năng khiếu, tài năng và năng lực.
Một trong những thánh lễ của các hội thánh thời trung cổ là Bí tích Truyền chức thánh nhằm phân chia thế giới thành “tôn giáo” và “thế tục”. Những người bước vào chức vụ trọn thời gian trong nhà thờ như các thầy tế lễ, linh mục hoặc nữ tu thì được coi là đã bước đi trên một hành trình thuộc linh hoàn toàn khác biệt so với những người khác. Một trong những luận điểm chính của Cuộc Cải chánh Tin Lành là lật lại góc nhìn này theo đúng sự dạy dỗ Kinh Thánh về chức tế lễ của tất cả Cơ Đốc Nhân (I Phi-e-rơ 2:9). Martin Luther nhấn mạnh rằng mọi hình thức lao động đều là sự kêu gọi mà qua đó Chúa được tôn cao. Nông dân, thợ thủ công, nghệ sĩ cũng là một chức vụ, một sự kêu gọi từ Đức Chúa Trời giống như chức vụ giảng đạo. Tại sao vậy?
MỌI HÌNH THỨC LAO ĐỘNG ĐỀU LÀ SỰ ĐỒNG CÔNG VỚI CHÚA (không nói đến những công việc mang tính bóc lột hay vi phạm đạo đức)
Chúa tạo dựng thế giới bằng Thánh Linh Ngài (Sáng 1:1-3) và Ngài tiếp tục chăm sóc và duy trì nó bởi Thánh Linh (Thi 104:30), Ngài tưới tiêu và làm cho nó màu mỡ (Thi 65:9-13), cho nó ăn và đáp ứng nhu cầu của mọi loài (Thi 145:15-16 và 147:15-20). Quả thực, mục đích của sự cứu chuộc là sau cùng phục hồi thế giới vật chất này trên bình diện rộng (Khải Huyền 21-22). Chúa yêu thế giới Ngài tạo dựng nhiều đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để cứu chuộc chúng. Bản thân thế giới này là tốt đẹp, nó không chỉ là một rạp hát tạm bợ để phục vụ sự cứu rỗi cá nhân.
Đức Thánh Linh không chỉ là một nhà giảng đạo để bắt phục mọi người về tội lỗi và ân điển (Giăng 16:8-11; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:5) nhưng Ngài cũng là một người làm vườn, một họa sĩ và một nhà đầu tư trong sự sáng tạo để làm mới lại thế giới vật chất này. Nên làm một người giảng đạo không thuộc linh hơn hay tôn cao Chúa hơn so với việc làm một nông dân, nghệ sĩ hay chủ ngân hàng. Chẳng hạn như công tác truyền giáo chỉ là một công việc tạm thời trong khi làm nhạc là công việc lâu dài. Trong trời mới đất mới, những người giảng đạo sẽ mất việc! Mục đích cuối cùng của việc truyền giáo là đem đến một thế giới mà ở đó những nhạc sĩ có thể làm công việc của mình một cách hoàn hảo.
MỌI HÌNH THỨC LAO ĐỘNG ĐỀU LÀ CÁCH ĐỂ PHỤC VỤ NGƯỜI KHÁC
Hãy tưởng tượng xem bạn sẽ mất bao nhiêu thời gian để tự làm ra một cái ghế từ đầu đến cuối. Bạn sẽ không chỉ cưa xẻ gỗ nhưng cũng phải tạo ra các công cụ. Để tạo ra các công cụ, bạn sẽ phải đào quặng và tạo ra kim loại. Việc này mất hàng tháng, thậm chí hàng năm để hoàn thành. Tuy nhiên khi bạn chia sẻ công việc với người khác, bạn có thể mua một cái ghế với số tiền tương đương với một vài giờ làm việc của bạn, chứ không phải mất hàng tháng hay hàng năm nỗ lực. Thậm chí nếu bạn muốn tự tay đóng cái ghế đó thì bạn có thể mua công cụ được chế tạo từ người khác.
Tất cả công việc theo sự thiết kế của Đức Chúa Trời đều là sự phục vụ. Qua công việc, chúng ta làm giàu cho nhau và chúng ta trở nên đan xen chặt chẽ với nhau. Khi Cơ Đốc Nhân làm những “công việc thế tục”, họ đang thực hiện vai trò là muối và ánh sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 5:13-16). Nghề nông, kinh doanh, trông trẻ, luật, y dược và âm nhạc – mọi hình thức lao động này đều nuôi dưỡng, chăm sóc và duy trì thế giới được Chúa tạo dựng yêu quý. Tất cả chúng ta đều là người hầu việc Chúa (thầy tế lễ) cho cộng đồng thay cho Đức Chúa Trời.
Làm việc là lấy những nguyên liệu thô từ công cuộc sáng tạo và phát triển chúng vì lợi ích của người khác. Những nhạc sĩ sử dụng nguyên liệu thô là âm thanh và đem đến ý nghĩa nghệ thuật trong cuộc sống chúng ta. Nông dân sử dụng nguyên liệu thô là đất và hạt giống để cho chúng ta thực phẩm. Điều này có nghĩa rằng chúng ta là những người hầu việc Chúa không chỉ khi chúng ta làm chứng hay trực tiếp nói về Chúa Giê-su, mà cả khi chúng ta làm công việc của mình. Một người nhạc công đang phục vụ Chúa khi cô ấy tạo ra những bản nhạc tuyệt vời, chứ không chỉ những lúc cô ấy hát về việc hãy đến với Chúa Giê-su.
MỌI HÌNH THỨC LAO ĐỘNG ĐỀU DỰA TRÊN NĂNG LỰC CHÚA BAN
Ê-sai 28:24-29 nói rằng “người cày ruộng để gieo” và “khi mặt đất đã được ban bằng rồi, chẳng phải người ấy vãi tiểu hồi và gieo đại hồi, tỉa lúa mì trên luống, lúa mạch tại chỗ riêng, và đại mạch theo khu vực của nó sao? Ấy là Đức Chúa Trời đã chỉ dẫn và dạy bảo nông dân cách phải làm … Điều nầy cũng đến từ Đức Giê-hô-va vạn quân, kế hoạch Ngài thật kỳ diệu, sự khôn ngoan Ngài thật tuyệt vời!” Ê-sai đang dạy rằng bất kỳ người nông dân thuần thục nào cũng đều được Đức Chúa Trời dạy bảo. Trong Ê-sai 45:1, chúng ta đọc về Si-ru một vị vua dân ngoại được Chúa xức dầu với Thần Chúa và lựa chọn để thống trị các nước. Điều này thật đáng kinh ngạc bởi vì chúng ta thấy rằng Thần của Đức Chúa Trời có thể trang bị con người cho công việc – dù họ không phải là người tin Chúa và cũng không trực tiếp làm chứng cho Ngài. Chúa ban sự khôn ngoan, can đảm và sự hiểu biết cho con người để hoàn thành tốt công việc của mình.
Quả thực, Gia-cơ 1:17 nói rằng “Mọi ơn lành tốt đẹp và tặng phẩm toàn hảo đều đến từ thiên thượng, được ban xuống từ Cha của sự sáng.” Điều này có nghĩa rằng mỗi hành động tốt đẹp, khôn ngoan, chính trực và đẹp đẽ – không quan trọng là do người nào thực hiện – đều bởi Chúa mà ra. Chúng đều là những “sự ban cho”, và vì vậy cũng là một hình thức của ân điển, mặc dù không phải là ân điển mang đến sự cứu chuộc. Điều này có nghĩa là Chúa ban cho tất cả mọi người (không chỉ Cơ Đốc Nhân) những tài năng và khả năng để trang bị họ cho công tác phục vụ cộng đồng thông qua các hình thức lao động cụ thể.
Kinh Thánh cũng nói về các ân tứ Thánh linh (Ê-phê-sô 4, Rô-ma 12, và 1 Cô-rinh-tô 12-14) là các năng lực để chăm sóc người khác trong Danh Chúa Giê-su (tham khảo thêm bài viết “Xác định và thực hành các ân tứ Thánh Linh” của cùng tác giả tại gospelinlife.com). Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời nên Cơ Đốc Nhân có những tài năng tự nhiên, và vì con người được tái sinh bởi Đức Thánh Linh nên họ cũng có những ân tứ thuộc linh để trang bị cho chức vụ trong và qua Hội Thánh. Không phải lúc nào cũng dễ và cũng cần phân biệt giữa tài năng tự nhiên và ân tứ thuộc linh; vì suy cho cùng thì chúng đều đến từ Thánh Linh của Chúa. Ví dụ như trong Xuất Ê-díp-tô ký 31:1-4, chúng ta thấy Bết-sa-lê-ên được đầy dẫy “Thần của Đức Chúa Trời cùng với sự khéo tay, thông minh và hiểu biết trong lãnh vực thủ công mỹ nghệ.” Trong số các ân tứ thuộc linh được liệt kê trong Tân Ước không có các tài năng nghệ thuật, nhưng Xuất Ê-díp-tô ký 31:1-4 cho chúng ta thấy rằng kỹ năng nghệ thuật đến từ Chúa (Gia-cơ 1:17 nói rằng nó phải đến từ Chúa). Trong vở kịch và bộ phim Amadeus (về thiên tài âm nhạc Mozart – N.D.), nhân vật Salieri mô tả âm nhạc tuyệt vời của Mozart như “tiếng của Đức Chúa Trời”. Và anh ta nói đúng.
BIẾT CÔNG VIỆC CỦA BẠN
Làm sao để Cơ Đốc Nhân xác định sự kêu gọi cho mình? Trước hết, bạn phải cân nhắc cả hai câu hỏi: Chúa đã kêu gọi và trang bị điều gì cho công việc/sự nghiệp của tôi? Và Chúa kêu gọi tôi phục vụ trong và qua hội thánh như thế nào?
Trong một vài trường hợp hiếm gặp, sự phục vụ của một người trong hội thánh cũng trở nên công việc trọn thời gian của người đó. Khi đó thì câu trả lời cho hai câu hỏi trên là một. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, Cơ Đốc Nhân phải trả lời mỗi câu hỏi một cách tách bạch. Đôi khi điều mà bạn thực hiện trong sự kêu gọi “thế tục” của mình cũng rất giống với những công tác mà bạn phải làm trong hội thánh. Bạn có thể là một giáo viên, hoặc một nhà hoạch định chiến lược, hoặc một nghệ sĩ ở bên ngoài hội thánh và bạn lại dùng chính những kỹ năng đó để phục vụ hội thánh. Trong một số trường hợp khác, bạn có thể được Chúa kêu gọi làm những công việc trong hội thánh hoàn toàn khác với công việc bạn làm bên ngoài. Chủ ngân hàng có thể trở thành một giáo viên giỏi trong trường Chúa nhật.
Tuy nhiên, tôi luôn đề xuất một phương pháp gồm ba phần để phân biệt một sự kêu gọi, dù là công việc bên ngoài hay công việc hội thánh hoặc một điều gì khác. Để xác định một sự kêu gọi chức vụ, hãy tham khảo ba yếu tố: yếu tố tương quan, yếu tố khả năng và yếu tố cơ hội (ba lĩnh vực này do John Newton giới thiệu).
(Còn tiếp)
Bản quyền © 2007 của Timothy Keller, © 2011 của Redeemer City to City. Bài viết được hiệu chỉnh từ một khóa huấn luyện lãnh đạo tại Hội Thánh Redeemer Presbyterian năm 2007.
Tác giả bài viết, Tiến sỹ Timothy Keller (sinh năm 1950) là nhà thần học và mục sư uy tín người Mỹ. Ông cũng là tác giả viết về nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt là biện giáo trong thời hậu hiện đại. Timothy Keller là mục sư sáng lập hội thánh Redeemer Presbyterian tại Manhattan.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!