Các Bước Chuẩn Bị Bài Giảng – Bước 9: Lấy Ý Kiến Phản Hồi Cho Bài Giảng Của Bạn
Giangluankinhthanh.net – Sau một loạt những bước chuẩn bị, sứ điệp của bạn cuối cùng cũng được giảng ra! Hẳn là bạn sẽ rất vui mừng nếu thấy nét mặt hứng khỏi của dân sự ngồi dưới, hoặc khi có người vỗ vai bạn sau giờ và nói: “Mục sư giảng hay quá!” Gượm đã, chúng ta còn một bước cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng nữa: Lấy ý kiến phản hồi để mài giũa kỹ năng giảng dạy.
Những ý kiến phản hồi có thể tạo ra vô vàn cơ hội giúp người truyền đạt tăng trưởng. Khi giảng, chúng ta thường chỉ đánh giá hiệu quả của một sứ điệp thông qua nét mặt của mọi người. Điều này có thể dẫn đến những lầm lạc nhất định. Việc nhận được những ý kiến đóng góp chuẩn xác cho sứ điệp có thể xóa tan mọi hoài nghi của bạn với chính bản thân mình trong sự giảng dạy.
Nhưng phần lớn, chúng ta chỉ nhận được những cái vỗ lưng và lời khen “Khá đấy!”. Hoặc tệ hơn, bạn có thể nhận một email dài lê thê với từng dòng là những lời chỉ trích về sứ điệp.
Một trong hai cách trên đều không ích lợi gì lắm. Biết học hỏi tối đa từ những ý kiến đóng góp có thể giúp bạn cải thiện khả năng diễn thuyết, đánh giá được mức độ tương tác của người nghe và chuẩn bị cho những chủ đề mà bạn muốn giảng trong tương lai. Nhưng mà, nói thì dễ hơn là làm. Vậy phải làm như thế nào? Đây là những điều bạn cần lưu ý trong quá trình đón nhận những ý kiến đóng góp cho sứ điệp của mình.
Đây là ba nhóm đối tượng mà bạn nên lấy ý kiến phản hồi từ họ. Hãy tưởng tượng ba nhóm này là những vòng tròn đồng tâm.
VÒNG TRÒN THÂN CẬN
Vòng tròn thân cận là nhóm đối tượng có mối quan hệ mật thiết nhất với bạn. Có thể là vợ/chồng, con cái, thành viên trong gia đình, hoặc bạn thân. Bạn có thể dễ dàng nhận những ý kiến đóng góp của họ trên đường về nhà hoặc ngay bữa trưa hôm đó.
Hẹn cà phê với người bạn thân trong buổi sáng đầu tuần cũng là một trong những cách tốt nhất để đón nhận những ý kiến phản hồi. Đây thường là những ý kiến mang tính tức thì và tin cậy nhất mà bạn có thể nhận được. Bạn cũng có thể nhận những ý kiến thân mật ngắn bằng tin nhắn hoặc qua email. Nhưng thường thì đây là những ý kiến đóng góp mà bạn có thể tin cậy bởi vì nó đến từ những người quan tâm đến lợi ích của bạn nhất.
ĐỘI NGŨ VÀ NHÂN SỰ
Vòng tròn tiếp theo đến từ những nhân sự làm việc chung với bạn. Có thể là toàn bộ đội ngũ nhân sự hoặc một vài người mà bạn chọn. Nếu đội ngũ nhân sự của bạn đủ lớn, bạn nên tạo ra một nhóm nhỏ đảm nhiệm mọi khía cạnh của lễ thờ phượng cuối tuần. Nhóm nhỏ này có thể bao gồm những người dẫn ca đoàn, đội ngũ âm thanh hoặc bất cứ ai truyền đạt thông điệp từ Hội Thánh. Bắt đầu từ việc tìm ra những mặt tích cực của từng bộ phận. Sau đó hãy đào sâu vào những khuyết điểm mà bạn thấy có thể khắc phục được. Đặt giới hạn thời gian cụ thể cho phần phê bình – năm phút chẳng hạn – như vậy thì không ai cảm thấy mảng công việc của họ bị chỉ trích quá nhiều.
Trong bối cảnh này, mỗi thành viên có thể cảm thấy được tự do bày tỏ quan điểm và biết rằng phần việc của mình đang được xem xét một cách cẩn thận. Hãy mở đầu bằng việc tán thưởng những điểm mạnh của từng bộ phận. Sau đó, hãy đào sâu thật cẩn thận những vấn đề mà bạn để ý thấy vào buổi Chúa nhật.
HỘI CHÚNG
Cuối cùng, sẽ thật khôn ngoan nếu bạn biết cách nhận những ý kiến đóng góp từ hội chúng. Tuỳ thuộc vào kiểu câu trả lời bạn muốn nhận được thì có rất nhiều cách khác nhau để khuyến khích người nghe phản hồi cho sứ điệp. Cách đơn giản nhất có lẽ là đặt một thùng thư để mọi người có thể đóng góp ý kiến một cách ẩn danh. Bạn cũng có thể chọn những cách công khai hơn như hỏi xin ý kiến từ một số thành viên nhất định hoặc mở một chuyên mục hỏi đáp để nhận những phản hồi cho sứ điệp của bạn.
Bạn cũng có thể sử dụng mạng xã hội và khuyến khích mọi người đóng góp ý kiến phản hồi cho mình thông qua tin nhắn hoặc sử dụng những hashtag trực tuyến. Họ cũng có thể phản hồi bằng những tấm thẻ kết nối bỏ trong thùng dâng hiến. Tốt hơn nữa, hãy tạo một bảng khảo sát cho mọi người đóng góp ý kiến. Với cách này, bạn không những nhận được những lời phê bình, gợi ý mà còn có thể có thể cảm nhận được rằng người nghe đang ở mức độ nào trong những vấn đề hoặc chủ đề nhất định. Bằng cách này, bạn có thể xây dựng những sứ điệp phù hợp với mức độ của người nghe.
Tất cả những gợi ý trên đều tốt cho việc lấy ý kiến phản hồi, tuy nhiên, nếu bạn không khuyến khích văn hóa góp ý, mọi người sẽ cảm thấy không an tâm khi bày tỏ quan điểm của họ. Khi bạn thể hiện rằng sẵn lòng muốn nghe cả những mặt tốt và xấu, bạn cho mọi người biết rằng mình trân trọng những ý kiến đóng góp của họ. Để tạo nên văn hoá góp ý, bạn cần một tinh thần sẵn sàng học hỏi và cần “mặt dày” lên một chút.
Khi bạn thể hiện rằng mình sẵn lòng học hỏi, mọi người sẽ biết rằng bạn đang thật lòng muốn đón nhận những ý kiến phản hồi. Điều này đòi hỏi ở bạn khả năng lắng nghe quan điểm từ nhiều phía và khả năng gạn lọc xem cái nào mang tính xây dựng, cái nào không. Bạn cũng cần phải thật cứng rắn để nghe những điều khó nghe. Hẳn rồi, bạn chăm chút cho sứ điệp của mình bằng những đoạn Kinh Thánh, những câu chuyện mà bạn yêu thích, tuy nhiên, những người khác lại có thể cảm thấy hơi nhàm chán. Việc “mặt dày” lên một chút sẽ giúp bạn gạt bỏ hết những sự thất vọng và biến sứ điệp của bạn hoàn hảo nhất có thể.
Đôi khi, những điều khó nghe nhất có lẽ là những chỉ trích và lời khen ngợi. Nhưng những người truyền đạt có tầm là những người biết cách đón nhận cả hai một cách lịch thiệp. Ý kiến phản hồi có thể là một con dao sắc để mài giũa kỹ năng giảng dạy của bạn.
Tác giả bài viết, Chris Colvin là một tác giả và nhà nghiên cứu tự do về các mục sư và hội thánh, với hơn 25 năm kinh nghiệm trong mục vụ. Ông giúp các mục sư và hội thánh chuẩn bị bài giảng tại CohortPro.com. Ông sống tại Springfield, bang Missouri, Hoa Kỳ cùng vợ và hai con gái.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://influencemagazine.com/en/Practice/How-to-Get-Feedback-for-Your-Sermons
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!