Giải Nghĩa Theo Lối Phúng Dụ Khi Giảng Kinh Thánh
Giangluankinhthanh.net – Con người, đặc biệt các nhà giảng đạo, hay có xu hướng tìm ra ngụ ý của một câu chuyện, một hình ảnh nào đó. Vấn đề là có trung thành với Kinh Thánh không khi làm như thế? Đâu là đường biên giữa giải nghĩa và suy diễn chủ quan?
Giảng Kinh Thánh và Phép Ẩn Dụ
Khi người truyền đạo nêu địa chỉ phân đoạn mà anh ta sắp giảng – Sáng thế ký 24:63-64, tôi những tưởng mình sắp được nghe một bài giảng phấn hưng được giảng ra từ sách đầu tiên trong Kinh thánh. Nhưng khi nghe đến nội dung đoạn đó, tôi chuyển từ tò mò sang kinh ngạc: “Trời về chiều, Y-sác đi ra ngoài đồng để suy ngẫm. Chàng ngước mắt lên và chợt thấy đàn lạc đà từ đâu đang đến gần. Nàng Rê-bê-ca cũng ngước mắt lên và thấy Y-sác. Nàng liền xuống khỏi lạc đà.” Tuy đầy thi vị và nên thơ nhưng đoạn tường thuật này dường như không mấy hứa hẹn về mặt tuyên đạo pháp. Sao có thể tìm ra sứ điệp từ những câu riêng rẽ này nhỉ?
Tôi không phải thắc mắc lâu. Người giảng đạo không đi sâu vào giải kinh mà lại giải thích rằng Y-sác tượng trưng cho Đấng Christ, Rê-bê-ca là hội thánh, còn con lạc đà – bài giảng của anh ta tập trung vào những đặc điểm thể chất của con vật này – tượng trưng cho ân điển của Đức Chúa Trời. Sau đó, anh ta giảng một bài trình bày gồm bảy điểm dựa trên lối giải nghĩa phúng dụ kinh điển mà tôi chưa từng nghe đến. Anh ta nói rằng mũi con lạc đà có thể phát hiện ra nước từ đằng xa và dẫn người cưỡi nó đến uống. Anh ta nói thêm: Bài học thuộc linh ở đây là ân điển Chúa có thể dẫn chúng ta đến với dòng nước thuộc linh. Tương tự như vậy, anh ta giải nghĩa và áp dụng thêm bảy đặc điểm của con lạc đà nhưng không hề được nêu trong phân đoạn này.
Ví dụ về Dàn ý Bài giảng Phúng dụ
Sáng thế ký 24:63-64
Y-sác tượng trưng cho Đấng Christ, Rê-bê-ca là hội thánh và lạc đà tượng trưng cho ân điển của Đức Chúa Trời.
1. Mũi lạc đà có thể phát hiện ra nước từ đằng xa, nhờ vậy, nó có thể dẫn người cưỡi nó đến nơi có nước uống trong hoang mạc.
Ân điển Chúa có thể dẫn những người đang khát tìm đến dòng nước thuộc linh.
2. Móng lạc đà không bị chìm trong cát
Ân điển giữ cho dân Chúa không bị chìm trong tội lỗi của thế gian.
3. Xương bánh chè của lạc đà giúp nó khuỵu chân xuống, nhờ đó mà người cưỡi lạc đà có thể trèo xuống khỏi lưng nó và nấp sau nó trong bão cát.
Ân điển che chở chúng ta trước bão tố cuộc đời.
4. Răng lạc đà có thể ngoạm cây xương rồng và ăn phần thịt xương rồng ở trong mà không bị mắc vào gai. Những cái gai tượng trưng cho sự rủa sả.
Ân điển cho phép những người đang đói tìm và nhận được đồ ăn thuộc linh trong một thế giới tội lỗi.
5. Người ta chê cười cái lưng có bướu của lạc đà là xấu xí, nhưng nó chở những món đồ đáp ứng nhu cầu của con người.
Thế gian chê cười ân điển của Chúa, nhưng ân điển đáp ứng những nhu cầu của chúng ta.
6. Những chiếc túi bên yên lạc đà chở dầu thơm chữa bệnh, những vật báu và hoa quả.
Ân điển của Chúa chữa lành chúng ta, chu cấp cho chúng ta và nuôi sống chúng ta.
7. Lạc đà có vẻ ngoài không ưa nhìn, nhưng lại cực kỳ quan trọng với những người sống trong hoang mạc.
Ân điển của Chúa được thể hiện trong Đấng Christ nơi thập tự giá. Đây không phải là một cảnh tượng đẹp đẽ, nhưng lại quý giá với những người tin cậy nơi Ngài.
Theo như sứ điệp mà người này minh họa thì lối giải nghĩa phúng dụ tìm kiếm một ẩn ý, một ý nghĩa tượng trưng nào đó đằng sau nghĩa đen của phân đoạn Kinh thánh.
Các nhà phúng dụ coi ý nghĩa “sâu hơn” hay “thuộc linh hơn” mà họ suy ra còn sâu sắc hơn, cho nên là đáng chờ đợi hơn so với giải nghĩa phân đoạn theo nghĩa đen. Tuy nhiên, các học giả và những nhà phê bình khác thường phản đối việc giải nghĩa theo phúng dụ vì ít nhất ba lý do:
1. Về cơ bản, không có lý do gì để tin rằng Đức Chúa Trời thường đưa vào Kinh thánh nhiều ý nghĩa.
Văn tự thường được hiểu theo nghĩa đen. Nếu chúng ta không thể tin rằng từ ngữ mang đúng ý nghĩa của chúng thì viết lách chẳng còn là một hình thức giao tiếp hữu dụng nữa. Chỉ khi chính Kinh thánh chỉ ra rằng phân đoạn đó có nghĩa khác nghĩa đen thì chúng ta mới nên hiểu không theo nghĩa đen.
Chẳng hạn, Sáng thế ký 24 không hề chỉ ra rằng Y-sắc, Rê-bê-ca hoặc những con lạc đà tượng trưng cho bất cứ thứ gì khác, cho nên chúng ta cần hiểu đoạn tường thuật đó theo nghĩa đen. Mặt khác, trong Giăng 15:1, rõ ràng là Chúa Giê-su nói một cách ẩn dụ khi Ngài phán: “Ta là cây nho thật”, và chúng ta nên hiểu lời Ngài theo nghĩa đó.
Đúng là trong Ga-la-ti 4:21 và những dòng sau đó, Sứ đồ Phao-lô giải nghĩa câu chuyện trong Sáng thế ký về Sa-ra và A-ga theo ngụ ý, mặc dù phân đoạn Cựu Ước không hề chỉ ra rằng câu chuyện đó có ngụ ý. Nhưng Phao-lô đã nhận được sự thông giải từ Đức Thánh Linh khi ông viết lá thư Tân Ước đó. Chúng ta thì không có đặc quyền được thần cảm như ông.
Vì Kinh thánh không bao giờ gợi ý rằng Kinh thánh thường có nhiều hơn một nghĩa nên chúng ta không nên khoác thêm những cách giải nghĩa khác.
2. Phương pháp phúng dụ che khuất ý nghĩa thật và cản trở việc áp dụng Kinh thánh một cách chính đáng.
Những nhà phúng dụ thường coi nghĩa đen của một phân đoạn chỉ là công cụ để giải mã phép phúng dụ mà họ suy diễn ra. Từ đó, công cuộc theo đuổi viển vông khiến họ phớt lờ lẽ thật trong đó. Khi được hiểu theo nghĩa đen, sách Nhã ca tán dương niềm vui của tình yêu nam nữ trong mối quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, nhiều thế hệ nhà phúng dụ Cơ Đốc đã coi sách là biểu trưng của mối quan hệ giữa Đấng Christ và nàng dâu của Ngài là Hội thánh. Ngượng nghịu với bản chất tình ái trong bản văn, họ đã che khuất ý nghĩa của sách, mặc dù Nhã ca không hề nêu ra một ngụ ý nào cả. Sự ngượng ngùng đã khiến họ che khuất điều mà Chúa và trước giả muốn ngợi ca.
3. Giải nghĩa theo phúng dụ mở đường cho tính chủ quan gần như không giới hạn.
Nhà phúng dụ có thể khiến Kinh thánh nói bất cứ điều gì anh ta muốn. Tuy cách giải nghĩa của anh ta nghe có vẻ hợp lý và phù hợp với những gì Kinh thánh dạy ở đâu đó nhưng ai biết được rằng đó có phải là cách hiểu đúng cho phân đoạn này hay không?
Ví dụ, mũi lạc đà không chỉ phân biệt được nước từ đằng xa, nó cũng tiết dịch để làm sạch khoang mũi của con vật nữa. Vậy thì Sáng thế ký 24:63-64 cũng dạy rằng ân điển Chúa tẩy sạch tội lỗi khỏi đời sống chúng ta ư? Chúng ta có thể học được những lẽ thật thuộc linh gì nữa từ mũi lạc đà? Chúng ta có thể học được điều gì từ những cái lông đuôi của nó? Làm sao chúng ta biết rằng điều gì là bài học, điều gì không?
Tuy không chính đáng – rõ ràng là như vậy, nhưng phương pháp phúng dụ được nhiều người ủng hộ và không hề bị nao núng.
Người giảng sứ điệp về Sáng thế ký 24 là một mục sư thôn quê làm hai nghề cùng lúc. Anh ta không bao giờ học thần viện và có lẽ đã học cách giải nghĩa phúng dụ từ một mục sư khác. Mỗi khi dùng phép phúng dụ với một phân đoạn, anh ta áp đặt phương pháp giải nghĩa của mình vào những người nghe dễ dãi.
Nhưng phép phúng dụ không chỉ giới hạn với những người không học thần học. Tôi quen một số mục sư được đào tạo tại chủng viện mà dùng nó một cách không thương tiếc.
Một giáo sư Kinh thánh người Anh nổi tiếng hiện đang sống tại Hoa Kỳ cho rằng trong Sáng thế ký 1:16, mặt trời biểu trưng cho Đức Chúa Trời Cha. Mặt trăng, vật phản chiếu ánh sáng mặt trời tượng trưng cho Chúa Giê-su, dĩ nhiên là Đấng phản chiếu vinh quanh của Chúa Cha, ông ta nói vậy. Tuy thuyết chế độ (dispensationalism) luôn khẳng định rằng phải bám vào cách diễn giải theo nghĩa đen, trừ khi phân đoạn đó chỉ ra điều ngược lại, nhưng bản Kinh thánh Scofield cũng đầu hàng cám dỗ về phúng dụ.
Phần giới thiệu của bản này về sách Ru-tơ trong Cựu Ước có ghi rằng “Bô-ô, người bà con chuộc sản nghiệp, ám chỉ Đấng Christ; Ru-tơ tượng trưng cho những người bước vào sự sống mới qua việc tin cậy Ngài.” Tuy nhiên, bản thân sách Ru-tơ hoặc mọi nơi khác trong Kinh thánh không hề chỉ ra rằng Bô-ô, Ru-tơ và mối quan hệ của họ là phép phúng dụ. Có lẽ những giải nghĩa phúng dụ nổi tiếng và được chấp nhận rộng rãi nhất của bản Kinh thánh Scofield là về các sứ điệp Chúa Giê-su gửi tới bảy hội thánh trong Khải huyền 1:4-3:22.
Theo phần ghi chú, các hội thánh tương ứng với “các thời kỳ trong lịch sử thuộc linh của hội thánh.” Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy rằng hội thánh tại Sạt-đe được phân đoạn mô tả như đã chết nhưng có những người trung tín còn lại, tượng trưng cho hội thánh trong suốt thời kỳ Cải Chánh. Nhưng phân đoạn này không hề chỉ rõ rằng Chúa Giê-su đang nói theo cách phúng dụ. Các nhà phúng dụ thế kỷ 20 hoàn toàn không phải là những người đầu tiên dùng đến phương pháp liên tưởng này. Rõ ràng là các nhà triết học Hy Lạp trong thế kỷ 6 TCN đã bắt đầu dùng nó như một cách để giải nghĩa những điều huyền bí. Và Philo, một triết gia Do Thái trong thời Chúa Giê-su dường như là người đầu tiên áp dụng phương pháp này với Cựu Ước.
Nhưng chính Origen, một người có tầm ảnh hưởng lâu bền sau khi ông qua đời năm 254 SCN đã truyền bá lối giải nghĩa phúng dụ trong hội thánh. Sau khi được thiết lập, nó đã chiếm ưu thế cho tới thời Cải Chánh, khi phương pháp giải kinh theo ngữ pháp – lịch sử tái xuất và lấy lại thế thượng phong dưới sự lãnh đạo của Martin Luther và những người khác. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn đó, rằng tại sao lối giải nghĩa phúng dụ vẫn được dùng khá nhiều, thậm chí là giữa vòng những người lẽ ra phải hiểu biết hơn? Đâu là những điểm then chốt khiến nó còn tồn tại? Và quan trọng hơn là, làm thế nào để những nhà giảng đạo đương thời tránh được nó? Dưới đây là một số lý giải kèm theo gợi ý.
a. Như chúng ta đã thấy trong Nhã ca, phương pháp phúng dụ giúp người giải nghĩa xử lý những khúc Kinh thánh khiến anh ta ngại ngùng hoặc thấy khó chịu. Nó cũng cho phép anh ta tránh những hàm ý đạo đức của các phân đoạn mà có thể anh ta không muốn tuân theo.
b. Phép phúng dụ hay ngụ ý vốn có tính hấp dẫn với con người. Chúng ta thích khám phá một điều gì đó còn ẩn giấu. Thật tuyệt vời biết bao khi tìm thấy trong Kinh thánh vài hiểu biết chưa từng có trước đây, tuy chúng không thực sự có ở đó!
c. Phương pháp phúng dụ có thể củng cố vai trò của mục sư như là người giải nghĩa Kinh thánh chủ chốt của hội chúng. Phúng dụ càng tối nghĩa thì dân sự càng phụ thuộc vào người mục sư trong việc giải nghĩa và áp dụng. Dân sự càng phụ thuộc thì mục sư càng có thẩm quyền, một viễn cảnh mà một số mục sư khó lòng cưỡng lại.
d. Một số cách giải nghĩa phúng dụ có vẻ có chiều sâu thuộc linh, cho nên nó khiến người giảng đạo cũng có vẻ như vậy.
Lần đầu nghe một người giảng đạo giải nghĩa rằng sách Ru-tơ tượng trưng cho sự cứu chuộc của Đấng Christ với hội thánh, tôi đã rất ấn tượng. Tôi nghĩ bụng: “Ôi thật là sâu sắc!” và tự hỏi sao người đó có thể nhận ra được ý nghĩa kỳ diệu như vậy mà tôi lại bỏ qua.
e. Một số người có thể tìm đến phương pháp phúng dụ vì lười biếng hoặc thiếu thời gian nghiên cứu. Thường thì chúng ta dễ áp dụng lối phúng dụ với một phân đoạn khó thay vì vật lộn với nó và tìm cách giải nghĩa và áp dụng đích thực.
f. Thực chất, nhiều kết luận và cách áp dụng ra từ lối giải nghĩa phúng dụ lại phù hợp với những điều Kinh thánh dạy ở đâu đó. Tuy không có trong Sáng thế ký 24 nhưng không mẩu áp dụng nào của người giảng đạo phấn hưng vùng thôn quê kia không đúng Kinh thánh cả. Đúng là ân điển Chúa sẽ dẫn chúng ta đến dòng nước thuộc linh. Ân điển Ngài cũng giữ cho chúng ta khỏi chìm trong tội lỗi và che chở chúng ta trước bão tố cuộc đời.
g. Ở một mức độ hoàn toàn chủ quan thì một số giải nghĩa phúng dụ có vẻ hợp lý và “nghe” có vẻ đúng.
Tuy không có nền tảng khách quan nào trong phân đoạn nhưng cách giải nghĩa của Scofield về bảy hội thánh có điều gì đó khiến chúng ta nói rằng: “Đúng thật!” Xét đến một số khía cạnh, hội thánh đương thời đúng là có nét “Lao-đi-xê” – thịnh vượng về mặt vật chất nhưng lại hâm hẩm và đáng bị Chúa nhả ra khỏi miệng.
Nhưng dù nó có hấp dẫn đến thế nào, các nhà giảng đạo cũng phải cưỡng lại cám dỗ giải nghĩa theo lối phúng dụ. Để làm được như vậy, hãy nhớ một số gợi ý sau:
Hãy buộc mình vào phương pháp giải kinh theo ngữ pháp – lịch sử và đừng tự cởi ra. Chỉ giải nghĩa không theo nghĩa đen nếu chính phân đoạn đó đòi hỏi rõ ràng như vậy. Điều này không có nghĩa là bạn xa rời phương pháp giải kinh theo ngữ pháp – lịch sử, nhưng thừa nhận rằng nền tảng ngữ pháp và lịch sử có thể đòi hỏi phải giải thích không theo nghĩa đen một cách khách quan.
Hãy nhớ rằng kết quả giải nghĩa không thể bào chữa cho cách mà bạn thực hiện nó. Một lối giải nghĩa phúng dụ có thể phù hợp với điều Kinh thánh dạy ở đâu đó, nhưng không có nghĩa rằng đó là cách giải nghĩa đúng cho một phân đoạn cụ thể.
Nếu vẫn bị cám dỗ thì đừng suy diễn một phúng dụ nào đó chỉ vì bạn thấy khó chịu khi đọc một phân đoạn theo nghĩa đen, hoặc phân đoạn đó đưa ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức hay thách thức bạn. Và hãy đảm bảo rằng mình không bị thôi thúc tìm đến phúng dụ chỉ vì lười giải kinh hoặc phân đoạn đó dường như không có nghĩa nào khác. Hãy cứ tìm kiếm lẽ thật.
Hãy luôn đối chiếu cách giải nghĩa của bạn với những học giả được công nhận và không thỏa hiệp với những ý nghĩ viển vông, đồng thời cũng đừng tin vào mọi thứ mà bạn đọc từ họ!
Tác giả bài viết, David E. Reid là người phụ trách mảng quan hệ công chúng của Liên hiệp Báp-tít Alabama, Hoa Kỳ. Ông là cựu biên tập viên tôn giáo cho tờ The Birmingham News và là một cựu mục sư.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.preaching.com/articles/the-problem-with-allegory-in-preaching/?fbclid=IwAR0hbqoFTE31yzzyGOUoV14QKQaweasxxsB7tIjvYgqTUCK0yq4kjv9Ut8k, truy cập ngày 03/08/2021
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!