Các bước chuẩn bị bài giảng – Bước 8: 9 Bí Quyết Truyền Đạt Bài Giảng Hiệu Quả
Giangluankinhthanh.net – Tuần trước, chúng ta đã cùng khám phá tầm quan trọng của bước truyền đạt trong quá trình chuẩn bị bài giảng. Bài viết hôm nay của Brandon Hilgerman, tác giả cuốn Giảng dạy và Truyền Đạt (Preach and Deliever) sẽ nêu một số bí quyết thực tế giúp người giảng đạo truyền đạt sao cho hay và hiệu quả.
Giảng đạo hiệu quả không chỉ là bạn nói gì, mà còn nói như thế nào.
Quá nhiều bài giảng thất bại không phải vì nội dung dở, mà vì truyền đạt dở.
Dù có kinh nghiệm đến đâu thì bạn cũng đừng bao giờ ngưng học hỏi. Hãy luôn là một học viên của nghệ thuật truyền đạt bài giảng vì luôn có những điểm cần cải thiện.
Dưới đây là chín bí quyết từ cuốn Giảng Dạy Và Truyền Đạt mà các mục sư có thể tham khảo.
1. Mở đầu cho ấn tượng
Những từ đầu tiên phát ra từ miệng bạn phải thật quyền năng. Chúng cần thúc giục khán giả muốn nghe thêm.
Ông đang nói về cái gì? Sao tôi lại phải quan tâm? Điều này có tác động gì tới tôi? Đây là những câu hỏi mà người nghe muốn biết.
Bạn chỉ có một phút trước khi dân sự bên dưới quyết định xem họ sẽ ngồi nghe bạn giảng hay ngồi nghĩ về tất cả những việc khác cần làm.
Thay vì nhẹ nhàng dẫn dắt vào bài giảng, bạn cần bắt đầu với một tiếng nổ – như đạn ra khỏi nòng súng vậy.
2. Giảng sao, sống vậy
Từ thời khắc mà bạn bước lên bục giảng, mọi người sẽ để ý đến đời sống bạn. Họ sẽ phán xét mọi điều bạn nói và làm. Cho nên bạn giảng như thế nào thì hãy sống như vậy.
Quá nhiều mục sư sa ngã vì đời sống riêng không tương xứng với đời sống giảng dạy của họ.
Những người giảng đạo đích thực đứng trên sân khấu, phơi bày hết ruột gan và giãi bày nỗi lòng mình với hội chúng. Mọi điều họ nói và làm đều xuất phát từ sâu bên trong họ. Đó không phải là một hành động, mà là chính con người của họ từ sâu bên trong, ngay cả khi không ai nhìn vào.
3. Nhìn vào mắt người nghe
Đôi mắt là công cụ quyền năng của bạn. Khi bạn nhìn vào người nghe, họ sẽ nhìn vào bạn. Điều này khiến sứ điệp trở nên cá nhân. Bạn không chỉ nói xa xôi mà bạn nói với họ.
Khi nhìn vào tất cả mọi người thì bạn sẽ chẳng kết nối với ai. Nhưng khi tập trung vào một người thì bạn sẽ kết nối với mọi người.
Giao tiếp bằng mắt thể hiện sự tương tác, tự tin và tin tưởng. Những người đáng tin cậy sẽ nhìn thẳng vào mắt bạn. Những kẻ dối trá sẽ lảng đi.
4. Giảng với tốc độ và tông giọng đa dạng
Tính đa dạng thu hút sự chú ý của chúng ta. Những thứ đều đều như tiếng suối chảy róc rách sẽ ru chúng ta ngủ mất.
Đừng ngại lên giọng khi phấn khích, tạo hiệu ứng âm thanh khi kể chuyện, thì thầm trong khoảnh khắc xúc động, hoặc đứng lặng trong vài giây.
Giống như ngôn ngữ hình thể của bạn, tông giọng thay đổi sẽ thu hút sự quan tâm của người nghe.
Người ta cần không gian để suy nghĩ, và sự đa dạng khiến họ chú ý. Thật thảm họa khi một sứ điệp tuyệt vời được giảng với giọng đều đều.
5. Nói một cách đơn giản
Đừng làm người ta cảm thấy mình phải tra từ điển hoặc có bằng thần học thì mới hiểu được những gì bạn nói.
Hãy nói thật đơn giản.
Hãy dùng ngôn ngữ mà họ hay dùng, để tin mừng được giảng ra cách rõ ràng cho mọi người đều nghe.
6. Mời gọi sự tương tác
Nếu muốn có sự tương tác thì bạn phải đề nghị.
Nếu muốn người nghe tương tác hơn thì bạn phải bắt đầu từ những bài giảng tuyệt vời. Nhưng sau đó, bạn phải cho phép dân sự tương tác với sứ điệp của mình và khuyến khích họ làm như vậy.
Hãy đặt câu hỏi. Hãy khuyến khích người ta đáp lại. Hãy bảo dân sự đứng, ngồi, giơ tay lên hoặc tạo ra tiếng động. Hãy dùng những hình ảnh, video và minh họa. Hãy thêm vài câu nói vui. Hãy kể chuyện.
Hãy để dân sự không chỉ dùng đôi tai để nghe giảng, mà còn dùng đôi mắt, tấm lòng, đôi tay và trí tưởng tượng của họ.
7. Trăm nghe không bằng một thấy
Đừng chỉ bảo tôi cần làm gì. Hãy cho tôi thấy.
• Đừng chỉ bảo tôi làm một người cha tốt hơn mà hãy minh họa cho tôi biết phải làm thế nào.
• Đừng chỉ bảo tôi đọc Kinh thánh mà hãy dạy cho tôi biết cách đọc.
• Đừng chỉ bảo tôi cầu nguyện nhiều hơn mà hãy kể một câu chuyện để truyền cảm hứng cho tôi hành động.
Đừng để phần áp dụng của bạn chỉ là một câu ra lệnh cho người ta phải làm gì. Hãy đi sâu hơn nữa và cho họ những ví dụ minh họa.
8. Tranh luận với chính mình
Sau khi đưa ra một luận điểm, hãy tranh luận với chính mình. Hãy tự hỏi bản thân một câu mà vài số người ngồi dưới có thể nghĩ đến.
• “Ôi dào, ông cũng có tin vào cái đó lắm đâu, đúng không?”
• “Không thể nào như vậy được!”
• “Nhưng nếu…thì sao?”
Hãy phản biện những yếu tố gây tranh cãi trong bài giảng của mình trước khi những người hoài nghi làm như vậy. Từ đó, bạn có thể đưa ra một lời đáp trả hợp lý khi họ có ý nghĩ phản đối.
9. Kết thúc thật mạnh mẽ
Có hai lý do thường khiến cho những phần kết luận trở nên yếu ớt: Người giảng đạo hết giờ và phải kết thúc đột ngột, hoặc anh ta lười không viết ra phần kết luận mạnh mẽ, chỉ nói lòng vòng cho tới khi bài giảng dừng lại.
Người giảng đạo kết thúc đột ngột hoặc lười viết kết luận sẽ chẳng bao giờ có được phần kết luận hay, anh ta phải có chủ đích với nó. Nó phải tóm tắt được điểm chính yếu và khiến người ta nhớ mãi.
Giống như búa đóng đinh, bạn cần hướng vào trọng tâm cho tới khi điều đó lưu lại trong tâm trí người nghe.
Hãy tóm tắt bài giảng của mình, nêu ra viễn cảnh cho tương lai tươi đẹp, thách thức người nghe hành động, và kết thúc với một khẳng định đáng nhớ.
Tác giả bài viết, Brandon Hilgeman đang trong hành trình mười năm dùi mài trong lĩnh vực giảng đạo. Trong thời gian này, ông đã làm việc tại các hội thánh lớn nhỏ khác nhau, từ hội thánh mới được thiết lập cho tới các hội thánh lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất tại Hoa Kỳ. Brandon ghi lại những suy nghĩ và tư tưởng của mình trong hành trình này tại ProPreacher.com.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: http://www.propreacher.com/9-things-pastors-need-know-sermon-delivery/ truy cập ngày 25/07/2021
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!