Khủng hoảng hiện tại đang thúc đẩy những đặc điểm mới của hội thánh tương lai
Giangluankinhthanh.net – Trong cương vị người lãnh đạo, bạn có mong mọi hoạt động của hội thánh trở lại như cũ không? Xin thưa: chúng sẽ không bao giờ trở lại như cũ, vì sẽ có một trạng thái “bình thường mới” cho mọi thứ. Dịch bệnh và khủng hoảng đang thay đổi cục diện thế giới, và dần hé lộ những đặc điểm của hội thánh tương lai. Hội thánh của bạn có đang bắt kịp?
Khủng hoảng là một bàn đạp tăng tốc. Ngay lúc này, không ai biết rõ điều đó hơn bạn. Sự gián đoạn khiến các lãnh đạo hội thánh bàng hoàng. Khủng khoảng buộc bạn phải làm những điều mà trước đó bạn đã nghĩ đến nhưng lại trì hoãn. Nó thúc đẩy bạn làm những điều mà bạn chưa từng nghĩ đến (như dạy dỗ qua video). Và nó đẩy bạn vào sự thay đổi lớn mà bạn chưa từng ghi danh.
Phức tạp hơn thế, tuy bạn mong mỏi rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường nhưng chúng sẽ không như vậy. Ít nhất thì chúng sẽ không trở lại đúng như cũ. Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ năm cách mà khủng hoảng hiện tại thúc đẩy sự hình thành của hội thánh tương lai.
1. Các hội thánh sẽ chuyển từ tập trung vào Chúa nhật sang tập trung vào tất cả ngày trong tuần
Xin đừng nổi giận. Tôi yêu những ngày Chúa Nhật. Tôi tin vào sự thờ phượng chung. Và tôi vẫn nghĩ rằng các ngày Chúa Nhật sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai. Tôi nóng lòng muốn nhóm lại với những người mà tôi yêu mến và nhớ nhung. Hẳn rồi, chúng ta sẽ nhóm lại trực tiếp thôi. Chỉ có điều nó không còn là điều duy nhất hay điều chính yếu nữa. Tuy hầu hết các lãnh đạo hội thánh đều nói rằng mục vụ quan trọng nhất diễn ra ngoài những bức tường của hội thánh nhưng chúng ta lại xử sự như thể điều đó không đúng.
Các cơ sở hội thánh bị đóng cửa đã thúc đẩy hàng ngàn lãnh đạo hội thánh xuất hiện online trên mọi nền tảng mạng xã hội, gần như ngày nào cũng vậy. Nhưng không phải phương thức online nào cũng có hiệu quả. Hầu hết các lãnh đạo đều thấy mệt mỏi vì phải nhắn tin hằng ngày. Những người khác nhận ra rằng thật là thách thức khi ngày nào cũng phải viết một nội dung gì đó. Và sự hào hứng của người xem giảm dần khi mạng internet lắng xuống một nhịp điệu mới.
Nhưng giờ đây, ý tưởng rằng chúng ta có thể trở lại thờ phượng Chúa nhật, tổ chức vài buổi nhóm giữa tuần, rồi thi thoảng trích dẫn vài câu truyền cảm hứng trên Facebook hay Instagram đã lùi vào dĩ vãng. Hội thánh tương lai (ít nhất là những hội thánh tương lai thật sự chạm đến những người không tin Chúa) sẽ không chỉ nhóm lại trực tiếp và đá đưa chút hoạt động online nữa. Mỗi ngày người ta đều cần hy vọng và nguồn lực để sống theo đức tin (và tìm thấy đức tin), cho nên các lãnh đạo hội thánh phải bắt đầu đồng hành với họ hằng ngày. Ngay lúc này, nhiều người đang làm như vậy.
Điều này sẽ không biến mất khi mọi thứ trở lại “bình thường”. Sẽ có trạng thái bình thường mới, và đó sẽ là sự đan xen liên tục giữa trực tiếp và online, giống như cuộc sống những ngày này.
2. Các hội thánh sẽ phân bổ các nhân sự online, vì các hoạt động online cũng quan trọng
Nhiều năm nay, chúng ta đã tranh luận và thảo luận xem hội thánh online có quan trọng không vì nhiều người cho rằng online là không thật. Bỗng dưng điều này lại trở nên thực hữu hơn bao giờ hết. Tất nhiên là online quan trọng rồi. Tôi nói rõ nhé: đời thực quan trọng không có nghĩa là online không quan trọng, và online quan trọng không có nghĩa là đời thực không quan trọng. CẢ HAI đều quan trọng.
Vấn đề là ở chỗ, hầu hết các hội thánh đều chi khoảng 90-100% ngân sách vào những trải nghiệm trực tiếp: nhóm Chúa nhật, các buổi nhóm, sự kiện và hoạt động cộng đồng. Ngay cả những hội thánh lớn cũng dành rất ít nguồn lực cho hoạt động online, chỉ có vài trường hợp ngoại lệ mà thôi.
Thông thường, người lãnh đạo chính sẽ giao trang web và mạng xã hội cho một cô cậu tình nguyện viên hoặc một nhân sự tầm 20 tuổi “rành về kỹ thuật” rồi mặc kệ họ.
Hãy thực tế chút đi! Các hội thánh tương lai sẽ dành tới 50% ngân sách vào mục vụ online vì…mọi người mà bạn muốn chạm tới và tác động tới đều online hết rồi. Các hoạt động online và trực tiếp sẽ diễn ra song song với nhau (trong thế giới và nền kinh tế ổn định hơn).
Người ta sẽ lên kế hoạch cho những kỳ nghỉ bằng hình thức online và trải nghiệm nó ngoài đời thực. Người ta sẽ mua ô tô online rồi đến tận nơi để lái thử và mang xe về. Người ta sẽ hẹn hò online và gặp gỡ người kia ngoài đời thực.
Ngay lúc này, các hội thánh đang phải miệt mài bố trí lại nhân viên vì “cái cậu” hoặc “cái đội” online nho nhỏ kia đang kiệt sức vì quá nhiều việc. Đây là lúc để phân bổ lại nhân sự phục vụ khi mọi thứ trở lại “bình thường”, vì trạng thái bình thường sẽ không còn như cũ nữa, nó sẽ trở thành bình thường mới.
3. Các lãnh đạo hội thánh sẽ nhận ra rằng các hoạt động online có độ phủ rộng hơn trực tiếp
Khi khủng hoảng bắt đầu lắng xuống, thay vì chỉ dùng các hoạt động trực tuyến như là cao dán cho tới khi mọi thứ trở lại bình thường, các hội thánh chú trọng phương thức online sẽ phát hiện ra một sự thật đáng kinh ngạc: Trực tuyến có độ phủ rộng hơn trực tiếp.
Điều này bắt nguồn từ một thực tế rất đơn giản rằng chúng ta dễ tiếp cận mọi người trên mạng hơn là ở ngoài đời thực. Tất nhiên là điều này sẽ dẫn tới những mối liên hệ ngoài đời thực, nhưng thiết lập một kết nối online vẫn dễ hơn ngoài đời thực.
Bạn vẫn không tin sao? Instagram có 40 triệu người dùng khi Facebook mua nền tảng này với giá 1 tỉ đô vào năm 2012. Một con số ấn tượng. Nhưng ấn tượng hơn nữa là họ đã làm được điều này chỉ với 13 nhân viên! Ứng dụng Kinh thánh YouVersion, tuy mới ra mắt dưới dạng ý tưởng cách đây 10 năm nhưng đã có 400 triệu người cài đặt, và nó được vận hành bởi đội ngũ của một hội thánh địa phương! Cũng vậy, những nội dung về lãnh đạo của chúng tôi được truy cập 1.5 triệu lần/tháng. Tôi làm việc tại nhà và chúng tôi có một đội ngũ trực tuyến gồm 7 người, kể cả tôi.
Đơn giản là thế này: với phương thức online, bạn có thể ảnh hưởng sâu rộng hơn so với chỉ sử dụng phương thức trực tiếp. Trực tuyến có độ phủ động hơn trực tiếp. Và nếu bạn nghiêm túc với việc cứu người thì hãy nghiêm túc với công tác trực tuyến. Các hình thức online vượt qua những rào cản địa lý, vật lý và thời gian còn trực tiếp thì không. Nếu bạn làm tốt thì các hoạt động online có thể dẫn người ta đến với những trải nghiệm ngoài đời thực: nhóm nhỏ, các buổi nhóm cuối tuần, những mối quan hệ cá nhân, tất cả đều là những điều không thể thiếu trong đời sống. Trực tuyến chỉ giúp bạn nhanh chóng chạm tới người ta hơn mà thôi.
4. Các hội thánh cuối cùng sẽ coi internet là cửa trước chứ không phải cửa sau nữa
Điều gì níu chân nhiều lãnh đạo hội thánh trong việc tổ chức những buổi nhóm online hoặc mở rộng mục vụ online. Nguyên nhân chính là họ sợ bị giảm số lượng người nhóm trực tiếp. Tới nay, quá nhiều mục sư vẫn còn lo lắng rằng mạng internet sẽ là cửa sau (tức là khiến người ta bỏ hội thánh đi mất), vì tới nay, phần đa các lãnh đạo hội thánh đều đo lường mức độ hiệu quả bằng số lượng người đi hội thánh trực tiếp.
Tôi nhận ra rằng con số quan trọng vì con người là quan trọng, nhưng thật lạ khi chúng ta coi trọng số người có thể nhìn thấy trực tiếp hơn cả số người có thể nhìn thấy trực tuyến. Nhiều mục sư phản đối mục vụ online, cho rằng dạy dỗ bằng video không hiệu quả và không thật sự đầu tư vào bất cứ hoạt động trực tuyến nào vì lo rằng nó sẽ trở thành cửa sau để dân sự bỏ đi.
Tuy nhiên, điều này đã xảy ra từ lâu trước khi khủng hoảng xảy ra. Những Cơ Đốc nhân bỏ hội thánh này để tham dự hoạt động online với hội thánh khác vốn đã bỏ đi từ nhiều năm trước. Trong những ngày đầu của hội thánh online, mạng internet có chức năng như cửa sau. Những Cơ Đốc nhân lười biếng, không trung tín và chỉ biết hưởng thụ đã đi ra cửa sau, đổi thời gian lái xe trên đường lấy một cái giường ấm áp, thoải mái. Nhưng họ đang dần biến mất.
Nhóm đó đã trở thành nhóm tiêu dùng chứ không phải nhóm đóng góp. Và bạn chẳng thể nào xây dựng tương lai của hội thánh trên họ được. Sứ mạng đòi hỏi sự trung tín và năng động. Cho nên những con người cửa sau đã đi vào dĩ vãng.
Tương lai của hội thánh online sẽ không coi internet là cửa sau nữa. Tương lai của hội thánh sẽ coi internet là cửa trước và cửa bên. Hội thánh online sẽ tiếp tục phát triến dưới dạng cửa trước, mời gọi những người tò mò, những người hoài nghi và những người quan tâm. Nó sẽ trở thành điểm dừng đầu tiên cho hầu hết mọi người, và là nơi cho những người e ngại tạm dừng chân, để họ có đủ can đảm để trực tiếp tham dự hội thánh.
Mục vụ online cũng là cửa bên cho những người phải đi công tác và không thể có mặt vào một Chúa nhật nào đó. Họ sẽ trung tín với hội thánh vì bạn đang trang bị cho họ mỗi ngày chứ không chỉ vào các ngày Chúa nhật (như đã trình bày trong mục 1 phía trên).
Nếu cứ tiếp tục xử sự như thể thế giới không sống online thì bạn sẽ bỏ lỡ chính những người mà mình đang cố gắng chạm tới. Mạng internet là cánh cửa trước của bạn chứ không phải cửa sau, cũng là một cánh cửa rất rộng.
5. Dâng hiến online sẽ trở thành thông lệ mới
Cuối cùng, khủng hoảng này đang thúc đẩy các phương thức dâng hiến online. Tôi nhận ra rằng trong thời điểm khó khăn, nói về dâng hiến sẽ khiến một số người lo lắng. Nhưng có hai điều. Đầu tiên, Cơ Đốc nhân nên là những người hào phóng nhất trong thời khủng hoảng. Thứ hai, chúng ta phải là những người đầu tiên giúp đỡ tài chính cho người khác trong khủng hoảng.
Dâng hiến online trở nên quan trọng vì nền văn hóa của chúng ta đã thay đổi. Giờ đây, tôi hiếm khi mang theo tiền mặt và phần đa những người mà bạn lãnh đạo cũng vậy. Trong nền văn hóa của chúng ta, tiền mặt chỉ được dùng để mua một số thứ, vậy mà trong nhiều hội thánh, chúng ta vẫn yêu cầu dân sự dâng hiến bằng tiền mặt.
Thường là dân sự muốn hào phóng và muốn dâng hiến, nhưng nếu không giới thiệu những hình thức trực tuyến thì bạn đang khiến họ khó lòng dâng được. Dâng hiến trực tuyến thúc đẩy sự hào phóng. Và đây là lúc hội thánh và Cơ Đốc nhân cần lãnh đạo với sự hào phóng.
Tác giả bài viết, Carey Nieuwhof là mục sư sáng lập Hội thánh Connexus tại Canada. Ông phục vụ Chúa trong vai trò mục sư đến năm 2015 rồi chuyển giao công việc cho thế hệ mới. Carey là tác giả của một số cuốn sách, cuốn mới đây nhất là “Điều không ngờ tới” (Didn’t See It Coming). Ông dành nhiều thời gian để trang bị cho các hội thánh và lãnh đạo trên toàn thế giới. Carey viết bài trên trang www.CareyNieuwhof.com và là chủ kênh Podcast Lãnh đạo Carey Nieuwhof. Hằng tháng, các nội dung về lãnh đạo của ông có hàng triệu lượt truy cập.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://careynieuwhof.com/5-ways-the-current-crisis-is-accelerating-the-arrival-of-the-future-church/?fbclid=IwAR07LmnvkI8Xh952Y7L_ojwuxxGWYzeqyawWnwg8Quzu7WIRd5ubkOXLddE, truy cập ngày 25/08/2021
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!