5 CÁCH ĐỂ CẢI THIỆN KHẢ NĂNG GIẢNG/NÓI TRƯỚC ỐNG KÍNH CAMERA
Giữa tất cả những thay đổi lớn diễn ra trong thời gian qua, giống như rất nhiều lãnh đạo và mục sư khác, bạn có thể đang cố gắng làm chủ kỹ năng nói hoặc giảng với máy quay phim mà không có ai ngồi dưới lắng nghe. Giờ đây, bạn mới nhận ra việc đó thật khó đến nhường nào.
Thuyết giảng trước đám đông luôn là một việc khó khăn. Tuy nhiên, việc có một đám đông người ngồi lắng nghe đem đến cho bạn, trong vai trò người chia sẻ, những lợi thế không hề nhỏ. Khi có hội chúng lắng nghe, thật dễ dàng nhận ra là họ đang tập trung hay xao nhãng. Bạn có thể cảm nhận được điều đó thông qua nụ cười của họ trước những câu chuyện cười của bạn (làm ơn, tôi đang đùa đó, cười đi…), thông qua việc họ ngồi thẳng dậy ở những ý quan trọng hay khoảnh khắc họ say sưa lắng nghe đến mức ngoài tiếng nói của bạn thì không gian yên lặng như tờ. Tất cả đóng vai trò một vòng lặp phản hồi vô hình cho người phát ngôn hay giảng đạo để họ có thể điều chỉnh liệu nên giảng nhanh hơn hay chậm lại, tiến tới, thư giãn hay đào sâu thêm, tuỳ thuộc vào tình hình.
Và khi không còn đám đông hội chúng lắng nghe, tất cả những lợi thế trên không còn nữa. Hoàn toàn biến mất. Tôi dường như đã quá phụ thuộc vào khả năng “đọc vị” dân sự để điều chỉnh bài giảng cho đến khi tôi lần đầu tiên phải giảng dạy trước ống kính camera, trong một căn phòng không có ai. Thú thật, lúc đầu cảm giác thật kinh khủng- cứ như thể đây là lần đầu tiên tôi giảng vậy. Không biết làm cách nào để mà xoay sở.
Dạo gần đây, tôi quay video hàng giờ liền mà không có ai ngồi nghe bên dưới (chỉ có cái camera mà thôi), tất tần tật mọi thứ từ chuẩn bị sứ điệp, khoá học online cho đến đào tạo trực tuyến và livestream. Thỉnh thoảng, tôi còn tổ chức một buổi chiếu trực tuyến trên TV nữa. Ít ra thì cũng đã học được kha khá. Sau là một vài lời khuyên mà tôi muốn gửi gắm cho những ai đang tập làm quen với việc giảng trước ống kính camera.
1. HÃY CHÂN THẬT. CHÂN THẬT TỪ TẤM LÒNG SẼ CHẠM ĐẾN TẤM LÒNG, CÁCH SÂU SẮC
Thật không dễ gì để tránh khỏi suy nghĩ rằng bộ đồ nghề càng ngon thì giảng càng hay. Và nếu không có một bộ đồ nghề ngon lành, một đội ngũ hùng hậu, sứ điệp của bạn sẽ không động chạm đến người nghe. Thực tế không phải như thế.
Sự thật ở đây là nội dung và cách bạn truyền tải sứ điệp mới quyết định hiệu quả tác động của sứ điệp bạn giảng ra. Bộ đồ nghề có thể giúp ích một chút, tuy nhiên, con người của bạn mới chính là thứ tạo nên tác động, chứ không phải là bộ đồ nghề.
Một số lãnh đạo Hội Thánh đang chuẩn bị những sản phẩm hoành tráng trên sân khấu mà không có ai ngồi lắng nghe cả và bạn có thể tranh luận rằng đó là thứ mà dân sự mong muốn (chúng ta có thể làm ơn trở lại bình thường được không?) Không chỉ trích gì ở đây cả. Tất cả chúng ta vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem làm thế nào để thực hiện việc này ngoài đời thực.
Nhưng với một số người thì điều đó lại bất khả thi và kém khôn ngoan (những vấn đề về sức khoẻ, đội ngũ nhân sự cần thiết, hay thực tế hơn là ngay từ đầu bạn đã không có một đội ngũ sản xuất hùng hậu). Nếu bạn chỉ có một chiếc iPhone hay một bộ đồ nghề khiêm tốn thì cũng không hề là án tử. Thực tế, điều đó lại mở ra cho bạn nhiều cơ hội hơn.
Bạn có thể rũ bỏ mọi áp lực và được làm chính mình. Thế giới của chúng ta bây giờ cần sự chân thật hơn bất kỳ thứ gì khác. Bạn có biết ai là người đã chứng minh việc không cần một đội ngũ sản xuất hùng hậu mà vẫn thành công không? Đó là Jimmy Fallon.
Jimmy Fallon chẳng bao giờ cố gắng để che giấu việc mình đang sản xuất chương trình Tonight Show tại nhà riêng. Điều anh ấy làm là coi trọng những điều chân thật bình dị nhất. Đấy chính xác là điều đã làm cho chương trình anh ta thành công.
Nếu như bạn chưa từng xem chương trình đó, thì tôi giải thích thêm, là Jimmy quay toàn bộ chương trình The Tonight Show từ nhiều địa điểm khác nhau trong chính ngôi nhà của mình với sự giúp sức đắc lực của vợ, người quay video và kết nối khách mời cũng ngay trong chính ngôi nhà của họ. Khi bạn xem những tập chương trình đó, hãy để ý đến những điều sau:
– Anh ta chẳng bao giờ loại trừ gia đình… anh ta mời gia đình góp phần. Các cô con gái là người vẽ tranh ảnh cho chương trình.
– Anh ta đọc phần kịch bản độc thoại trên một tờ giấy in, giống như cách bạn đọc trong một cuộc họp mặt hoặc trò chuyện. Điều đó làm cho chương trình trở nên hài hước hơn, bởi vì ngay cả một tài năng như Jimmy cũng nhận ra rằng nếu không có khán giả ngồi bên dưới, quá khó để truyền tải thật hiệu quả.
– Ở nhà mặc gì thì quay show mặc nấy (không mặc vest)
– Chất lượng âm thanh nghe cực kỳ tệ… ngay cả đối với khách mời phần âm nhạc (gần như là không có mic thu âm ngoại trừ chiếc Iphone trong căn phòng gạch)
– Có một cuộc phỏng vấn với độ phân giải thấp trên Skype/Zoom bằng chiếc iPhone với Alec Baldwin, vợ và con gái của anh ấy còn đang nô đùa ngoài sân.
– Nhận tiền quyên góp từ thiện hằng đêm để giúp đỡ vượt qua mùa dịch.
Và điều tuyệt vời nhất là gì? Ấy là nó quá ư là chân thật.
Thay vì cố gắng né tránh hoàn cảnh hiện tại, Jimmy tận dụng nó. Mặc dù số dư trong tài khoản ngân hàng của Jimmy có nhiều số 0 hơn cả bạn và tôi, nhưng anh ta vẫn mang lại cho khán giả sự chân thật. Anh ta đến nơi mà khán giả của mình đang sống: ngôi nhà của anh, và học cách thích nghi như chính khán giả của mình vậy.
Các nhà thần học có gọi đây là kiểu tiếp cận “nhập thế”. “Nhập thế” là phương cách tiếp cận mà thế giới chúng ta đang mong mỏi hiện giờ. Đồng hành cùng với dân sự mình trong một thời điểm như thế này nghĩa là sống thật với họ trong thời điểm như thế này. Quyết định sống thật của chúng ta, kỳ lạ thay, thậm chí còn làm dân sự chúng ta an lòng và vững tin neo chặt hơn là liên tục khơi lên hy vọng hay liên tục gồng mình.
2. HÃY TƯỞNG TƯỢNG VỀ DÂN SỰ:
Chân thật là một chuyện, nhưng làm cách nào bạn có thể kết nối khi bạn không thể nhìn thấy ai lắng nghe mình?
Cũng đơn giản thôi: Hãy tưởng tượng ra họ. Hãy chọn ra một người bạn biết, rồi nói chuyện với họ. Đó có thể là một người bạn chưa tin Chúa mà bạn đang cố tiếp cận, một người mới đến Hội Thánh mà bạn vừa gặp hoặc có thể là một thành viên lâu năm trong Hội thánh mà bạn tin tưởng. Cứ chọn một người rồi nói chuyện với họ. Đương nhiên, bạn có thể thay đổi người mà bạn trò chuyện trong tượng tưởng qua mỗi buổi trò chuyện, hay các buổi phát sóng trực tiếp khác nhau, miễn là đừng để bức tường kỹ thuật số ngăn trở bạn.
Khi thu âm một sứ điệp về lãnh đạo, tôi tưởng tượng một người lãnh đạo đang bước ra khỏi nhà để chạy bộ sáng sớm hay việc cô ta đang vừa lái xe hơi vừa nghe podcast. Tôi nghĩ về những vấn đề trong cuộc sống mà có thể họ đang tranh chiến và cố gắng nói chuyện trực tiếp với họ. Khi quay video cho khoá học online, tôi tưởng tượng một mục sư trưởng đang lắng nghe và cố gắng áp dụng cho Hội Thánh họ, hay một đội ngũ nhân sự đang tìm cách tháo gỡ một vấn đề nào đó trong hoàn cảnh riêng của họ. Khi giảng qua camera, tôi tưởng tượng một căn phòng đầy ắp người, hoặc có thể là một gia đình đang ngồi nghe trong phòng khách.
Việc tưởng tượng thực sự hữu ích đấy. Việc tưởng tượng về người lắng nghe mình sẽ giúp bạn tự điều chỉnh tông giọng sao cho vừa cuốn hút, truyền cảm lại vừa tự nhiên. Nó thậm chí còn có thể giúp bạn biết được liệu nội dung bạn đang truyền tải có thực sự có ích cho người đang nghe hay không.
3. NÓI NGẮN LẠI
Nguyên tắc chung của tôi khi giảng trực tuyến là không có một khung thời gian thần kỳ nào cho một sứ điệp hoàn hảo cả. Dù các bài nói chuyện 18 phút là đặc trưng của TED Talks vẫn tạo nên tác động sâu rộng trên toàn cầu, thì chẳng có phép thần kỳ nào cho con số 18 phút cả: 5 phút chán ngắt là 5 phút quá dài còn 60 phút hấp dẫn thì gần như vẫn không đủ. Tôi vẫn sẽ ủng hộ phương cách giao tiếp trực tiếp là tốt nhất.
Video, mặt khác, thì lại quá khác biệt. Người ta nghe podcast và xem video ở tốc độ nhanh hơn 1,5 lần hoặc 2 lần. Tôi không hiểu tại sao, nhưng 2 phút trên Youtube nó lâu tựa như cõi đời đời vậy. Vậy nên, nguyên tắc của tôi trong việc giảng trên video là: càng ngắn càng tốt.
Tôi có mặt vào sáng Chủ Nhật và thay vì chia sẻ trong 38-40 phút, tôi dự định sẽ không nói lâu hơn 25 phút. Bài giảng cảm giác dài hơn rất nhiều khi không có ai ở trong phòng cả. Hơn nữa, nếu như bạn để ý đến những chuyện thực tế đang xảy ra trong một gia đình, đại loại như bọn trẻ lăn lê bò trườn trên người cha mẹ, một nửa số người nghe thì có thể vừa dọn bữa sáng vừa thờ phượng và khi chán họ còn có thể mở cùng lúc nhiều trang web khác nhau.
Chuyện này có thể thay đổi theo thời gian, nhưng tôi thà để hội chúng ‘thòm thèm’ muốn nghe thêm, còn hơn là ngồi nghĩ giá mà ông mục sư kết thúc từ 10 phút trước. Xin hãy nhớ cho rằng, người xem thờ phượng online sẽ kém lịch sự hơn hẳn so với lúc họ thực tế thờ phượng trong hội chúng. Họ phải rất can đảm thì mới dám đứng lên và bỏ đi ngay giữa một sứ điệp. Nhưng mà bấm tắt hay quẹt bỏ phần sứ điệp thì rất dễ dàng… thậm chí, còn không ai biết.
Vậy nên, hãy nói ngắn lại.
4. ĐỪNG CỐ XÂY DỰNG LẠI NHỮNG THỨ ĐÃ KHÔNG CÒN.
Như tôi đã từng chia sẻ về việc lãnh đạo một Hội Thánh qua mạng, rằng lúc này bạn đang dành quá nhiều thời gian cho việc tìm ra cách để làm những việc mà bạn đã từng làm hồi trước. Ôi, nó qua rồi. Hãy cất nó vào một góc.
Một lần nữa, quay trở lại câu chuyện của Jimmy, thay vì cố tìm cách dựng lại chương trình Tonight Show hoành tráng, anh ta chấp nhận sự thật rằng mọi điều xưa cũ đã không còn. Ở đây, tôi không có ý chỉ trích những nhà giảng đạo đang có ý định lắp đặt hệ thống camera trong một khán phòng không người đâu (tôi cũng có thể sẽ giảng như thế vào cuối tuần này … Hội Thánh của tôi vẫn có khả năng làm vậy), nhưng mà đừng cố xây dựng lại những điều đã cũ. Hãy thử nghiệm!
Tôi dự định sẽ tổ chức một buổi hỏi đáp trực tuyến ngay phía cuối thông điệp. Video còn cho bạn thể hiện sự sáng tạo đến vô tận. Một người bạn của tôi – anh này đang lãnh đạo một Hội Thánh lớn và có niềm đam mê mãnh liệt với điện ảnh và nghệ thuật – nhắn tin hỏi tôi rằng, liệu có thể dùng tất cả năng lượng dành cho điện ảnh để dốc đổ vào việc truyền tải vào sứ điệp được hay không. Tôi không hề nghi ngờ gì cả. Đương nhiên là được rồi!
Đừng cố dành năng lượng để xây dựng lại những điều đã mất đi. Hãy cố gắng tìm những điều mới mẻ hơn. Khi hội chúng không còn ở trong phòng nữa, nhiều cánh cổng mới mẻ khác cũng được mở ra để kết nối với họ. Hãy để cơn khủng hoảng này là cái nôi cho sự sáng tạo.
5. TẬN DỤNG HẬU TRƯỜNG
Hậu trường ở đây ý tôi là ‘bước vào đời bạn’. Mục sư của tôi, ông Jeff Brodie, luôn khôn khéo bắt đầu sứ điệp của mình bằng việc cho dân sự xem hình ảnh của gia đình ông và cách mà mọi thứ đã thay đổi trong vài tuần trở lại đây. Thú vị, riêng tư, và cũng rất thật.
Tôi đã từng có dịp nói trước đám đông trên toàn thế giới về cách lãnh đạo, từng viết sách, chủ trì những buổi podcast về đề tài lãnh đạo, nói chung là làm gì cũng liên quan đến lãnh đạo. Nhưng nếu bạn thử lướt qua Instagram của tôi, nó là sự hài hoà giữa những ý tưởng lãnh đạo và cuộc sống hằng ngày – đi ra ngoài chạy bộ, đạp xe, ăn thịt bò nạm xông khói, lần đầu tiên tự hớt tóc giữa đại dịch Covid, và vào mùa hè thì hay bị ám ảnh bởi việc cắt tỉa thảm cỏ trước nhà. Khi tôi bay tới một thành phố để nói về lãnh đạo, bạn có biết thứ đầu tiên mà người ta nhắc về tôi là gì không? Không phải là lãnh đạo đâu. Mà họ thường nói về nỗi ám ảnh của tôi về bãi cỏ và những buổi tiệc nướng BBQ.
Người khác có thể thích những điều bạn nói, nhưng họ có cảm thấy bạn chân thật gần gũi hay không lại là điều quan trọng không kém. Ở cái thời đại mà mọi thứ luôn bị đánh giá, tiếp thị và chào bán, thì mọi người cũng đang nhìn vào bạn đấy. Hãy để họ nhìn thấy chính con người của bạn. Hãy để cho mọi người thấy sự chân thật nơi bạn, từ đó họ có thể nhìn thấy được rằng Chúa cũng có thật.
Tôi đoán là chúng ta đã quay lại luận điểm thứ nhất rồi, nhưng đó sẽ là thứ giúp cho bạn tiến xa hơn ở giữa cơn đại dịch này đấy. Hoặc cũng có thể hơn thế nữa.
BÍ QUYẾT BỔ SUNG: XEM LẠI BẢN THÂN
Dù biết là đau đớn, nhưng hãy xem lại bản thân mình trên video. Tôi hiểu cảm giác đấy… Đến giờ tôi vẫn rất thật khó chịu khi để ý thấy những lỗi nhỏ mà tôi mắc phải. Nếu như bạn đủ dũng cảm – vâng, bạn nên như vậy – hãy hỏi người khác đánh giá bạn như thế nào và cho bạn lời khuyên. Nỗi đau có thể là một người thầy vĩ đại. Nếu ngay cả bạn còn không thể chịu nổi việc xem bản thân mình giảng trên video – thì còn ai mà chịu được bạn nữa?
Tác giả bài viết, Carey Nieuwhof là mục sư sáng lập Hội thánh Connexus tại Canada. Ông phục vụ Chúa trong vai trò mục sư đến năm 2015 rồi chuyển giao công việc cho thế hệ mới. Carey là tác giả của một số cuốn sách, cuốn mới đây nhất là “Điều không ngờ tới” (Didn’t See It Coming). Ông dành nhiều thời gian để trang bị cho các hội thánh và lãnh đạo trên toàn thế giới. Carey viết bài trên trang www.CareyNieuwhof.com và là chủ kênh Podcast Lãnh đạo Carey Nieuwhof. Hằng tháng, các nội dung về lãnh đạo của ông có hàng triệu lượt truy cập.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://careynieuwhof.com/5-ways-to-get-better-at-preaching-speaking-directly-into-a-camera/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!