THẾ NÀO LÀ MỘT BÀI GIẢNG DỞ VÀ LÀM SAO ĐỂ HỒI PHỤC SAU ĐÓ?
Mọi mục sư đều có xu hướng tự giễu và cường điệu hóa về việc mình đã giảng tệ đến thế nào vào ngày Chủ Nhật. Chuyện này đôi khi là sự thật và có bài giảng đúng là rất tệ. Thi thoảng, mỗi mục sư sẽ có một bài giảng “dở” như vậy. Vấn đề khiến chúng ta phải vật lộn là chúng ta sẽ làm gì sau giảng một bài giảng dở. Chúng ta sẽ thức cả đêm Chủ Nhật để dằn vặt bản thân hay sẽ làm điều gì đó hiệu quả hơn một chút?
Vào mỗi Chúa Nhật, khi tôi kết thúc bài giảng và ngồi trở lại vào hàng ghế thứ hai, cô con gái mười tuổi của tôi lại giơ hai ngón tay cái lên để chúc mừng bố. Có lẽ, cô bé biết rằng tôi cần được khích lệ vì cô bé thường xuyên nghe tôi thở dài khi lên xe ra về rằng: “Bố giảng chán quá.”
Mọi mục sư đều có xu hướng tự giễu và cường điệu hóa về về việc mình đã giảng tệ đến thế nào vào ngày Chủ Nhật. Chuyện này đôi khi là sự thật và bài giảng đúng là rất dở. Thi thoảng, mỗi mục sư sẽ có một bài giảng “dở” như vậy.
Vấn đề khiến chúng ta phải vật lộn là chúng ta sẽ làm gì sau giảng một bài giảng dở. Chúng ta sẽ thức cả đêm Chủ Nhật để dằn vặt bản thân hay sẽ làm điều gì đó hiệu quả hơn một chút?
Trước khi đi sâu vào phân tích cách chúng ta nên phản ứng sau khi giảng một bài giảng không tốt, chúng ta cần xác định thế nào là một bài giảng “dở”.
Điều gì tạo nên một bài giảng “dở”?
Đối với một Cơ Đốc Nhân thông thường, một bài giảng “dở” thường được định nghĩa là bài giảng nhàm chán hoặc bị kéo dài thêm mười phút. Tuy nhiên, những người rao giảng Lời Chúa hằng tuần cần mở rộng nhận biết của mình hơn. Chúng ta cần biết mục đích của bài giảng để biết khi nào mình đi chệch mục tiêu.
Vì mục đích của bài viết này, tôi sẽ giải thích một cách thành thật, không úp mở. Tôi tin vào điều được gọi là “giảng giải kinh”. Định nghĩa ngắn gọn nhất mà tôi từng thấy cho phương thức giảng dạy này là đây: điểm chính của phân đoạn đang phân tích là điểm chính của sứ điệp. Nói cách khác, cho dù bạn đang giảng theo một loạt chủ đề hay đang giảng xuyên suốt cả sách Kinh Thánh, thì bài giảng giải kinh sẽ khai phóng Lời Chúa và ý nghĩa của nó thay vì áp đặt một nghĩa nhất định cho văn bản Kinh Thánh.
Với tinh thần đó thì có sáu đặc điểm của một bài giảng dở.
1. BẠN KHÔNG GIẢI THÍCH PHÂN ĐOẠN MỘT CÁCH RÕ RÀNG
Nếu trọng tâm của phân đoạn bạn giảng chính là trọng tâm của sứ điệp, thì nhiệm vụ trước hết của chúng ta là giải thích đoạn Kinh Thánh. Bạn không thể giải thích nếu bạn không hiểu phân đoạn đó. Giáo sư bộ môn giảng đạo thời đại học của tôi từng nói: “Bục giảng mù mịt thì hội chúng cũng tịt mịt. Nếu bản thân bạn không nắm được nội dung thì dân sự cũng không thể hiểu được Lời Chúa.”
2. PHẦN ÁP DỤNG CỦA BẠN NÔNG CẠN
Giảng giải kinh không chỉ là giải thích ý nghĩa của phân đoạn Kinh Thánh. Đó còn là việc bạn nhấn mạnh lẽ thật của Lời Chúa vào tấm lòng và đời sống của người nghe bằng cách đưa ra những áp dụng phù hợp và rõ ràng. Đôi khi bài giảng của bạn nhạt nhòa vì cách áp dụng của bạn không đúng mục tiêu. Điều này thi thoảng xảy ra vì bạn không cân nhắc kỹ cách áp dụng hoặc bạn áp dụng phân đoạn này vào các cuộc tranh luận trên mạng hơn là cho dân sự trong hội thánh.
3. BẠN THIẾU NHIỆT HUYẾT
Tôi có phần ngần ngại khi nêu ra vấn đề về nhiệt huyết trong việc rao giảng bởi cớ nhiệt huyết có thể là giả tạo. Không khó để tạo ra sự hào hứng, nhưng tuần này qua tuần khác, mọi người sẽ có thể phân biệt được đâu là nhiệt huyết thật và đâu là giả. Nếu tấm lòng bạn không cộng hưởng với thông điệp bạn đang rao giảng thì cũng thật khó để hội chúng tập trung vào điều bạn giảng.
4. BẠN KHÔNG NỖ LỰC ĐỂ KHIẾN BÀI GIẢNG TRỞ NÊN HẤP DẪN
Trong một thế giới lý tưởng thì bạn không cần cố tạo nên phần giới thiệu để thu hút mọi người quan tâm đến bài giảng của mình, nhưng chúng ta không sống trong thế giới đó. Thế giới mà chúng ta đang sống là nơi mọi người thường trải qua cả tuần mà không mảy may suy nghĩ đến bất kỳ điều gì liên quan đến những điều thuộc về Chúa. Mặc dù bạn không muốn phải dùng đến nghệ thuật sân khấu để hiểu được thông điệp của Phúc Âm, nhưng bạn cần soạn những bài giảng thu hút sự quan tâm của mọi người và khiến họ muốn nghe lời Kinh Thánh.
5. BẠN KHÔNG GIẢNG DẠY PHÚC ÂM
Mọi bài giảng của bạn không nhất thiết phải như kỳ trại phục hưng, nhưng chúng phải hướng đến Phúc Âm của Chúa Giê-su Christ. Mỗi đoạn Kinh Thánh đều giúp người nghe hiểu về công tác của Đấng Christ, vậy nên mọi bài giảng phải hướng về Ngài như là niềm hy vọng duy nhất của họ. Hãy xem lại bài giảng hôm qua. Bạn đã nói với mọi người về sự chết và phục sinh của Chúa Giê-su và kêu gọi họ tiếp nhận Ngài chưa?
6. BẠN GIẢNG QUÁ DÀI
Tôi biết rằng trong một thế giới lý tưởng, bạn có thể giảng trong hai giờ mà mọi người vẫn lắng nghe từng từ. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người phải vật lộn để lắng nghe một người nói trong một khoảng thời gian dài và rất ít người trong chúng ta có thể khiến khoảng thời gian đó thú vị. Thực tế thì hầu như bài giảng nào của bạn cũng có thể rút ngắn đi, ít nhất năm phút.
Bây giờ chúng ra đã biết đặc điểm của một bài giảng dở, sau đây là năm bước bạn cần thực hiện để khắc phục.
TIN CẬY VÀO CÔNG TÁC CỦA THÁNH LINH
Chúng ta không bao giờ muốn trở thành những kẻ lợi dụng Đức Thánh Linh để bào chữa cho việc thiếu chuẩn bị hoặc cẩu thả trên bục giảng. Đồng thời, chúng ta cần nhớ rằng Đức Thánh Linh có thể sử dụng chỉ một chút lẽ thật để tác động trên tấm lòng con người qua sứ điệp Phúc Âm. Lời Chúa sẽ không trở về cách luống công, vậy nên nếu bạn rao giảng lẽ thật, ngay cả khi bài giảng của bạn dở ở nhiều phương diện, thì Đức Thánh Linh sẽ vẫn dùng lời đó để hành động trong tấm lòng người nghe. Hãy tin cậy rằng Ngài sẽ hành động. Đôi khi lại có kết quả bất ngờ đến từ những bài giảng tệ hại.
AN YÊN TRONG PHÚC ÂM
Ngợi khen Đức Chúa Trời vì chúng ta được xưng công chính bởi đức tin chứ không bởi giảng hay. Mục sư trước hết cũng là Cơ Đốc Nhân. Nếu bạn không thực hiện sự kêu gọi của mình một cách hiệu quả, hãy an yên nơi công việc đã hoàn thành của Đấng Christ và nhận biết rằng bạn trở thành con của Đức Chúa Trời duy bởi đức tin. Đừng xem bài giảng cho tuần tới như một cơ hội để chuộc lỗi cho bản thân, nhưng hãy coi đó là cơ hội để công bố ân điển mà bạn đã được nhận trong suốt cả tuần.
CHẨN ĐOÁN XEM BẠN ĐÃ LÀM SAI ĐIỀU GÌ
Hãy xem xét các đặc điểm của một bài giảng kém hiệu quả và tìm xem có đặc điểm nào xuất hiện trong bài giảng gần đây nhất của bạn không. Hãy suy xét cách bạn chuẩn bị và truyền tải bài giảng. Bạn có hiểu phân đoạn Kinh Thánh không? Bạn đã áp dụng nó một cách chính xác hay hời hợt? Bạn đã áp dụng nó với một cuộc tranh luận trên mạng hay giảng cho hội chúng? Hãy dò xét lại tình trạng thuộc linh hiện tại của bạn và cố gắng nhớ xem tối thứ Bảy vừa rồi bạn đi ngủ lúc mấy giờ. Hành trình đức tin của bạn hiện đang trì trệ hay sôi động? Sức truyền tải của bài giảng vào Chúa Nhật không sắc bén có phải do bạn đã không ngủ đủ giấc không?
XÁC ĐỊNH CÁCH GIẢI QUYẾT NÓ
Xem xét chuyện gì đã xảy ra và bạn sẽ giải quyết vấn đề như thế nào? Nếu vấn đề liên quan đến cách bạn giải thích phân đoạn Kinh Thánh thì tuần này bạn định sẽ làm gì để chuẩn bị bài giảng khác đi? Bạn có cần điều chỉnh cách nghiên cứu của mình không? Bạn có nên dành thời gian để thảo luận về phân đoạn này với dân sự trong Hội thánh mình để áp dụng nó chính xác hơn không? Hãy suy nghĩ xem tuần này bạn sẽ dùng phân đoạn đó để rao giảng Phúc Âm như thế nào.
Nếu vấn đề liên quan đến đời sống thuộc linh của bạn thì tuần này bạn sẽ làm gì để dành nhiều thời gian hơn cho Chúa? Bạn cần ăn năn những tội lỗi nào và cần tăng trưởng như thế nào? Dù vấn đề là gì cũng hãy đưa ra kế hoạch hành động để bạn tiếp cận vấn đề một cách mang tính gây dựng hơn là cứ chìm đắm trong sự tự thương hại bản thân.
THỨ BẢY TỚI, HÃY NGHỈ NGƠI ĐẦY ĐỦ
Đôi khi chúng ta quên đi rằng chúng ta chỉ là con người. Nếu bạn không ngủ ngon vào đêm Thứ Bảy, bạn sẽ không cảm thấy khỏe vào sáng Chủ Nhật. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách bạn giảng. Đầu óc bạn sẽ không nhạy bén và bạn sẽ truyền tải sứ điệp một cách mỏi mệt. Hãy cắt giảm caffeine sau 5 giờ chiều và đi ngủ sớm hơn bình thường một chút. Đừng bắt đầu xem phim lúc 9 giờ tối và tránh theo dõi các trận bóng đá đêm khuya. Thực hành những điều này sẽ thực sự có ích.
Thưa quý Mục sư, bởi ân điển của Đức Chúa Trời mà bạn có một vài ngày trước khi lại đứng trên bục giảng. Hãy chăm chỉ nghiên cứu và đừng từ bỏ cho đến khi bạn hiểu được phân đoạn mình sẽ giảng. Hãy suy nghĩ và cầu nguyện xem làm sao để truyền tải phân đoạn này đến tấm lòng người nghe một cách tốt nhất và làm sao để hướng họ đến với Đấng Christ. Sau đó, hãy cầu xin Thần Linh Chúa ban lời qua môi miệng bạn và sử dụng chúng để thay đổi tấm lòng của dân sự cho vinh hiển của Chúa Cha.
Tác giả của bài viết, Scott Slayton, Thạc sĩ Thần học của Chủng viện Southern Seminary, là Mục sư trưởng của Hội thánh Báp-tít Chelsea Village tại Chelsea, Alabama, Hoa Kỳ. Scott và bà Beth, vợ ông có bốn người con: Hannah, Sarah Kate, Leah và Matt. Ông thường chia sẻ bài viết trên trang blog cá nhân One Degree to Another.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://equip.sbts.edu/article/bad-sermon-recover-preaching-one/?fbclid=IwAR0l8vUfj76kU2vd1HDNryGrk9frcbcE0x-gPDjkCHZpK2gwrQbOUPOj3dg
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!