Bí Quyết Để Lấy Những Phản Hồi Chuẩn Xác Cho Sứ Điệp Của Bạn
Những người giảng đạo chỉ tìm kiếm những lời khen ngợi thường chỉ thu về những “lời khen nửa vời” và những lời nói dối.
Một trong những cảm giác khó chịu nhất của người giảng dạy đó là sau khi giảng xong, họ không biết sứ điệp của mình tốt hay không. Ý tôi là bạn có những ý kiến chủ quan của mình nhưng chúng ta đều hiểu rõ rằng nhiều lúc chúng ta nghĩ sứ điệp của mình tuyệt vời nhưng thực sự không phải, còn nhiều lúc khác chúng ta nghĩ rằng sứ điệp của mình dở nhưng thật ra lại rất hay.
Tệ hơn nữa là mọi người đều có quan điểm riêng về sứ điệp của bạn. Hãy tin tôi, mọi người đang nói về sứ điệp của bạn ngay ở sảnh, hoặc trên đường về, hoặc khi ăn trưa. Vì thế dù bạn không lượng giá bài giảng của mình thì tôi hứa với bạn rằng mọi người vẫn sẽ làm điều đó. Do đó, mỗi nhà giảng đạo cần có một bài đánh giá chính xác cho sứ điệp của mình và điều này không hề dễ dàng.
Nó không dễ vì tuy mọi người đều có ý kiến riêng nhưng họ lại không thể chia sẻ những ý kiến hữu ích giúp bạn tiến bộ.
Vậy làm thế nào để lấy được những phản hồi chính xác về sứ điệp của bạn? Ý tôi là những phản hồi hữu ích để giúp bạn tăng trưởng, điều này phải rất tuyệt vời phải không?
Dưới đây là năm cách rất hay để thực hiện.
1. Vượt qua xu hướng phòng thủ của bản thân
Bạn phải là người chủ động với việc lượng giá sứ điệp của mình bằng việc cởi mở đón nhận sự thật. Tôi xin chia sẻ một vài sự thật: một phần trong tôi muốn tất cả mọi người nói rằng mỗi bài giảng của tôi đều rất tuyệt vời; rằng tôi giảng rất hay; rằng tôi là người giảng đạo hay nhất và giảng những sứ điệp tuyệt vời nhất mà mọi người từng được nghe.
Tất nhiên là điều đó không đúng và không thể đúng!
Nếu tôi không tra xét sự thật này trong tâm linh của mình thì mọi người cũng sớm nhận ra bởi vì khi đó việc lượng giá sứ điệp chỉ tập trung tìm kiếm những lời khen ngợi.
Những người giảng đạo chỉ tìm kiếm những lời khen ngợi thường chỉ thu về những “lời khen nửa vời” và những lời nói dối. Không ai muốn dập tắt cảm xúc của bạn hoặc khiến bạn cảm thấy tệ về bản thân của mình nên họ cũng sẽ không nói với bạn sự thật.
Trên đây là lý do tại sao bạn cần vượt qua xu hướng phòng thủ của mình để tìm kiếm những phản hồi chân thành và thực tế. Hãy cảm ơn người dám chia sẻ thẳng thắn chứ đừng phản bác họ. Nếu phản hồi bạn nhận được khiến bạn tổn thương, hãy đau lòng khi ở một mình. Hãy đi dạo một vòng và để những cảm xúc đó trôi qua. Nhưng hãy luôn cảm ơn mọi người về mọi điều họ chia sẻ với bạn.
Những người lãnh đạo có tâm trí mở mang biết rằng sự thật luôn là những người bạn tốt, thậm chí khi sự thật mất lòng.
2. Đừng dừng lại ở CÁI GÌ, hãy khám phá TẠI SAO
Giờ đây, khi đang vượt qua xu hướng phòng thủ của mình, bạn sẽ phát hiện rằng mình thường xuyên nhận được đủ loại phản hồi. Hãy nghĩ về nơi nhóm lại. Nếu thích sứ điệp của bạn thì hầu hết mọi người sẽ nói với bạn rằng sứ điệp của bạn hay. Sau giờ nhóm, tôi thường hỏi ý kiến của những nhân sự cốt lõi và tình nguyện viên. Tôi cũng cố gắng nhận thêm phản hồi vào buổi họp lượng giá ngày thứ hai với các nhân sự. Vì vậy tôi đang chủ động tìm kiếm những phản hồi.
Dù vậy vẫn có một vấn đề: hầu hết mọi người chỉ nói rằng họ thích hoặc không thích sứ điệp của bạn. Họ chỉ nói rằng sứ điệp tốt hoặc không tốt lắm. Và cuộc đối thoại cũng chỉ dừng ở đó (thậm chí với nhân sự và những thành viên không phải người giảng), cho nên những phản hồi đó không ích lợi gì lắm.
Khi bạn nhận được những phản hồi như vậy (dù khi nói chuyện xã giao hay đang nói chuyện nghiêm túc) thì hãy đặt thêm một câu hỏi nữa: tại sao? – Tại sao bài giảng lại hay? Tại sao chưa phải là bài giảng hay nhất của tôi? Hãy cho tôi biết thêm…tôi muốn được nghe thêm. Hãy làm như vậy và bạn sẽ học thêm rất nhiều điều. Có thể do một vài ý tưởng trong bài giảng của bạn chưa lô-gíc, hoặc bạn thiếu nhiệt huyết khi giảng, hoặc nhịp điệu bị chậm quá/nhanh quá. Cũng có thể một vài ý trong bài giảng chưa được rõ. Đó là những phản hồi có ích. Và nếu bạn giảng bài đó thêm một buổi nhóm nữa thì những phản hồi này chắc chắn ích lợi. Vì vậy khi tiếp nhận phản hồi về bài giảng, đừng chỉ dừng lại ở CÁI GÌ gì mà hãy hỏi TẠI SAO. Câu hỏi TẠI SAO là câu hỏi có ích và giúp bạn rút được kinh nghiệm.
3. Hãy xem lại và nghe lại mình giảng.
Tôi hiểu rằng hầu hết những người không quá chăm chút bản thân đều không thoải mái khi nghe lại giọng nói của mình. Tôi đã dành hầu hết thời gian để có thể làm quen với giọng nói của chính mình và tôi luôn tự hỏi “Có thật là giọng mình nghe như vậy không?”. Bạn sẽ cảm thấy khó chịu hơn nữa là khi xem lại video của chính mình. Tôi không thể kể hết số lần mà tôi nghĩ rằng “Mình đã làm vậy thật sao? Ôi, nhìn ngại thật đấy!”. Chính vì vậy mà tôi hiểu được xu hướng tự nhiên của hầu hết chúng ta là sẽ không nghe hoặc xem lại bài mình giảng. Tuy nhiên đó là một sai lầm.
Hỡi những người giảng Lời Chúa, hãy xem lại bài mình giảng dù điều đó khiến bạn khó chịu. Mọi người khác cũng phải xem bạn giảng mà. Vì vậy đừng mong hàng trăm hoặc hàng nghìn người xem bạn giảng nếu bạn không thể tự xem mình giảng.
Bạn sẽ học được rất nhiều. Từ những tiếng “à”, “ờ” cho đến những thói quen gây phiền toái (tại sao mình cứ đưa tay lên sờ kính hay cho tay mình vào túi nhỉ?). Và bạn cũng sẽ nhìn thấy chính xác hơn những phần bài giảng chưa tốt, thấy mình rõ hơn. Đồng thời, bạn cũng sẽ thấy những phần đã tốt trong bài giảng, những chỗ nào liên kết tốt và chỗ nào chưa.
Tôi đã học được rất nhiều khi tự nghe lại bài giảng của mình và xem video mình giảng, thậm chí tôi phải ép mình làm điều đó. Có thể bạn sẽ là người tự chỉ trích bản thân nặng nề nhất, nhưng nếu bạn không làm vậy thì người khác sẽ làm. Vậy nên hãy chịu đựng đau khổ khi nghe lại, xem lại bài giảng của mình.
4. Xem lại với một người bạn
Cá nhân tôi cũng cần phải thực hành điều này nhiều hơn nữa, bất cứ khi nào áp dụng thì tôi đều thấy rất có ích. Hãy cùng xem lại bài giảng của mình với một người bạn đáng tin cậy và đủ yêu thương để nói sự thật với bạn. Người đó sẽ cho bạn những phản hồi trung thực và chính xác. Có thể bạn nghĩ rằng mình đã diễn đạt vòng vo nhưng người bạn đó lại giúp bạn nhận ra rằng không phải như vậy – thật ra cách diễn đạt của bạn tốt và dễ đón nhận. Ngược lại, có thể bạn nghĩ rằng mình đã diễn đạt rất tốt và trơn tru nhưng người bạn đó lại nói rằng động tác tay không hề ăn nhập với sứ điệp lúc đó.
Theo thời gian, bạn sẽ tiến bộ rất nhiều trong việc giảng dạy nếu cam kết tự cải thiện qua việc nghe hoặc xem lại bài giảng của mình (một mình và đồng thời cũng làm như vậy với một người bạn).
5. Nhờ một người giảng đạo khác góp ý cho bạn.
Sau cùng là cách hay nhất và ưa thích nhất của tôi. Đố bạn biết ai sẽ là người đánh giá bài giảng của bạn tốt nhất? – Chính là một người giảng Lời Chúa khác. Khi bạn nhờ một người không phải là người truyền đạt để đánh giá sứ điệp của bạn thì họ bị đặt vào thế khó khi phải nói đích xác với bạn rằng tại sao chỗ này tốt, chỗ kia không tốt và làm thế nào để bạn tiến bộ. Họ không làm việc bạn đang làm nên khả năng giúp đỡ cũng hạn chế.
Thử tưởng tượng một người không biết đua xe chạy đến vạch xuất phát để tư vấn cho một tay đua chuyên nghiệp cách về đích nhanh hơn. Anh ta biết nói gì đây? – Lái nhanh lên à? Có chuyên môn đâu mà đưa ra lời khuyên hữu ích được!
Vì lẽ đó mà một người giảng đạo (có thể là người giảng giỏi hơn bạn một chút) sẽ là người cố vấn tốt nhất cho bạn. Người đó sẽ cho bạn biết tại sao cách này tốt, cách kia không, cách bạn giải kinh có vững hay chưa, tại sao bạn bị lạc vào thế kỷ thứ nhất và vẫn chưa kết nối được với hiện tại. Cũng vậy, thảo luận cùng một người giảng đạo khác sẽ giúp bạn nghĩ ra được những ví dụ áp dụng tốt hơn, dẫn nhập tốt hơn và kết luận tốt hơn. Họ đều là những người thực hành. Họ đã được đào tạo cả Thần học và kỹ năng giảng dạy.
Bạn cũng có thể tìm trong đội ngũ nhân sự của mình những người có yếu tố trên, nhưng nếu không thấy thì hãy tìm đến những người giảng đạo trong khu vực. Thậm chí chỉ cần thực hiện điều này một vài lần trong năm cũng giúp bạn cải thiện việc giảng dạy rất nhiều.
Những lượng giá tốt nhất cho bài giảng của bạn luôn đến từ những người “trong nghề”.
Thu hút dân sự và chạm đến những người chưa tin Chúa với nghệ thuật giảng tốt hơn.
Dù bạn giảng trước ống kính hay trước dân sự thì những nguyên tắc cốt lõi của việc chuẩn bị và thực hành giảng dạy không bao giờ thay đổi.
Nếu đã sẵn sàng để bắt đầu giảng những bài giảng tốt hơn, chạm được đến những người chưa đi hội thánh mà không mang tính chất chào mời thì bạn cần sẵn sàng áp dụng những lời khuyên, bài học đúng đắn và chiến lược giao tiếp tốt hơn (như đã chia sẻ trong bài viết).
Tác giả bài viết, Carey Nieuwhof là mục sư sáng lập Hội thánh Connexus tại Canada. Ông phục vụ Chúa trong vai trò mục sư đến năm 2015 rồi chuyển giao công việc cho thế hệ mới. Carey là tác giả của một số cuốn sách, cuốn mới đây nhất là “Điều không ngờ tới” (Didn’t See It Coming). Ông dành nhiều thời gian để trang bị cho các hội thánh và lãnh đạo trên toàn thế giới. Carey viết bài trên trang www.CareyNieuwhof.com và là chủ kênh Podcast Lãnh đạo Carey Nieuwhof. Hằng tháng, các nội dung về lãnh đạo của ông có hàng triệu lượt truy cập.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!